Ông Biden đã duy trì quan điểm thân thiện với Trung Quốc. Nhưng việc Bắc Kinh có đường lối cứng rắn, ông Biden không còn lựa chọn ngoài thay đổi lập trường, tờ Nikkei bình luận.
01.
Chuyến công du 9 năm trước
Sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tuần trước, nhà hàng Yaoji Chaogan ở Bắc Kinh lại nổi tiếng trở lại.
Quán ăn lâu đời, nằm trong một khu phố cổ kính của thủ đô Trung Quốc, phục vụ chaogan, một món ăn bình dân cho người Bắc Kinh được chế biến bằng cách hầm gan và ruột lợn.
Cách đây 9 năm, Joe Biden, khi đó là phó tổng thống của Tổng thống Barack Obama, đã đến ăn trưa cùng cháu gái Naomi.
Ông Biden vừa có cuộc gặp với Phó Chủ tịch Trung Quốc lúc bấy giờ là Tập Cận Bình. Hình ảnh tươi cười của ông Biden đã được đăng trên các trang báo Trung Quốc ngày hôm sau, thể hiện sự ấm áp và thân thiện trong chuyến công du 6 ngày vào mùa hè năm 2011.
Chính quyền Tổng thống Obama đã sắp xếp một chuyến công du dài ngày bất thường tới Trung Quốc để Biden có thể xây dựng một mối quan hệ cá nhân sâu sắc với ông Tập.
Cả hai nhà lãnh đạo đã dành nhiều giờ trao đổi cùng nhau trong chuyến đi đó và cả các chuyến viếng thăm sau này, nhưng quá khứ này không đảm bảo những cải thiện trong tương lai trong quan hệ Mỹ-Trung.
02.
Nồng ấm trong quan hệ
Trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, nhiều nhà phân tích Trung Quốc đã dự báo rằng bất kể người chiến thắng là ai, cựu Phó Tổng thống Biden hay Tổng thống Donald Trump, mối quan hệ căng thẳng Mỹ – Trung sẽ tiếp tục. Câu hỏi quan trọng là Chủ tịch Tập nhìn nhận nó như thế nào?
“Ông ấy biết rõ về Biden”, một nguồn tin Trung Quốc am hiểu về quan hệ với Mỹ cho biết. “Họ đã đi công du cùng nhau cách đây 9 năm nên ông Tập có lẽ hiểu ông Biden là người như thế nào. Ít nhất thì ông ấy không khó đoán như Trump”, nguồn tin này nói thêm.
Trong chuyến công du 6 ngày đến Trung Quốc vào tháng 8/2011, ông Biden đã ở lại Bắc Kinh 3 ngày, bao gồm cả các cuộc hội đàm với ông Tập. Ông cũng đã đến thăm Thành Đô, thủ phủ của tỉnh Tứ Xuyên ở tây nam Trung Quốc.
Trong phần lớn chuyến đi của mình, ông Biden được đón tiếp bởi người đồng cấp lúc bấy giờ là ông Tập.
Nhà ngoại giao kỳ cựu Thôi Thiên Khải cũng có mặt trong chuyến đi. Ông Thôi lúc đó đang giữ chức Thứ trưởng ngoại giao. Hai năm sau, ông Thôi đến Washington với tư cách đại sứ Trung Quốc tại Mỹ.
Trong chuyến công du Trung Quốc của Biden, ông và ông Tập đã có nhiều thời gian trao đổi, hội đàm ở Bắc Kinh và Tứ Xuyên, và cùng dùng bữa. Có lẽ không phải là bạn thân, nhưng họ có lẽ đã hiểu tính cách của nhau ở một mức độ nào đó.
Trong chuyến đi đó, có cả con dâu ông Biden là Kathleen Biden và cháu gái Naomi Biden.
Trong bài phát biểu của mình tại Đại học Tứ Xuyên ở Thành Đô, ông Biden giới thiệu cháu gái Naomi đã học tiếng Trung được 5 năm, trong khi con dâu ông đã học tiếng Quan Thoại tại Harvard và dành một năm ở Bắc Kinh để trau dồi kỹ năng ngôn ngữ và cuối cùng làm việc tại Bộ Tài chính Mỹ về quan hệ Mỹ-Trung.
Chuyến đi đã giúp duy trì mối quan hệ tốt đẹp giữa Mỹ và Trung Quốc trong những năm sau đó.
Vào tháng 2/2012, nửa năm sau khi Biden thăm Trung Quốc, ông Tập đã đến Mỹ.
Trong một cuộc gặp vào ngày Lễ tình nhân tại Nhà Trắng, Biden đã đưa ông Tập đến Phòng Bầu dục để chào xã giao, nơi Tổng thống Barack Obama đã ngồi cùng với nhà lãnh đạo Trung Quốc trong 85 phút.
Sau đó Biden tháp tùng ông Tập đến Los Angeles. Một thỏa thuận được công bố ở đó, cho phép nhiều phim Hollywood vào Trung Quốc hơn mỗi năm, được coi là minh chứng cho sự hợp tác giữa Mỹ và Trung Quốc.
03.
“Món quà” bất ngờ khiến Mỹ thay đổi thái độ
Tuy nhiên, mối quan hệ với người kế nhiệm Obama, Trump, hóa ra trở nên phức tạp hơn.
Ông Tập có một kỷ niệm cay đắng về cuộc gặp đầu tiên với ông Trump. Vào tháng 4/2017, khi tiếp đón ông Tập tại dinh thự Mar-a-Lago của mình, Trump đã ra lệnh tấn công tên lửa vào Syria
Các cháu gái của ông Trump, Arabella và Joseph, đã hát bài hát dân gian nổi tiếng của Trung Quốc “Mo Li Hua (Hoa nhài)” trong buổi tiếp.
Nhưng ngay lúc đó, chính quyền Trump đã quyết định phóng tên lửa, mặc dù biết rằng Trung Quốc phản đối cuộc tấn công của Mỹ. Chỉ khi bữa tiệc sắp kết thúc, ông Trump mới thông báo cho ông Tập về các cuộc không kích.
Thực tế, có một điều bất ngờ tương tự mà ông Tập đã “tặng” cho Biden vào tháng 12/2013. Năm 2013, sau khi ông Tập trở thành nhà lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc, ông Biden có chuyến thăm khác đến Trung Quốc, lần này đi cùng một cô cháu gái khác, Finnegan, em gái của Naomi.
Ý tưởng là để tạo ra một “tình bạn giữa 2 gia đình”. Nhưng kịch bản đó đã tan thành mây khói khi có tin Trung Quốc đột ngột thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ), ở Biển Hoa Đông, dường như trùng với chuyến thăm của ông Biden.
Khu vực này ảnh hưởng đến việc bảo vệ quần đảo Senkaku do Nhật Bản quản lý, mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền và gọi là Điếu Ngư.
6 tháng trước đó, ông Tập đã có chuyến thăm đầu tiên tới Mỹ với tư cách là nhà lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc.
Trong cuộc hội đàm với Tổng thống Obama tại Palm Springs, California, ông Tập đã đề xuất “quan hệ cường quốc kiểu mới”, trong đó các cường quốc dẫn đầu thế giới hợp tác bình đẳng.
“Thái Bình Dương rộng lớn có đủ không gian cho cả Trung Quốc và Mỹ”, ông Tập nói với Obama, gợi ý rằng các nước có chung hoặc chia sẻ các lợi ích thương mại, kinh tế và an ninh ở Thái Bình Dương.
Tháng 11/2013, bà Susan Rice, cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Obama, đã có một bài phát biểu về chính sách châu Á – Thái Bình Dương, trong đó bày tỏ khả năng chấp nhận khái niệm này.
Bà nói: “Khi nói đến Trung Quốc, chúng tôi đang tìm cách vận hành một mô hình quan hệ các cường quốc mới. Điều đó có nghĩa là quản lý sự cạnh tranh không trong khi tăng cường hợp tác sâu hơn về các vấn đề mà lợi ích của chúng ta song trùng – ở châu Á và xa hơn thế nữa”.
Khi Trung Quốc thiết lập ADIZ ở Biển Hoa Đông, căng thẳng bùng lên.
Điều thú vị là sau cuộc gặp giữa ông Tập và ông Biden vào cuối năm 2013, Mỹ đã ngừng sử dụng thuật ngữ “quan hệ cường quốc”.
Sau đó, ý thức thận trọng tăng lên trong chính quyền Obama, và 3 tháng sau, khi ông Obama hội kiến ông Tập tại The Hague, Hà Lan, nhà lãnh đạo Mỹ không đề cập đến “mối quan hệ cường quốc”.
Ông Biden đã duy trì quan điểm thân thiện với Trung Quốc. Nhưng với việc Bắc Kinh có đường lối cứng rắn, ông Biden không còn lựa chọn nào khác ngoài việc thay đổi lập trường.
Trung Quốc đặt ra mục tiêu bắt kịp và vượt Mỹ về kinh tế vào năm 2035. Một mục tiêu khác là đạt được bước đột phá đáng kể hướng tới ưu thế công nghệ.
Về mặt quân sự, Trung Quốc đã trở nên mạnh hơn. Quan trọng hơn, Bắc Kinh không còn muốn che giấu các tham vọng. Chính quyền Biden sẽ phải đưa ra một kế hoạch.
Theo Tổ Quốc