Bạn có những ước mơ, khát vọng trên con đường khởi nghiệp và làm giàu, thay vì theo con đường công chức nhà nước để “yên ổn” như mong muốn của phụ huynh. Nhưng thực tế, với mỗi người, khởi nghiệp gọi vốn là câu chuyện đường dài.
Làm thế nào có tiền để bắt đầu việc kinh doanh? Đó là câu hỏi mà bất kỳ startup nào cũng gặp phải khi bắt đầu khởi nghiệp. Không ai có thể chờ đợi cho tới khi bạn có một ý tưởng hấp dẫn để đầu tư và ý tưởng mới có thể bắt đầu từ những hoạt động hàng ngày như việc mua xe, nhà hay từ những sản phẩm tiêu dùng khác.
Dĩ nhiên, mỗi lựa chọn đều có những thuận lợi và bất lợi riêng và vì vậy, sẽ có những thứ không sẵn có hoặc không thật sự hấp dẫn cho bạn. Chẳng hạn, các nhà đầu tư chuyên nghiệp đặt ưu tiên rất lớn vào kinh nghiệm trước đây trong việc xây dựng doanh nghiệp và họ mong muốn sở hữu một phần cổ phần của doanh nghiệp và muốn kiểm soát dòng tiền mà họ đầu tư. Điều này hầu như gây khó dễ cho tất cả các doanh nghiệp mới kinh doanh lần đầu, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản.
Do đó, để thuyết phục một nhà đầu tư kỳ cựu chấp nhận thử thách, đồng hành cùng ý tưởng của các startup sẽ rất khó, nó luôn hàm chứa yếu tố căng thẳng và đầy thử thách, mà không phải ai cũng có thể vượt qua được.
Bản chất câu chuyện gọi vốn luôn mất rất nhiều quỹ thời gian của nhà sáng lập, vì thế, trong cả trăm, thậm chí cả nghìn thương vụ, có thể chỉ có một hoặc không thương vụ nào thành công do những nhà sáng lập không ưu tiên xác định được khoảng thời gian hợp lý để chuẩn bị gọi vốn.
Chính việc không cân đối thời gian chuẩn bị các bước cho việc gọi vốn, trong tâm thế cần vốn, các thành viên trẻ tuổi của các dự án khởi nghiệp dễ bị mất bình tĩnh trước những câu hỏi vặn vẹo của các nhà đầu tư về kế hoạch tài chính mà quên rằng, dự án của mình cũng là một nguồn sinh lợi cho họ.
Kết quả để lại, không những điều hay ho nhất của ý tưởng khởi nghiệp không được lưu tâm, mà người gọi vốn còn dễ rơi vào tình trạng chán chường do bị các nhà đầu tư “cáo già” chỉ ra quá nhiều nhược điểm của dự án, khiến họ bỏ cuộc trong các đợt gọi vốn tiếp theo.
Vậy làm thế nào để gọi được vốn là câu hỏi mà mỗi người khởi nghiệp trong lĩnh vực bất động sản trăn trở. Rất nhiều dự án cho thấy rằng, nếu đó là một dự án tiềm năng, việc rót vốn đầu tư, dù chỉ với số tiền nhỏ, cũng có khả năng đem lại khoản lợi lớn cho nhà đầu tư sau này và nhà đầu tư thiên thần nào cũng hiểu điều đó.
Tuy nhiên, để họ hoàn toàn tin tưởng với kế hoạch đó, thì hơn cả, họ cần nhìn nhận những nhà sáng lập xem có thực sự phù hợp với tiềm năng của dự án đó hay không. Khi đã đồng ý rót vốn, cũng có nghĩa nhà đầu tư chịu chia sẻ rủi ro với người sáng lập, nên họ sẽ rất cân nhắc tới vai trò của nhà sáng lập, bao gồm cả ý tưởng và định hướng cùng chiến lược phát triển, nâng tầm ý tưởng đó đến mức độ nào.
Mặc dù trong lĩnh vực bất động sản, hoạt động khởi nghiệp có tính chất đặc thù và không mơ hồ như các lĩnh vực khác. Nhưng nếu rót vốn cho các dự án khởi nghiệp trong lĩnh vực này, thì đây lại là lĩnh vực dễ mất vốn nhất từ nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm cả chủ quan và khách quan.
Nhiều startup, đặc biệt trong mảng công nghệ, đã trở thành những bài học sáng giá cho cộng đồng startup Việt Nam trong một vài năm gần đây vì những lần gọi vốn triệu đô thành công, vì sự phát triển mạnh mẽ không chỉ ở Việt Nam mà còn tấn công và khát khao thống lĩnh thị trường các nước trong khu vực.
Tuy nhiên, nếu chỉ trông chờ vào việc đi gọi vốn khi làm kinh doanh thì khả năng thành công thường không cao. Làm “ông chủ” doanh nghiệp không chỉ có tư duy bán hàng tốt, mà còn phải trang bị nhiều kỹ năng lãnh đạo khác, chẳng hạn như tầm nhìn và mục tiêu phát triển phải được thực hiện hóa một cách cụ thể và rõ ràng…
Trong thời gian gần đây, Crowdfunding là một cụm từ được nhắc tới nhiều. Không phải là một khái niệm mới trên thế giới, mà nó đã tồn tại từ hơn 10 năm nay. Hiểu ngắn gọn, Crowdfunding là hình thức tài trợ cho một dự án hoặc liên doanh bằng cách tăng cường sự đóng góp tiền từ một số lượng lớn người dân, thường thông qua internet.
Trong đó, 3 nhân tố tạo nên mô hình này là: Người khởi xướng dự án và/hoặc dự án được tài trợ; các cá nhân hoặc nhóm người ủng hộ ý tưởng này; và một “môi trường” (platform) mang các bên đến với nhau để khởi động ý tưởng. Không chừa một lĩnh vực nào, miễn là dự án có tính khả thi và được cộng đồng đón nhận!
Thông thường sẽ có nhiều gói ủng hộ. Ví dụ với startup là một sản phẩm vật lý, người dùng ủng hộ ở từng mức độ sẽ được sở hữu sản phẩm với mức giá ưu đãi khi hoàn thành, thậm chí tặng miễn phí và nhận được phiên bản đặc biệt của sản phẩm nếu mức ủng hộ cao.
Toàn bộ số tiền được ủng hộ sẽ chuyển về chủ sở hữu của website crowdfuding, khi gây quỹ thành công, số tiền sẽ được chuyển cho chủ dự án để thực hiện. Trong trường hợp gọi vốn không thành công, số tiền ủng hộ sẽ được chuyển trả lại cho nhà đầu tư cá nhân.
Vì vậy, có thể nói, crowdfunding không chỉ dành cho những người thiếu vốn mà nó còn là một phương pháp marketing hiệu quả. Như chúng ta đã biết, trong marketing thì word of mouth (marketing truyền miệng) là cách thức hữu hiệu nhất để đem lại lợi thế cạnh tranh.
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới tháng 10/2013, crowdfunding đã trở thành ngành công nghiệp tỷ đô. Trong thời gian tới tiềm năng của thị trường toàn cầu có thể đạt đến 96 tỷ USD và riêng khu vực Đông Nam Á là 8 tỷ USD. Trước sự phát triển như vậy của thị trường và các nước nhưng tại sao ở Việt Nam vẫn còn rất nhiều người chưa biết đến khái niệm crowdfunding là gì. Có lẽ không phải riêng Việt Nam, mà đó còn là tình hình chung của các quốc gia Đông Nam Á.
Điều đầu tiên khiến crowdfunding chưa phát triển là do có quá nhiều trang web mở ra làm phân tán sự chú ý cũng như quan tâm của dư luận. Điều thứ hai chính là khác biệt về văn hóa giữa phương Tây và phương Đông, bởi lẽ cách nhìn về thất bại khác biệt khiến crowdfunding chưa thể là nơi mọi người sẵn sàng đưa lên ý tưởng của mình và gọi vốn.
Dẫu vậy, với sự phát triển của Internet, mọi người giao tiếp với nhau trên mạng nhiều hơn, nắm bắt thông tin nhanh hơn và xa hơn, Crowdfunding sẽ là chìa khóa cho nền kinh tế Việt Nam để khơi thông mọi nguồn lực giúp tạo ra giá trị mới, hữu ích, đồng thời cũng tạo ra nhiều việc làm cho nền kinh tế.
Trịnh Nguyên Tuấn Anh (ĐTCK)