Khởi nghiệp là điều nhiều người muốn nhưng nó cũng là lựa chọn đầy rủi ro và thách thức. Chính bởi vậy, “khi nào nên rời bỏ công việc hiện tại để bắt đầu khởi nghiệp” vẫn luôn là câu hỏi mà rất nhiều người trăn trở.
Từ bỏ công việc đang làm để trở thành ông chủ của chính mình có lẽ là ước mơ đối với bất kì ai đang cảm thấy bế tắc trong công việc mà họ không thích. Nhưng sự hào hứng ban đầu sẽ lắng xuống rất nhanh.
Bắt đầu công việc kinh doanh riêng của mình đồng nghĩa với việc bạn không còn một khoản lương đều đặn mỗi tháng và sẽ phải tự mình đối mặt với rất nhiều rủi ro ở phía trước. Do đó, hãy cân nhắc, xem xét và nhất định phải trả lời 7 câu hỏi sau trước khi đưa ra quyết định khởi nghiệp.
- Những lý do khiến bạn chần chừ có hợp lý không?
Các chuyên gia giàu kinh nghiệm cho rằng: Luôn có một danh sách vô tận các lý do để bạn không bắt đầu kinh doanh. Thông thường đây là những lời bào chữa, nhưng bạn sẽ cảm thấy chúng như những chướng ngại vật thật sự.
Hãy tự hỏi bản thân mình: Liệu những lý do của bạn có hợp lý không? Hay chúng chỉ đang che giấu nỗi sợ hãi của bạn? Để vượt qua những lý do khiến bạn chần chừ, hãy thử suy nghĩ xem 20 năm sau bạn sẽ hài lòng hay hối hận vì đã bỏ lỡ cơ hội này.
- Bạn có hoàn toàn bị ám ảnh với ý tưởng đó không?
Sẽ luôn có một cái cớ kìm hãm bạn khỏi sự liều lĩnh của bản thân. Trên thực tế, sẽ không bao giờ có một thời điểm hoàn hảo để khởi nghiệp. Do đó, khi bạn có một ý tưởng khiến bạn liên tục nghĩ về nó và nó trở thành niềm đam mê ám ảnh bạn trong thời gian dài thì hãy nghĩ đến việc bắt đầu sự nghiệp riêng của mình.
Đôi khi, bạn cũng có thể nuôi đam mê của mình mà không bỏ công việc hàng ngày. Nếu bạn có thể làm điều này, hãy bắt đầu kinh doanh trong thời gian rảnh rỗi và phát triển nó trong quá trình bạn kết nối và có được khách hàng.
- Bạn có thực lực để phát triển nó không?
Mặc dù, đam mê là một yếu tố quan trọng hàng đầu của bất kì sự thành công nào, tuy nhiên chỉ mình nó thì không đủ. Để thành công, bạn cũng cần có một tầm nhìn và mục tiêu rõ ràng, một tư duy phát triển và mong muốn học hỏi vì bạn sẽ cần phải đảm nhận nhiều vai trò giống như những doanh nhân thực sự.
Có thể nói, điều hành doanh nghiệp riêng của bạn là một cơ hội tuyệt vời để phát triển bản thân. Nhưng cùng sự phát triển này, sẽ có rất nhiều khó khăn xuất hiện. Do đó, bạn cần phải có năng lực thực sự để hiện thực hóa ý tưởng của mình, thậm chí bạn còn cần tìm ra cách để biến những điều không thể thành có thể.
- Bạn có sẵn sàng làm mọi công việc, dù thích hay không?
Lựa chọn khởi nghiệp có nghĩa là bạn sẽ trở thành một doanh nhân. Điều này đồng nghĩa với việc bạn sẽ phải vượt ra ngoài vùng thoải mái và an toàn của mình, bạn phải chấp nhận rủi ro và đôi khi sẽ gặp phải những thất bại.
Khởi nghiệp là một cuộc hành trình và bạn sẽ đi trên con đường bạn đã lựa chọn để đến với thành công. Nếu bạn có một tư duy phát triển, sẵn sàng trải nghiệm những điều mới mẻ và xắn tay áo làm bất kì việc gì thì khởi nghiệp có thể dành cho bạn.
- Bạn có thích tạo dựng và mở rộng các mối quan hệ không?
Các doanh nghiệp thành công thường không tồn tai một mình đơn lẻ. Khởi nghiệp đồng nghĩa với việc bạn cần tạo dựng và mở rộng các mối quan hệ. Bạn cần nhìn thấy được thị trường, kết nối với các khách hàng tiềm năng, duy trì và phát triển mối quan hệ tốt đẹp với các khách hàng đã có.
Bên cạnh đó, bạn còn cần xây dựng mối quan hệ với các đối tác và các đơn vị hỗ trợ. Ngay cả khi, công ty của bạn có thể phát triển độc lập, bạn vẫn nên mở rộng các mối quan hệ chuyên nghiệp của bạn.
- Bạn có nguồn hỗ trợ về tài chính không?
Bắt đầu bất kỳ một công việc kinh doanh nào cũng là một nỗ lực có “tốn kém”. Bạn chắc chắn sẽ phải đối mặt với những thăng trầm về tài chính khi xây dựng một doanh nghiệp mới. Hãy xem xét liệu bạn có các nguồn hỗ trợ nào để giúp bạn vượt qua những khó khăn giai đoạn khởi nghiệp hay không?
- Những dự định của bạn có tính thực tế không?
Tự do, có lẽ là lý do phổ biến nhất khi mọi người nói rằng họ muốn bắt đầu công việc kinh doanh của riêng họ. Về lý thuyết, bạn sẽ có tất cả thời gian trên thế giới khi bạn là ông chủ của chính mình, nhưng để thành công thì những dự định của bạn phải có tính thực tế.
Bên cạnh việc bạn cần hỏi bản thân một cách nghiêm túc xem nó có thực sự là con đường bạn muốn không thì “liệu nó có khả thi không? ” cũng là một câu hỏi vô cùng quan trọng.
Bạn có thể tìm một người cố vấn hoặc những người có kinh nghiệm trong lĩnh vực bạn chuẩn bị khởi nghiệp để lắng nghe những ý kiến của họ trước khi đưa ra quyết định.
Theo DĐDN