“Tích thủy chi ân, dũng tuyền tương báo”, đó là một trong những mỹ đức của người xưa, bất kể giai tầng.
Vào thời nhà Thanh, ở Sơn Tây có một người tên là Trần Ông, gia đạo thanh bần, mưu sinh bằng nghề dạy học, tuổi đã ngoài bốn mươi mà không có con trai. Bao nhiêu học phí mà học sinh trả cho việc dạy học, ông dành dụm tổng cộng được bốn năm mươi lượng bạc, mỗi đêm dưới ánh đèn, lại mang những thói bạc ra mân mê để giải trí. Vợ ông thường chế nhạo, nhưng ông không để tâm.
Ở cùng thôn đó, có một tộc nhân họ Giáp, cuộc sống vô cùng khó khăn, nhà chẳng còn chút gì để ăn. Anh chàng luôn biết rằng nhà Trần Ông có chút tích lũy, từng trèo lên cửa sổ để nhìn trộm, định lấy trộm những thỏi bạc, nhưng không có cơ hội. Một đêm, vợ Trần mở cửa đi vệ sinh, họ Giáp thừa cơ lẻn vào nhà. Giáp sớm đã biết những thỏi bạc được giấu dưới chăn, nên vội vã đưa tay mò mẫm trong bóng tối.
Trần Ông mặc dù nằm trên giường, nhưng vẫn chưa ngủ, chợt cảm thấy như có ai đó đang mò mẫm trên giường, vì vậy ông châm lửa bếp lò để kiểm tra, thì nhìn thấy tộc nhân họ Giáp. Trần Ông kinh ngạc, dập lửa, rồi thấp giọng hỏi: “Cậu đang làm gì vậy? Sao lại đi làm những việc xấu mặt tông tộc này?” Người kia vừa kinh vừa thẹn, đáp: “Đã gần một năm rồi, tôi cơm chẳng có mà ăn, thực sự là cùng đường mới xuất ra thứ hạ sách này”.
Trần Ông nói: “Được rồi, tôi tha thứ cho cậu một lần”. Theo đó, ông đưa cho họ Giáp tất cả những thỏi bạc mà mình dành dụm được, và nói với anh chàng: “Mau về đi, để sau này cậu không bị mang tiếng, lần này, tôi sẽ không nói với người ngoài rằng cậu ăn trộm”. Họ Giáp không kịp tạ từ, nhặt những thỏi bạc vội vã rời đi.
Ngay sau đó, Trần Ông hét lên: “Có kẻ trộm!” Vợ ông nghe thấy vội vàng quay lại và hỏi: “Chuyện gì đã xảy ra vậy?” Trần Ông nói: “Vừa rồi một tên trộm đột nhập vào nhà, hiện tại hắn đã trốn thoát, thật hoảng hồn, không biết có bị mất tài sản gì không?” Trần Ông kêu vợ thắp lửa, cầm đèn cầy ra xem. Khi vợ của Trần Ông thấy rằng nhà mình đã mất hết tiền tích lũy, bà rất buồn. Trần Ông an ủi vợ: “Tiền bạc được hay mất đều là trong mệnh chủ định”. Đương thời, Trần Ông đau khổ vì không có người thừa kế, tự nhiên sau đó, vợ của Trần Ông bất ngờ mang thai, lần lượt sinh ra mấy cậu con trai, gia cảnh cũng dần dần trở nên phú dụ.
Họ Giáp sau khi có được những thỏi bạc, cần kiệm kinh doanh, dần dần làm ăn khá giả, mua được ruộng đất, cưới được một người vợ đảm đang. Anh chàng thường kể cho vợ nghe chuyện cũ, muốn báo đáp đại đức của Trần Ông nhưng lại đau khổ vì không có cơ hội. Một năm nọ, gần đến vụ thu hoạch, để đề phòng bọn trộm cướp lúa, họ Giáp thức dậy ban đêm để tuần thị. Lúc ấy trăng sáng soi đại địa, sáng như ban ngày, thấy có hai người đang vội vội vàng vàng đi trên lối mòn trong ruộng, Giáp tưởng họ đến trộm lúa nên nín thở lén tra khán. Nhưng nghe hai người họ xì xào bàn tán, một người nói: “Ở tại đây”, người kia lại nói: “Không đúng, không đúng, tôi trắc chính xác nhất, nên là ở đây chứ không phải ở đó. Nếu không tin, có thể thử cắm một nhành cây ở đây, nếu mười ngày sau cành cây không chết khô, thì có thể xác minh tính xác thực”. Người nọ nói: “Được”. Sau đó, ông ta bẻ một nhánh cây cắm xuống đất trước khi rời đi.
Họ Giáp hiểu ra, nguyên đó là hai vị thầy phong thủy, họ đến đây để tìm phong thủy cát huyệt. Anh chàng vội chạy đến chỗ người ta cắm cành cây, nguyên lai đó là đất mới mua của mình nên lưu tâm quan sát. Quả nhiên mười ngày sau, cành cây vẫn không khô héo, anh chàng mừng khôn xiết, về nhà bàn với vợ định chôn cất tổ tiên đã khuất tại đây. Vợ anh chàng ngăn lại, nói: “Ta là bình dân bách tính, đột nhiên có được táng địa phong thủy tốt, e là phúc đức chưa đủ, khó mà được thừa thụ. Chàng thường nói rằng muốn báo đáp đại đức của Trần Ông, nghe nói táng địa của người thân ông ấy không tốt, đang muốn tìm nơi cải táng, hay là chúng ta tặng ông ấy cái huyệt này, người thân của chúng ta phụ táng ở bên cạnh cũng khả dĩ”. Họ Giáp nói: “Nàng nói rất đúng, nhưng Trần Ông trung hậu trưởng giả, nếu nói rõ là mình tặng, ông ấy khẳng định sẽ không chịu nhận, làm sao đây?”
Hai vợ chồng suy nghĩ hồi lâu, Giáp đột nhiên bật dậy, vỗ vỗ lưng vợ, cười nói: “Tôi có biện pháp rồi, năm xưa Trần Ông chôn cất người thân, hố huyệt đào không sâu, đương thời tôi đã tận mắt chứng kiến. Trong đêm khuya, hai chúng ta lặng lẽ bí mật di dời và lấp huyệt cũ mà không để Trần Ông biết chuyện, vậy có được không?” Người vợ nói: “Được đó!” Thế là, hai người hoàn thành việc như đã nói, nhưng Trần Ông hoàn toàn không biết việc đó.
Một năm sau, Trần Ông có một đứa cháu trai, tên là Trần Kính. Sau này, hoàng đế Thuận Trị ban cho chữ “Đình”, đổi tên thành Trần Đình Kính. Quả nhiên thanh niên đăng đệ, hai mươi tuổi thi trúng tiến sĩ, được chọn làm thứ cát sĩ, thụ bí thư viên kiểm thảo, từng dạy dỗ hoàng đế Khang Hy. Năm Khang Hy thứ mười bốn (1675), ông được thăng làm nội các học sĩ, kinh diên giảng quan, thị lang Bộ Lễ, kiêm nhiệm tả đô ngự sử, công hộ nhị bộ thượng thư. Vào năm Khang Hy năm thứ bốn mươi hai (1703), ông được phong làm Văn Uyên Các học sĩ, lại bộ thượng thư, kiêm chủ biên “Khang Hy tự điển”. Tháng Tư năm Khang Hy thứ năm mươi mốt, ông lâm bệnh mất, hưởng thọ 75 tuổi, thụy hiệu Văn Trinh.
Năm Trần Ông trăm tuổi, tinh thần vẫn mẫn tiệp. Lễ tế xuân thu hàng năm vẫn được cử hành tại ngôi mộ cũ, tất cả các thầy phong thủy và thuật giả nhìn qua ngôi mộ này đều nói rằng con cháu đất này không thể phát tích. Cũng có người đề nghị với Trần Ông rằng Giáp mỗ có khối cát địa, nếu muốn cải táng thì mảnh đất đó sẽ là nơi lý tưởng nhất. Trần Ông cũng nghĩ đến nó, nhưng vì chuyện trước đây, ông sợ họ Giáp phiền lòng, nên không dám nói ra, đành phải chọn một vài nơi khác, nhưng đều được nói là không tốt. Không còn cách nào khác, ông đành nhờ người tìm đến họ Giáp. Họ Giáp nghe vậy, cười lớn rồi nói: “Nếu quả là như vậy thì tôi đã cải táng mộ của nhà Trần Ông ở đây từ lâu rồi”.
Rồi Giáp kể lại toàn bộ câu chuyện cho vị khách, và nhờ anh ta chuyển lời tới Trần Ông. Trần Ông rất biết ơn, đích thân đến cảm ơn và thưởng cho họ Giáp một số tiền lớn, nhưng Giáp không nhận. Sau đó ông mời một thầy phong thủy đến gặp, họ đều nói rằng đó là cát địa để được phong hầu phong tướng. Vì vậy, ngôi mộ đã được ốp đá dựng bia, khí tượng càng tôn quý hơn. Chỉ trong vài năm, Trần Đình Kính đã được phong làm Văn Uyên Các học sĩ kiêm Lại Bộ thượng thư, quả đúng như lời thầy phong thủy.
Theo Epoch Times-Hương Thảo biên dịch