Trong cuộc sống, mọi người thường cho rằng gặp bất kể gặp chuyện gì thì đều phải cố gắng nói rõ ràng minh bạch để người khác không hiểu lầm. Nhưng kỳ thực, nhân sinh có rất nhiều khi tranh biện, cãi lý không bằng im lặng, bao dung.
Có câu chuyện kể về đạo lý im lặng như thế này. Có một người giàu có và nổi tiếng vì ngưỡng mộ đạo Phật mà quyết định vứt bỏ hết phù hoa, danh lợi nơi thế tục để xuất gia tu luyện. Sau này vì đức hạnh và phong thái mà ông được chọn làm sư trụ trì tại một ngôi chùa lớn.
Qua một thời gian, đột nhiên xuất hiện rất nhiều lời bàn tán, nói rằng ông vì ham muốn cuộc sống giàu có ở chùa mà chuyển đến sinh sống tu hành. Điều này khiến các đệ tử của ông vô cùng tức giận. Một số gặp những người bàn tán để tranh biện. Một số đệ tử tại gia còn viết chuyện về cuộc đời của ông để lưu truyền.
Khi vị sư trụ trì biết được việc làm của các đệ tử, ông đã gọi họ tới và nói: “Việc làm của các con tuy rằng là xuất từ ý tốt, nhưng thực ra lại là không đúng. Xem ra, sau này ta phải sống thận trọng hơn nữa.”
Các đệ tử của ông không đồng ý, nói: “Sư phụ! Những người đó bịa đặt, phỉ báng ngài nên chúng con mới quyết định lên tiếng thanh minh vì ngài!”
Vị sư trụ trì lắc đầu, trầm ngâm, nói:
“Các con phải nhớ kỹ, nếu sau này các con cũng bị người khác phỉ báng, nhất định không được đi cãi lại, bởi vì càng cãi lại sẽ càng có hại. Nếu không tranh biện, cãi lại thì người phỉ báng sẽ dừng lại và không có hậu họa gì xảy ra. Nhưng một khi tranh biện cãi lại thì lời phỉ báng sẽ là vô cùng vô tận, không dừng lại. Như vậy thì các con làm sao còn tâm trí, thời gian để tu hành nữa? Cho nên, chúng ta chỉ nên để tâm làm đến nơi đến chốn những việc tốt đẹp nhất, lương thiện nhất.
Nếu chúng ta làm sai, thì cho dù có bao nhiêu người khen ngợi chúng ta cũng đều là vô ích. Nếu chúng ta làm đúng, thì cho dù có bao nhiêu người nói xấu chúng ta, chúng ta cũng không bị hao tổn gì. Chúng ta trong đối nhân xử thế, làm việc, nhất định không nên tính toán hay để tâm nhiều đến những lời gièm pha phỉ báng của người khác.”
Mọi chuyện xảy ra giống như lời vị sư trụ trì nói. Việc các đệ tử của ông đi tranh biện, lưu truyền chuyện về cuộc đời ông khiến những lời chê trách, phỉ báng ông càng tới nhiều hơn.
Nhưng lần này, các đệ tử nghe theo lời chỉ dạy, một mực không cãi lại, dùng sự thiện lương trong mỗi hành động của mình để cho người đời tự cảm nhận. Họ đột nhiên phát hiện ra rằng hết thảy những lời chê trách và phỉ báng ấy qua một thời gian tự nhiên tan thành mây khói, biến mất và không còn bị ai nhắc lại nữa.
Có rất nhiều sự việc xảy ra là không thể nói rõ ràng ngay một lúc được. Đặc biệt là đối với những người tâm lượng hẹp hòi, không có văn hóa và giáo dưỡng, thì không nhất định phải thanh minh đúng sai, bởi rất nhiều lúc cuộc tranh cãi ấy sẽ trở thành một cuộc đối đầu.
Lấy ác trị ác, chi bằng lấy thiện cảm hóa nhân tâm. Nếu hành động và lời nói đều là thiện lương thì sớm muộn cũng có được lòng người. Bậc trí giả có thể “nhẫn”, có thể “lui”, mà chuyển mê thành ngộ, chuyển khổ thành vui. Người quân tử chỉ sợ vô đạo chứ không sợ nghèo khó, chỉ sợ mất đi chuẩn tắc làm người chứ không chấp vào được mất thắng thua.
An Hòa