“Đến cuối ngày, hãy tự hỏi bản thân: “Tôi có tạo ra sự khác biệt trong cuộc sống của người khác không?”. Chỉ khi câu trả lời là có, bạn mới có thể tự gọi mình là một doanh nhân thành đạt.”- Michael Bloomberg
Kinh doanh có rất nhiều ý nghĩa, nhưng cuối cùng, đó là việc mở ra con đường cho chính bạn. Bạn đã sẵn sàng để trở thành một doanh nhân? Trong bài viết này, chúng ta sẽ bỏ qua các trích dẫn đầy cảm hứng và các thành ngữ văn vẻ về kinh doanh. Thay vào đó, chúng ta sẽ xem xét sự phất lên của một trong những doanh nhân thành công nhất New York, Michael Bloomberg, phân tích các lựa chọn mà ông ấy đã đưa ra trên con đường bước đến đỉnh cao, và so sánh với ý kiến chuyên gia về việc đạt được thành công kinh doanh.
Michael Bloomberg là ai?
Lên chức thị trưởng thành phố New York sau ngày 9/11, Michael Bloomberg lần đầu tiên gặt hái thành công với tư cách là một nhà môi giới chứng khoán và doanh nhân tỷ phú. Tính đến tháng 2 năm 2019, giá trị tài sản ròng của Bloomberg là khoảng 57 tỷ đô la. Năm 1981, ông đồng sáng lập công ty thông tin tài chính và truyền thông có trụ sở tại New York, có tên Bloomberg LP. Sau khi bỏ nguồn vốn đầu tiên cho công ty từ gói trợ cấp thôi việc của mình sau khi bị sa thải, ông đã giữ lại 88% cổ phần trong doanh nghiệp, với doanh thu khoảng 9 tỷ đô la. Ông cũng là một nhà từ thiện lớn và đã quyên góp hơn 5 tỷ đô la cho biến đổi khí hậu, kiểm soát súng và các công tác khác. Ông còn sở hữu ít nhất 6 ngôi nhà từ Bermuda đến London.
Vậy Bloomberg đã bắt đầu từ đâu? Ông bắt đầu ở Phố Wall vào năm 1966 với một công việc không yêu cầu cao về kinh nghiệm tại ngân hàng đầu tư thành công, Salomon Brothers. Tại Salomon Brothers, ông đã thể hiện xuất sắc như một thương nhân thực thụ và được nhận làm đối tác. Tuy nhiên, vào năm 1978, ông bị giáng chức xuống bộ phận điều hành công nghệ thông tin cho đến khi công ty này sáp nhập với công ty thương mại hàng hóa Phibro. Bloomberg chia sẻ: “Năm 1981, ở tuổi 39, tôi đã bị sa thải khỏi công việc toàn thời gian duy nhất tôi từng có – một công việc tôi yêu thích.” Đây là công ty ông đã làm việc kể từ khi tốt nghiệp trường Kinh doanh Harvard. Công ty mà ông khẳng định sẽ không bao giờ rời đi, và chính nó đã để ông rời đi.
Mặc dù bị sa thải khỏi một công việc yêu thích nghe có vẻ như một thất bại, nhưng đối với Bloomberg, sự chấm dứt này của ông là một trong những bước quan trọng nhất để đạt được thành công. Điều này đưa chúng ta đến chìa khóa đầu tiên để thành công trong kinh doanh:
Chấp nhận rủi ro
Salomon Brothers đã cho Bloomberg một cái vỗ nhẹ an ủi bằng trợ cấp thôi việc 10 triệu đô la. “Nhưng tôi không bao giờ cho phép mình nhìn lại,” Bloomberg nói về việc mình thôi việc, “Ngay ngày hôm sau tôi đã gặp rủi ro lớn và bắt đầu công ty riêng của mình dựa trên một ý tưởng chưa được chứng thực mà gần như mọi người đều nghĩ sẽ thất bại, đó là: Cung cấp thông tin tài chính cho mọi người, ngay trên máy tính để bàn của họ.” Phải biết rằng, đây là thời điểm trước khi mọi người có máy tính để bàn.
Bloomberg nhận10 triệu đô la của mình và đã không lãng phí thời gian, ông tạo ra một doanh nghiệp hợp nhất hai kỹ năng mà ông đã phát triển tại Salomon Brothers – kiến thức về thế giới chứng khoán và đầu tư, và về các công nghệ để những giao dịch đó diễn ra. Ông nghĩ rằng nếu ông có thể xây dựng một hệ thống lấy thông tin về một loạt các loại đầu tư khác nhau – cổ phiếu, trái phiếu và tiền tệ – và tổ chức nó, các nhà giao dịch có thể sử dụng hệ thống này để xem xét các cơ hội đầu tư trước đây từng bị xáo trộn bởi quá nhiều dữ liệu.
Trong cuốn sách “12 Bài học dành cho doanh nhân” tập hợp 12 lời khuyên được ghi lại từ nhiều cuộc trò chuyện với các doanh nhân, tác giả Tren Griffin viết rằng, rất nhiều người nửa đùa nửa thật về việc muốn rời khỏi một công ty lớn để khởi nghiệp, nhưng khi đến lúc, hầu hết mọi người không làm điều đó. “Vì vậy, Bloomberg bị đuổi việc, và không một phút ngơi nghỉ nào, thuê 4 người từ công ty cũ của ông, bắt đầu thiết lập và sau đó bán những gì mà sau này sẽ trở thành phần mềm Bloomberg Terminal nổi tiếng. Ông xác định một vấn đề lớn, đó là việc không thể truy cập dữ liệu đầu tư đã ngăn cản các nhà giao dịch đầu tư thông minh, nhưng quan trọng nhất là, ông chấp nhận mọi rủi ro và đặt cược tất cả vào đó.
Điều này đưa chúng ta đến bài học tiếp theo:
Kiên trì, tự tạo may mắn cho mình
Vì vậy, Bloomberg có một ý tưởng và ông nghĩ rằng nó có thể tác động đến toàn bộ thế giới tài chính, nhưng không ai nghĩ rằng nó thực sự đạt đến điều đó. Đây chính là may mắn, nhưng là một loại may mắn khác. Bloomberg từng nói rằng “may mắn đóng một phần thành công, nhưng bạn càng làm việc chăm chỉ, bạn càng may mắn hơn … Làm việc chăm chỉ sẽ tạo ra những cơ hội mà bản lý lịch của bạn không thể làm được. Ông ấy đã làm việc không mệt mỏi để phát huy tên tuổi và ý tưởng tuyệt vời của mình.
Khi bắt đầu mở công ty của mình, Bloomberg thường đi vào trung tâm thành phố, mua tách cà phê và đưa chúng đến cho Merrill Lynch, đối tượng ông nhắm đến khi đang đi bộ trên hành lang. Ông sẽ nói: “Xin chào. Tôi là Mike Bloomberg và tôi mang cho bạn một tách cà phê. Tôi có thể nói chuyện với bạn không?” Bloomberg tiếp tục công việc đó ngày này qua ngày khác, kiên trì để xây dựng mối quan hệ với khách hàng tiềm năng. “Tôi đã tìm hiểu về đối tượng cho sản phẩm của chúng tôi và những gì họ thực sự có thể sử dụng”, Bloomberg giải thích. “3 năm sau khi bắt đầu dự án Bloomberg LP, Merrill Lynch đã mua 20 thiết bị đầu cuối và trở thành khách hàng đầu tiên của chúng tôi.”
Nếu Bloomberg không kiên trì nói chuyện với những khách hàng tiềm năng, và hiểu thị trường theo cách ông có thể, thì ông đã không có được thành công lớn như vậy. Những cốc cà phê kia đã minh họa tầm quan trọng của sự kiên trì và tự tạo may mắn, nhưng nó cũng minh họa một bài học quan trọng khác:
Tìm ra đối tượng phục vụ
Đằng sau mỗi ý tưởng tốt là một giả thuyết, một niềm tin rằng ý tưởng của bạn sẽ có giá trị cho một thị trường mục tiêu. Đối với Bloomberg, giả thuyết đó là các nhà đầu tư có thể đầu tư thông minh hơn nếu họ có quyền truy cập và hiểu biết tốt hơn về dữ liệu đầu tư. Ông tin rằng công nghệ đơn giản hóa và sắp xếp dữ liệu đó sẽ có giá trị vô cùng lớn đối với cộng đồng đầu tư. Và ông đã đúng.
Bill Campbell, một doanh nhân rất được kính trọng ở Thung lũng Silicon, giải thích: Điều cốt lõi của bất kỳ doanh nghiệp vĩ đại nào là một doanh nhân đề ra một giả thuyết giá trị ngay từ đầu để giá trị sản phẩm cốt lõi (một giải pháp thực sự đối với vấn đề đáng nói của khách hàng) có thể được nghiên cứu và khám phá. Các doanh nhân có thể hiểu rõ sản phẩm của họ từ trong ra ngoài. Họ cũng có hiểu biết thị trường. Hầu hết trở nên thành công vì họ tạo ra thứ gì đó chưa từng có hoặc cải thiện đáng kể một sản phẩm hiện có sau khi trải qua những thất bại về cách thức hoạt động. Việc không chú ý đến những thay đổi nhu cầu thị trường, động thái của đối thủ cạnh tranh và các yếu tố bên ngoài khác thậm chí có thể khiến những sản phẩm tuyệt vời cũng có thể đi đến thất bại.
Không bao giờ ngừng học hỏi
Theo Bloomberg, “Trong tiếng Anh, từ có sức nặng nhất là “Tại sao”. Không có gì đáng quý bằng một tâm hồn ham học hỏi. Dù bạn chọn con đường nào trong cuộc sống – hãy cứ là một người học hỏi trọn đời.” Bloomberg lập luận rằng “Thế giới đầy những người đã ngừng học hỏi và những người nghĩ rằng họ đã hiểu được tất cả.” Bạn chắc chắn đã gặp một số người trong số họ … Từ yêu thích của họ là ‘Không’”. Họ sẽ cung cấp cho bạn hàng triệu lý do tại sao điều gì đó không thể được thực hiện hoặc không nên thực hiện.” Lời khuyên của Bloomberg đơn giản là không nghe theo lời khuyên của họ. Và hãy chắc chắn rằng, đừng trở thành một trong số họ.
Chia sẻ thành công
Sau khi làm thị trưởng thành phố New York, Bloomberg trở lại Bloomberg LP nhưng cũng dành nhiều thời gian hơn cho hoạt động từ thiện, điều đã trở thành ưu tiên hàng đầu đối với ông. Các mạnh thường quân thuộc doanh nghiệp Bloomberg sử dụng truy cập dựa trên dữ liệu phản ánh cách tiếp cận của ông trên phần mềm Bloomberg Terminal. Tổ chức tập trung vào 5 lĩnh vực – y tế công cộng, môi trường, giáo dục, đổi mới chính phủ, và nghệ thuật – văn hóa. Tính đến năm 2018, ước tính Bloomberg đã quyên góp hơn 6 tỷ đô la cho nhiều nguồn và tổ chức khác nhau. Bloomberg nói, “Đến cuối ngày, hãy tự hỏi bản thân: “Tôi có tạo ra sự khác biệt trong cuộc sống của người khác không?”. Chỉ khi câu trả lời là có, bạn mới có thể tự gọi mình là một doanh nhân thành đạt.
Minh Hà – Theo Trí thức trẻ/Investopedia