Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu mới đây ghi nhận không còn hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn Trung ương, qua đó giúp 3 tỉnh chủ lực phía Nam “trắng hộ nghèo”.
Tuần qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chủ trì phiên họp thứ 5 Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) giai đoạn 2021-2025 với sự tham dự của các bộ, ban, ngành Trung ương. Theo đó, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều còn 2,93%, giảm 1,1% so với cùng kỳ năm trước.
Tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, tổng số hộ nghèo theo chuẩn đa chiều của tỉnh đầu năm 2023 là 4.861 hộ chiếm tỷ lệ 1,51% so với tổng số hộ dân. Tỉnh không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn Trung ương.
Trước đó, theo kết quả rà soát của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội công bố đầu năm 2022, cả nước có 6 tỉnh, thành phố không có hộ nghèo gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP HCM, Bình Dương, Tây Ninh. Đặc biệt, Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM, Bình Dương là 4 địa phương “trắng” cả hộ nghèo và hộ cận nghèo.
Như vậy, tam giác kinh tế vùng Đông Nam Bộ là TP HCM, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu không còn hộ nghèo, cận nghèo.
Cả nước có 7 tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo cao hơn 10%. Điện Biên là tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất cả nước với 27,33%, tiếp theo là Hà Giang 18,54%, Cao Bằng 18,36%, Bắc Kạn 17,02%, Kon Tum 15,32%, Sơn La 15,1%, Lai Châu 13,32%…
Chuẩn về thu nhập theo tiêu chí đo lường nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025 của Chính phủ quy định là khu vực nông thôn 1,5 triệu đồng/người/tháng, khu vực thành thị 2 triệu đồng/người/tháng. Mức chuẩn nghèo về thu nhập đã tăng gần gấp đôi chuẩn nghèo cũ quy định ở khu vực nông thôn là 700.000 đồng/người/tháng; ở khu vực thành thị 900.000 đồng/người/tháng.
Ngoài việc trắng hộ nghèo và cận nghèo, 3 tỉnh khu vực Đông Nam Bộ này ghi nhận có thu nhập bình quân cao nhất cả nước. Cụ thể, theo Niên giám thống kê năm 2022, khu vực Đông Nam Bộ (gồm Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu và TP HCM) ghi nhận thu nhập bình quân đầu người là 6,33 triệu đồng một tháng, cao nhất cả nước. Nguồn thu chính của người dân khu vực Đông Nam Bộ đến từ tiền lương, tiền công, chiếm 62%, sau đó là thu phi nông nghiệp 25%.
Người dân Bình Dương kiếm bình quân 8,07 triệu đồng mỗi tháng, cao nhất cả nước, gần gấp đôi bình quân cả nước. TP HCM đứng thứ 3 với 6,39 triệu đồng.
Bà Rịa – Vũng Tàu đứng thứ 13 cả nước với mức thu nhập bình quân khoảng 4,81 triệu đồng. Tuy nhiên, thông tin từ UBND tỉnh này, từ năm 2000 đến nay, Bà Rịa – Vũng Tàu luôn giữ vị trí là địa phương có GRDP bình quân đầu người cao nhất cả nước (tính cả dầu khí và không tính dầu khí). Mục tiêu năm 2024 có thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 8.900 USD/người (không tính dầu khí), tương đương 219,4 triệu đồng, trung bình mỗi tháng khoảng hơn 18 triệu đồng.
Theo một thống kê khác từ Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam 2022, địa phương có thu nhập bình quân tháng mỗi lao động của doanh nghiệp đang hoạt động cao nhất là Bà Rịa – Vũng Tàu với 12 triệu đồng; TP HCM đứng thứ hai với 10,9 triệu đồng. Bình Dương đứng thứ 6, có thu nhập bình quân lao động ở mức 9,8 triệu đồng.
Theo Nhật Minh-Theo antt.nguoiduatin.vn