TPP được coi như di sản thời ông Obama, chỉ khác là không có sự tham gia của Mỹ. Và trớ trêu thay, Trung Quốc hiện xem TPP như giải pháp để bảo vệ các lợi ích của mình.
Quan hệ Mỹ – Trung hòa dịu chỉ là quá khứ
Hồi giữa tháng 11, cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã đưa ra những phân tích về sự thay đổi trong môi trường chính trị Trung Quốc.
“Hệ thống chính trị trước đây của Trung Quốc, cho phép sự tranh luận, cởi mở và những khác biệt”, ông Clinton trả lời trên Bloomberg.
Theo đó, ông Clinton cho rằng, chính các chính sách cứng rắn dưới thời ông Tập Cận Bình – chứ không phải ông Trump – mới là nguyên nhân gây tác động tiêu cực tới mối quan hệ Mỹ – Trung.
Đáng nói rằng, trong nhiều năm Clinton luôn coi Bắc Kinh như “một người bạn cũ” và hiểu rõ Trung Quốc.
Vào tháng 6/1998 khi ông Giang Trạch Dân còn đang nắm quyền, ông Clinton đã có chuyến thăm đầu tiên tới Trung Quốc với tư cách là Tổng thống Mỹ sau sự kiện Thiên An Môn. Đáng ngạc nhiên hơn, ông Clinton đã có bài phát biểu tại Đại học Peking và được truyền hình trực tiếp. Đó là sự cởi mở mà ông Clinton nói đến.
Trong chuyến đi 6 ngày này, ông Clinton đã thẳng thắn đề cập đến “3 không” khi nói về vấn đề Đài Loan. Đó là Mỹ không ủng hộ Đài Loan độc lập, không ủng hộ bất cứ giải pháp nào để tạo lập “2 Trung Quốc”, và không ủng hộ Đài Loan tham gia vào các tổ chức quốc tế như Liên Hiệp Quốc.
Đây là một thắng lợi quan trọng đối với Bắc Kinh khi chính Tổng thống Mỹ phát biểu như vậy, nhưng đó là những gì đã xảy ra trong quá khứ.
Cũng trong thảo luận trên Bloomberg, ông Clinton khuyên ông Biden nên hợp tác với các đồng minh của Mỹ và các tổ chức quốc tế trong mối quan hệ với Trung Quốc.
Sự “mỉa mai” với Mỹ
Theo ông Clinton, Mỹ có thể tạo lợi thế trong quá trình đàm phán với Trung Quốc bằng cách hợp tác với những đối tác như châu Âu và những quốc gia châu Áu là thành viên của CPTPP (trước đây là TPP).
Điều thú vị là có vẻ như Trung Quốc đang nghe theo lời khuyên của ông Clinton. Trong bài phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh APEC trực tuyến ngày 20/11, ông Tập nói rằng Trung Quốc “sẽ nghiêm túc cân nhắc” tham gia CPTPP.
Trong khi tiền thân của CPTPP – TPP vốn được thiết lập với mục đích làm đối trọng với Trung Quốc. Với những tiêu chuẩn được xem là quá cao đối với Trung Quốc, mục đích của thoả thuận này là hoặc buộc Trung Quốc phải cải tổ để có thể tham gia, hoặc tạo một nhóm làm đối trọng với Trung Quốc.
Khi ông Tập đến thăm Mỹ vào tháng 6/2013, nhà lãnh đạo Trung Quốc đã đưa ra một đề xuất đối với ông Obama nhằm đối phó với TPP.
“Khu vực Thái Bình Dương đủ lớn đối với cả Mỹ và Trung Quốc”, ông Tập nói, đồng thời đề nghị Mỹ chia sẻ các lợi ích về kinh tế và thương mại trong “mối quan hệ kiểu mới giữa các cường quốc”.
Tuy nhiên, ông Obama khi đó đã từ chối đề xuất mô hình G-2 của ông Tập.
Vào năm 2017, ông Trump đã rút Mỹ khỏi TPP, qua đó giúp giảm sức ép lên Trung quốc. Gần đây, cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung đã thay đổi quan điểm của Bắc Kinh về TPP. Khi cuộc chiến thương mại đã leo thang thành cuộc chiến về công nghệ, và có thể tới đây là về các chuỗi cung ứng, Trung Quốc đã tính tới việc phải tìm các đối tác thương mại mới.
Tại cuộc họp báo ngày 28/5 sau khi kết thúc phiên họp của Đại hội đại biểu Nhân dân Trung Quốc, Thủ tướng Lý Khắc Cường nói rằng Trung Quốc duy trì “quan điểm mở và tích cực” về việc tham gia TPP.
Trong bước đi đầu tiên, Trung Quốc vào tháng này đã cùng với 14 quốc gia kí kết hiệp định thương mại RCEP với những điều khoản nới lỏng hơn.
Nếu gia nhập TPP, rõ ràng Trung Quốc sẽ cần phải thực hiện những thay đổi lớn, bao gồm xoá bỏ trợ cấp cho các công ty quốc doanh. Tuy nhiên, có vẻ như nước này đã sẵn sàng để thay đổi trong bối cảnh hiện tại, tờ Nikkei Asian Review bình luận.
Trung Quốc biết rằng họ có quãng thời gian để thích ứng, nhất là khi chính quyền mới của ông Biden sẽ khó có thể sớm đưa Mỹ quay lại TPP, và điều này cần sự phê chuẩn từ thượng viện Mỹ với đa số là Nghị sĩ Đảng Cộng hoà.
“Mối quan hệ cường quốc kiểu mới” do ông Tập đề xuất đã không trở thành hiện thực, nhưng TPP vẫn còn đó như một di sản từ thời ông Obama, chỉ khác biệt là không có sự tham gia của Mỹ. Và trớ trêu thay, Trung Quốc hiện xem TPP như giải pháp để bảo vệ các lợi ích của họ.
Cuộc cạnh tranh kéo dài 7 năm giữa Mỹ và Trung Quốc xoay quanh các lợi ích về kinh tế và thương mại ở khu vực “Thái Bình Dương rộng lớn” vẫn còn tiếp diễn.
Sau khi đã củng cố quyền lực trong nước, ông Tập sẽ thúc đẩy việc Trung Quốc gia nhập TPP, từng được coi là liên minh chống Trung, nhằm tìm lại lợi thế đã mất trong việc giành tầm ảnh hưởng ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Theo Tổ Quốc