Bởi vì startup vốn dĩ rất dễ thất bại, nên những người chủ đối xử với các startup như đứa con của mình – chăm bẵm, bảo bọc chúng tránh tất cả những khó khăn và chướng ngại.
Tuy nhiên, hành động này có thể gây hại cho startup. Rất nhiều doanh nghiệp lao đầu vào các thị trường mới mà không cân nhắc đến những thử thách đặc thù. Một số khác lại nghĩ đó là cách để loại bỏ các thử thách, thay vì nên tự để doanh nghiệp “trải nghiệm” chướng ngại vật trên con đường đã chọn.
Cạnh tranh là thử thách của tất cả doanh nghiệp. Tuy nhiên không nên xem đây là điều nhất định phải tránh. Cạnh tranh là một điều rất khắc nghiệt, tuy nhiên doanh nghiệp cần vượt qua nếu muốn tồn tại. Suy cho cùng, bạn thành lập doanh nghiệp bởi bạn tin tưởng vào bản thân và ý tưởng của mình. Vì vậy ở một số thời điểm, bạn cần có sự tự tin để đưa ra những ý tưởng hay ho nhằm cạnh tranh trực tiếp với đối thủ.
Tuy nhiên để chống lại bản năng và chấp nhận đương đầu với cạnh tranh không phải là việc ai cũng có thể làm. Và dưới đây là một số lời khuyên bạn có thể tham khảo
Xem cạnh tranh như một sự xác nhận
Những đối thủ cạnh tranh với doanh nghiệp của bạn là một thế lực đáng gờm. Tuy nhiên trước hết bạn hãy xem đó là sự công nhận rằng doanh nghiệp của bạn, ý tưởng của bạn có điểm tốt; đặc biệt khi các đối thủ cạnh tranh một cách bài bản và đạt được một số thành công nhất định.
Tại sao lại nói như vậy? Bởi vì chẳng có gì đáng nghi ngờ hơn một ý tưởng, một cảm hứng. Trong giây phút ấy, bạn sẽ không chắc rằng liệu ý tưởng ấy có hợp lý hay không; đôi khi ý tưởng “thông minh” của bạn lại là thứ không có giá trị trong mắt người ngoài. Vì vậy nếu bị cạnh tranh, hãy bớt căng thẳng và xem đó là lời khẳng định cho tính đúng đắn của kế hoạch và ý tưởng của mình.
Lấy cạnh tranh làm môi trường rèn luyện
Cạnh tranh với những đối thủ trực tiếp là cách rèn luyện hữu ích. Đa số chúng ta đều có bản năng cạnh tranh, và điều này càng đúng với những người sáng lập startup. Đối thủ cạnh tranh là cơ hội để chúng ta nhìn lại những gì đang diễn ra trên thị trường, thử thách bản thân để cải tiến sản phẩm, cách quảng bá, và dịch vụ khách hàng.
Không chỉ vậy, những cải tiến của các đối thủ cũng giúp chúng ta nhận ra được điểm yếu của doanh nghiệp và thúc đẩy ta khắc phục những thiếu sót của mình. Nói cách khác, sự cạnh tranh đôi khi sẽ đem đến cho doanh nghiệp thêm động lực phấn đấu.
Nắm bắt cơ hội trong sự cạnh tranh
Sự tự mãn là điều cực kỳ nguy hiểm với tất cả doanh nghiệp. Điểm yếu này cũng là một cơ hội hấp dẫn giúp những doanh nghiệp khác tiến vào cùng thị trường. Sở hữu một nền tảng khách hàng lớn không đồng nghĩa với việc tất cả khách hàng đều cảm thấy hạnh phúc hay thỏa mãn, đặc biệt nếu sản phẩm không được cải tiến hoặc thích nghi với thời đại.
Tình trạng này sẽ đem đến cơ hội cho những doanh nghiệp khác tiến vào thị trường bằng cách đưa ra các giải pháp thay thế, giải quyết được những điều không hài lòng của khách hàng mà những đối thủ khác đã bỏ qua. Bằng cách quan sát những cơ hội này một cách hợp lý, bạn có thể biến thành công của kẻ khác thành bàn đạp cho chính mình.
Tất cả chúng ta đều mong muốn một con đường thành công dễ dàng, nhanh chóng, không gặp bất cứ chướng ngại vật nào. Và mặc dù đôi khi cuộc sống không như những gì chúng ta sắp đặt, thế nhưng chẳng có lý do gì để chúng ta từ chối những thử thách, bởi đó là cơ hội để chứng minh bản thân. Sự cạnh tranh có thể làm nản lòng nếu ta để mặc chúng, hoặc có thể tạo ra động lực để phát triển công ty và sản phẩm nếu ta dám đương đầu.
Theo Forbes