Loại thông tin số 2, mặc dù nghe có vẻ là loại thông tin chứa nhiều chất xám, nhưng thực chất là loại thông tin không khiến đời bạn nhúc nhích lên được.
Gần đây tôi mới gặp lại cậu bạn cũ sau nhiều năm không gặp. Đây là một trong những cậu bạn có đầu óc thông minh và sáng dạ nhất trong số bạn bè cùng chơi. Không phải bởi tôi chỉ chơi cùng đám bạn học dốt, là bởi trong mắt tôi cậu ta thực sự có tố chất.
Nhưng giờ trước mặt là một gã trông già hơn tôi chục tuổi, bên cạnh một chiếc ô tô hạng A gắn mào với bộ đồng phục taxi. Mặc dù luôn chiêm nghiệm rằng “Mọi thứ trên đời này đều có thể xảy ra” nhưng tôi cũng ngạc nhiên không ít.
Nhưng định thần lại một chút, tôi thấy chẳng có gì bất ngờ cả. Bởi cậu bạn này có thói quen rất xấu liên quan đến cách lựa chọn thông tin mà tôi muốn chia sẻ trong bài viết này.
Loại thông tin dễ nuốt nhất nhưng khiến bạn thụt lùi
Thành công KHÔNG LIÊN QUAN đến việc đầu óc bạn nhanh nhạy hay sáng suốt thế nào. Nó liên quan nhiều đến loại thông tin mà bạn cập nhật vào đầu hàng ngày.
Với loại thông tin dễ nuốt nhất nhưng khiến bạn thụt lùi, tôi xin chỉ mặt đích danh luôn đó là thông tin giải trí. Đây là loại thông tin cấp thấp nhất và sẽ chỉ khiến cuộc sống của bạn bị thụt lùi.
Thực sự thì một ngày học/làm 8 tiếng là bạn cũng đã rất mệt mỏi rồi nên sẽ muốn tìm thứ gì đó giải trí. Những thông tin giải trí như vậy ai cũng xem cả thế nên đừng nghĩ tôi ngoại lệ. Tôi cũng xem Tiktok, 9gag, hay TV show để giải trí thường xuyên. Có điều bởi vì biết đây là loại thông tin chỉ khiến mình thụt lùi thế nên tôi DÀNH RẤT ÍT THỜI GIAN CHO NÓ.
Theo quan điểm của tôi, bạn chỉ nên dành khoảng 20% cho loại thông tin này. Chứ nếu dành nhiều thời gian cho nó quá, tôi sẽ không có gì ngạc nhiên khi cuộc sống của bạn sẽ thụt lùi, bết bát, và thua kém nhiều so với bạn bè đồng trang lứa.
Loại thông tin dễ nuốt nhưng khiến đời bạn không nhúc nhích
Loại thông tin số 2 cũng dễ nuốt như thông tin giải trí. Mặc dù nghe có vẻ là loại thông tin chứa nhiều chất xám, nhưng thực chất là loại thông tin không khiến đời bạn nhúc nhích lên được.
Tôi đang nói tới thông tin dạng tin tức. Chẳng hạn tin tức xã hội, thời tiết, chính trị, văn hóa. Hay khá hơn một chút là thông tin review, so sánh, giá cả. Người làm ra những loại thông tin này đầu rất có chất xám, nhưng nó không đồng nghĩa với việc chất xám cũng được lan tỏa tới người xem.
Bởi thông tin dạng tin tức là những thông tin rất bề mặt, dễ nhớ nhưng dễ quên, nghe có vẻ nhiều thông tin nhưng thực chất toàn là thông tin để quên chứ không phải thông tin để nhớ.
Bạn có bao giờ nghĩ giá của một chiếc điện thoại sẽ đứng yên một chỗ như bài viết thông tin?
Bạn có bao giờ giữ quan điểm review của người thứ 1 sau khi bạn xem xong review của người số 2, 3.
Bạn có nhớ được dung lượng pin của một chiếc iPhone Xs sau khi iPhone 11, rồi 11 pro và 11 pro max ra mắt?
Thông tin dạng tin tức là loại thông tin tưởng như quan trọng nhưng thực tế thì nó chỉ quan trọng tức thì. Ví dụ thời tiết hiện tại bao nhiêu độ, giá vàng bao nhiêu tiền, hiện tại điện thoại nào chụp ảnh đẹp, v.v…
Vậy nên trong một ngày bạn chỉ nên dành ra 30% thời gian cho loại thông tin này. Nó dễ nuốt, không khiến bạn thụt lùi nhưng cũng chẳng khiến đời bạn nhúc nhích được.
Loại thông tin khó nuốt nhất nhưng khiến đời bạn khởi sắc
Đến đây có lẽ bạn cũng lờ mờ đoán ra được loại thông tin còn lại rồi đúng không. Nó là loại khó nuốt nhất, nhưng nếu nuốt được thì nó lại khiến đời bạn khởi sắc.
Đó là thông tin giáo dục. Hay hiểu nôm na là những loại thông tin khiến đầu óc bạn được giáo dục. Giúp bạn học được kỹ năng hay hiểu biết gì đó mới. Là những loại thông tin bạn thấy ở trong sách, blog chuyên sâu, các kênh Youtube dạng hướng dẫn, hay mạng xã hội hỏi đáp Quora, v.v…
Thông tin dạng này đương nhiên khó nuốt, bởi nó mang tính triết lý và khoa học. Ngoài ra bạn cũng phải căng đầu và tập trung hơn khi xem/đọc. Chứ không phải thông tin giải trí bật ra để đấy, hay tin tức nghe câu được câu không cũng chả sao.
Mặc dù khó nuốt, nhưng đây là thông tin khiến bạn tiến bộ. Làm nội dung giáo dục bao nhiêu năm, bạn biết lời khen mà tôi hay nhận được nhất là gì không? “Trời ơi, nội dung hay như này mà không ai quan tâm là sao?”
Chẳng mấy ai quan tâm đâu, bởi họ còn đang bận giải trí và cập nhật tin tức. Chỉ có số ít là quan tâm tới việc trau dồi bản thân, học gì đó mới, hay trở thành gã tốt hơn ngày hôm qua.
Nhưng đó là cách thế giới này vận hành các bạn ạ. 80% kinh tế thế giới do 20% số người vận hành. Còn 80% người lao động còn lại chỉ kiếm được số tiền 20% ít ỏi thôi. Số đông là những người không đọc sách mà chỉ tìm thời gian giải trí và cập nhật tin tức. Một khi xã hội chuyển động, họ đương nhiên sẽ bị thụt lùi hoặc không bắt được nhịp. Bởi trong đầu họ chỉ có giải trí và tin nóng chứ không có kỹ năng hay hiểu biết gì nhiều.
Và đó là 3 loại thông tin. Riêng với thông tin giáo dục số 3 bạn nên dành ít nhất 50% thời gian trong ngày cho nó. Đọc sách, tham gia hội thảo, mua chương trình để giúp bạn giỏi hơn trong một lĩnh vực nào đó. Cũng nên suy nghĩ tới việc lọc lại kênh của mình, hãy dành ra 50% chỗ trống để theo dõi người đọc sách. Trong khi số còn lại thì chia đều ra để giải trí và cập nhật tin tức cho đỡ ghiền.
Teo Lai H. – Trí thức trẻ