Theo chuyên gia Ghoshal, đề nghị của Campuchia với Ấn Độ cho thấy mức tín nhiệm của nước này ở châu Á đang gia tăng.
Cạnh tranh ngoại giao vaccine
Tuyên bố gửi tặng các nước láng giềng từ 10 đến 20 triệu liều vaccine Covid-19, Ấn Độ đang sử dụng vị thế của mình như một trong những nhà sản xuất vaccine hàng đầu thế giới để cạnh tranh với Trung Quốc trong lĩnh vực cung cấp vaccine Covid-19 cho các quốc gia đang phát triển như một “hành động thiện nguyện cho thế giới”, SCMP nhận định.
Viện Huyết thanh Ấn Độ, nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới, đang sản xuất hàng triệu liều vaccine Covid do Đại học Oxford và AstraZeneca phát triển.
Các chuyến vaccine miễn phí với tên gọi Covishield của chương trình Vaccine Maitri đã được vận chuyển đến các nước Maldives, Nepal, Bhutan, Bangladesh, Myanmar, Mauritius, Seychelles, và kế tiếp sẽ tới Sri Lanka, Campuchia.
Trong khi đó, Trung Quốc đã cung cấp vaccine Covid-19 miễn phí cho Myanmar và Philippines.
Bangladesh đáng nhẽ sẽ nhận được 110.000 liều vaccine miễn phí từ tập đoàn Sinovac Biotech (Trung Quốc), nhưng việc Dhaka từ chối đóng góp vào chi phí phát triển vaccine đang khiến tình thế bế tắc. Giới chức Nepal thì vẫn đang đánh giá tính hiệu quả của vaccine CoronaVac (hãng Sinovac).
Trước những diễn biến mới này, nhiều người cho rằng Ấn Độ đang nỗ lực cạnh tranh với Trung Quốc sau nhiều năm nước này tìm cách gia tăng tầm ảnh hưởng ở khu vực. Điều này cũng được thể hiện trên truyền thông hai nước.
Tuần trước, Hoàn Cầu khẳng định các hãng sản xuất thuốc Ấn Độ sẽ không thể thực hiện tham vọng “ngoại giao vaccine” của mình, trong khi tờ Times of India của Ấn Độ đăng tải bài báo có nhan đề “Trung Quốc bắt đầu chiến dịch bôi nhọ chính sách ngoại giao vaccine của Ấn Độ”.
Đối với cựu đại sứ Ấn Độ Sarvajit Chakrabarty, các bài báo này “phản ánh một cuộc cạnh tranh không kiêng dè về tầm ảnh hưởng giữa hai gã khổng lồ châu Á”. Ông Chakrabarty cho biết: “Nhiều người Ấn Độ coi vaccine là một cơ hội lớn để kiềm chế ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở Nam Á”.
Ấn Độ là nơi có nhiều hãng sản xuất vaccine lớn, sản xuất khoảng 60% lượng vaccine của thế giới. Ngoại trưởng Harsh Vardhan Shringla tiết lộ: Ấn Độ có kế hoạch cung cấp thêm hàng triệu liều vacine cho các nước ở Nam Á và các quốc gia khác trong vài tuần tới, với lô hàng đầu tiên hoàn toàn miễn phí.
Ngoại trưởng Shringla cũng cho hay, khoảng 92 quốc gia đang muốn ký kết các hợp đồng thương mại để mua các loại vaccine khác nhau của Ấn Độ.
Tín hiệu tích cực cho Ấn Độ
Với Bangladesh – quốc gia vừa nhận món quà 2 triệu liều vaccine Covid của hãng AstraZeneca và đang tính mua thêm 30 triệu liều vaccine nữa – sự hỗ trợ của Ấn Độ trong cuộc chiến chống Covid-19 khá đáng chú ý.
Hai quốc gia láng giềng này đã trải qua nhiều căng thẳng trong những năm gần đây. Các chính trị gia đối lập và một số phương tiện truyền thông tại Bangladesh đã nhiều lần tỏ ra nghi ngờ về cam kết của Ấn Độ trong việc cung cấp vắc xin Covid-19 cho Bangladesh và đề cập tới thỏa thuận song phương về nguồn nước từng sụp đổ trước đây.
Tuy nhiên, khi vaccine được chuyển đến Dhaka vào tuần trước, Bộ trưởng Y tế Zahid Maleque đã ca ngợi Covishield của Viện Huyết thanh Ấn Độ, nói rằng loại vaccine này có một “lợi thế lớn” vì nó có thể được bảo quản và vận chuyển ở nhiệt độ lạnh bình thường, không giống như loại vaccine yêu cầu bảo quản đông lạnh sâu như của Pfizer và BioNTech (Mỹ).
Cựu bộ trưởng thông tin và viễn thông Bangladesh Tarana Halim chia sẻ SCMP: “Tôi sẽ chỉ tiêm loại vaccine của Ấn Độ, không tiêm các loại khác”.
Tại Nepal, quốc gia bị mắc kẹt trong tranh chấp lãnh thổ với Ấn Độ, các quan chức tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới món quà của New Delhi. Vaccine Covishield đã được chấp thuận sử dụng ở Nepal.
“Ấn Độ đã thể hiện thiện chí. Đây là sự quan tâm tới người dân Nepal, những người đang phải hứng chịu đau thương do dịch Covid-19 gây ra”, Bộ trưởng Y tế Nepal Hridayesh Tripathi cho biết.
KC Sunil, nhà phân tích quan hệ đối ngoại của tổ chức tư vấn AIDIA có trụ sở tại Kathmandu, cho biết: “Bạn có thể thấy quốc gia nào đang dẫn đầu. Chúng tôi biết phải tìm đến ai khi gặp khó khăn thực sự”.
Mới đây, Campuchia đã đề xuất Ấn Độ tặng 1 triệu liều vaccine Covid sau khi nhận được một lượng vaccine tương tự từ Bắc Kinh. Baladas Ghoshal, một nhà phân tích nổi tiếng về Đông Nam Á, cho biết yêu cầu này là một “sự gia tăng rất lớn về mức tín nhiệm của Ấn Độ ở Châu Á”.
“Người Trung Quốc đang có mặt khắp nơi tại Campuchia và không ai nghĩ rằng chính phủ [Campuchia] sẽ trông chờ sự hỗ trợ từ nước khác. Vì vậy, đề xuất tặng vaccine của Ấn Độ là rất đáng khích lệ”, ông Ghoshal nói.
“Chính sách ngoại giao vaccine của Thủ tướng Modi là nhằm thúc đẩy sự tiến bộ của Ấn Độ trong lĩnh vực khoa học và dược phẩm… và chính sách này rõ ràng cần ưu tiên các nước láng giềng”, cựu quan chức ngoại giao Ấn Độ Veena Sikri nhấn mạnh, “Không hề cường điệu, đây là thời khắc của Ấn Độ”.
Dù vậy, một số người cho rằng tác động từ chính sách ngoại giao vaccine của Ấn Độ sẽ chỉ tồn tại trong thời gian ngắn trừ khi New Delhi mở rộng sự hỗ trợ sang các lĩnh vực khác như đầu tư, viện trợ phát triển và hợp tác chiến lược.
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị