Trung Quốc ngày 26/3 nhắc nhở NATO về thương vong mà liên minh gây ra cho nước này vào năm 1999.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh ngày 26/3 nói rằng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) “hiện nay có một số cọ xát với Trung Quốc”, đề cập việc các thành viên liên minh gọi Trung Quốc là “thách thức” của tổ chức này tại hội nghị ngoại trưởng NATO hồi giữa tuần.
“Trung Quốc muốn nhắc nhở NATO rằng NATO vẫn còn nợ người dân Trung Quốc một món nợ máu,” bà Hoa nói.
“NATO đừng quên rằng, vào năm 1999 liên minh do Mỹ đứng đầu này đã vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế liên quan và các chuẩn mực cơ bản trong quan hệ quốc tế để tiến hành oanh tạc Nam Tư một cách trơ trẽn, khiến vô số dân thường vô tội gặp nạn – bao gồm ba phóng viên của Trung Quốc.”
Bà Hoa Xuân Oánh chất vấn Mỹ và các nước phương Tây phát động chiến tranh ở nhiều nước khi chưa được Hội đồng bảo an Liên hợp quốc phê chuẩn, như các cuộc chiến tại Syria, Iraq, Nam Tư,… đồng thời cho rằng phương Tây không thể truy cứu và lên án Bắc Kinh trong các vấn đề như nhân quyền.
Vào ngày 24/3, Serbia đã tổ chức nhiều hoạt động trên cả nước để tưởng niệm các nạn nhân thiệt mạng trong cuộc không kích của NATO vào Nam Tư 22 năm về trước. Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic cáo buộc chiến dịch 78 ngày mà NATO tiến hành là hành động xâm lược “nhằm giết hại và làm nhục chúng tôi, để cuối cùng đoạt lấy lãnh thổ của chúng tôi”.
Bà Hoa Xuân Oánh tuyên bố Trung Quốc và Serbia “là những đất nước không sợ cường quyền và yêu chuộng hòa bình”. Bà nói Bắc Kinh “sẵn sàng cùng Serbia và tất cả các quốc gia yêu chuộng hòa bình trên thế giới nhất trí, kiên định bảo vệ công bằng chính nghĩa quốc tế, cùng gìn giữ và thúc đẩy thế giới ổn định và phát triển”.
Món “nợ máu” mà bà Hoa đề cập là sự kiện đêm 7/5/1999 (giờ địa phương), khi năm quả bom dẫn đường JDAM phóng từ máy bay ném bom tàng hình B2 của Mỹ đã đánh trúng vào Đại sứ quán Trung Quốc ở thủ đô Belgrade của Nam Tư.
Vụ đánh bom đã khiến ba nhà báo Trung Quốc thiệt mạng cùng hàng chục người khác bị thương, tòa nhà đại sứ bị hư hại một phần. Vụ việc gây rúng động trong dư luận ở Trung Quốc và thổi bùng lên làn sóng chống Mỹ gay gắt.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Bill Clinton khi đó thừa nhận vụ không kích là một sai lầm sơ đẳng do lỗi bản đồ của quân đội Mỹ, đồng thời đưa ra lời xin lỗi công khai.
Phóng viên đặc biệt của Thời báo Hoàn cầu tại Nam Tư thời điểm đó, ông Lữ Nham Tùng, mô tả “Ngày 7/5 là một ngày đen tối nhất trong lịch sử ngoại giao Trung Quốc cũng như trong lịch sử các bản tin quốc tế Trung Quốc”.
Tại cuộc họp với các Ngoại trưởng NATO ở Bỉ ngày 23-24/3, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói Mỹ muốn phối hợp với các đối tác nhằm thúc đẩy các lợi ích kinh tế chung và ứng phó một số hoạt động gây hấn và cưỡng ép từ Trung Quốc, cũng như buộc Bắc Kinh tuân thủ các cam kết quốc tế của mình. Ông cũng đề cập mối đe dọa với tự do hàng hải mà Trung Quốc gây ra ở biển Đông, hành vi quân sự hóa và nhắm đến các nước châu Á-Thái Bình Dương khi gia tăng sức mạnh quân sự.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho rằng liên minh không coi Trung Quốc là đối thủ, song sự trỗi dậy của Bắc Kinh mang lại hậu quả trực tiếp đối với an ninh của NATO.
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị