Trong năm qua, mức quan tâm tới vàng của người Trung Quốc đã tăng lên đáng kể. Nhiều người đã nắm bắt cơ hội và có nguồn thu nhập khủng.
Kinh doanh vàng lên ngôi
Giá vàng đã tăng mạnh trong năm qua tại Trung Quốc. Giá mỗi gram trang sức vàng nguyên chất thương hiệu hàng đầu tăng gần 17%, đến cuối năm, giá trang sức vàng nguyên chất đạt 624 nhân dân tệ/gram (tương đương 7,9 triệu đồng/chỉ).
Trong “cơn sốt vàng” này, nhiều người đã tìm được cơ hội đổi đời.
Trương Bá, sinh năm 1985, đã bắt nhịp làn sóng buôn vàng vào đầu năm 2023. Anh mở một tiệm vàng tư nhân tại chợ văn hóa và giải trí Shilihe Yayuan International ở Bắc Kinh.
Trên thị trường vàng cạnh tranh khốc liệt, việc Trương Bá liều mình tham gia chẳng khác nào “cướp vàng từ miệng hổ”. Do đó, câu chuyện của anh đã khiến không ít người tò mò.
Giữa lúc dòng người mua vàng không ngừng đổ về, Trương Bá thường xuyên phải trực quầy, đôi lúc đứng cả ngày. 6 giờ tối, khi phóng viên tới, đồ ăn trưa mà vợ anh đặt vẫn còn ở trên bàn, đũa vẫn chưa kịp động.
Được biết, hết năm đầu tiên kinh doanh, anh đã bán được 10 triệu tệ (34 tỷ đồng). Trương Bá nói: “Tôi bắt đầu làm vàng từ đầu năm 2023, tính đến nay tròn đúng một năm, tôi chỉ có thể coi là người mới trong ngành này. Nhưng thực tế là hầu hết những người mua vàng hiện nay đều là “người mới”.
“Người mới” ở đây không có nghĩa là người có đầu óc đơn giản, dễ bị lừa mà là lý do và tâm lý mua vàng trở nên đơn giản hơn. Trước đây, đồ trang sức bằng vàng được mua cho những dịp quan trọng như đám cưới, nhưng hiện nay nó chủ yếu được mua ngẫu nhiên và đeo hàng ngày”.
Theo anh Trương, hầu hết khách hàng đến cửa hàng là những người trẻ tuổi. Giới trẻ coi trọng cá tính và sự kết hợp giữa những phụ kiện nhỏ bằng vàng đặc biệt được ưa chuộng. Vào dịp cuối năm, những người có “sao hạn” hoặc có tử vi xấu thường mua vàng để xua đuổi tà ma; còn những người muốn may mắn, lễ hội lại đến để mua vòng tay có con dơi vàng, nghĩa là “phước lành đang ở trước mặt bạn”.
Ngoài văn hóa truyền thống, trang sức vàng có hình hoạt hình cũng rất được ưa chuộng. Khi mùa hè đến, việc đeo một chiếc vòng tay sẽ khiến những món phụ kiện nhỏ trở nên cá tính.
Một xu hướng khác cũng đang nổi lên trong năm nay tại Trung Quốc, đó là vàng cổ Tây Tạng. Giống như những chiếc vòng tay “cuộn vàng” phổ biến trên Xiaohongshu và Douyin (các ứng dụng mạng xã hội của Trung Quốc, tương tự như Facebook và Tiktok), mẫu trang sức kết hợp giữa dây thừng đỏ và vàng đặc biệt được ưa chuộng trong ngày Tết. Hầu như tất cả những người đi ngang qua cửa hàng đều dừng lại ngắm nhìn một lúc, và có nhiều người xin đeo thử.
Vàng tuy đắt nhưng mỗi khách mua hàng chỉ tiêu trung bình từ 3.000 đến 4.000 nhân dân tệ. Trương Bá tiết lộ rằng ví dụ như giá vàng trong ngày là 479 tệ/gram, anh sẽ bán ra 540 tệ/gram và hưởng khoản chênh lệch.
Dũng cảm đổi việc
Trương Bá lớn lên gần Panjiayuan (chợ văn học và giải trí nổi tiếng ở Bắc Kinh) và là người quan tâm đến nghệ thuật và giải trí, nhưng không ai trong gia đình tham gia vào ngành này. Sau khi tốt nghiệp đại học, anh xin làm việc ở công ty điện lực, hàng ngày làm các công việc kĩ thuật, nhận mức lương 3.000 tệ một tháng (khoảng 10 triệu đồng).
Năm 2012, Trương Bá và bạn gái (nay là vợ ) gặp một “người định mệnh” trên chuyến xe buýt đi Hà Bắc. Nhờ lời giới thiệu của người này, Trương Bá đã gặp được nhà cung cấp đầu tiên của mình và quyết định bỏ việc chuyển sang làm nghệ thuật và trang sức. Sau 10 năm làm việc, đến năm 2023, Trương Bá mới bước chân sang lĩnh vực vàng và trang sức vàng.
Để tạo ra sự khác biệt so với các thương hiệu nổi tiếng sẵn có, ngoài việc sáng tạo ra các sản phẩm độc đáo, anh còn tạo một tệp thông tin khách hàng, qua đó gây dựng sự thấu hiểu và xây dựng niềm tin.
Theo Trương Bá, một trong những khách hàng lớn đã đến cửa hàng nhiều lần trong 6 tháng qua, mỗi lần tiêu tới hàng chục nghìn tệ, tới nay đã mua tổng cộng 500.000 tệ (khoảng 1,7 tỉ đồng).
Bên cạnh khách hàng cũ, Trương Bá còn quảng bá sản phẩm trên mạng xã hội. Đôi lúc, sản phẩm được cả trăm người hỏi và 30 người chốt đơn. Nhờ thị trường ổn định, anh đã thu về 10 triệu tệ trong năm qua.
Trương Bá cho biết tiệm vàng của anh may mắn vì liên tục có khách. Trước khi bán vàng, anh đã từng bán đồ chơi và đồ nghệ thuật. Giờ đây khi chuyển ngành, một số đồng nghiệp cũ đã tới mua hàng và được anh bán với giá ưu đãi. Theo anh, thứ quan trọng nhất được bán tại cửa hàng là tính thẩm mỹ và sự tin cậy.
Dù công việc này hái ra tiền nhưng Trương Bá cho biết không phải ai cũng thích bán vàng. Theo anh, việc này thực sự bào mòn cả về thể chất lẫn tinh thần. Do giá vàng minh bạch nên lợi nhuận sẽ thấp. Chưa kể, kinh doanh số lượng lớn nên người bán thường xuyên phải kiểm tra hàng.
Người làm cũng phải cẩn thận khi xử lí vàng. Khi bán hàng phải để ý đến từng chi tiết, không được làm thất lạc đồ đạc, không được mắc sai lầm trong kế toán và phải thắt chặt quy trình hoạt động từ giờ mở cửa cho đến giờ đóng cửa.
Tuy nhiên, đóng cửa hàng không có nghĩa là nghỉ làm. Trương Bá cho biết anh còn không có khái niệm nghỉ làm. Mua hàng, đặt hàng, tìm kiểu dáng mới, đan dây, chụp ảnh, viết bài, bán hàng, mọi việc đều phải cân nhắc.
Theo anh, dù doanh thu lên tới 10 triệu tệ nhưng chỉ giữ lại được 400.000 tệ (khoảng 1,4 tỉ đồng). Do đó, anh dự tính rằng sẽ không mãi mãi bán vàng.
“Nếu một ngày nào đó việc bán quần áo trở nên phổ biến, tôi có thể bắt đầu bán quần áo. Một mặt tôi đang làm việc chăm chỉ để kiếm nhiều tiền hơn nhưng mặt khác tôi cũng đang chờ đợi cơ hội tiếp theo và mạnh dạn nắm bắt nó. Chỉ cần còn sống thì sẽ luôn có cơ hội,” Trương Bá nói.
Tham khảo 163- Tất Đạt-Theo Nhịp sống thị trường