Nghỉ việc chỉ vì một xích mích hay bất đồng nhỏ với đồng nghiệp hoặc cấp trên thì có thể bạn đã quá vội vã. Nhưng nếu nhận thấy 6 dấu hiệu sau đây, bạn nên cân nhắc nghiêm túc về vấn đề nhảy việc để đảm bảo sự phát triển cho sự nghiệp của bản thân.
Một số người nhạy cảm có thể sớm nhận thấy khả năng mình sắp bị cho thôi việc, nhất là từ thái độ của sếp. Tuy nhiên, một số người không để ý sẽ không đoán trước được việc gì sắp xảy đến. Đừng để bản thân rơi vào trường hợp “Mất bò mới lo làm chuồng”!. Hãy quan sát và để ý xem liệu gần đây, 6 dấu hiệu sau có thường xuyên xảy ra với bạn không, từ đó đưa ra những phương án hậu thuẫn nhé.
Sếp xem bạn như một nhân tố gây khó chịu chứ không còn là một tài sản của công ty
Việc bạn có một mối quan hệ đầy xung đột với cấp trên được xem là một cảnh báo hàng đầu cho biết bạn đang có nguy cơ mất việc. Một cựu giám đốc nhân sự đã từng chia sẻ: “Nếu bạn và sếp giống như nước với lửa, thì vị trí của bạn không hề an toàn. Cho dù bạn giỏi đến đâu, bạn kiếm được bao nhiêu tiền cho công ty… nếu bạn là một cái gai trong mắt sếp, sếp sẽ tìm cách loại bạn một cách sớm nhất có thể”.
Sếp và đồng nghiệp tỏ ra lạnh lùng với bạn
Khi đã tính tới chuyện cho bạn nghỉ việc, sếp sẽ chuyển sang thái độ lạnh lùng và khó gần với bạn. Cụ thể hơn, sếp sẽ thôi cười và ngưng nói chuyện với bạn. Cùng với đó, đồng nghiệp khi biết bạn sắp bị sa thải cũng thận trọng hơn trong mối quan hệ với bạn. Họ sẽ không còn tỏ ra thân thiện, cười nói, mời bạn đi ăn, đi chơi cùng như trước nữa.
Mọi người nói với nhau về thái độ xấu của bạn
Nếu bạn là người chán ghét công ty, bạn rất dễ hình thành một sở thích là nói xấu công ty mọi lúc mọi nơi, với bất kỳ ai mà bạn gặp. Thái độ xấu đó của bạn không khó để sếp và đồng nghiệp phát hiện. Những nhân viên như vậy luôn là mục tiêu đầu bảng cho việc bị sa thải. Vì sao họ phải giữ một nhân viên mà bản thân họ còn không trân trọng nơi họ đang làm việc?
Bạn không còn được giao những công việc quan trọng
Trước đây, bạn từng là nhân viên được giao những nhiệm vụ quan trọng như gặp gỡ khách hàng lớn hay hoàn tất các dự án lớn. Nhưng giờ đây, sếp chuyển sang giao những nhiệm vụ như vậy cho nhân viên khác. Sếp của bạn giờ đây đã không còn xem bạn như là một thành viên quan trọng của tổ chức nữa. Đây là tình thế khá nguy hiểm cho sự nghiệp mà bạn cần nghiêm túc cân nhắc đến nghỉ việc. Tuy nhiên, bạn vẫn nên trò chuyện thẳng thắn với cấp trên về vấn đề này trước khi đưa ra quyết định, tránh những hiểu lầm không đáng có.
Bạn được giao một kế hoạch cải thiện hiệu quả làm việc
Bạn đã có vài tháng liên tục mắc lỗi trong công việc hoặc có thái độ tiêu cực. Kết quả là sếp phải đối xử với bạn như một học sinh tiểu học bằng cách theo dõi công việc hàng ngày, hàng tuần của bạn. Bằng cách giao cho bạn một kế hoạch cải thiện hiệu quả làm việc, sếp có thể đặt ra những mục tiêu mà bạn không bao giờ đạt được. Hơn ai hết, sếp của bạn cần 1 “lý do chính đáng” để sa thải bạn. Lúc này bạn buộc phải lựa chọn, một là thay đổi bản thân hoặc là xin nghỉ việc trước khi sếp có một lý do chính đáng để “sa thải” bạn!
Ai cũng được tăng lương, trừ bạn
Đã nhiều tháng qua, bạn thường xuyên làm việc quá giờ, thậm chí làm việc vào cuối tuần. Tuy nhiên, những nỗ lực của bạn vẫn chưa được công nhận thông qua việc tăng lương. Trong khi đó, các đồng nghiệp của bạn đều đã được nhận mức lương cao hơn. Theo chuyên gia nhân sự Shapiro chia sẻ: “Nếu bạn cảm thấy mình đang làm việc cực nhọc mà không được tăng lương, trong khi những người khác được tăng lương, thì bạn đang gặp vấn đề. Đó là khởi đầu của việc bạn bị kìm hãm hoặc sắp bị cho nghỉ việc”.
(Tham khảo HR Insider) PV-Theo Nhịp Sống Kinh Tế