Trong ‘Tam Quốc diễn nghĩa’ có xuất hiện 3 vị cao nhân, đó là: thần chiêm bốc Quản Lộ, thần y Hoa Đà, ẩn sĩ Lâu Khuê, mỗi một cái tên đều rất tỏa sáng. Dưới những danh tiếng huy hoàng, còn đan xen cả những câu chuyện huyền thoại mang màu sắc thần kỳ rất thú vị…
1. Thần chiêm bốc Quản Lộ (209-256)
Quản Lộ là một thuật sĩ nổi tiếng của nước Ngụy trong thời kỳ Tam Quốc. Khi Quản Lộ tám – chín tuổi, những đứa trẻ của gia đình khác vẫn đang lo chơi đùa, thì ông đã bắt đầu nghiên cứu môn thiên văn cực kỳ khó học. Đặc biệt, ông rất thích ngẩng đầu lên trời quan sát những vì sao vào ban đêm. Kể cả là trong lúc đang chơi đùa với các bạn nhỏ, Quản Lộ cũng thường hay vẽ những hình ảnh thiên văn học trên mặt đất mà những đứa trẻ cùng tuổi ông hoàn toàn không hiểu đó là gì. Tinh tượng khó hiểu, những hình ảnh giống như mật mã, đều là hình ảnh sinh động và thú vị trong mắt ông. Sau khi Quản Lộ trưởng thành, ông tinh thông “Chu Dịch”, rất giỏi chiêm bốc, xem tướng, còn hiểu được tiếng chim. Quản Lộ bốc quẻ, xem tướng số cho người khác, mỗi một tiên đoán đều chính xác, thật sự là xuất thần nhập hóa.
Trong “Tam Quốc diễn nghĩa”, ông được gọi là “Thần chiêm bốc Quản Lộ”. Tả Từ dùng huyễn thuật trêu chọc Tào Tháo, biến hóa ra ba bốn trăm Tả Từ có khuôn mặt giống hệt nhau. Tào Tháo chém đầu những người này trước mặt mọi người, không ngờ rằng, có một luồng khí màu xanh bốc lên từ trong khoang họng của những người này, bay lên không trung, tụ tập tại một điểm, lại hóa thành một Tả Từ.
Tào Tháo ra lệnh cho các tướng lĩnh của mình bắn tên lên bầu trời, thì đột nhiên một trận cuồng phong nổi lên, ngay lập tức đất đá bay loạn xạ. Những xác chết mới bị chém chết lúc nãy đột nhiên nhảy hết lên từ trong trận cuồng phong, xếp thành hàng ngay ngắn như một đạo quân cương thi. Mỗi một xác chết cầm lấy một cái đầu (những xác chết này đều bị chặt đứt đầu nên toàn là xác chết không đầu), xông thẳng về đại sảnh đánh Tào Tháo. Quan văn và võ tướng đều bị dọa sợ đến ngất xỉu. Một lúc sau, khi trận cuồng phong dừng lại, những xác chết đó đều biến mất.
Thông qua lời tiến cử của thái sử thừa Hứa Chi, Tào Tháo cho gọi Quản Lộ đến gặp mặt. Quản Lộ nghe xong những hiện tượng lạ trong quân, nói rằng: “Đó là huyễn thuật, cần gì phải kinh hoàng?”, Tào Tháo ra lệnh cho Quản Lộ xem tướng cho văn võ bá quan, Quản Lộ trả lời rằng: “Đều là thần tử trị thế”.
Tào Tháo kêu Quản Lộ chiêm bốc chuyện trong thiên hạ. Quản Lộ tiên đoán một cách chính xác rằng: Sắp tới, một đại tướng của Đông Ngô sẽ tử vong (Lỗ Túc chết), quân lính Tây Thục xâm phạm biên giới (Trương Phi, Mã Siêu tấn công quan ải). Lúc bấy giờ Tào Tháo không tin, lúc đó đột nhiên có người vào bẩm báo, nói rằng Lỗ Túc chết rồi. Quản Lộ còn tiên tri những chuyện như “phía nam Định Quân, gãy mất một chân” (trận chiến núi Định Quân, Hạ Hầu Uyên tử trận), Hứa Đô bị cháy (Cảnh Kỷ đốt Tào cung), “trong cung Sư Tử, để yên thần vị, vương đạo đổi mới, con cháu cao quý” (tiên tri Tào Tháo không sống được bao lâu, nên lập thần vị – tức bài vị ở vị trí cung Sư Tử thuộc một trong 12 cung hoàng đạo, để sau này con cháu luôn được cao quý, tiên tri con trai Tào Tháo là Tào Phi xưng đế). Tất cả những chuyện này đều ứng nghiệm.
2. Thần y Hoa Đà
Hoa Đà là y thuật gia nổi tiếng của Đông Hán. Ông nghiên cứu y thuật, một lòng muốn cứu nhân độ thế, và không theo đuổi con đường công danh. Y thuật của ông tinh thông ở mức toàn diện, đặc biệt là sở trường phẫu thuật khoa ngoại. Trong nhận định của con người thời hiện đại, Hoa Đà được gọi là “ông tổ của khoa ngoại”. Thuốc gây mê “Ma Phí Tán” do Hoa Đà phát minh có thể dùng để gây mê toàn thân, sau đó tiến hành phẫu thuật. Ông còn dựa vào những động tác của các động vật như hổ, nai, gấu, vượn, chim để sáng tác ra thuật dưỡng sinh “Ngũ Cầm Hý”. Y thuật của Hoa Đà vô cùng tuyệt diệu, thế gian hiếm gặp.
Trong “Tam Quốc diễn nghĩa”, Hoa Đà từng trị thương cho Chu Thái của Đông Ngô, từng cạo xương khử độc cho Quan Vũ tại Kinh Châu. Điều thần kỳ là, trong thời đại không có máy siêu âm để chuẩn đoán, không có máy quét C.T hay máy chụp X quang, Hoa Đà chỉ dùng đôi mắt của mình để chuẩn đoán, mà có thể nhìn thấy được khối u trong não của Tào Tháo.
Tào Tháo xây Kiến Thủy Điện, cần vật liệu tạo ra một cột trụ, để làm cột trụ chính cho cung điện. Thợ giỏi ở Lạc Dương là Tô Việt nói rằng tại đầm Dược Long có một cây lê cao lớn, có thể dùng làm cột trụ. Thế là Tào Tháo phái người đi chặt cây. Nhưng không ai cưa nổi cây lê cao lớn đó. Tào Tháo cảm thấy rất kỳ lạ, ông dẫn theo kỵ binh đích thân đi kiểm tra. Ông rút kiếm ra chặt cây, sau khi quay trở về cung, trong đêm đó bất an khó ngủ. Trong lúc Tào Tháo đang nửa tỉnh nửa mơ, nhìn thấy vị thần quản cây lê cầm bảo kiếm đến chém mình. Tào Tháo kinh hoàng bừng tỉnh, từ đó đau đầu khó chịu, tìm kiếm y sĩ giỏi ở khắp nơi, nhưng không ai có thể chữa khỏi bệnh đau đầu của Tào Tháo.
Hoa Hâm tiến cử thần y Hoa Đà. Tào Tháo từ lâu đã nghe nói Hoa Đà y thuật cao minh, vì thế ngay trong đêm đó liền phái người đi mời Hoa Đà vào cung. Hoa Đà nhìn thấy trong não của Tào Tháo có khối u, đề xuất phương án điều trị, uống Ma Phí Tán trước, sau đó dùng một cây rìu sắc bén bổ đầu, lấy khối u bên trong ra thì mới có thể chữa tận gốc bệnh đau đầu.
Tào Tháo nghe xong, ngay lập tức nổi trận lôi đình: “Ông đến để giết ta sao?”. Tào Tháo không tin những gì Hoa Đà nói, không tin rằng bổ đầu ra rồi mà con người vẫn có thể sống được, thế là Tào Tháo ra lệnh nhốt Hoa Đà vào trong nhà lao. Cuối cùng, Tào Tháo vẫn vì khối u trong não mà chết trong đau đớn.
3. Ẩn sĩ Lâu Khuê
Lâu Khuê, tự Tử Bá, là một ẩn sĩ trong thời Tam Quốc. Trong “Tam Quốc diễn nghĩa”, Lâu Khuê ẩn cư tại núi Chung Nam, đạo hiệu là Mộng Mai cư sĩ. Thời lượng Lâu Khuê xuất hiện trong “Tam Quốc diễn nghĩa” cũng không quá dài, tính ra có chút ngắn ngủi, ông chỉ nói với Tào Tháo vài câu mà đã hóa giải được tình cảnh nguy khó của Tào Tháo.
Mã Siêu đóng quân tại cửa khẩu sông Vị, ngày đêm chia binh, lần lượt tấn công Tào Tháo. Tào Tháo ra lệnh cho binh lính xây một cây cầu nối trên sông Vị, đều bị Mã Siêu đưa binh đến đốt phá. Tào Tháo không lập được doanh trại, vì vậy mà phiền lòng lo lắng. Tuân Du đề nghị có thể lấy đất cát ở sông Vị để xây dựng doanh trại, nhưng đất cát rời rạc không chắc chắn, bất luận xây kiểu gì cũng không xây được thành trì.
Vào lúc Tào Tháo không còn kế sách nào để thực thi nữa, Lâu Khuê đột nhiên ung dung đi tới. Trong lúc nói chuyện, Tào Tháo nói ra phiền não mà mình đang gặp phải trước mắt. Lâu Khuê nói: “Thừa tướng dụng binh như thần, chẳng lẽ không biết Thiên thời sao? Hiện giờ mây đen mịt mù nhiều ngày, gió bắc nổi lên, chắc chắn sẽ đóng băng”. Thì ra trước khi Lâu Khuê xuống núi, ông đã dự đoán chính xác thiên thời rồi, ông kiến nghị Tào Tháo đợi sau khi gió từ phương bắc nổi lên, ra lệnh cho quân lính đào đất tưới nước, chờ đến khi trời sáng, là doanh trại đã được xây xong. Tào Tháo tức thời đại ngộ, muốn ban thưởng hậu hĩnh cho Lâu Khuê, nhưng Lâu Khuê không nhận, vẫn ung dung rời đi.
Đêm đó Tào Tháo làm đúng như những gì Lâu Khuê nói, ra lệnh cho quân lính tưới nước xây thành trì. Sáng hôm sau, Mã Siêu đưa quân đến, từ xa nhìn thấy Tào doanh, trong lòng hoảng sợ, cho rằng có Thần tiên trợ giúp Tào Tháo xây dựng doanh trại. Quân sỹ của Tào Tháo dưới sự yểm trợ của thành trì bằng đất đóng băng, cuối cùng cũng vượt qua được sông Vị.
Theo Epoch Times-Châu Yến biên dịch