“Chúng tôi tự tin vào vụ kiện nhưng hoàn toàn hiểu rằng đây vẫn là một canh bạc”, ông Aquino nói về quyết định đưa Trung Quốc ra tòa PCA của Philippines.
Một trong những di sản của cố Tổng thống Benigno Aquino III là chiến thắng của Philippines trong phiên tòa Biển Đông. Trên thực tế, việc khởi kiện Trung Quóc không phải quyết định dễ dàng với ông Aquino, lãnh đạo một quốc gia đang phát triển và vẫn còn phụ thuộc nặng nề vào Bắc Kinh về thương mại.
Theo thống kê hồi 2015, giai đoạn phiên tòa đang diễn ra, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ hai của Philippines. Nhiều người Philippines gốc Hoa có tầm ảnh hưởng lớn trong kinh doanh, cũng như nhiều lĩnh vực khác, ví dụ như Henry Sy và Lucio Tan – 2 trong số những nhân vật giàu có nhất Philippines.
Trong cuộc phỏng vấn với báo mạng Rappler, ông Aquino thừa nhận ban đầu ông có lấn cấn về chuyện kiện Trung Quốc. “Không thể nói là tôi đã không bận tâm, không lo ngại tới một số vấn đề mà chúng tôi phải đối mặt (ở thời điểm đó). Đối đầu với Trung Quốc, họ sẽ đối xử với chúng tôi như thế nào nếu chúng tôi dám (làm vậy)?”
Giọt nước làm tràn ly
Ngay từ đầu nhiệm kỳ của ông Aquino, Trung Quốc đã nhiều lần phô trương sức mạnh và gây hấn với Philippines ở Biển Đông, mà đỉnh điểm là vụ đối đầu căng thẳng ở Scarborough năm 2012.
Ông Aquino cho biết: Giọt nước làm tràn ly chính là hành động bội tín của Trung Quốc ở Scarborough.
“Vào giai đoạn cao điểm của sự việc, Mỹ đã đứng ra làm trung gian giữa chúng tôi và Trung Quốc, cả hai bên đã đồng ý rời khỏi khu vực đó như một động thái bày tỏ niềm tin và thái độ sẵn sàng hợp tác để xoa dịu căng thẳng. Theo đúng thỏa thuận, Philippines rút tàu khỏi đó nhưng Trung Quốc thì không. Bắc Kinh còn nói chẳng có thỏa thuận nào như vậy”.
“Vậy, câu hỏi đặt ra là: Chúng ta phải phản ứng như thế nào trước động thái gây hấn và càn rỡ đó? Nói một cách đơn giản thì có 2 lựa chọn: Thứ nhất, như nguyên thủ một nước ASEAN từng nói: Thế giới là vậy đó, họ là nước lớn và chúng ta là nước nhỏ, có thể làm gì được cơ chứ? – điều này tôi hiểu là ngầm đồng thuận với tất cả những gì Trung Quốc muốn bởi ta không thể làm gì; hoặc lựa chọn thứ hai, chúng ta cố thủ và chiến đấu cho quyền lợi của mình”.
“Thách thức đương đầu với Trung Quốc rõ ràng là lĩnh vực mà chúng tôi không có kinh nghiệm”. Philippines đã thử mọi kênh ngoại giao, cả các chính thức, lẫn hành lang, nhưng luôn vấp phải trở ngại, ông Aquino cho biết.
“Chúng tôi đưa vụ việc ra mọi diễn đàn mà chúng tôi có thể. Chúng tôi tìm cách thu thập đồng minh để đưa Trung Quốc về một lối tư duy hợp nhẽ hơn. Ngoại trưởng Del Rosario có thể cho các bạn xem hàng trăm công hàm phản đối mà chúng tôi đã gửi cho Trung Quốc. Số giấy đã sử dụng có lẽ đủ để một người thu mua giấy vụn sống được vài tuần”.
Ông Aquino chỉ định Thượng nghị sĩ Antonio Trillanes IV, vốn là một người bạn thân thiết của ông, thực hiện các nỗ lực đàm phán ngoài hành lang với Bắc Kinh.
Trong khi cuộc đối đầu giữa hai bên diễn ra, ông Trillanes đã nhiều lần gặp gỡ các quan chức Trung Quốc, những đầu mối mà ông có được sau chuyến thăm chính thức Bắc Kinh năm 2011. Sứ mệnh của Trillanes – như ông Aquino đã chỉ đạo – là giảm thiểu căng thẳng ở Scarborough.
“Thông điệp của ông Aquino là: Philippines muốn giải quyết vụ đối đầu một cách hòa bình, theo con đường ngoại giao”, ông Trillanes viết trong một ghi chú trong các cuộc đàm phán ngoài hành lang với Trung Quốc, “Ông ấy cũng yêu cầu có những biện pháp xây dựng lòng tin”.
Tổng cộng, thượng nghị sĩ cho biết, ông đã có hơn 10 cuộc họp ở cả Manila lẫn Bắc Kinh và tất cả được ông báo cáo trực tiếp cho Tổng thống.
Bỏ song phương để tiến tới đa phương
Những nỗ lực ngoại giao của Philippines không đem về kết quả tích cực. Khi Ngoại trưởng Albert del Rosario, người cũng rất bức xúc trước những cuộc đàm phán vô ích, không có kết quả với Trung Quốc, đề xuất với ông Aquino đưa Bắc Kinh ra tòa án quốc tế, Tổng thống đã lắng nghe và để tâm tới ý tưởng ấy.
Ông Aquino đã tìm hiểu về quân đội cũng như sự bành trướng của Trung Quốc và những gì mà người Trung Quốc, từ cấp tiểu học, được dạy về Biển Đông. Một bài báo đăng tải vào tháng 4/2012 trên The Economist về sự phát triển của quân đội Trung Quốc đã cho ông một góc nhìn về đất nước khổng lồ đang trỗi dậy không mấy thân thiện.
Theo bài báo, quân đội Trung Quốc (PLA) đã tuyên bố học thuyết: “Nếu một đối thủ gây tổn hại tới lợi ích quốc gia của chúng tôi thì điều đó nghĩa là đối thủ đã bắn phát đạn đầu tiên”. Vì vậy, nhiệm vụ của PLA là “làm tất cả những gì chúng tôi có thể để áp chế đối thủ bằng cách tấn công trước”.
Hơn nữa, hải quân Trung Quốc “có vẻ tự coi mình là vệ binh cho những lợi ích kinh tế ngày càng phình to của Trung Quốc”, bao gồm cả yêu sách chủ quyền ngang ngược, ví dụ như ở Biển Đông. Bài báo này được đăng tải ở thời điểm đầu của cuộc khủng hoảng ở Scarborough.
Hiển nhiên Trung Quốc sẽ không từ bỏ cứ điểm của mình ở Scarborough. Và Philippines, rõ ràng, không phải là đối thủ trước sức mạnh quân sự của Bắc Kinh.
“Khó khăn của chúng tôi là làm thế nào đương đầu với người Trung Quốc?” Những suy nghĩ ban đầu của ông Aquino xoay quanh “những mối nguy hiểm khi bước vào và đối đầu với cường quốc quân sự, kinh tế trong khu vực”. Nhưng khi các diễn biến khác mở ra, “chúng tôi không có lựa chọn bởi hoặc chúng tôi từ bỏ mọi thứ, từ bỏ bờ biển phía Tây, hoặc chúng tôi chiến đấu vì nó”.
Sau rất nhiều cân nhắc, vị Tổng thống Philippines khi đó nhận ra rằng, chính luật pháp sẽ đóng vai trò là cán cân đúng đắn. Cuộc khủng hoảng ở Scarborough đã thúc đẩy ông đi theo con đường pháp lý.
Aquino đã triệu tập một cuộc họp Nội các quan trọng vào tháng 7/2012, vài tuần sau khi Manila bị mất Scarborough, và mời lãnh đạo hai viện của Quốc hội, Chủ tịch Thượng viện Juan Ponce Enrile và Chủ tịch Hạ viện Feliciano Belmonte. Ông cũng đề nghị Thượng nghị sĩ Antonio Trillanes IV tham dự.
Tại phòng tiệc Aquinaldo ở Malacanang, Del Rosario đã thông báo cho tất cả mọi người về tình trạng đối đầu ở Scarborough. Sau đó ông Aquino đã đặt ra câu hỏi: “Chúng ta nên giữ tranh chấp của mình với Trung Quốc tại Biển Đông ở mức song phương? Hay chúng ta nên nhờ tới các đồng minh và đi theo hướng đa phương?”
Trình khiếu nại lên tòa án quốc tế lúc này vẫn chưa được đưa vào chương trình nghị sự. Ông Aquino chỉ đơn giản muốn đánh tiếng với những nhân vật thân cận và lãnh đạo các nhánh lập pháp về khả năng rời bỏ phương án song phương.
Manuel Roxas II, Bộ trưởng Nội vụ vẫn còn giữ một số ghi chú của buổi họp. Cuộc thảo luận đã chuyển hướng sang “quốc tế hóa” vấn đề, điều mà ông cho là “vũ khí lớn nhất và cuối cùng” của Philippines nhằm vào Trung Quốc. Cuộc họp kết thúc với phần đông ủng hộ “quốc tế hóa” vụ tranh chấp.
Tuy vậy, mọi chuyện không hề suôn sẻ.
Trở ngại trước đêm cuối
Trở ngại xuất hiện ngay từ khi ông Aquino cân nhắc tới chuyện đưa Trung Quốc ra tòa. Tổng thống Philippines khi đó đã đưa ra một quyết định khó khăn, ngay cả khi các cố vấn thân cận nhất của ông chia rẽ trong lập trường, một bên thì phản đối, một bên thì ủng hộ phiên tòa và hai luồng quan điểm này va chạm từ đầu đến cuối.
Sau khi tham vấn với chuyên gia về Luật Biển Paul Reichler và đội ngũ của ông, Ngoại trưởng Albert del Rosario đã đệ trình một bản bị vong lục lên phủ Tổng thống, gửi tới ông Aquino đề xuất ủng hộ kiện Trung Quốc ra tòa. Không may là văn bản ấy bị sửa đổi ở Malacanang với nội dung như thể ông Del Rosario giữ lập trường phản đối.
Ngoại trưởng Philippines đã phải tìm cách trình lên Tổng thống Aquino đề xuất ban đầu của mình. Ông Aquino sau đó đã tiến hành một cuộc họp gồm nhiều lãnh đạo quốc gia và trong số này – ngoại trừ 1 nhân vật – thì tất cả đều bỏ phiếu ủng hộ kiện Trung Quốc.
Nhiều năm sau, khi nhìn lại sự việc, ông Aquino vẫn khẳng định: Đưa Trung Quốc ra tòa trọng tài PCA là lựa chọn tốt nhất của Philippines.
“Hành động của họ không chỉ vi phạm UNCLOS mà còn vi phạm DOC mà chính phủ Trung Quốc đã tự do tham gia cùng chính phủ các nước ASEAN, và thậm chí cả Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) mà Trung Quốc gia nhập từ 1981”, ông Aquino nói trong một bài phát biểu năm 2021.
“Tôi xin được nhấn mạnh, chính Trung Quốc là bên đã thay đổi hiện trạng, họ quyết định vượt qua các ranh giới và cố xem mình có thể hoành hành tới đâu. Mặc dù nhiều bên đồng cảm với chúng tôi nhưng thực ra chúng tôi đơn độc. Chúng tôi đã học được từ kinh nghiệm ở Scarborough, rằng ngay cả một cường quốc khác như Mỹ cũng không thể khiến Trung Quốc tuân thủ những cam kết của mình. Trong bối cảnh ấy, phương án kiện Trung Quốc lên PCA được đưa ra”.
“Ra tòa PCA là lựa chọn tốt nhất của chúng tôi. Chúng tôi đã chuẩn bị đầy đủ. Chúng tôi đã nghiên cứu vấn đề kỹ càng, có được lời khuyên từ vô số chuyên gia, tìm được những tư vấn pháp lý tốt nhất và chọn được cố vấn pháp lý tuyệt vời nhất đề đại diện cho lợi ích của mình”.
“Chúng tôi tự tin vào vụ kiện nhưng hoàn toàn hiểu rằng đây vẫn là một canh bạc”.
Tuy nhiên, bất đồng trong nội bộ Philippines không dừng lại ở đó. Khi luật sư Paul Reichler đề xuất sửa đổi khiếu nại và đưa vào vấn đề thực thể Ba Bình thì hai phe lại tranh cãi.
Ngoại trưởng Del Rosario đã sắp xếp cho Paul Reichler cùng đội ngũ của ông gặp Tổng thống Aquino ở Malacanang để luật sư có thể giải thích cho Tổng thống vì sao cần phải sửa đổi khiếu nại. Họ đợi suốt 4 tiếng đồng hồ ở Malacanang nhưng cuối cùng chỉ nhận được lời phản hồi từ Chánh văn phòng phủ Tổng thống, rằng ông Aquino không thể gặp họ. Vị Chánh văn phòng này còn nói rằng, Tổng thống chỉ đạo không sửa khiếu nại.
Sau này, người ta mới biết rằng, có ai đó đã chặn nhóm của Paul Reichler và ông Aquino khi đó không hề hay biết nhóm pháp lý tới gặp mình.
Nhưng đó chưa phải là tất cả. Khi tới The Hague, nhóm của Paul Reichler đã nhận được email của Tổng Biện lý Sự vụ Florin Hilbay, yêu cầu họ không trả lời các câu hỏi của tòa về Ba Bình, những câu hỏi mà tòa đã chuyển trước cho đoàn luật sư. Chỉ đến khi Thẩm phán Tòa án tối cao Philippines Antonio Carpio can thiệp thì mọi chuyện mới được tháo gỡ.
“Trong cuộc gặp ngay đêm cuối trước phiên điều trần đầu tiên, tôi giải thích rằng, tại Tòa án Tối cao, nếu luật sư từ chối trả lời câu hỏi của tòa trong giai đoạn lập luận thì sẽ rất bất lợi và họ có thể sẽ thua vụ kiện. Cũng may là Hilbay không tranh cãi với tôi nữa và Paul Reichler cùng nhóm pháp lý của ông coi như Philippines đã bật đèn xanh, cho phép họ trả lời tất cả các câu hỏi trong phiên tòa”, Carpio nhớ lại.
Tòa trọng tài quốc tế sau đó đã ra phán quyết khẳng định Ba Bình là “bãi đá,” nên không có vùng đặc quyền kinh tế. Đây là điều khá bất ngờ đối với nhiều người trong giới nghiên cứu quốc tế, nhưng là một đòn đánh mạnh vào các tuyên bố chủ quyền sai trái của Trung Quốc ở Biển Đông.
Aquino: Đối đầu với Trung Quốc là việc đúng đắn
Chính quyền ông Aquino đã khởi động tố tụng sau vụ đối đầu giữa tàu Philippines và Trung Quốc ở khu vực Scarborough vào tháng 4/2012. Với quyết định này, Manila đã chấm dứt các cuộc đàm phán song phương với Trung Quốc – phương tiện mà Bắc Kinh ưa chuộng để giải quyết các vấn đề hàng hải.
Chính quyền Philippines lúc đó tin rằng đưa Trung Quốc ra tòa sẽ đảm bảo một giải pháp lâu dài cho tranh chấp hàng hải. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose nhấn mạnh, quyết định này ít nhất sẽ cho phép người Philippines giữ một vị trí chắc chắn hơn, cứng rắn hơn khi quay trở lại các cuộc đàm phán song phương với Trung Quốc.
Trung Quốc quyết định không chính thức tham gia phiên tòa. Ông Aquino cho biết, thay vào đó, Bắc Kinh đi những kênh hành lang và gây áp lực nhóm.
“Họ yêu cầu chúng tôi trì hoãn phiên tòa và rút khiếu nại. Nhưng chúng tôi giữ vững lập trường của mình và chấp nhận những hậu quả. Chúng tôi đã chuẩn bị để bảo vệ nền kinh tế trước xu hướng mà Trung Quốc vẫn theo đuổi: trừng phạt những bên khiến họ không hài lòng bằng cách gây sức ép kinh tế. Và phần còn lại là lịch sử”.
Ernest Bower, cố vấn cấp cao cho Chương trình Đông Nam Á tại CSIS cho rằng chính quyền ông Aquino đã “làm rất tốt”.
“Thực sự là lời nói đi đôi với việc làm. Họ không chỉ nói chuyện luật pháp mà còn đưa vụ việc ra The Hague”.
“Tôi nghĩ rằng ông Albert del Rosario, Ngoại trưởng Philippines đã làm rất tốt khi thúc đẩy thêm sự đoàn kết và hợp tác của ASEAN. Và ông ấy cũng làm rõ với người Mỹ rằng Philippines nghiêm túc về vấn đề này”, Bower nhận xét.
Lý giải về các nỗ lực ngoại giao xung quanh sự vụ, ông Aquino chia sẻ:
“Đối đầu với một người khổng lồ không phải chuyện dễ dàng và chúng tôi ít nhất phải tìm cách đưa đồng minh vào cuộc chiến này. Chúng tôi nhận được nhiều sự đồng cảm nhưng cũng rất nhiều bên lưỡng lự, không dám làm mếch lòng Trung Quốc và để mất những lợi ích đi kèm khi duy trì mối quan hệ hữu hảo với họ”.
Ông Aquino có nghĩ tới khả năng thua kiện nhưng cuối cùng ông đã dập tắt suy nghĩ ấy bởi ở thời điểm đó, ông tin rằng Philippines không thể rơi vào một vị trí tệ hơn được. Hơn nữa, đưa Trung Quốc ra tòa lại có tiềm năng giải quyết tình trạng phức tạp kéo dài ở một trong những khu vực đường thủy đông đúc nhất thế giới.
“Chúng tôi thúc đẩy lợi ích của mình và tôi cho rằng bằng cách đó, chúng tôi đã tăng cường lợi ích cho phần còn lại của thế giới trong việc đẩy mạnh ổn định khu vực, trái với những hành động gây bất ổn liên tục của Trung Quốc”.
“Chúng tôi đối đầu với Trung Quốc bởi đó là việc đúng đắn. Sự gây hấn của Trung Quốc đã trao cho chúng tôi cơ hội để giải quyết tranh chấp kéo dài ở khu vực này của thế giới”.
Ngày 12/7/2016, Tòa trọng tài đã ra phán quyết gần 500 trang sau hơn 3 năm thụ lý vụ Philippines kiện Trung Quốc, trong đó đáng chú ý là phán quyết bác bỏ yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc ở Biển Đông và khẳng định yêu sách của Trung Quốc về các quyền lịch sử đối với các vùng biển nằm trong “đường 9 đoạn” là trái với Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS). PCA khẳng định không có thực thể nào mà Trung Quốc yêu sách ở Biển Đông có thể tạo ra vùng đặc quyền kinh tế. Ngoài ra, Tòa trọng tài cho rằng hoạt động của Bắc Kinh đã gây tổn hại không thể bù đắp cho môi trường ở khu vực này.
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị