“Việt Nam là thị trường duy nhất hiện bạn có thể tìm kiếm các cơ hội,” Truong Quang từ công ty luật YKVN nói với Nikkei Asian Review.
Thành tích đáng kinh ngạc
Ngày thứ Sáu tại quán bar Racha Room được thắp sáng bởi những ngọn đèn màu đỏ cam ấm áp ở Thành phố Hồ Chí Minh, những người bạn cùng chào hỏi, ôm hôn nhau khi bước vào quán. Đây dường như là khung cảnh trong tưởng tượng khi đại dịch Covid-19 không bùng phát.
Nhưng cảnh tượng này lại có thật ở Việt Nam.
Trong một năm 2020 khủng hoảng toàn cầu bởi đại dịch Covid-19, Việt Nam đã ghi nhận thành tích đáng kinh ngạc với chỉ 1.539 ca nhiễm và 35 ca tử vong, nằm trong số các quốc gia có số ca lây nhiễm thấp nhất thế giới. Điều này càng trở nên đặc biệt hơn khi Việt Nam có đường biên giới dài hơn 4.000 km với Trung Quốc. Trong bối cảnh đó, mọi hoạt động của nền kinh tế vẫn được duy trì và đưa Việt Nam vào trong số những quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới trong năm 2020.
Bất chấp các cuộc khủng hoảng về y tế và kinh tế ở thế giới bên ngoài, năm 2020, Việt Nam đã kí kết thêm 3 thoả thuận thương mại (EVFTA, RCEP và UKVFTA), thu hút các nhà tập đoàn toàn cầu mà điển hình là các công ty cung ứng của Apple, mở thêm một hãng máy bay, và vươn lên hạng 6 ở khu vực Đông Nam Á về mức thu nhập đầu người.
“Nhớ lại khi đại dịch Covid-19 lần đầu xuất hiện, WTO và nhiều tổ chức khác dự báo thương mại toàn cầu sẽ sụt giảm nghiêm trọng. Do đó, Việt Nam sẽ là một trong những quốc gia phải đối mặt với rủi ro lớn nhất, khi xuất khẩu đóng vai trò là động lực quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế,” ông Don Lam, Tổng giám đốc VinaCapital nói.
“Nhưng thực tế đã cho thấy điều ngược lại. Mức độ mở cửa lớn của Việt Nam đối với thương mại là yếu tố chính góp phần vào tốc độ phục hồi kinh tế nhanh chóng”.
Một ví dụ điển hình là từ xu hướng làm việc và mua sắm từ xa đang nở rộ tại Mỹ và châu Âu đã làm tăng nhu cầu nhập khẩu hàng hoá từ nhiều quốc gia, trong đó có cả từ các nhà xuất khẩu điện tử và đồ gỗ từ Việt Nam. Nhiều công ty sản xuất đã phải chuyển đơn hàng từ các nước lân cận, nơi Covid-19 đã khiến nhiều nhà xưởng phải đóng cửa, sang Việt Nam.
Những hàng ăn và quán bar như Racha Room tiếp tục hoạt động như bình thường, mang lại lợi ích gián tiếp cho những đối tác như TradingFoe, công ty nhập khẩu thực phẩm từ Scandinavia. Vào năm ngoái, công ty đã ghi nhận nhu cầu tăng đột biến đối với hải sản nhập khẩu, giám đốc Marketing TradingFoe Linh Le nói.
“Thật khó tin là trong bối cảnh Covid-19, vẫn có người muốn nhập khẩu với số lượng lớn như vậy”. TradingFoe sau đó đã bắt đầu ghi nhận lợi nhuận từ tháng 8, và đang lên kế hoạch mở rộng hoạt động sang Đông Nam Á và châu Âu.
Lợi ích từ đại dịch
Việt Nam đã đặt song song 2 mục tiêu bảo vệ an toàn cho người dân và duy trì hoạt động kinh tế.
Thực tế cho thấy, việc hạn chế các hoạt động phong toả tại Việt Nam đã góp phần giúp các công ty nội địa phục hồi và chiếm ưu thế so với các đối thủ cạnh tranh từ nước ngoài. Nhiều nhà đầu tư đã lựa chọn Việt Nam như điểm đến lý tưởng để đầu tư, nhờ vào nền kinh tế đang trên đà phục hồi và việc kiểm soát hiệu quả đại dịch. Cùng với đó, chính phủ Việt Nam khẳng định sẽ dành ưu tiên cho các dự án FDI chất lượng cao, đặc biệt là những dự án có bao gồm chuyển giao công nghệ, điều sẽ giúp Việt Nam tiếp tục hội nhập vào các chuỗi giá trị toàn cầu.
Nhờ vào hiệu quả của các nỗ lực chống dịch, Việt Nam đang đứng trước cơ hội phát triển kinh tế lớn nhất trong nhiều thập kỉ trở lại đây. Trong năm 2020, Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng GDP vào khoảng 2,9%, trong khi chính phủ đặc mục tiêu kinh tế sẽ hồi phục ở mức 6,5% trong năm 2021.
“Việt Nam là thị trường duy nhất hiện bạn có thể tìm kiếm các cơ hội,” Truong Quang từ công ty luật YKVN nói.
Với tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, Việt Nam hiện đã vượt Philippin về mức GDP đầu người, dựa trên báo cáo của IMF. Về quy mô nền kinh tế, GDP của Việt Nam hiện đã vượt Singapore và Malaysia trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 Đông Nam Á.
Cơ hội thay đổi
Covid-19 dự báo sẽ mang lại những thay đổi mang tính dài hạn cho Việt Nam, thay vì chỉ thúc đẩy xuất khẩu. Tuyên bố của nhà chức trách khẳng định năng lực chống dịch của Việt Nam có thể khiến các nhà đầu tư yên tâm đầu tư và kinh doanh lâu dài.
Hiện khi mối đe doạ từ Covid-19 đã giảm, Việt Nam đang chuyển hướng tập trung sang phát triển kinh tế.
Trong kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm tiếp theo, Việt Nam đặt công nghệ và khoa học vào trọng tâm trong tham vọng trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2025. Cùng với đó, Việt Nam đang trở thành điểm đến của hàng loạt các dự án đầu tư lớn trong năm 2020, từ Pegatron, công ty cung ứng cho Apple và Samsung, tới LG, tập đoàn hiện đang phụ thuộc vào Việt Nam đối với mảng sản xuất điện thoại thông minh và ô tô.
Công ty Xelex có trụ sở ở TP Hồ Chí Minh hiện hoạt động trong lĩnh vực thiết kế và sản xuất thiết bị công nghiệp. Đồng sáng lập Nguyễn Ái Hữu cho biết hợp đồng mới nhất của công ty là sản xuất thiết bị phát điện cho một khách hàng ở Mỹ, nơi Xelex có văn phòng ở Houston, Texas do anh trai Hữu vận hành. Khách hàng sau đó sẽ cung ứng các thiết bị này cho những trung tâm dữ liệu của Amazon và IBM.
Hữu cho biết anh sẽ sớm đăng ký bản quyền sản phẩm ở Mỹ và sau đó đưa sản phẩm ra thị trường Việt Nam. “Hiện chúng tôi là đã có thể cung ứng sản phẩm cho khách hàng ở Mỹ, vốn rất khó tính. Sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng ra ở Việt Nam, và sau đó là thị trường thế giới”.
Nếu Đài Loan và Hàn Quốc có thể trở thành các quốc gia quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, thì “tại sao Việt Nam không thể?”, Hữu nói.
Qualcomm, công ty cung ứng chip điện thoại lớn nhất thế giới, đang thúc đẩy quá trình chuyển hướng hoạt động tại Việt Nam, Vào tháng 6, công ty đã mở phòng nghiên cứu và phát triển sản phẩm (R&D) tại Hà Nội, đây sẽ là trung tâm lớn thứ hai của Qalcomm tại Đông Nam Á, sau Singapore.
Vào nửa đầu 2020, Việt Nam đã thúc đẩy tiến độ triển khai nhiều dự án quy mô lớn. Bên cạnh lợi ích ngắn hạn trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, điều này rõ ràng sẽ mang lại những lợi ích lâu dài khi thu hút các nhà đầu tư.
Một trong những bài học lớn từ quá trình chống dịch của Việt Nam đến từ sự minh bạch trong truyền tải thông tin. Chính phủ thường xuyên cập nhật các thông tin về nỗ lực chống dịch, hay các thông tin di chuyển và hoạt động của các ca nhiễm Covid-19.
“Tôi tin bài học từ thành công của Việt Nam đến từ sự minh bạch, trách nhiệm và phối hợp của cộng đồng, điều sẽ giúp chính phủ tiếp tục đối phó thành công các cuộc khủng hoảng trong tương lai”, bà Caitlin Wiesen, đại diện UNDP tại Việt Nam nhấn mạnh.
Vy Lê, đồng sáng lập Do Ventures, cho rằng Việt Nam cần tận dụng thời điểm này để tiếp tục phát triển. Việc phong toả, dù chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, đã thay đổi cách hành xử của người tiêu dùng và thúc đẩy thương mại điện tử, thanh toán số, Vy Lê nói. Trong khi đó, việc dỡ bỏ phong toả sẽ khiến người dân quay trở lại nhà máy, văn phòng hay các cửa hàng dịch vụ. Cả 2 điều này đều mang đến những cơ hội lớn.
“Việt Nam có lợi thế bởi chúng ta có thể tự do đi lại trên phố và gặp gỡ các đối tác, đây là cơ hội để Việt Nam tiến lên phía trước,” cô nhấn mạnh.
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị