Bà Alice Korngold là Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Công ty tư vấn Korngold, nơi cung cấp những dịch vụ tư vấn chuyên môn về chiến lược cho các tập đoàn đa quốc gia về tính bền vững.
Bà Alice Korngold là Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Công ty tư vấn Korngold, ngoài ra, bà còn là người thúc đẩy mối quan hệ đối tác giữa các công ty và tổ chức phi lợi nhuận và tiến cử hàng trăm giám đốc điều hành cấp cao hàng đầu của các tập đoàn vào ban điều hành của các tổ chức phi lợi nhuận uy tín.
Hơn 12 năm tích lũy kinh nghiệm tư vấn cho các doanh nghiệp nằm trong danh sách 100 công ty lớn nhất nước Mỹ do tạp chí Fortune bình chọn, bà Korngold cũng là diễn giả tại các trường đại học danh giá như Oxford, Harvard, Colombia và NYU, đồng thời là phát ngôn viên của rất nhiều tổ chức của quốc gia và quốc tế.
Cuộc phỏng vấn này là một cơ hội để lắng nghe câu chuyện của một người phụ nữ ‘chân yếu tay mềm’ nhưng với tư tưởng của một doanh nhân hướng tới cộng đồng và xã hội. Bà Alice Korngold đã để lại dấu ấn sắc nét của mình trong danh sách những nữ doanh nhân xuất sắc nhất trong thời đại mới.
Việc trở thành một nhà tư vấn và một tác giả có ý nghĩa gì đối với bà?
Tôi đã dành 20 năm đầu tiên trong sự nghiệp của mình với tư cách là một doanh nhân xã hội, xây dựng các tổ chức phi lợi nhuận có thể tự duy trì về tài chính để thu hút đồng thời các doanh nghiệp và tổ chức phi lợi nhuận khác trong việc tìm kiếm các giải pháp cho những thách thức của cộng đồng và toàn cầu.
Kinh nghiệm tư vấn và niềm đam mê viết lách luôn là những yếu tố quan trọng trong công việc của tôi. Trong suốt 12 năm qua, tôi đã dành toàn bộ thời gian của mình để thực hiện hai công việc này toàn thời gian cho các doanh nghiệp và tổ chức phi lợi nhuận.
Tinh thần kinh doanh vì cộng đồng và những kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn là chất liệu và nguồn cảm hứng cho những tác phẩm của tôi. Tôi đã viết những cuốn sách khi tôi nghiên cứu những cách tiếp cận mới để chia sẻ với những nhà lãnh đạo đang dò tìm con đường bứt phá trong hoạt động kinh doanh và đưa ra các giải pháp sáng tạo cho các vấn đề của cộng đồng và toàn cầu.
Về phần mình, bài viết của tôi đã làm phong phú thêm trong công việc tư vấn của tôi. Bởi vì khi viết sách, tôi đã nghiên cứu sâu rộng và tổng hợp những nghiên cứu thành những khuyến nghị hữu ích và hiệu quả.
Bà đã thiết lập loại văn hóa nào trong công ty của mình và tại sao?
Các doanh nghiệp xã hội mà tôi đã xây dựng và điều hành, bắt đầu từ đầu những năm 1980, luôn có những nguyên tắc cơ bản sau: định hướng sứ mệnh tầm nhìn rộng lớn; tự chủ về tài chính; quy trình kế hoạch được thiết lập dựa trên sự đánh giá kết quả và sự tham gia của các bên liên quan; môi trường không ngừng học hỏi; hiệu suất lao động cường độ cao; và thái độ vui vẻ.
Sứ mệnh trong công việc của tôi là: phát triển các nhà lãnh đạo, đồng thời thúc đẩy quan hệ đối tác cho các doanh nghiệp và các tổ chức phi lợi nhuận để đẩy mạnh các giải pháp hiệu quả trong các vấn đề của cộng đồng và toàn cầu.
Tại sao mọi người cần quan tâm đến việc giải quyết các vấn đề toàn cầu?
Đối với tôi, đây là cách để cống hiến cuộc đời mình: giúp xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn cho con cháu chúng ta bằng cách tìm ra các giải pháp sáng tạo trong các lĩnh vực xã hội, kinh tế và môi trường.
Điều tôi học được là giải quyết vấn đề toàn cầu không chỉ là lĩnh vực quan tâm của các tổ chức phi lợi nhuận hoặc chính phủ. Trên thực tế, các công ty quốc tế có tầm vóc lớn, mức độ phủ sóng toàn cầu và những nguồn lực to lớn về tài chính/thị trường có thể chung tay trong việc giải quyết các thách thức của thế giới. Họ có thể thực hiện sứ mệnh đó một cách hiệu quả nhất khi hợp tác với các tổ chức phi lợi nhuận, và chỉ khi xã hội chia sẻ gánh nặng trách nhiệm này cho các doanh nghiệp.
Bà ngưỡng mộ doanh nghiệp nào nhất (ngoài doanh nghiệp của bà)?
Dựa trên nghiên cứu của tôi, tôi khâm phục Unilever, tập đoàn được dẫn dắt bởi Paul Polman. Đây là hình mẫu cho các công ty trong việc tìm kiếm phương thức hoạt động giảm chi phí, giảm thiểu rủi ro và tăng giá trị/lợi nhuận bằng cách tìm ra các giải pháp sáng tạo cho các vấn đề toàn cầu.
Như tôi đã trình bày trong cuốn sách của mình, “A Better World, Inc.” (tạm dịch: Một thế giới tốt đẹp hơn) và các tác phẩm sau này cũng vậy, Tập đoàn Unilever hoạt động hiệu quả bởi ba lý do:
- Hội đồng quản trị hỗ trợ chiến lược đổi mới và bền vững của Paul Polman.
- Công ty hợp tác với các tổ chức phi chính phủ bởi vì chuyên môn, khả năng tiếp cận và uy tín của họ.
- Công ty có hiệu quả trong việc thu hút các bên hữu quan.
Bên cạnh các tập đoàn đa quốc gia còn có các công ty nhỏ hơn cũng đáng ngưỡng mộ vì những phẩm chất này.
Các công ty đã dành được chiến thắng khi họ xác định được cách trở thành điểm nhấn độc đáo trên thị trường toàn cầu mà còn giúp cải thiện cuộc sống của con người.
Nếu có thể chấm điểm mức độ hài lòng trong cuộc sống của bà từ 0% đến 100%, nó sẽ là bao nhiêu? Và tại sao?
100%. Tôi cảm thấy rất may mắn.
Bà dành bao nhiêu tiếng để nghỉ ngơi?
Có thể nói rằng bây giờ tôi ngủ nhiều hơn một chút vì các con tôi đã lớn. Nhưng tôi thích làm việc đến khuya.
Bà sẽ đưa ra lời khuyên nào cho các doanh nhân mới?
Hãy tìm ra những khâu vận hành không hiệu quả trong doanh nghiệp. Và sử dụng quan điểm và lập luận riêng của bản thân để chia sẻ những suy nghĩ ấy với người khác. Suy nghĩ cẩn thận về một viễn cảnh dài hạn hơn có thể xảy đến, sau đó áp dụng khả năng và quan điểm độc đáo của bạn để tìm ra các giải pháp sáng tạo nhằm đạt được mục tiêu bạn hướng đến.
Một số mục tiêu của bà trong năm năm tới là gì?
Không ngừng học hỏi và luôn tìm ra những cách thức mới để hợp tác với các doanh nghiệp và tổ chức phi lợi nhuận nhằm giúp giải quyết các vấn đề của cộng đồng và toàn cầu – trong các lĩnh vực xã hội, kinh tế và môi trường.
Dương Thảo An (Richtopia)