Người thành công, mục tiêu không đổi, phương pháp luôn thay đổi; kẻ thất bại, phương pháp cố định, mục tiêu luôn thay đổi. Vì vậy, về mặt nắm bắt và xác định mục tiêu, hãy học hỏi ong mật, nhưng về sự linh hoạt trong phương án hành động, hãy học hỏi những con ruồi.
01
Vào thế kỉ trước, có một nhà khoa học làm một thí nghiệm như này:
Ông đặt một chiếc bình thủy tinh rỗng ở bệ cửa sổ, sau đó ông cho một con ong vào trong chiếc bình này, chú ong bắt đầu trò chơi “có ánh sáng, nhưng không thấy đường ra”, vẫy cánh loạn xị đòi thoát ra khỏi chiếc bình.
Khi mới vào chiếc bình, đáng lẽ ra chú ong có lối thoát, chính là miệng bình. Nhưng vì chú ong bay theo hướng có ánh sáng, trong khi đáy bình lại được đặt hướng về phía cửa sổ, vì vậy mà chú ong cứ bay theo hướng có ánh sáng, cứ bay, bất chấp tất cả bay, dần dần chú đuối sức và chết trong chiếc bình.
Sau đó, nhà khoa học bắt vài con ruồi cho vào chiếc bình thủy tinh, ruồi không giống với ong, nó không bay về phía ánh sáng. Nó cứ bay linh tinh trong lọ thủy tinh, đụng chỗ nọ đụng chỗ kia, rồi đụng trúng miệng lọ, một lát là đã có thể thoát ra.
Ruồi, loài vật không có cảm giác về phương hướng lại tìm được đường ra, trong khi, ong, loài vật có cảm giác mạnh mẽ về phương hướng lại chết thảm trên cái phương hướng đó của nó.
Thực ra, đây là một vấn đề mà chúng ta thường gặp phải trong quá trình lặp lại nhận thức, hay đặc biệt là trong quá trình khởi nghiệp: một logic hành động hiệu quả nhất định bị lỗi do thay đổi hoàn cảnh.
Nói cách khác, một kiểu nhận thức nào đó đã được hình thành trước đó và đã được chứng minh là đúng qua vô số lần trong thực tế đã khiến cho nhận thức theo thói quen này bị thất bại do những thay đổi của môi trường. Tệ hơn nữa, cho dù bạn có nhận thức được sự thay đổi của môi trường này hay không, bạn cũng khó có thể thực hiện các điều chỉnh đối với nhận thức và cách hành động vốn có của mình, để rồi nhận thức trong quá khứ của bạn trở thành một lời nguyền cho tương lai.
Hay nói theo một cách khác nữa, thì đây chính là “khủng hoảng tuổi trung niên”.
Chúng ta ai khi còn trẻ cũng đều giống như con ruồi, va vập linh tinh, giai đoạn này tất nhiên cũng sẽ phạm phải rất nhiều sai lầm, nhưng nghé con thì nào có sợ hổ, tuổi trẻ là để phạm sai lầm mà phải không!
02
Điểm này có thể được thể hiện rõ ràng qua kì vọng về các nhân vật trong “Tây Du Kí”.
Khi bạn hỏi các bé trai rằng, trong 4 thầy trò Đường Tăng, bé muốn trở thành ai, đáp án nhận được thống nhất, tất cả đều nói rằng muốn trở thành người có khả năng cân đẩu vân, sở hữu 72 phép thần thông như Tôn Ngộ Không; không ai muốn trở thành Trư Bát Giới vừa ngốc nghếch vừa béo phì lại lười biếng. Dù có hỏi các bé gái, các bé cũng muốn bạn trai sau này của mình giống Tôn Ngộ Không, có thể cưỡi mây tới đón mình.
Nhưng sau khi trưởng thành, còn lại rất ít người kì vọng mình trở thành Tôn Ngộ Không, bởi lẽ Tôn ngộ Không luôn hấp tấp, bộp chộp, lúc nào cũng thích ra mặt, lãnh đạo không thích, lại không biết tán gái, chẳng nói chẳng rằng, cứ đánh đã rồi tính tiếp.
Ngược lại, Trư Bát Giới lại trở thành hình mẫu mà nhiều người yêu thích, giả ngốc, sẽ được lòng phái nữ, bất kể có gặp phải chuyện gì, cũng phải ăn cho no ngủ cho tốt, đối xử tốt với bản thân trước đã.
Nếu không được thì làm Sa Tăng cũng được, thật thà chăm chỉ, lãnh đạo thích, đồng nghiệp mến, một người đàn ông vô cùng đáng tin cậy.
Tất nhiên, có thể làm Đường Tăng là tốt nhất rồi. Cán bộ lão thành, được đại Boss tín nhiệm, tiền đồ rộng mở. Đẹp trai lại không đào hoa, lương thiện tử tế, bạch mã hoàng tử phiên bản Trung Quốc.
Từ một Tôn Ngộ Không bốc đồng, không sợ trời không sợ đất, cho tới những Trư Bát Giới, Sa Tăng hay Đường Tăng, nó cũng chính là quá trình biến đổi từ một con ruồi thể hiện cá tính, dám xông pha khi một mình thành một con ong chăm chỉ nghe theo chỉ huy khi hòa nhập vào với tập thể. Quá trình “lột xác” này bao hàm sự trưởng thành, cũng bao hàm cả sự “thoái hóa”, chây ì và cả lười biếng.
Nhà văn nổi tiếng người áo, Stefan Zweig nói: “Mỗi một món quà mà vận mệnh ban cho, đều sớm đã âm thầm được định giá.”
Bất cứ một thanh âm hạnh phúc nào cũng đều là một lời nguyền, khi bạn may mắn tìm ra được logic hành động có hiệu quả, đồng thời có thể dễ dàng đạt được mục tiêu ban đầu mà mình đề ra, bạn sẽ vô tình hình thành cho mình sự phụ thuộc, ỷ lại.
Kết quả của kiểu phụ thuộc này chính là “sự máy móc bất lực”, đó là khi bạn ở trong vùng an toàn quá lâu, bạn làm việc theo một quy trình y hệt như một cái máy, từ chối nâng cao, phát triển bản thân.
Bạn cứ đi theo, cứ đắm chìm trong đó, giống như chú ong không ngừng cắm đầu về phía có ánh sáng, kết quả là chết chìm trong sự thuần thục vô năng của chính mình.
Chuyên gia hàng đầu về quản trị, Peter Ferdinand Drucker nói: “Thất bại lớn nhất trên thế giới, chính là dùng hiệu suất cao nhất đi làm việc vô ích nhất.”
Cá nhân tôi cho rằng nên bổ sung thêm đó là: “Bi thương lớn nhất của cuộc đời chính là dùng hiệu suất cao nhất, đi làm việc vô ích nhất, và thậm chí chính bản thân còn chẳng biết điều đó.”
Đối mặt với tình huống “vô thức” này, chúng ta nên làm thế nào?
Ngoài thuyết tương đối, Einstein còn đưa ra một lý thuyết khoa học nổi tiếng – lưỡng tính sóng hạt của ánh sáng.
Lý thuyết này chứng minh rằng ánh sáng vừa là sóng vừa là hạt. Nói cách khác, ánh sáng vừa có đặc tính của sóng vừa có đặc tính của hạt.
Điều mà mọi người cần chú ý là vật lý là môn học cơ bản nhất, lý thuyết bao quát và phổ quát. Có thể nói, những lý thuyết cơ bản của vật lý có thể áp dụng cho nhiều hiện tượng ngoài vật lý.
Chẳng hạn như khi rơi vào “tình huống con ong”, chúng ta có thể vận dụng lý thuyết lưỡng tính sóng hạt này để hóa giải.
Nói cách khác, trong quá trình này, chúng ta cần có cả đặc tính của ong và của ruồi, nghĩa là bạn vừa cần phải có một phương hướng rõ ràng, vừa phải biết linh hoạt ứng biến.
Người thành công, mục tiêu không đổi, phương pháp luôn thay đổi; kẻ thất bại, phương pháp cố định, mục tiêu luôn thay đổi.
Vì vậy, về mặt nắm bắt và xác định mục tiêu, hãy học hỏi ong mật, nhưng về sự linh hoạt trong phương án hành động, hãy học hỏi những con ruồi. Và biểu hiện điển hình nhất của nó chính là “nguyên tắc đầu tiên”.
04
Hơn 2000 năm trước, Aristotle đã phát biểu “nguyên tắc đầu tiên” như sau: “Trong quá trình khám phá mọi hệ thống, luôn tồn tại của nguyên tắc đầu tiên, nó là mệnh đề hay giả thuyết cơ bản nhất, không thể bỏ qua hoặc xóa bỏ, cũng không được vi phạm.”
Nguyên tắc đầu tiên là cách giúp chúng ta nhìn thấu thực chất đằng sau những bề ngoài phức tạp, hay cũng có thể hiểu là quá trình lọc, giữ lại và khử nhiễu thông tin giữa muôn vàn tín hiệu che chắn, và từ đó, giải quyết vấn đề từ cội nguồn.
Có một câu chuyện nổi tiếng liên quan tới nguyên tắc đầu tiên, đó là làm thế nào để loại bỏ các hộp xà phòng rỗng trên dây chuyền sản xuất.
Một công ty hóa chất lớn trong nước đã mua được một dây chuyền sản xuất xà phòng của nước ngoài. Dây chuyền sản xuất này có thể tự động hoàn thiện xà phòng từ việc bổ sung nguyên liệu thô đến đóng gói và đóng hộp.
Tuy nhiên, một tai nạn đã xảy ra và bộ phận bán hàng báo cáo rằng một số hộp xà phòng là rỗng. Kết quả, công ty đã ngay lập tức dừng dây chuyền sản xuất và liên hệ với nhà sản xuất dây chuyền, và được biết rằng tình huống này là không thể tránh khỏi trong thiết kế.
Công ty yêu cầu các kỹ sư giải quyết vấn đề này. Vì vậy, một nhóm với một vài tiến sĩ làm nòng cốt và một tá nghiên cứu sinh làm trụ cột đã được thành lập với một loạt kiến thức liên quan đến quang học, nhận dạng hình ảnh, điều khiển tự động hóa, thiết kế cơ khí….
Sau khi chi hàng triệu đô la, các kỹ sư đã lắp đặt một bộ màn hình có độ phân giải tia X cao vào dây chuyền sản xuất. Khi màn hình nhận diện các hộp trống thông qua tia X, một cánh tay robot sẽ tự động loại bỏ các hộp trống đó khỏi dây chuyền sản xuất.
Cùng lúc đó, một công ty tư nhân nhỏ hơn cũng gặp phải tình huống tương tự, ông chủ yêu cầu các nhân viên phải giải quyết vấn đề, nếu không họ sẽ bị đuổi việc. Vậy là, một nhân viên đi tìm một chiếc quạt điện, đặt trước dây chuyền sản xuất, phía đầu bên kia đặt một chiếc rổ. Các hộp chứa xà phòng sẽ đi qua được chiếc quạt, chỉ có những hộp rỗng sẽ bị quạt thổi bay, rơi xuống rổ. Vấn đề như vậy đã được giải quyết.
Mặc dù có người hoài nghi câu chuyện này chỉ là bịa đặt, nhưng nó cũng cho chúng ta thấy được sự khác biệt trong tư duy giữa việc ỷ lại vào lối mòn và nguyên tắc đầu tiên.
Có thể nói Elon Musk ở Thung lũng Silicon là một hình mẫu về tư duy và khởi nghiệp sử dụng những nguyên tắc đầu tiên.
Năm 2002, Musk nghĩ đến việc nhập cư trên sao Hỏa, nhưng trước hết anh cần một tên lửa. Lúc đầu, Musk nghĩ đến việc mua một tên lửa trước, sau đó sẽ tự cải tạo nó, như vậy sẽ đơn giản hơn nhiều.
Sau khi thăm các nhà sản xuất hàng không trên thế giới, Musk nhận thấy chi phí mua một phương tiện phóng lên tới 65 triệu đô la Mỹ. Vì cái giá phải trả quá đắt, Musk bắt đầu suy nghĩ lại về vấn đề này.
Musk cho biết trong một cuộc phỏng vấn: “Tôi thích nhìn thế giới từ góc độ vật lý hơn. Vật lý đã dạy tôi sử dụng tư duy “nguyên tắc thứ nhất” để lập luận, thay vì suy nghĩ loại suy. “Nguyên tắc đầu tiên” ở đây rốt cuộc là gì: Tên lửa được làm bằng gì? Hợp kim nhôm cấp hàng không vũ trụ, cộng với một số titan, đồng và sợi carbon. Tôi đã tự hỏi mình, những vật liệu này trên thị trường có giá bao nhiêu? Kết quả là, những chi phí cho nguyên liệu chế tạo tên lửa chỉ bằng khoảng 2% giá thành tên lửa”.
Kết quả là, Musk quyết định thành lập công ty của riêng mình, thay vì chi hàng chục triệu đô la cho một tên lửa đã được chế tạo sẵn, anh cũng có thể mua nguyên liệu thô giá rẻ và chế tạo tên lửa của riêng mình. Và công ty SpaceX cứ thế ra đời.
Trong một vài năm, SpaceX đã giảm chi phí phóng tên lửa xuống còn 1/10 so với ban đầu bằng cách phát triển tên lửa tái chế, nhận ra khả năng vận hành thương mại quy mô lớn của phương tiện phóng.
Musk cũng có một quy trình tương tự khi làm Tesla, nếu muốn chế tạo một loại pin cho phép xe chạy 500 km thì chi phí quá cao. Vào thời điểm đó, giá của pin lưu trữ năng lượng là 600 đô la Mỹ cho mỗi kilowatt giờ, và giá của pin 85 kilowatt sẽ vượt quá 50.000 đô la Mỹ. Đây dường như là một ngưỡng không thể vượt qua.
Nhưng Musk đã tìm ra giải pháp. Nhiều người có thể không biết rằng pin của Tesla là pin lithium 18650 mà chúng ta thường sử dụng, những viên pin này trên tay giống như những viên pin khô thông thường. Pin của Tesla được cấu tạo bởi những loại pin này. Tên của pin 18650 nghe có vẻ rất bí ẩn nhưng thực ra cách tháo lắp rất đơn giản, viên pin này có đường kính 18 mm và dài 65 mm, 0 có nghĩa là hình tròn.
Bất kể là trong phát triển cá nhân hay phát triển cả một công ty, cũng đều sẽ gặp phải những “nút thắt cổ chai” hay thời kì “chững lại” khác nhau, nhưng cái gọi là thời kỳ “nút thắt cổ chai” này có thể chỉ là ảo tưởng, về bản chất, nó đang cảnh báo với bạn rằng chính tính ì của bạn khiến bạn luôn muốn sử dụng cùng một phương pháp để giải quyết các vấn đề khác nhau, và nếu bạn còn tiếp tục làm như vậy, bạn chỉ có thể chết khi đang cố vùng vẫy thoát ra cái cổ chai bé nhỏ ấy.
Trên thực tế, có nhiều điều tưởng như khó, nhưng chỉ cần các yếu tố quan trọng được phát hiện thông qua phân tích và rút gọn thì bài toán có thể có được bước ngoặt, đáp án cũng theo đó mà dần dần hiện ra trước mắt.
Nhớ rằng, bất kể làm gì, đừng chỉ chọn làm con ong hay con ruồi, kết hợp đặc tính của chúng lại, rồi bạn sẽ tìm ra phương án giải quyết vấn đề tốt nhất dành cho mình.
Như Nguyễn–Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị