Chắc hẳn ai cũng đã từng nghe câu: “Bệnh từ miệng vào, họa từ miệng ra”, nhưng nguồn gốc của câu nói nổi tiếng này thì lại là một ẩn đố đối với nhiều người.
Câu nói “Bệnh từ miệng vào, họa từ miệng ra” bắt nguồn từ cuốn sách Thái bình ngự lãm được biên soạn từ thời nhà Tống, Trung Hoa. Câu nói này có nghĩa là bệnh tật là do ăn uống vô độ mà rước vào thân, còn tai họa là do lời nói vô ý mà tạo thành, đây cũng là châm ngôn sống để tu thân và tâm của cổ nhân.
Thái bình ngự lãm được viết bởi 14 học giả thời nhà Tống, trong đó có Lý Mục, Từ Huyền. Nó được biên soạn trong bảy năm, bao gồm 1.000 tập và 55 phân môn, chuyên mục. Trong mục dành riêng cho cái miệng thuộc “Nhân sinh” trong Thái bình ngự lãm có viết:
“Phúc khí đến sẽ có điềm báo trước, tai họa đến cũng có nguyên nhân. Đừng nuông chiều cảm xúc để làm những điều không phù hợp, cũng đừng để bản thân không để ý mà nói quá nhiều lời. Ổ kiến có thể làm cho cả bờ sông sụp đổ, dòng nước nhỏ có thể cuốn trôi cả ngọn núi. Bệnh tật là do ăn uống mà vào, còn họa là do lời nói mà ra”.
Trong cuộc sống có thể nhìn thấy rất nhiều minh chứng cho việc họa từ miệng mà ra, nếu ai ai cũng có thể suy nghĩ trước khi nói, thì thế giới này sẽ ít đi rất nhiều tai họa.
Trong cuốn “Thuật xử thế của người xưa” do nhà văn Nguyễn Duy Cần viết, có kể ví dụ về việc một lời nói khinh suất dù là đối với người đang yếu thế hơn mình, cũng sẽ tạo thành nguyên nhân dẫn tới cái họa của bản thân.
Khi vua Philippe của Macédoine đem quân vây thành Méthone, có một cung thủ đại tài tên Aster xin được gia nhập vào đội quân tinh nhuệ của nhà vua. Người ấy khoe tài nghệ bắn cung rất giỏi, chim bay dầu lẹ đến mấy y cũng bắn trúng. Vua vốn ghét người khoe mẽ nên phán rằng: “Được, để bao giờ ta đánh trận với chim sẻ, bấy giờ sẽ dùng đến tài ngươi”.
Aster nghe câu nói mỉa mai ấy lấy làm căm tức vô cùng, liền chạy thẳng vào thành bị vây chờ dịp trả thù. Một hôm Aster đứng trên bờ thành, thấy vua đi thị sát các trại quân đóng ngoài thành, liền lấy một cây tên, viết lên đó mấy chữ: “Gửi con mắt bên phải của vua Philippe”, rồi bắn xuống. Tên trúng giữa mắt phải của vua. Vua sai quân đưa mũi tên vào trong thành, trên đó viết: “Ta mà lấy được thành này, Aster sẽ bị xử trảm”. Sau này việc đúng như vậy. Có thể thấy, cả Aster và nhà vua Philippe đều chỉ vì khẩu khí mà chuốc họa vào thân, quả thật chính là họa từ miệng mà ra vậy.
Có lẽ hiểu được cái lý này, nên Hoàng đế Khang Hy thường khuyên các con mình phải suy nghĩ kỹ trước khi nói.
Trong cuốn Đình Huấn Cách Ngôn mà Hoàng đế Khang Hy để lại có ghi: “Hiện nay kẻ nhàn rỗi phẩm hạnh không đoan chính và hoạn quan quen thói trách mắng người khác, hơn nữa động một chút là thề độc. Nhưng lời thề độc cũng giống hệt như đang mắng người, đều là dùng miệng nói ra. Chúng ta thân ở địa vị trên cao, tuyệt đối không thể làm như vậy. Cho dù người bên cạnh có sai sót, việc nhỏ thì trách vấn, việc lớn thì dùng roi đánh phạt, tại sao phải nhục mạ người khác đến mức không chịu được? Những lời nhục mạ bẩn thỉu chà đạp người khác khi nói ra rất nhẹ nhàng, nhưng sẽ khiến cho phẩm hạnh của chúng ta tổn thất lớn. Các con nhất định phải nhớ rõ không được làm như vậy”.
ĐKN