Khi Giám đốc Tài chính Mạnh Vãn Chu được tha bổng và trở về nhà sau cuộc chiến pháp lý gần 3 năm tại Canada, tâm trạng của nhân viên lẫn lãnh đạo Huawei cũng khá lên không ít.
Tuy nhiên, điều này chưa thể đồng nghĩa với Huaawei đã được tha bổng. Công ty sản xuất thiết bị mạng và smartphone Trung Quốc vẫn là đối tượng chịu các lệnh cấm vận thương mại của Mỹ.
Theo các nhà phân tích, khả năng Washington cho phép Huawei nhập khẩu trở lại chip cao cấp còn chưa rõ ràng, như vậy trong thời gian tới, công ty có xu hướng duy trì đầu tư vào phần mềm, dịch vụ, gia tăng cạnh tranh trên smartphone và tỉ suất lợi nhuận thấp hơn.
Gary Ng, nhà kinh tế cấp cao khu vực Châu Á – Thái Bình Dương tại ngân hàng đầu tư Natixis, nhận xét smartphone từng là “trứng vàng” của Huawei, tạo ra dòng tiền để nâng đỡ các mảng kinh doanh khác, song lợi thế ấy không còn nữa. Huawei không còn lựa chọn nào khác ngoài đặt niềm tin vào phần mềm và dịch vụ đám mây, nhưng không thể bù đắp hoàn toàn cho tổn thất của bộ phận thiết bị cầm tay.
Một ngày sau khi bà Mạnh về nước, Huawei tổ chức một cuộc họp báo nhỏ để quảng bá ứng dụng của dịch vụ 5G trong bệnh viện và cứu thương, một trong những lĩnh vực Huawei đang hướng tới. Truyền thông Trung Quốc phát sóng trực tiếp khoảnh khắc trở về của bà, cao điểm gần 100 triệu lượt người theo dõi.
Thỏa thuận hoãn truy tố giữa bà Mạnh và công tố viên Mỹ có điều kiện bà phải đồng ý với một báo cáo, bao gồm bà Mạnh đã cung cấp “tuyên bố sai sự thật” cho HSBC về giao dịch của Huawei với Iran, và Huawei vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ tại quốc gia Trung Đông này. Bà Mạnh không nhận tội danh lừa đảo và âm mưu lừa đảo. Các tội danh sẽ bị hủy vào tháng 12/2022 theo thỏa thuận. Bộ Tư pháp cũng rút yêu cầu dẫn độ bà Mạnh về Mỹ từ Canada.
Theo Li Yi, nhà nghiên cứu tại Học viện Khoa học xã hội Thượng Hải, sự trở về của bà Mạnh có thể xem là dấu hiệu hứa hẹn đối với Huawei. Dù mối quan hệ Mỹ – Trung không thể quay lại như trước, nó đang tiến vào giai đoạn bình thường hóa, tuân theo các quy luật thị trường và kinh tế. Huawei nên được xem như một đối tác kinh doanh bình thường hơn là biểu tượng chính trị hóa.
Trong khi đó, chuyên gia viễn thông Xie Zhaohui cho rằng lệnh cấm Huawei của Mỹ sẽ sớm có diễn biến mới và hai nước Mỹ – Trung có thể đã vạch ra một kế hoạch toàn diện trước khi bà Mạnh được thả. Ông bổ sung thêm, có thể sẽ là một giao dịch như của ZTE, nộp tiền phạt để chấm dứt lệnh cấm xuất khẩu do vi phạm lệnh trừng phạt tại Iran.
Mỹ ban hành lệnh cấm vận Huawei dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump giữa lúc căng thẳng thương mại Mỹ – Trung dâng cao. Tổng thống Joe Biden vẫn duy trì áp lực với các hãng công nghệ Trung Quốc năm nay, vì vậy, Huawei chịu thiệt hại nặng nền khi không mua được chip hiện đại và công cụ sản xuất chip dựa vào công nghệ Mỹ.
Trước khi dính lệnh cấm, Huawei bán thiết bị mạng cho 45/50 nhà mạng hàng đầu thế giới, phục vụ 1/3 dân số hành tinh. Đây cũng là thương hiệu smartphone hàng đầu Trung Quốc, đánh bại những tên tuổi ngoại như Apple, Samsung và hàng loạt đối thủ đội địa như Xiaomi, Vivo, Oppo, Realme. Song, vào quý II, Huawei chỉ còn chiếm 10% thị phần smartphone Trung Quốc, giảm từ 72% quý II/2020.
Tuần trước, trong sự kiện tại Bắc Kinh, Chủ tịch luân phiên Eric Xu Zhijun của Huawei cho biết lệnh cấm vận của Mỹ khiến công ty thiệt hại ít nhất 30 tỷ USD và sẽ mất nhiều năm để phục hồi. Dù vậy, với 200.000 nhân viên Huawei, sự trở về của “ái nữ Huawei” là một liều thuốc tinh thần rất lớn.
Percy Liu, 27 tuổi, chia sẻ WeChat của cô sáng đèn liên tục vào 25/9 khi có tin tức bà Mạnh được thả. Tin nhắn từ các đồng nghiệp bày tỏ sự ủng hộ với lãnh đạo 49 tuổi. “Đồng nghiệp của tôi không ngừng cập nhật về tình trạng chuyến bay, bài phát biểu và lòng yêu nước của bà Mạnh”, cô nói.
Theo Du Lam–ICTnews