Đối diện với nghịch cảnh nhưng không đầu hàng, buông xuôi, bà Tăng Thị Hằng, ấp Bàu Càm, xã An Long (huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương) bằng nghị lực và ý chí dám nghĩ, dám làm đã vượt mọi khó khăn vươn lên làm giàu, trở thành một tỷ phú nông dân.
Vượt qua cái nghèo
Vào đời với đôi bàn tay trắng, khó khăn thiếu thốn đủ thứ nhưng ý chí, nghị lực thoát nghèo là bà có thừa. Chính điều này đã giúp bà Hằng khởi nghiệp thành công và gặt hái được “trái chín” ngọt ngào. Nhắc lại thuở hàn vi, năm tháng gian khổ, vất vả của ngày xưa lại ùa về trong tâm trí bà Hằng.
Lập gia đình năm 1990, đến với nhau bằng hai bàn tay trắng, vợ chồng bà Hằng khởi đầu mưu sinh bằng nghề mua bán ve chai.
Bà Hằng chia sẻ: “Vào thời điểm đó, kinh tế chưa phát triển như bây giờ, hoàn cảnh nhà nghèo nên việc vay mượn vốn làm ăn rất khó khăn. Hết cách, tôi và chồng nén lòng mang sợi dây chuyền của hồi môn cha mẹ cho ngày kết hôn đem bán để làm vốn đi mua ve chai”.
Sau một thời gian rong ruổi với nghề ve chai khắp hang cùng ngõ hẻm, nhờ khéo tính toán, chắt chiu từng đồng, tích lũy được một ít vốn, bà mở điểm thu mua ve chai tại nhà…
“Công việc làm ăn thuận lợi có, khó khăn, trắc trở cũng nhiều. Gặp những lúc trắc trở, tâm trí tôi có lúc muốn buông bỏ, khi bình tâm lại tôi nhận ra rằng, không ai có thể chọn được nơi mình sinh ra giàu hay nghèo nhưng mình có thể làm cho cuộc sống trở nên tốt hơn. Nghĩ như vậy, tôi lại tiếp tục nỗ lực làm việc và hy vọng về một tương lai tươi sáng…”, bà Hằng bộc bạch.
Từ khi chuyển sang việc thu mua ve chai cuộc sống gia đình bà cũng diễn ra thuận lợi hơn. Chiều chiều, bà còn bán thêm cháo lòng, thực khách chủ yếu là những người đi mua ve chai. Thậm chí có những khi tham công tiếc việc, bà còn tranh thủ thời gian chạy xe máy đến các hộ dân để mua gà, heo… đem ra chợ bán cho các tiểu thương kiếm tiền chênh lệch… “Lúc ấy, tôi luôn suy nghĩ, làm gì cũng được, miễn sao là bằng công sức của mình mà không vi phạm pháp luật là tôi làm”, bà Hằng nói.
Nhờ vậy thu nhập gia đình bà từng bước được cải thiện, cuộc sống cũng dần được ổn định hơn. Thoắt cái, hơn 10 năm làm công việc mua và bán ve chai của bà cũng trôi qua.
Năm 2000, bà Hằng nhận thấy có một công việc mới kiếm tiền đỡ vất vả, lam lũ hơn nghề thu mua ve chai, đó là mở cửa hàng bán vật tư nông nghiệp. Với đặc thù của địa phương là vùng chuyên canh nông nghiệp, trong đó cây cao su được người dân trồng nhiều nhất, sau đó cây ăn trái, hoa màu.
Vào thời điểm đó, ở địa phương cũng chưa có mấy ai mở cửa hàng loại này. Sau khi tìm hiểu, bà mới biết để mở được cửa hàng bán vật tư nông nghiệp cần phải có bằng trung cấp nông lâm. Với nỗ lực phấn đấu, sau 2 năm học, bà tốt nghiệp trung cấp nông lâm và năm 2002 mở cửa hàng bán vật tư nông nghiệp, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng…
Từng trải qua nhiều khó khăn, vất vả nên bà rất đồng cảm với người nông dân. Do vậy, từ ngày mở cửa hàng vật tư nông nghiệp đến nay, bà Hằng luôn bán giá ưu đãi cho nông dân với mức lời thấp, bán trả góp, bán nợ cho đến khi nông dân thu hoạch sản phẩm mới trả tiền mua vật tư, không tính lãi phát sinh.
Từ việc làm ăn buôn bán, gia đình bà tích lũy được vốn liếng, mua 10 ha đất cao su đang khai thác. Tuy nhiên, tại thời điểm đó giá mủ cao su thấp không mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Năm 2004-2006, với chủ trương xây dựng hệ thống đập Phước Hòa, 10 ha đất vườn cây cao su và nhà ở của gia đình bà nằm trong quy hoạch, phải giải tỏa. Với diện tích đất nông nghiệp là chủ yếu, giá đền bù tại thời điểm lúc bấy giờ thấp nên việc gây dựng lại hoạt động sản xuất nông nghiệp ở nơi mới với bà cũng gặp không ít khó khăn…
Thu nhập tiền tỷ
Được tiếp xúc và nghe những câu chuyện về công cuộc mưu sinh, tôi càng hiểu hơn về nghị lực vượt khó của bà Hằng. Cuộc sống “va đập” nhiều với những khó khăn không làm bà chùn bước, mà ngược lại càng giúp bà rèn ý chí vững vàng thoát khó.
Sau khi nhận tiền đền bù giải tỏa và di dời về nơi ở mới, gia đình bà tiếp tục duy trì phát triển cửa hàng vật tư nông nghiệp, mua đất phát triển lại kinh tế nông nghiệp của gia đình bằng cách làm mới, chuyển đổi trồng cao su sang chăn nuôi, nuôi thỏ, dúi, cheo… và đến với nghề nuôi chim yến, bán tổ yến mang lại thu nhập tiền tỷ cho gia đình.
Nhớ lại cơ duyên đến với nghề nuôi chim yến, bà Hằng chia sẻ trong một lần được một công ty thuốc bảo vệ thực vật tổ chức đại lý đi du lịch ở Nha Trang, bà được đến tham quan cơ sở nuôi chim yến và bán tổ yến, đã thôi thúc ý chí làm giàu trong bà. “Sau nhiều năm bươn chải làm kinh tế, cái máu kinh doanh ngấm vào mình lúc nào không biết, đi đâu gặp được mô hình hay, cách làm hiệu quả là muốn đem về áp dụng cho gia đình”, bà Hằng chia sẻ.
Khi bắt tay vào thực hiện, mọi thứ đối với bà đều mới, chưa có kinh nghiệm cũng như kiến thức về kỹ thuật làm nhà nuôi yến, cách thu hút chim yến về làm tổ… Tuy nhiên, với tinh thần quyết tâm làm và làm cho được, bà tự tìm tòi nghiên cứu, tìm hiểu qua sách, báo, rồi trực tiếp đi đến những địa phương ở các tỉnh, thành phát triển nghề này để trao đổi học hỏi kinh nghiệm về cách xây nhà nuôi yến…
Bà Hằng, kể sau khi tìm tòi học hỏi kinh nghiệm, nghiên cứu tìm hiểu về môi trường khí hậu, bà nhận thấy nguồn thức ăn tự nhiên phong phú tại địa phương rất thuận lợi cho chim yến. Cuối năm 2013, gia đình bà mua lại một căn nhà cấp 4 rồi cải tạo thành nhà nuôi chim yến đầu tiên.
Sau 3 năm, mô hình nuôi yến bắt đầu cho thu hoạch. Thấy hiệu quả, bà tiếp tục đầu tư xây thêm nhà nuôi yến, đến nay gia đình bà có 3 nhà yến, diện tích 1.500m2 với sản lượng tổ yến thu hoạch khoảng 15kg/1 tháng. Với giá dao động từ 20 – 22 triệu đồng/kg, doanh thu từ tổ yến thô của cơ sở đạt trên 3 tỷ đồng/năm.
Nhờ việc phát triển nuôi yến, gia đình bà đã tạo việc làm ổn định cho 10 lao động với mức thu nhập từ 15 – 18 triệu đồng/người/tháng. Hiện nay, việc sơ chế, chế biến sản phẩm từ tổ yến của gia đình bà đã có máy móc, thiết bị hỗ trợ, giúp nâng cao chất lượng sản phẩm.
Ngoài tổ yến thô, cơ sở Yến Hiếu Hằng của gia đình bà đang đẩy mạnh chế biến sản phẩm từ yến như yến tươi, yến chưng đông trùng hạ thảo, chè yến, cháo yến… bảo đảm các tiêu chuẩn an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng.
Sau bao nhiêu năm vất vả, hiện nay gia đình bà đang có hơn 10 ha đất; trong đó 7 ha đất trồng cây cao su đang khai thác, trên 3 ha dùng để phát triển mô hình chăn nuôi tổng hợp, nuôi chim yến, nuôi thỏ, cheo, dúi… theo hình thức hoang dã với doanh thu hơn 6 tỷ đồng/năm.
Được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và Hội Nông dân các cấp, năm 2019, sản phẩm tổ yến Hiếu Hằng của gia đình bà đã tham dự và đạt giải sản phẩm nông thôn tiêu biểu ở Bình Dương. Đến năm 2021, Cơ sở sản xuất Yến Hiếu Hằng đạt chứng nhận OCOP (mỗi xã một sản phẩm) 3 sao cấp tỉnh, mức cao nhất đối với một cơ sở sản xuất.
Hiện, bà Hằng đang tiến hành làm hồ sơ thủ tục để chuyển đổi cơ sở sản xuất, nâng cấp lên thành doanh nghiệp hoặc hợp tác xã để tiếp tục nâng hạng sản phẩm lên OCOP 4-5 sao, đưa sản phẩm Yến Hiếu Hằng không chỉ ra thị trường trong nước mà còn ra cả nước ngoài…
Không chỉ làm giàu cho gia đình, bà Hằng còn chia sẻ kinh nghiệm nuôi chim yến lấy tổ cho người dân xung quanh. Đến nay, xã An Long đã có hơn 10 hộ gia đình phát triển nghề nuôi chim yến mang lại hiệu quả kinh tế cao, thu nhập ổn định. Đồng thời, gia đình bà còn tích cực hưởng ứng các phong trào xã hội từ thiện của địa phương, như ủng hộ tiền mua vắc xin ngừa Covid-19, Quỹ vì người nghèo, Quỹ khuyến học – khuyến tài…
Với nghị lực vượt khó vươn lên, bà Hằng đã nhận được nhiều sự khen thưởng từ các cấp, các ngành. Mới đây, bà vinh dự được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tôn vinh là một trong 100 Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2022 và được tặng Bằng khen trong Hội nghị biểu dương Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi toàn quốc lần thứ VI giai đoạn 2017-2022″.
Đỗ Trọng (Báo Bình Dương)