Sự trỗi dậy của các công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) như ChatGPT đang mang lại cả cơ hội và thách thức cho người lao động. Với khả năng tự động hóa đáng kinh ngạc, công nghệ đang làm dấy lên những cuộc tranh luận sôi nổi về tương lai của nhiều ngành nghề, từ lập trình đến sáng tạo nội dung và cả những ngành lâu đời như tài chính – bảo hiểm.
“Công nghệ chưa khiến mọi người mất việc, nhưng khiến một số người không còn việc làm”, ông Brett Caraway – phó giáo sư tại Viện Truyền thông, Văn hóa, Thông tin và Công nghệ tại Đại học Toronto – cảnh báo.
Các chuyên gia cho rằng, có một số lĩnh vực sẽ chịu tác động mạnh từ AI, cả theo hướng tích cực và tiêu cực, bao gồm: lập trình viên, sáng tạo nội dung, nghiên cứu thị trường, hỗ trợ khách hàng, cùng với marketing và tài chính – bảo hiểm. Trong đó, tài chính – bảo hiểm là ngành đặc biệt được quan tâm, vì luôn sử dụng lượng lớn lao động, và cần thiết cho mọi lĩnh vực của nền kinh tế.
Phát biểu trên được đưa ra tại hội nghị về ổn định tài chính diễn ra vào ngày 6/6 vừa qua, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cảnh báo rằng trí tuệ nhân tạo (AI) có thể mang lại nhiều cơ hội lớn cho hệ thống tài chính, nhưng cũng đồng thời tạo ra những nguy cơ mới.
“Với các công ty tài chính, AI có thể mang lại cơ hội to lớn và cả rủi ro tiềm ẩn”, bà nói.
Bà Yellen nhận định rằng AI có thể đem lại những lợi ích đáng kể cho các công ty tài chính, chẳng hạn như dự báo và quản lý danh mục đầu tư, chống gian lận và hỗ trợ dịch vụ khách hàng. Bà cũng dự đoán rằng sự phát triển nhanh chóng của AI sẽ làm cho các dịch vụ tài chính trở nên rẻ hơn và dễ tiếp cận hơn, đặc biệt là qua các tiến bộ trong xử lý ngôn ngữ tự nhiên, nhận diện hình ảnh và AI tạo sinh.
“Tôi biết tất cả các bạn ở đây cũng nhận ra rằng việc các tổ chức tài chính áp dụng AI sẽ đi kèm với những rủi ro tiềm ẩn”, bà chia sẻ.
“Công việc của chúng ta đang thay đổi dù có muốn hay không, đặc biệt là khi AI xuất hiện. Thực tế, AI đã và đang hỗ trợ cho công việc của ngành bảo hiểm/tài chính nói riêng và tất cả các ngành dịch vụ nói chung. Tuy nhiên, hiện tại, yêu cầu của thị trường thay đổi từng ngày, từng giờ, vô cùng nhanh chóng. Đó là những điều AI không thể đáp ứng được, cần có khối óc và bàn tay của con người. Vì thế, tôi có thể khẳng định, AI không thay thế chúng ta, AI sẽ thay thế những người không sử dụng AI để hỗ trợ công việc, đồng thời nỗ lực học hỏi để thích ứng và làm chủ sự thay đổi” – ông Rabih Haber, Giám đốc Nhân sự của Tập đoàn bảo hiểm nhân thọ MetLife (MetLife) khu vực Châu Á và EMEA (Châu Âu, Trung Đông và Châu Phi) chia sẻ với truyền thông Việt Nam mới đây.
Các chuyên gia từ MetLife cho rằng, mấu chốt là nhân sự cần liên tục xác định các kỹ năng để cải thiện và phát triển. Trên thực tế, ở Việt Nam, chỉ có khoảng 26% người đánh giá lại các kỹ năng của mình và xác định được kĩ năng nào mình cần củng cố.
Bà Elena Butarova, Tổng Giám đốc BIDV MetLife Việt Nam chia sẻ: 10 năm trước, tôi từng làm việc với một ngân hàng lớn trong lĩnh vực bảo hiểm ngân hàng. Lúc đó, nhân viên của họ đang bán các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ, đầu tư và các sản phẩm khác tương tự như những gì nhân viên BIDV MetLife đang làm hiện nay. Việc mời họ tham gia một khoá đào tạo thực sự là điều khó khăn khi hầu hết mọi người đều có tư tưởng “tôi biết hết rồi, chẳng có gì cần học hỏi thêm”. Vì thế, chúng tôi đã đưa ra một bài kiểm tra, và kết quả ngạc nhiên là có tới 50% các chuyên gia này không thể trả lời được 1 nửa số câu hỏi.
Theo ông Rabih Haber, nhân sự bắt buộc phải học để ứng dụng được AI trong công việc của mình để xử lý mọi thứ nhanh chóng hơn.
“Như tôi ở nói ở trên, AI không thể thay thế hoàn toàn con người” – Giám đốc Nhân sự này khẳng định. “Với MetLife, tôi nhận thấy việc các nhân viên ứng dụng AI trong công việc đem lại hiệu quả tốt. Nó giúp tiết kiệm thời gian và tối ưu hóa hiệu quả công việc. Bài toán đặt ra là cần đào tạo năng lực ứng dụng AI và năng lực quản lý công việc, kết hợp giữa AI và con người cho nhân viên để giải quyết được mọi vấn đề, bao gồm cả những vấn đề phát sinh đột ngột”.
Hiện nay, MetLife cũng thường xuyên tổ chức các chương trình kết nối toàn cầu, khai thác sâu hơn về AI và AI từ lăng kính lãnh đạo. Từ đó áp dụng vào phong cách lãnh đạo trong công ty.
“Learn or Die” – ông Haber kết luận. “Tức là bạn phải không ngừng học tập, trau dồi thêm kiến thức cả chuyên môn lẫn công nghệ hiện đại. Điều này giúp bạn tiếp tục “tồn tại” và phát triển giữa thị trường lao động khắc nghiệt như hiện tại”.
Báo cáo mới nhất do FintechOS thực hiện cho thấy, gần 73% nhân viên ngành tài chính từ Anh và Mỹ tin rằng trí tuệ nhân tạo tạo sinh (GenAI) sẽ khiến công việc của họ trở nên dư thừa. Gần 60% tin rằng công nghệ sẽ dẫn đến mất việc làm trong vòng ba năm tới và số việc làm có thể giảm tới 30%. Báo cáo cũng chỉ ra, hiện nay, hầu hết công ty tài chính đều đầu tư vào nghiên cứu và triển khai GenAI, cũng như các giải pháp dựa trên trí tuệ nhân tạo khác.
Bài báo có tiêu đề “Trí tuệ nhân tạo tạo sinh: Công nghệ phân cực ngành dịch vụ tài chính ” cho thấy chủ yếu những nhân viên lớn tuổi cảm thấy lo ngại hơn về vấn đề này. Nguồn nhân sự trẻ hơn lại cho rằng công nghệ mới này rất “thú vị”.
Hầu hết các đáp viên dưới 44 tuổi đều coi trí tuệ nhân tạo như cộng sự, trong khi lứa trên 44 tuổi có cái nhìn khá tiêu cực về công nghệ này.
Hoàng Hà–Đời sống Pháp luật