Chuyện 3 lần khởi nghiệp từ tro tàn, từ nợ nần được ông Đỗ Long – Tổng giám đốc Bita’s kể khá nhiều lần, lần nào cũng vậy, với một sự bình tâm đến lạ.
Hành trình ba mươi năm gầy dựng và phát triển danh tiếng của Bita’s đã trở thành nguồn cảm hứng lan tỏa cho các doanh nghiệp trong nước, khẳng định vị thế của giày dép nội. Nhưng để có được vị trí ấy là cả một chặng đường dài của người chèo lái con thuyền – TGĐ Đỗ Long.
Đi lên từ gian khó
Ông Long vốn học sư phạm để theo nghề giáo, nhưng cuộc đời khó định, ông chỉ đứng bục giảng có 5 năm, rồi chuyển theo nghiệp kinh doanh cho đến tận giờ.
Trong hơn 20 năm qua, ông kể, trải qua đủ cả đỉnh cao và vực sâu, có những lúc trắng tay tưởng không vực dậy nổi. Có lẽ bởi vậy mà ông luôn cho người đối diện cảm giác bình tâm. “Mọi việc khó đến mấy đều có giải pháp”, ông lý giải.
Ông Long bước chân vào nghiệp kinh doanh bằng xưởng sản xuất cao su của gia đình. Các sản phẩm ngày đó là giày dép, vỏ xe bằng cao su, đơn giản thế, nhưng không dễ làm. Vì cơ chế bao cấp, rồi lại ngăn sông, cấm chợ, nên vật liệu thiếu thốn đã đành, nhưng kiếm được rồi cũng khó vận chuyển về xưởng. Đã vậy mà trời còn thử lòng ông. Khi công việc đang hòm hòm thì… cháy xưởng. Ông trắng tay, nhưng không thể dừng lại, vì còn cơm áo của cả nhà.
Ông gây dựng lại từ đống tro tàn. Tổ hợp sản xuất do ông dẫn dắt dần dần hoạt động ổn định hơn, hình thành Xí nghiệp hợp doanh Cao su – nhựa Tân Bình (Tabifac – tiền thân của Bita’s ngày nay). Hoạt động của Xí nghiệp trông cả vào thị trường Liên Xô, Ba Lan và các nước khối Đông Âu. Ông kể, hàng khi đó sản xuất hàng loạt, không theo kế hoạch và quan trọng là giày dép chẳng cần đánh số, nhưng khi đó, Đông Âu là thị trường lớn nhất.
Bởi vậy, khi Đông Âu sụp đổ vào năm 1989-1990, Tabifac tan rã theo cùng với số nợ vài tỷ đồng. Nhưng Công ty tư doanh Bình Tân lại được thành lập với những nhân sự chủ chốt quyết làm sống lại nghề sản xuất giày dép.
Tới năm 1992, Công ty TNHH Sản xuất hàng tiêu dùng Bình Tân (Bita’s) được thành lập, ghi dấu lần khởi nghiệp thứ ba của ông Đỗ Long, cũng là sự nghiệp đem lại vinh quang cho doanh nhân Đỗ Long.
Đừng là người kinh doanh cô độc
Là chủ sở hữu một doanh nghiệp có thâm niên trong ngành giày dép – may mặc, hơn ai hết, thủ lĩnh của Bita’s Đỗ Long hiểu rằng cứ kinh doanh là sẽ có những lần thất bại.
Thậm chí, thất bại cũng chính là “cái duyên” đưa ông từ một nhà giáo đến với cương vị lãnh đạo Bita’s và dẫn dắt thành công doanh nghiệp ấy qua gần 3 thập kỷ.
Thất bại trong những câu chuyện của ông Long không có nghĩa là cứ sai rồi bỏ mà phải là cái sai, cái thử nghiệm có cân nhắc, có trách nhiệm.
Nhớ lại những năm 1971-1973, mặc dù không đi bộ đội nhưng ông lại hoạt động tại các hội báo người Hoa, vừa đi học vừa làm các công tác xã hội để tuyên truyền ý thức nghĩa vụ cho thanh thiếu niên và cũng ít nhiều vấp phải sự phản đối từ người thân vì lo cho sự an toàn của ông.
Câu chuyện này theo ông suốt đến tận hôm nay, sự quyết tâm đến cùng với công việc đó đã phần nào hình thành nên tính cách quyết liệt và trách nhiệm của một doanh nhân Đỗ Long sau này. “Để thành công với những gì đã chọn, cơ bản nhất là đứng ở đâu, làm gì cũng phải có trách nhiệm đến cùng”, Chủ tịch Bita’s nhấn mạnh.
“Để điều hành 3-4 công ty cần một sự sắp xếp quản lý đặc biệt như Công ty may Nhật Tân có khi quản lý tới 5.000 nhân viên, 17 phân xưởng sản xuất tại 6 tỉnh thành nhưng hoàn toàn là gia công. Thị trường gia công may mặc tại Việt Nam lúc bấy giờ bùng nổ dần thể hiện các bất cập: cạnh tranh trên từng đơn hàng, các doanh nghiệp liên kết để cùng nhau nâng giá, hạ giá, can thiệp thị trường… Đây là yếu tố sẽ không giúp Việt Nam phát triển, do đó tôi quyết định bỏ gia công dù làm rất tốt để chuyển hướng kinh doanh.
Chúng tôi đi đến một số nước trong đó có Nhật Bản để tiếp cận. May mắn nhận được sự đồng ý hợp tác từ một tập đoàn lớn tại đây để trở thành nhà sản xuất trực tiếp các mặt hàng cho đối tác này. May Nhật Tân nhờ định hướng này, không chỉ hạn chế tối đa các bất cập của mô hình gia công mà còn giúp công ty giảm tải vấn đề nhân công với 500 người được làm việc trong môi trường có điều hòa, sạch và xanh. Không phải cứ nhiều công nhân là ổn mà phải làm có hiệu suất thì mới có thể ổn định cả một hệ thống”, ông Long chia sẻ.
Năm 1991, Bita’s là công ty có giấy phép duy nhất và đặc biệt nhất Việt Nam – giấy phép kinh doanh dành cho công ty đang lỗ và nợ khoảng 4 tỉ đồng.
Khởi điểm là một công ty hợp doanh bị phá sản từ người anh ruột, nguyên nhân cho thất bại này chính là việc sản phẩm của công ty trước đây chỉ xuất đi một thị trường là Liên Xô.
Sau này Liên Xô sụp đổ, hàng tồn đọng nhiều, các đối tác tại Liên Xô cũng gặp khó khăn và không trả tiền hàng còn nợ. Ở trong nước thì chủ doanh nghiệp (anh trai ông Long) có nguy cơ vướng vòng lao lý.
Ông Long kể lại: “Thời điểm đó, với thân phận là một người em – đồng thời cũng là phó tổng giám đốc công ty Bitis, chúng tôi phải thành lập một nhóm người để sang tiếp quản Bita’s. Cuối năm 1990 – 1991, tôi chính thức đứng ở vị trí mới tại Bita’s và bắt đầu cam kết với Bộ Tài chính, Thành ủy và UBND TP. HCM nhận công ty Bitas và hứa thanh toán các khoản nợ trong vòng bao nhiêu năm.
Một thời gian ngắn sau, chúng tôi đã “cứu” thành công Bita’s và giải thể hình thức hợp doanh (Công ty hợp doanh cao su nhựa Tân Bình) và thay bằng mô hình công ty tư nhân, đổi tên thành Bình Tân. Đây có thể coi là một sự thay đổi chiến lược, đảo ngược thất bại đến thành công của công ty”.
Từ câu chuyện hồi sinh của Bita’s, ông Long không quên nhắc nhở các doanh nhân trẻ: “Đôi khi chúng ta phải có những bước đi ngược để thành công. Đem một cái gì đó ra thị trường không xong, thay vì phải bỏ và thay bằng cái mới thì khoan nản chí mà hãy tìm cách thử nó, đôi khi đạt được 1 phần kết quả cũng nên xem đó là hy vọng”.
Đối với việc quản trị một doanh nghiệp trẻ, theo Chủ tịch Bita’s, có 2 yếu tố lớn dẫn đến sự thất bại “báo trước” của các doanh nghiệp mới thành lập.
Một là những nhà lãnh đạo không biết về tài chính, nếu không biết thì cần một bộ máy tin cậy để sử dụng và hai là kinh doanh mà không có bạn bè để san sẻ, hỗ trợ, giúp đỡ những lúc khó khăn.
Bài học quản trị gia đình
Là dòng họ sản xuất giày dép hàng đầu của Việt Nam, sự thành công của ông Đỗ Long không thể không nhắc tới bà Lai Kim. Cuộc đời ông bà với gần 40 năm gắn bó từ thời khởi nghiệp là một chuỗi khát vọng không ngừng để chinh phục những đỉnh cao mới, từ giày dép đến thời trang cao cấp, xây dựng khu công nghiệp…
khởi nghiệp từ thời đất nước còn bao cấp, trải qua bao chinh chiến, thăng trầm, được mất cốt cách của hai nhà sư phạm đã giúp ông bà làm giàu cho thương hiệu mà vẫn giữ được mái ấm gia đình.
“Thuận vợ thuận chồng, tát bể đông cũng cạn”, ở chặng cuối cuộc đời, ông bà lại sánh bước bên nhau, cùng đem hết nhiệt huyết của đời doanh nhân để truyền lửa cho thế hệ trẻ, với group Quản trị và khởi nghiệp đã lên đến 42 ngàn thành viên. Những bài học về quản trị của ông bà Đỗ Long – Lai Kim là cái nhìn tích cực về mô hình doanh nghiệp gia đình.
Nói về việc “thuận vợ thuận chồng” trong điều hành doanh nghiệp, ông Đỗ Long chia sẻ: Ngoài nghĩa vợ chồng thì khi cùng làm ăn chung trong một doanh nghiệp, vợ hoặc chồng cần phải biết rõ những ưu khuyết điểm của nhau, để tự xác nhận và “phân công, phân cấp” cho thực dụng, không vì tự ái, nể nang mà chỉ có áp dụng thế mạnh của nhau để điều hành công ty.
Thí dụ tôi thích công việc giao tiếp xã hội, thích mảng xây dựng chiến lược phát triển doanh nghiệp trong cả 5 năm, 10 năm khi chưa có hình hài. Vợ tôi hiểu ông chồng mơ mộng kiểu đó thì “thả”, để tôi phát huy, nói một cách rõ hơn là “mơ mộng nhưng không viển vông”. Như vậy, tôi làm nhiều việc về quan hệ công chúng, khách hàng, đối tác và nhất là các giai tầng xã hội phức tạp tôi vẫn thích “đeo” để hỗ trợ cho việc kinh doanh.
Còn khả năng về “việc thật, việc tỉ mỉ, chi tiết, hạch toán lời lỗ, chăm sóc nhân viên”, theo sát kế hoạch sản xuất kinh doanh thì vợ tôi luôn là thế mạnh, cộng với tính tình trầm tĩnh, hòa hợp, chịu lắng nghe mọi người, nhất là nghe nhân viên đóng góp cho nên vợ tôi rõ từng li từng tí mọi việc ưu, khuyết trong công ty, để xử lý cho tốt”.
Bitas’ đang ngày càng pahát triển, mở rộng lĩnh vực đầu tư và ngành nghề khác, mô hình quản trị gia đình cần phải thay đổi mà theo ông Long, một trong những thay đổi có tính quyết định là cách điều hành theo phương pháp gia đình cần phải tăng gia “công nghệ”, không thể dùng kiểu gia trưởng trong từng công việc mà phải để công nghệ giải quyết công việc và cũng may mắn là thế hệ tiếp nối đều được đào tạo tại các nước công nghệ mạnh, họ tiếp nhận và chấp nhận thay đổi.
“Chúng tôi nhận thức giữ truyền thống gia đình ở mảng văn hóa như tôn trọng, hiếu thảo với người già, cha mẹ, đoàn kết anh em, quan tâm xã hội là tốt, nhưng trong quản trị thời 4.0 thì cần đột phá cả nhận thức khó sửa từ những người quản lý kiểu cũ và chúng tôi làm được, hay nói đúng nhất “phải đi theo thế hệ thứ 2 để phát triển doanh nghiệp”, ông Long chia sẻ.
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp