Đó là chiếc bánh làm bằng mì nguyên cám, men tự nhiên, trộn với hạt và có thời gian sử dụng tới 3 tháng dù không dùng chất bảo quản.
Ngày hôm đó của tôi là một ngày tồi tệ, áp lực công việc, các mối quan hệ khiến đầu óc muốn nổ tung. Về đến nhà thì bạn gọi sang lấy đồ, cô ấy order cho tôi một chiếc bánh mì làm bằng men tự nhiên trên Facebook.
Chiếc bánh mì thơm nức được bọc bằng giấy gói rất cẩn thận, được trang trí bằng một lát cam sấy khô, một thanh quế, và một tag ghi nắn nót bằng tay: “Have a nice day”. Tôi đã tự nhủ, “Ah, đến chiếc bánh mì cũng biết troll”. Nhưng quả thực, lời nhắn bé bé xinh xinh đó đã cứu vớt tôi một ngày tồi tệ.
Cuối năm, báo Trí thức trẻ thực hiện chùm đề tài về khởi nghiệp, từ khóa được nhắc đến nhiều nhất của năm 2019. Cuộc cách mạng 4.0 ào đến đã khiến cả nước hừng hực khí thế làm giàu, với ước vọng trở thành kỳ lân. Sự bùng nổ của công nghệ và mạng xã hội đã xoay chuyển toàn cục thói quen tiêu dùng của người dân, và khiến cho các startup Việt có rất nhiều đất diễn.
Bài viết này cũng viết về startup, nhưng chị tự nhận mình là “lifestyle startup”, mang câu chuyện của mình để truyền cảm hứng cho người khác, và tạo ra những thứ tốt cho sức khỏe. Tôi đã kết nối được chủ nhân chiếc bánh mì ở trên, nhờ một cái tag trên Facebook. Một người bạn của tôi mua bánh và cảm thấy “wow” như được nhận một món quà.
Chiếc bánh mì “làm thay đổi cuộc đời”
Quỳnh Sourdough, chị lấy tên của loại men chua tự nhiên Sourdough làm tên hiệu bánh tại gia như một lời tri ân đến dòng bánh đã thay đổi cuộc đời mình. Sinh ra trong một gia đình bố làm trong ngành tòa án, chị mang theo kỳ vọng của bố mẹ khi thi đậu vào trường đại học Luật Hà Nội và sau đó là chứng chỉ luật sư. Nhưng có lẽ là nghề chọn người. Cô gái mảnh khảnh này không hợp với công việc văn phòng, lại càng không hợp với nghề luật sư khô khan.
Trải qua rất nhiều nghề, từ xuất nhập khẩu, hành chính nhân sự, truyền thông, Quỳnh quyết định sẽ “nghỉ hưu” sớm để thỏa niềm đam mê với bếp bánh.
“Mình bắt đầu là một kẻ rong chơi sau chuỗi ngày được giải phóng khỏi các áp lực công việc, những buổi họp kéo dài, quy trình, deadlines… Lúc đó, mình chưa xác định sẽ làm gì, chỉ đơn giản là cần thời gian nghỉ ngơi cân bằng cuộc sống. Mình đi du lịch, thăm thú bạn bè, làm vườn và hơn tất cả tình yêu bếp đã dẫn dắt mình đến với bánh mì Sourdough”.
Thời gian đầu chị Quỳnh chỉ làm cho gia đình và tặng bạn bè nhưng sau đó mọi người động viên chị đã quyết định kinh doanh dòng bánh này khi còn đang khá mới mẻ ở Việt Nam.
Men vĩnh cửu, hay gọi là men tự nhiên ra đời trước khi loài người phát hiện ra kim loại và phổ biến ở các nước Phương Tây. Những năm gần đây khi xu hướng sống khỏe, eat clean khiến mọi người chấp nhận cái mới dễ dàng hơn.
Trong thời đại fastfood tràn lan, đa phần bánh mì sẽ được ủ bằng men công nghiệp, mất khoảng 40 phút, có loại bánh ủ khoảng 4 tiếng. Tuy nhiên với chiếc bánh mì Sourdough, người làm bánh sẽ nuôi men trong 14 ngày, sau khi trộn với bột và nước, bột sẽ được nhào thủ công bằng tay và được ủ từ 16-18 giờ trước khi mang đi nướng.
Quá trình lên men trong thời gian dài làm phá vỡ các liên kết cacbon hydrat giúp điều hòa hợp lý lượng đường trong máu. Men tự nhiên cũng chứa nhiều lợi khuẩn giúp tiêu hóa trước tinh bột nên khi vào hệ tiêu hóa được hấp thụ dễ dàng hơn. Một chiếc bánh mì thường có hạn sử dụng 3 ngày, nhưng với một chiếc bánh mì men tự nhiên, nếu bảo quản trong ngăn đá có thể để được 3 tháng, rã đông và nướng lại vẫn ngon như những ngày đầu vì chứa axit axetic tự nhiên chống lại sự phát triển của nấm mốc.
Và đó là lý do chiếc bánh mì Sourdough có giá tới 200.000 đồng/chiếc – cao gấp rất nhiều lần bánh mì thông thường.
“Mình đã suy nghĩ rất nhiều để định giá sản phẩm của mình, đúng là giá của nó khá cao so với thị trường chung hay so với các loại bánh mì bạn có thể mua dễ dàng ngoài đường phố. Đây là dòng bánh tốt cho sức khỏe. Mọi thứ đều được làm thủ công, nguyên liệu được lựa chọn kỹ càng, mỗi chiếc bánh được cá biệt hóa mang tính cá nhân rất cao: chua ít hay nhiều, mặn hay nhạt, nhiều hạt hay ít hạt, bánh chắc hay xốp, trang trí riêng theo mỗi câu chuyện và nguồn cảm hứng khác nhau.
Mình muốn khi đến tay khách hàng, chiếc bánh giống như một món quà và họ cảm thấy chỉ dành riêng cho họ mà thôi. Tất nhiên để được khách hàng đón nhận phải thuyết phục họ bằng chất lượng bên trong của chiếc bánh, nhưng mình thấy khách hàng đã có những phản hồi rất tích cực”.
Với cùng một hũ men, cùng một công thức nhưng dưới bàn tay của người thợ, mỗi chiếc bánh mì sẽ ra một vị khác nhau phụ thuộc vào nhiệt độ, độ ẩm và thời tiết. Tự nhận mình là một người “chậm chạp”, chị Quỳnh cho rằng vì tính mình không bon chen được bén duyên với bánh mì Sourdough cũng “chậm chạp” y như vậy.
“Đã có những cơ hội gõ cửa, những lời mời hợp tác để mở rộng công việc kinh doanh, nhưng mình vẫn muốn là một kẻ chậm rãi, vừa làm vừa yêu. Mình muốn kể câu chuyện của mình trong mỗi ổ bánh được trao gửi đến tay khách hàng. Đó là tình yêu bếp bánh, là câu chuyện truyền cảm hứng đối với cuộc sống về nghề nội trợ, của những người “nghỉ hưu non”… nhưng vẫn có thể tìm kiếm những công việc phù hợp khi bạn có đam mê với một điều gì đó, nỗ lực không ngừng và luôn khám phá bản thân mình”
Niềm tin từ cuốn sách về bánh mì Sourdough
Tự nhận bản thân là một người khá may mắn vì có chồng “chống lưng”, chị Quỳnh chia sẻ mình không bị áp lực nhiều về mặt kinh tế nên khi đến với dòng bánh này khá thoải mái.
“Khởi nghiệp đôi khi không phải là một con đường chỉ để kiếm tiền mà còn là con đường bạn tìm cách giải quyết vấn đề nào đó của chính bản thân bạn, của ai đó đang gặp phải. Việc đến với ổ bánh mì Sourdough đã cải thiện rất nhiều sức khỏe của bản thân tôi, của bạn bè tôi và may mắn câu chuyện được mọi người đã đồng cảm và xã hội đã trả công cho tôi vì điều đó”, chị Quỳnh tâm sự.
Chồng chị Quỳnh làm trong ngành công nghệ thông tin, và anh ủng hộ vợ 200% đối với công việc kinh doanh online của vợ. Anh giúp vợ xây dựng một “hệ thống ERP” trên Google Sheets quản lý toàn bộ chuỗi công việc từ đơn hàng, khách hàng, kho, sản xuất,… đến các báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh trực quan, online như bất cứ một “doanh nghiệp” thực thụ nào.
“Người ta nghĩ rằng hạnh phúc là phải giàu có nhà cao cửa rộng thu nhập tốt. Nhà mình không phải công thức như thế, thu nhập của nhà mình ở mức trung bình trong xã hội. Tuy nhiên, mình luôn luôn tận dụng từng phút giây ở bên người thân của mình, hưởng thụ cuộc sống để không phí hoài. Riêng việc hưởng thụ mình lại ‘sống gấp’ hơn bánh mì Sourdough. Và vì thế mình làm gì gia đình cũng đều ở bên ủng hộ tuyệt đối, chỉ cần mình thấy vui”, chị Quỳnh cười.
Khi bán hàng được 1 năm, chị Quỳnh nhận được lời đề nghị viết sách về dòng bánh mì tốt cho sức khỏe. Chị đã đi rất nhiều nơi, ăn rất nhiều loại bánh mì, tích lũy kinh nghiệm của bản thân trong 1 năm và chỉ viết bản thảo trong đúng 1 tháng. Cuốn sách nói về hành trình đến với men tự nhiên, hướng dẫn việc nuôi men và các công thức bánh mì Sourdough.
Nghĩ rằng mình là một người không tên tuổi và dòng bánh mì này còn khá mới, ban đầu chị chỉ sợ nhà xuất bản khi phát hành sách sẽ bị lỗ. Tuy nhiên đợt đầu 1.000 cuốn bán hết veo, nhà xuất bản tái bản lần 1 hơn 500 cuốn cũng đã bán hết. Và đó cũng là tín hiệu giúp Quỳnh Sourdough tin tưởng hơn vào hành trình sắp tới với những chiếc bánh mì 200.000 đồng của mình.
Theo Trí Thức Trẻ