Ở Ấn Độ – đặc biệt là tại vùng quê, nơi đông đảo dân số sinh sống, nhiều người khước từ vaccine dù nhân viên y tế đến tận nhà.
Ở Jamsoti, một ngôi làng nằm sâu bên trong tiểu bang đông dân nhất Ấn Độ là Uttar Pradesh, nhiều người vẫn nghĩ rằng virus corona chỉ lây lan ở những thành phố lớn. Còn ngôi làng của họ sẽ mãi an toàn, không có dịch.
Vậy nên khi các nhân viên y tế tới nơi, Manju Kol khóa trái cửa, ôm con bỏ chạy vào khu rừng gần nhà. Cô không muốn tiêm vaccine, không một chút nào. Họ trốn ở đó hàng giờ, và chỉ trở lại sau khi các nhân viên y tế rời đi lúc tối trời.
“Thà chết còn hơn tiêm chủng”
Đó là những gì Kol đã nói!
Làn sóng dịch bệnh chết chóc nhất lịch sử đã tràn qua Ấn Độ vào tháng 4 và tháng 5/2021, giết chết hơn 180.000 người. Hiện tại, làn sóng ấy đã được kiểm soát, các ca nhiễm mới cũng giảm. Nhưng sự nhẹ nhõm ấy có thể chỉ là nhất thời, khi phần đông dân chúng vẫn ngần ngại tiêm chủng. Các chuyên gia y tế phải đưa ra lời cảnh báo rằng việc chần chừ tiêm vaccine có thể khiến thành quả chống dịch mong manh của đất nước sụp đổ trong nay mai.
“Việc chần chừ tiêm vaccine khiến nỗ lực chấm dứt đại dịch của Ấn Độ gặp khó,” – Tiến sĩ T. Jacob John, một nhà virus đã về hưu nhận định. “Virus càng lan truyền, chúng càng dễ đột biến và tạo ra những biến chủng kháng vaccine mạnh hơn.”
Đưa vaccine đến đất nước đông dân thứ 2 thế giới luôn là một thách thức. Dù làm khá tốt lúc đầu, chiến dịch tiêm chủng đã lập tức bị ngưng trệ vì thiếu nguồn cung và các chính sách tiêm vaccine phức tạp, làm nới rộng sự bất bình đẳng.
Hiện tại, mới chỉ có 5% dân số Ấn Độ được tiêm chủng 2 mũi. Các chuyên gia cảnh báo rằng đến cuối năm nay, tỉ lệ tiêm buộc phải tăng lên để bảo vệ phần đông dân chúng khỏi thứ dịch bệnh đã khiến 386.000 người tử vong. Và con số ấy thậm chí còn được cho là chưa đủ.
Bắt đầu từ ngày 21/6, mọi người trưởng thành tại Ấn Độ đều đủ điều kiện để tiêm chủng bằng vaccine do chính phủ chi trả. Chính sách này đặt dấu chấm hết cho hệ thống mua bán và phân phối vaccine khiến các bang phải khổ sở, và xóa đi sự mất cân bằng trong công chúng.
Những người chạy trốn khỏi vaccine
Thế nhưng, người dân vẫn ngần ngại tiêm chủng do thiếu thông tin và thiếu tin tưởng, đặc biệt là ở những vùng quê với lượng cư dân chiếm 2/3 dân số đất nước
Các nhân viên y tế phải đối mặt với những gương mặt hết sức thờ ơ khi kêu gọi tiêm chủng. Họ cho rằng vaccine là nguy hiểm, mang đến tác dụng phụ gây chết người. Một số thì nghĩ mình chẳng cần tiêm vì đã miễn dịch với virus corona.
Các tin đồn như việc vaccine khiến vòng kinh mất ổn định, giảm khả năng sinh sản cũng gây sợ hãi hơn. Gần như ở mọi bang Ấn Độ, số đàn ông tiêm chủng luôn lớn hơn phụ nữ, và khoảng cách ấy ngày càng bị nới rộng.
Giải quyết những tin đồn và thuyết âm mưu vô căn cứ là một thách thức rất lớn. Yogesh Kalkonde, bác sĩ tại Gadchiroli – một vùng bộ tộc ở phía nam bang Maharashtra cho biết khu vực của ông ngập tràn niềm tin rằng vaccine còn nguy hiểm hơn virus. Một số nơi khẳng định vaccine gây vô sinh. Số khác thì bảo vaccine đơn giản là chẳng có tác dụng thì tiêm làm gì.
“Chúng tôi phải thuyết phục họ, đi từng nhà, và trông cậy vào những người đã tiêm đi phổ biến thông tin. Một quá trình chậm đến phát bực.”
Suốt hàng tháng trời, y tá Vibha Singh đã phải đi từng nhà tại các làng ở bang Uttar Pradesh. “Mọi người bảo chúng tôi biến đi hoặc ăn đòn,” – Singh thuật lại. “Đôi lúc họ ném gạch đá vào chúng tôi.”
Thủ tướng Narendra Modi cùng một số lãnh đạo khác đã lên lịch trình phát biểu về sự chần chừ khi tiêm vaccine. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cho biết họ cần phải làm nhiều hơn, từ việc giải thích kỹ càng cho đến lấy lại niềm tin của người dân.
“Cần phải đối thoại, chứ không chỉ là đưa ra thông điệp từ thượng tầng,” – K. Srinath Reddy, chủ tịch Hội Y tế Công cộng Ấn Độ cho biết.
Các nhà virus học và giới chuyên gia cho biết, việc xóa đi ngờ vực về vaccine tại các vùng quê Ấn Độ và thúc giục họ tiêm chủng là cực kỳ quan trọng, vì phần đông cư dân sinh sống tại các vùng quê. Trên thực tế ở những thành phố lớn, tỉ lệ tiêm chủng là cao hơn rất nhiều.
“Nếu họ được bảo vệ, nghĩa là phần lớn người Ấn được bảo vệ,” – Reddy cho hay. “Rủi ro lây lan dịch bệnh của họ là lớn hơn rất nhiều, nên cần phải ưu tiên tiêm chủng.”
Nhưng quan điểm ấy, không phải ai cũng bị thuyết phục.
Như trường hợp của Panna Lal, cư dân làng Sikanderpur tại Uttar Pradesh. Khi đội ngũ y tế đến tiêm cho ông, họ nhận phải một thái độ cự tuyệt đến kinh khủng. Lal thậm chí ngăn không cho người thân tiêm chủng.
“Vaccine không bảo vệ tôi. Thánh thần gửi tôi đến đây an toàn, và ngài sẽ tiếp tục bảo vệ tôi.”
Nguồn: AFP-Theo J.D-Pháp luật và bạn đọc