Nhắc tới “rượu giao bôi”, mọi người thường nghĩ điều này thể hiện phu thê ân ái, trong nàng có ta, tronta có nàng. Nhưng nghi thức uống rượu giao bôi của cổ nhân thì lại có ngụ ý khác.
Nhắc tới “rượu giao bôi”, trước tiên cần nói tới nhận thức của người xưa về ý nghĩa của hôn nhân. Trong “Lễ ký – Hôn nghĩa” có chép: “Hôn lễ là niềm vui khi kết hợp giữa hai họ, trên là thờ phụng tông miếu, dưới là nối dõi tông đường. Vậy nên người quân tử coi trọng hôn lễ… Đối đãi với hôn lễ phải cung kính, cẩn trọng, tôn trọng chính lễ. Trên nền tảng này phu thê mới có thể tương thân tương ái, do vậy mới hình thành sự khác biệt giữa nam và nữ, tạo dựng đạo nghĩa giữa vợ chồng. Nam nữ khác biệt, nhưng sau có đạo nghĩa phu phụ, phu phụ có đạo nghĩa, sau đó mới có thân tình phụ tử, phụ tử có thân tình, sau đó mới có mối quan hệ đoan chính quân thần. Do vậy, hôn lễ là điều căn bản của Lễ.”
Hiển nhiên, thông qua hôn nhân mà xác lập mối quan hệ phu thê, mà quan hệ phu thê lại đứng đầu trong nhân luân. Vậy nên “Trung Dung” mới nói rằng: “Quân tử chi đạo, tạo đoan hồ phu phụ”, đạo của người quân tử, bắt đầu từ mối quan hệ vợ chồng.
Người hiện đại cho rằng điều quan trọng nhất trong hôn nhân là tình cảm. Đây là điều khác biệt lớn nhất so với quan niệm của cổ nhân. Cổ nhân cho rằng hôn lễ là đại sự “trên thờ phụng tông miếu, dưới nối dõi tông đường”. Hôn nhân truyền thống coi trọng trách nhiệm của hai vợ chồng với gia đình, dòng họ, dùng việc cử hành hôn lễ để ngụ ý cho sự khởi đầu của trách nhiệm này. Nói rộng ra, sự kết hợp của hai người không chỉ là của riêng hai người, mà kể từ lúc thành gia thất trở đi thì hai vợ chồng phải có trách nhiệm với xã hội nữa, bởi vì gia đình là nền tảng căn bản của xã hội.
Hôn lễ quan trọng như vậy nên cổ nhân cần phải khiến tân lang tân nương nhận thức được rằng sau này hai người phải tương thân tương ái, đồng cam cộng khổ, cùng nhau gánh vác trách nhiệm trong tương lai. “Uống rượu giao bôi” chính là xuất phát từ ý này.
Ngay từ thời kỳ chiến quốc, trong hôn lễ đã có nghi thức tân lang tân nương “uống rượu giao bôi”. Vào thời kỳ nhà Chu, nghi thức hôn lễ vô cùng đơn giản. Sau khi tân lang đón tân nương từ nhà mẹ đẻ về, người hầu lần lượt rót nước rửa tay cho tân lang và tân nương. Chủ hôn bày bữa tiệc thịnh soạn đầu tiên cho buổi tân hôn. Tân lang, tân nương cùng nhau dùng bữa cơm đầu tiên.
Món ăn chính trong bữa tiệc là cơm nếp và hạt kê, còn có thịt, cá ướp hun khô, thịt lợn, canh thịt viên và một vài gia vị khác. Việc dùng bữa chỉ mang tính nghi lễ, vậy nên tân lang và tân nương ăn cũng không nhiều. Trước tiên hai người sẽ ăn cơm nếp trước, sau đó uống canh thịt viên. Quá trình này được coi là “một bữa cơm”, làm vậy ba lần, thì gọi là “ba bữa cơm”. Sau khi ba bữa kết thúc, thì nghi lễ dùng bữa hoàn tất. Đây gọi là “cộng lao nhi thực”.
Trong “Lễ ký – Hôn nghĩa” còn chép lại rằng: “Hợp cẩn nhi dận”. Dùng một quả bầu khô chia làm hai cái gáo thì gọi là “cẩn”, tân lang và tân nương mỗi người cầm một mảnh để uống rượu, vậy nên mới gọi là “Hợp cẩn nhi dận”. Cẩn là một loại bầu có vị đắng không thể ăn, thường được gọi là hồ lô đắng. Nghĩa là xẻ một quả hồ lô ra làm hai, thành cái gáo, vợ chồng mỗi người cầm một mảnh mà uống. Lúc này quả hồ lô được chia làm hai mảnh và dùng dây để quấn cuống, tượng trưng cho hôn nhân đã biến hai người thành một.
Vì sao cổ nhân lại dùng chiếc hồ lô đắng không thể ăn để làm ly đựng rượu? Trong “Lễ ký – Hôn nghĩa” nói rằng: vợ chồng sau khi cùng dùng bữa, nhất định sẽ đồng cam cộng khổ, hoạn nạn có nhau. “Cộng lao nhi thực”, “hợp cẩn nhi dận”, nghĩa là vợ chồng tuy hai mà một.
Nhưng ý nghĩa này trong nghi thức “uống rượu giao bôi” ngày nay đã không còn được biết đến.
Trước thời nhà Đường, nghi thức “uống rượu giao bôi” trong hôn lễ về cơ bản không mấy thay đổi. Trong hôn lễ thời Đường đã xuất hiện việc dùng ly thay cho chiếc gáo.
Sau thời Tống, tân lang tân nương dùng hai chiếc ly “uống rượu giao bôi”, nhưng hình thức là phu thê mỗi người uống một nửa sau đó lại đổi ly cho nhau cùng uống. Sau khi uống xong một cốc ngửa, một cốc úp được ném xuống dưới gầm giường, thể hiện rằng sau khi thành hôn phu thê bách niên hoà hợp.
Vào thời Mạt Thanh, nghi thức uống rượu giao bôi phát triển thành ba phần là hợp cẩn (ghép hai mảnh gáo lại với nhau), giao bôi (đan chéo tay nâng ly rượu) và nắm chặt tiền.
Hôn lễ ngày nay chỉ còn là hình thức uống rượu giao bôi. Liệu tân lang và tân nương có còn hiểu được hàm nghĩa đồng cam cộng khổ trong đó hay không?
TheoEpochTimes – Thiên Cầm biên dịch