Ba nhân vật được đề cử Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu trong lĩnh vực Nghiên cứu khoa học – Sáng tạo đều là những Tiến sĩ trẻ dưới 36 tuổi.
Tiến sĩ Trương Thanh Tùng đam mê với Dược
Là một trong 10 nhà khoa học trẻ vừa đạt giải thưởng Quả cầu vàng 2021, tiến sĩ Trương Thanh Tùng tiếp tục được đề cử trong top 20 để tìm ra 10 “Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu”.
Tiến sĩ Trương Thanh Tùng (sinh năm 1989, Hải Dương) hiện là trưởng nhóm nghiên cứu thuốc mới, Viện nghiên cứu tiên tiến Phenikaa, giảng viên khoa Dược, ĐH Phenikaa.
Sau nhiều năm học tập và nghiên cứu ở nước ngoài với mức thu nhập cao, điều kiện sống tốt, Tiến sĩ Trương Thanh Tùng quyết định về nước thực hiện hướng nghiên cứu thuốc trị các bệnh truyền nhiễm.
Thành tích nổi bật của Tiến sĩ Trương Thanh Tùng:
1 bằng sáng chế quốc tế
23 bài báo khoa học đã công bố trên tạp chí quốc tế; trong đó có 18 bài thuộc danh mục Q1 (9 bài là tác giả chính), 2 bài báo thuộc danh mục Q2 (1 bài là tác giả chính), tác giả chính 2 bài báo thuộc danh mục Q3, tác giả chính 1 bài thuộc danh mục Q4/Scopus
Chủ trì 1 đề tài cấp cơ sở đã nghiệm thu đạt yêu cầu
Tham gia phản biện cho 20 tạp chí top đầu của hệ thống của các nhà xuất bản Nature, Springer Nature, Elsevier, Wiley…
Giải thưởng Quả cầu vàng 2021.
Bên cạnh việc trở về để có môi trường nghiên cứu và ứng dụng tốt nhất cho hướng đi của bản thân, lý do để tiến sĩ Dược học từ bỏ mức lương cao, điều kiện sống ổn định để trở về nước đó là mong muốn cống hiến cho đất nước.
Trong nghiên cứu, anh luôn mong muốn tìm được một kết quả mới đem lại hiệu quả tốt hơn so với cái đã có trước đó, tìm ra thuốc mới với cơ chế mới tạo sự lựa chọn mới cho bệnh nhân. Tuy nhiên cũng chính mục tiêu anh đặt ra đã gây cho anh không ít những khó khăn.
“Nếu đối với những bệnh có cơ chế bệnh đã rõ ràng, tìm ra thuốc mới sẽ dễ dàng hơn khi dựa vào thuốc đã có hoặc tương tự, còn mục tiêu tôi đặt ra lại chính là cái gây khó khăn cho bản thân. Khi đi theo cơ chế mới, không đủ các thông tin về bệnh, nguồn gây bệnh tôi khởi điểm từ con số không.
Thời gian tôi làm nghiên cứu sinh, tôi phải tổng hợp rất nhiều chất mới, thuốc mới dựa trên dữ liệu, hàng nghìn công trình đã công bố trước để tìm được manh mối, chất tiềm năng cho hướng đi của mình. Có khi tổng hợp cả trăm chất nhưng lúc đem đi thử nghiệm lại không có kết quả, hướng nghiên cứu phải thay đổi nhiều lần. Chỉ một viên thuốc nhưng hàng trăm chất kia phải thiết kế như thế nào để đem lại hiệu quả, làm ngày làm đêm rất vất vả.
Lúc đó, tôi đang ở Đan Mạch, nhưng nơi này họ không cho phép làm muộn, chỉ có thời gian vài tiếng một ngày, nên đôi khi tôi phải tìm cách để làm tiếp. Tôi tranh thủ từng lúc rảnh như giờ ăn trưa, bỏ bữa và làm xuyên tới chiều”, TS Tùng chia sẻ.
- Chu Đức Hà với khát khao “truyền lửa” đam mê khoa học
Với tuổi trẻ nhiệt huyết, sự đam mê trong công tác giảng dạy và nghiên cứu, TS.Chu Đức Hà lọt top 20 đề cử Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu.
- Chu Đức Hà (sinh năm 1988) là giảng viên Khoa Công nghệ Nông nghiệp, Trường ĐH Công Nghệ – ĐHQGHN. Ngay từ những năm tháng trên giảng đường đại học, TS. Chu Đức Hà đã nuôi dưỡng niềm đam mê với công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, luôn mong muốn ứng dụng công nghệ thông tin và tự động hóa vào lĩnh vực nông nghiệp, giúp người nông dân tăng năng suất lao động và đáp ứng nông sản sạch đến với người tiêu dùng.
- Chu Đức Hà chia sẻ, khi chứng kiến hình ảnh những thầy cô kỳ cựu đồng hành cùng các giảng viên trẻ và sinh viên trong trao đổi, làm thí nghiệm bất kể ngày đêm để đạt được thành quả, đã khiến ngọn lửa tình yêu và quyết tâm cống hiến hết mình với nghề trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
- Hà tự nhủ, bản thân phải nỗ lực nhiều hơn, học hỏi nhiều hơn mỗi ngày để không phụ sự kỳ vọng của Nhà trường, đồng nghiệp, sự tin tưởng yêu mến của các em sinh viên. TS. Chu Đức Hà tự hào bày tỏ: “Mái trường UET và Khoa Công nghệ nông nghiệp là nơi tiếp thêm sức mạnh cho tôi trong sự nghiệp giáo dục của mình”.
TS Chu Đức Hà là tác giả của 163 công bố khoa học, gồm 26 bài báo khoa học được đăng tại các tạp chí uy tín quốc tế (thuộc danh mục WoS/Scopus) và 137 bài báo khoa học được đăng tại các tạp chí uy tín trong nước (thuộc danh mục tạp chí được tính điểm của Hội đồng chức danh).
Một số thành tích nổi bật của anh, có thể kể đến: Tác giả của 5 giống lúa gạo ứng phó với biến đổi khí hậu được công nhận cấp quốc gia và là tác giả của một sở hữu trí tuệ; Giải thưởng khoa học công nghệ Quả cầu Vàng năm 2022; Giải thưởng Nhà giáo trẻ tiêu biểu T.Ư năm 2022.
TS Chu Đức Hà tham gia hướng dẫn nhóm khởi nghiệp ý tưởng sáng tạo đoạt giải Nhì cuộc thi Ý tưởng sáng tạo của trường ĐH Công nghệ năm 2022 và đoạt giải Nhất trong cuộc thi Ý tưởng ĐHQG Hà Nội, năm 2022.
Nữ tiến sĩ sở hữu 5 bằng độc quyền sáng chế
Hơn 10 năm nghiên cứu, TS. Lê Thị Phương, sinh năm 1988 (Nghiên cứu viên Viện Khoa học vật liệu ứng dụng, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) sở hữu 2 bằng độc quyền sáng chế quốc tế, 3 bằng độc quyền sáng chế quốc gia lĩnh vực Công nghệ Vật liệu mới. Theo đó, cô được vinh danh là một trong 10 nhà khoa học trẻ nhận giải thưởng Khoa học công nghệ Quả Cầu Vàng 2022.
Nữ tiến sĩ đã nghiên cứu hydrogel tiêm tại chỗ – một loại vật liệu tiên tiến đang được sử dụng rộng rãi trong các ứng dụng y sinh như chữa lành vết thương, tái tạo mô, giúp nâng cao sức khỏe của bệnh nhân ngay tại nhà.
Ngoài ra, cô cải tiến thêm các thành phần, tính chất khác cho hydrogel như khả năng kháng khuẩn, kháng viêm, giảm sự hình thành sẹo… hướng đến tạo ra sản phẩm thương mại có giá thành hợp lý để tiếp cận với mọi đối tượng bệnh nhân.
Trong 2 bằng sáng chế quốc tế, TS. Phương nghiên cứu về hydrogel tiêm tại chỗ sử dụng các loại cyclodextrin tạo cho gel có tính kết dính cao và các ứng dụng y sinh của hydroge. Với sáng chế quốc tế thứ 2, nữ tiến sĩ trẻ phát triển phương pháp mới để biến tính bề mặt các thiết bị hỗ trợ bệnh tim mạch với heparin, xúc tác sản sinh nitric oxide trong cơ thể, từ đó làm giảm nguy cơ gây nghẽn tắc mạch máu.
Để hoàn thành nghiên cứu và đăng ký sở hữu trí tuệ, TS. Phương may mắn nhận được nhiều góp ý từ giáo sư và cộng sự trong quá trình làm việc tại Hàn Quốc.
Hiện nay, 2 bằng sáng chế quốc tế của TS. Phương đang ở trong giai đoạn đăng ký sở hữu trí tuệ; riêng một số sản phẩm đang được xúc tiến thử nghiệm trên nhiều mô hình động vật khác nhau để tiến tới thử nghiệm lâm sàng trên người. Cô hy vọng, trong tương lai sẽ sớm áp dụng các sáng chế này để tạo ra các sản phẩm thương mại đóng góp cho lợi ích chung của cộng đồng.
Một số thành tích nổi bật của TS Lê Thị Phương: Nhận hai bằng sáng chế quốc tế đăng ký tại Mỹ, có tính ứng dụng cao trong thực tiễn và 3 bằng sáng chế đăng ký tại Hàn Quốc; Giải Woman Scientist Award (giải thưởng cho nữ khoa học) của Hiệp hội Vật liệu sinh học Hàn Quốc (2021) dành cho nhà khoa học nữ có công trình nghiên cứu ấn tượng nhất trong năm; Giải thưởng khoa học công nghệ Quả cầu Vàng 2022.
Đặc biệt, kết quả thu được từ đề tài “Điều chế và đánh giá các hệ phân phối thuốc nhắm đích trên cơ sở hyaluronic axít để tăng cường liệu pháp điều trị ung thư” của TS Lê Thị Phương hy vọng sẽ cung cấp những kiến thức mới, vật liệu mới giúp tăng cường hiệu quả điều trị bệnh ung thư, một trong những căn bệnh gây tử vong cao hiện nay trên thế giới…
Theo Linh Trang-Theo Giáo dục thời đại