Có rất nhiều người cao tuổi lo lắng về vấn đề dưỡng lão của mình, sợ rằng cả đời đã trải qua biết bao sóng to gió lớn và khi về già vẫn phải đối diện với tương lai vô định.
Người lớn tuổi có thể sợ con cháu không hiếu thuận, bản thân không đủ tiền để dùng, liệu mình có mắc phải những căn bệnh nan y hay không?… Tất cả các loại lo lắng đó đều chỉ vì một mục đích, chính là dưỡng lão. Sống cả đời, cái gì cũng có kinh nghiệm, duy nhất chỉ có chuyện này là vẫn còn mới mẻ, cho nên khó tránh được việc người già thường âu lo.
Nhiều người quan niệm rằng bản thân sẽ phó mặc cho số phận định đoạt. Nhưng thực ra, cuộc sống khi về già của bạn có hạnh phúc hay không, phần lớn đều là do chính bạn tự định đoạt lấy.
Dưới đây là đúc kết của một bảo mẫu đã dành hàng chục năm chuyên chăm sóc cho người già đăng tải trên Toutiao (MXH Trung Quốc). Theo quan sát của cô, hầu hết những người lớn tuổi có cuộc sống khó khăn đều có 3 đặc điểm này. Nếu có trúng 1 trong 3 điều này thì nên cố gắng loại bỏ càng sớm càng tốt nhé!
- Quá nuông chiều con cái
Ngày nay, chúng ta có lẽ đã quen với những kiến thức giáo dục con cái đúng cách, rằng ta không nên quá nuông chiều, mọi thứ đều nên có chừng mực. Thế nhưng, xã hội ngoài kia vẫn còn rất nhiều gia đình vẫn chưa nhận ra được sai lầm này. Họ nghĩ việc nuông chiều con cái có nghĩa là tốt cho chúng và thương chúng. Thế nhưng họ lại không biết rằng bản chất của con người chính là giống như câu “một nắm gạo khi đói thì thành ơn, một đấu gạo khi no thì thành oán”.
Nếu bạn giúp ai đó một ít, họ sẽ có ấn tượng tốt với bạn. Nhưng nếu bạn giúp một ai đó quá nhiều, thời gian dài, họ sẽ nghĩ điều đó là hiển nhiên. Do đó, những ai có thói quen nuông chiều con cái quá mức, khi về già đa phần đều không có kết quả tốt.
Tôi thấy rất nhiều cô chú xung quanh mình, tất cả đều khoảng độ tuổi 50, 60. Họ luôn thay con cái làm hết mọi việc, an bày sẵn mọi thứ. Thậm chí còn lấy tiền lương của mình chia nhỏ ra để phát cho các con. Nhưng cuối cùng, họ lại không nhận được tình yêu và sự tôn trọng của con cái. Ngay cả sự chăm sóc cơ bản của con cái dành cho cha mẹ cũng không có. Vô cùng lạnh nhạt.
Cho nên, có thể thấy rằng tiền không thể đổi lấy tình yêu và sự quan tâm. Ngược lại, nó đổi lấy sự vô tâm và bất hiếu của con cháu. Lời khuyên chân thành, nếu người cao tuổi muốn đoạn đường về sau được sống yên bình hạnh phúc, thì họ không nên nuông chiều con cái quá mức.
- Người không biết chăm sóc sức khỏe của mình
Thực tế hiện nay, mọi người đa phần đều quá tập trung vào công việc sự nghiệp mà bỏ quên bản thân mình. Họ bỏ lơ sức khỏe của chính họ cho đến khi cơ thể này báo động bằng cách lâm bệnh. Khi họ bắt gặp những ánh đèn chói mắt trên giường bệnh thì mới chợt phát giác ra.
Nhưng nhận thức chỉ được một lúc. Sau khi khỏi bệnh, có lẽ con người ta lại quên bẵng ngay và tiếp tục với cuộc sống vội vã của mình. Vì thế mới nói, chăm sóc sức khỏe của mình, nghe thì đơn giản, nhưng dường như chẳng có mấy người làm được.
Thế nhưng, cuộc sống về già có được hạnh phúc hay không có liên quan rất chặt chẽ đến việc bạn có biết chăm sóc tốt bản thân hay không. Hãy thử nghĩ xem, một người lớn tuổi không thể tự do di chuyển, cữ động khó khăn, mỗi ngày đều phải đối mặt với thuốc thang và ra vào bệnh viện thì liệu có vui vẻ hay không? Cuộc sống như thế có chất lượng hay không?
Làm việc gì cũng phải nhờ đến người thân. Khi đó chúng ta sẽ cảm thấy mình vô dụng. Đánh mất hết tất cả tôn nghiêm, tinh thần chắc chắn cũng sẽ không được tốt.
Lấy một ví dụ:
Tôi có một người họ hàng đã trên 50 tuổi, ông ấy phát hiện bản thân bị bệnh tiểu đường, tăng huyết áp. Nhưng ông vẫn không để tâm chút nào, ăn uống không hề kiêng cữ. Muốn ăn lúc nào thì ăn, cái gì cũng có thể cho vào miệng, miễn là ông ấy thích. Thậm chí còn không uống thuốc đúng giờ.
Cuối cùng, tuổi chỉ mới trung niên mà đã bị liệt. Mọi người nghĩ có đáng tiếc hay không?
Do đó mà việc chăm sóc tốt sức khỏe của bản thân nên được xem trọng càng sớm càng tốt. Không nên ăn uống bừa bãi, thiếu dinh dưỡng và không điều độ. Đối với việc đi khám sức khỏe định kỳ và dùng thuốc mỗi khi bệnh cũng nên thực hiện nghiêm túc hơn.
- Người không giữ được tài sản của mình
Nếu người cao tuổi không có khả năng giữ được tiền của họ, thì cuộc sống về sau sẽ rất vất vả. Ví dụ như có rất nhiều người già thường đưa sổ tiết kiệm của mình cho con cái “giữ hộ”, bản thân sống tằn tiện qua ngày. Hoặc một số trường hợp khác chính là nghe lời khuyên của người khác, tiêu hết số tiền tiết kiệm của mình,… Những người như thế, cuộc sống khi về già nhất định sẽ rất mỏi mệt.
Tôi có quen biết một người dì trên 60 tuổi, vốn là một người khá giả. Nhưng do quá tin tưởng người khác, nên đã bị họ lừa tiền, đầu tư vào một dự án ma. Cuối cùng, dì ấy mất trắng. Ở tuổi 60 đã không thể kiếm ra tiền, lại còn mất tất cả số tiền dành dụm. Đúng là thảm hơn chữ “thảm”.
Cho nên mới nói, khi người ta về già, đôi mắt phải càng tinh tường hơn. Đừng tùy tiện để lộ tiền tài của bản thân, càng đừng nên quá tin người. Nếu không, sau này ngay cả tiền dưỡng lão bạn cũng không còn.
Diệu Đan-Theo PNS