Người bình thường thay đổi kết quả, người xuất sắc thay đổi nguyên nhân, bậc thầy hàng đầu thay đổi tư duy.
Bài chia sẻ của một tác giả được đăng tải trên Toutiao (MXH Trung Quốc) đã thu hút nhiều sự chú ý của cộng đồng mạng.
***
Điều quyết định sự khác biệt, khoảng cách giữa người này với người khác không phải là tài năng, không phải mức độ chăm chỉ, mà là tư duy. Trình độ, khả năng tư duy của một người chính là giới hạn cao nhất của cuộc đời họ.
Dưới đây là 7 cách tư duy đỉnh cao, khi rèn luyện được chúng, bạn sẽ tiến gần đến thành công.
- Tư duy chủ động, thích nghi linh hoạt
Trọng lượng của một giọt mưa nặng khoảng gấp 50 lần trọng lượng của một con muỗi. Cùng với gia tốc rơi, tác động của hạt mưa lên muỗi không khác gì một chiếc xe buýt tông vào người đi đường. Vậy tại sao loài muỗi vẫn có thể an toàn trong những ngày mưa.
Một giáo sư người Mỹ đã dùng máy quay tốc độ cao để ghi lại cảnh muỗi thoát khỏi mưa: Khi giọt mưa rơi vào cánh và chân của muỗi, muỗi sẽ nghiêng về phía bị dính mưa, sau đó lăn sang một bên để giọt mưa trượt khỏi mình. Cơ thể của muỗi được phủ một lớp vật liệu chống nước, giống như lá sen, nên chúng có thể thoát ra một cách nhẹ nhàng.
Dù giọt mưa có nặng đến đâu, muỗi vẫn có thể thoát hiểm vì chúng có thể liên tục điều chỉnh cách ứng phó của mình theo sự thay đổi của môi trường và tình thế.
Người đồng sáng lập Intel, ông Andy Grove, từng đề xuất “Lý thuyết thay đổi 10 lần” rằng: Sự thay đổi ở thế giới bên ngoài luôn nhanh gấp 10 lần so với chúng ta dự đoán. Có biết bao nhiêu công việc ổn định đã bị sự thay đổi làm tan vỡ, biết bao công việc từng rất thịnh hành đang bị AI thay thế. Làn sóng của thời đại đang tiến về phía trước, muốn đứng vững, hãy học cách linh hoạt của muỗi trong mưa, chủ động đón nhận sự thay đổi.
Chỉ khi chúng ta chủ động thay đổi bản thân, chúng ta mới có thể có được sự chắc chắn trong sự không ổn định.
- Tư duy xác suất
Những người có tư duy xác suất thường có khả năng đưa ra những quyết định đúng đắn, chính xác hơn.
Charlie Munger từng so sánh cách đầu tư của mình với việc câu cá.
Quy tắc đầu tiên của câu cá là, câu cá ở nơi có cá.
Quy tắc thứ hai của câu cá là, hãy nhớ quy tắc đầu tiên.
Trong cuộc sống, chúng ta chỉ đối mặt với 3 vấn đề: Phải làm gì? Không nên làm gì? Và cần lặp lại điều gì?
Tư duy xác suất giúp chúng ta hiểu được: Những việc nào có thể làm, những việc nào không thể làm, và những việc nào cần làm lâu dài.
- Tư duy phát triển
Vào những năm 1990, Thư viện Anh chuyển từ tòa nhà cũ ở London sang tòa mới ở St. Pancras. Thư viện có hơn 13 triệu cuốn sách, ước tính chi phí di chuyển lên tới 3,5 triệu bảng. Nếu bạn là người quản lý, bạn sẽ nghĩ ra cách gì để giảm ngân sách cho việc di chuyển này? Thuê công nhân rẻ hơn? Giảm chi phí vận chuyển? Nhưng trước khối lượng công việc khổng lồ, các giải pháp này dường như chỉ như muối bỏ bể.
Một thủ thư trẻ đã đến nói với người quản lý thư viện: “Tôi có một cách và chỉ cần 1,5 triệu bảng”. Ngày hôm sau, người thủ thư đăng tin thông báo: “Từ nay mọi người được mượn sách miễn phí và không giới hạn nhưng yêu cầu là trả lại sách về địa chỉ mới”.
Người nhân viên trẻ đã chuyển đổi tư duy “chuyển sách” thành tư duy “trả sách”. Với chi phí không quá một phần nhỏ so với ngân sách ban đầu, anh ấy đã hoàn thành 90% công việc di dời.
Đòn bẩy của tư duy thật sự mạnh mẽ như vậy. Trong cuốn sách “Thiên tài bên trái, kẻ điên bên phải” có câu: “Nếu suy nghĩ là một bức tường thì thế giới nằm ở phía bên kia là bức tường”.
Trong cuộc sống, chưa bao giờ có “ngõ cụt”, thứ có thể ngăn cản bạn chỉ là tư duy cố định của chính bạn. Khi gặp khó khăn, vấn đề mà đi vào ngõ cụt, hãy thử quay đầu lại, biết đâu bạn sẽ thấy được con đường mới, tươi sáng hơn mở ra trước mắt.
- Tư duy đa chiều
Tác giả sách Michael Simmons từng dành 5 năm nghiên cứu về những doanh nhân tỷ phú tự thân. Ông phát hiện ra rằng những doanh nhân xuất sắc này có một điểm tương đồng trong cách nhìn nhận vấn đề: Họ nhìn thế giới dựa trên góc nhìn bốn chiều, trong khi phần lớn mọi người chỉ dừng lại ở góc nhìn một chiều.
Người có góc nhìn một chiều thường bị giới hạn trong lĩnh vực chuyên môn cụ thể, trong khi, những người có góc nhìn bốn chiều có thể suy nghĩ về các vấn đề từ quá khứ đến tương lai.
Người có góc nhìn một chiều theo đuổi lợi ích ngắn hạn, còn người có góc nhìn bốn chiều chú trọng vào lợi ích dài hạn. Ví dụ, nhà sáng lập Amazon, Jeff Bezos, sẵn sàng đầu tư hàng tỷ USD liên tục cho những thử nghiệm có thể thất bại hoặc cần nhiều năm mới mang lại kết quả.
Ông Masayoshi Son, nhà sáng lập Tập đoàn SoftBank, từng hỏi cấp dưới của mình: Tại sao hầu hết mọi người đều khó đạt được thành công lớn? Nhân viên bối rối, không biết câu trả lời, thấy vậy, ông liền vẽ một ngọn núi trên giấy, ở chân núi ông vẽ một vòng tròn, và trên đỉnh núi ông vẽ một vòng tròn khác, rồi ghi chữ “lý tưởng” lên đỉnh núi.
Lý tưởng giống như một ngọn hải đăng, hướng dẫn bạn tiến về phía trước, làm cho sự kiên nhẫn của bạn tốt hơn, bạn sẽ tự tin hơn, kiên định và quyết tâm hơn.
Khi có lý tưởng, thành công nhất thời sẽ không làm bạn lạc lối, thất bại ngắn hạn cũng không làm bạn sợ hãi. Đừng đánh giá quá cao sự tích lũy trong một năm và cũng đừng đánh giá thấp những thay đổi trong mười năm. Hãy luôn làm điều đúng đắn và thời gian còn lại sẽ cho bạn câu trả lời.
- Tư duy ngược dòng
Một nhóm đã từng phỏng vấn các lập trình viên hàng đầu, hỏi họ: Thách thức cốt lõi của nghề này là gì? Có thể bạn nghĩ rằng, họ hàng ngày làm việc với code, thách thức mà họ gặp phải chẳng qua là làm sao để viết code tốt hơn, nắm vững nhiều ngôn ngữ lập trình hơn… Trên thực tế, câu trả lời của những chuyên gia công nghệ này hoàn toàn không liên quan đến những điều đó, họ đồng loạt cho rằng thách thức nằm ở “nhu cầu”.
“Phương pháp tư duy sơ đồ McKinsey” cũng đề cập đến một nguyên tắc làm việc là đừng chơi trò đập chuột. Việc giải quyết vấn đề không thể như đánh chuột chũi, chỗ nào trồi lên thì đánh xuống. Như vậy vấn đề sẽ không bao giờ được giải quyết hoàn toàn, và cũng không bao giờ có thể thực sự giải quyết triệt để vấn đề.
Khi gặp vấn đề, người bình thường thay đổi kết quả, người xuất sắc thay đổi nguyên nhân, bậc thầy hàng đầu thay đổi tư duy. Chỉ bằng cách truy ngược lại gốc rễ, nhìn vào toàn cảnh, tìm ra nút thắt của vấn đề, chúng ta mới có thể giành chiến thắng chỉ bằng “một cú thay đổi”.
- Hiệu ứng kiến lười
Nhóm nghiên cứu sinh học tiến hóa tại Đại học Hokkaido, Nhật Bản, đã từng thực hiện một thí nghiệm. Họ theo dõi 3 nhóm kiến đen, mỗi nhóm gồm 30 con, để quan sát tình trạng phân công lao động của chúng và phát hiện ra: Trong đàn, phần lớn kiến rất chăm chỉ, bận rộn dọn dẹp tổ, vận chuyển thức ăn, chăm sóc kiến con… Nhưng một số kiến lại rất lười biếng, trong khi những con khác bận rộn, những chú kiến này thường thò đầu ra ngoài, ngó nghiêng xung quanh.
Các nhà sinh vật học gọi những con kiến này là “kiến lười” và đã đánh dấu chúng.
Điều đáng ngạc nhiên là khi nhóm nghiên cứu cắt đứt nguồn thức ăn của đàn kiến, những con kiến siêng năng dường như trở nên hỗn loạn. Ngược lại, những con kiến lười được đánh dấu lại bình tĩnh, dẫn đàn tìm được nguồn thức ăn mới.
Thì ra, những con kiến lười không thực sự lười biếng mà chúng chỉ dành thời gian chăm chỉ để do thám, suy nghĩ. Đây chính là hiệu ứng “kiến lười” nổi tiếng.
Bạn đã bao giờ rơi vào trạng thái hiểu lầm về “con kiến chăm chỉ” chưa? Chuyên gia tâm lý đã lập một danh sách tự kiểm tra như sau:
- Dành rất nhiều thời gian cho những công việc dễ nhất và tự hào với câu “không có công lao thì cũng có khổ lao”.
- Trì hoãn dưới danh nghĩa “chuẩn bị”, trông có vẻ bận rộn nhưng công việc không tiến triển.
- Không bao giờ kiểm tra kết quả công việc.
- Đọc rất nhiều sách nhưng không bao giờ tổng kết quy luật; ngay cả khi tổng kết được quy luật cũng không áp dụng vào thực tế.
Nếu bạn có những dấu hiệu trên, đã đến lúc cần thay đổi. Khi đang cúi đầu làm việc, nhớ thỉnh thoảng ngẩng đầu nhìn xa xa.
- Tư duy môi trường
Vào giữa thế kỷ 19, giáo sư tâm lý học người Đức Kurt Koffka đã đề xuất một lý thuyết trường: Môi trường bên ngoài được chia thành 2 loại, một là môi trường địa lý (thực tế) và hai là môi trường hành vi (tưởng tượng).
Mọi hành động của con người đều bị ảnh hưởng bởi môi trường nơi hành động diễn ra. Con người là sản phẩm của môi trường, cách tốt nhất để thay đổi bản thân là luôn đặt mình vào môi trường có thể nuôi dưỡng bản thân phát triển.
Muốn nâng cao khả năng tập trung, hãy tạo cho mình một môi trường không bị quấy rầy. Muốn nâng cao nhận thức, hãy gỡ bỏ các ứng dụng video ngắn có chất lượng thấp, đọc những tác phẩm có ý nghĩa.
Muốn có thái độ tích cực, hãy tránh xa những thứ khiến bạn tiêu cực, ít dính vào tranh cãi với người khác, dành nhiều thời gian ngắm nhìn thiên nhiên.
Nếu bạn không hài lòng với tình trạng hiện tại của mình, hãy bắt đầu từ việc thay đổi môi trường.
Thay đổi bản thân, bắt đầu từ bây giờ.
Thành tựu của bạn, cuối cùng sẽ đạt được bao nhiêu, phụ thuộc vào cách tư duy của bạn. Tư duy quyết định đường đi, tư duy không tới được độ cao nào thì bước chân cũng không thể chạm tới đó.
Những cuốn sách bạn đã đọc, con đường bạn đã đi, việc bạn đã trải qua, người bạn đã gặp đều là những yếu tố giúp nâng cấp tư duy của bạn. Không ngừng mài giũa trong công việc, rèn luyện trong tâm hồn, trong cuộc sống, cuối cùng bạn sẽ nhìn thấy một thế giới rộng lớn hơn.
Theo Toutiao-PLĐS