Giám đốc Chương trình Đông Nam Á và Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) Gregory B. Poling cho rằng Nga rất trân trọng quan hệ với Việt Nam.
Trong chương trình Hội thảo Biển Đông thường niên lần thứ 9 tổ chức tại CSIS vào ngày 24/7 vừa qua, các chuyên gia, học giả lớn trên thế giới đã nêu một số quan điểm về diễn biến, tình hình phức tạp trên Biển Đông trong khoảng thời gian gần đây.
Trả lời về quan điểm của các nước khác về vấn đề Biển Đông, giám đốc Chương trình Đông Nam Á và Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) Gregory B. Poling đã đề cập ngắn gọn tới quan điểm của Nga trong vấn đề này.
Cụ thể, ông Poling nói: “Tôi sẽ không bàn luận quá nhiều về mối quan hệ Trung-Nga tại vùng Châu Á – Thái Bình Dương bởi chủ đề đó sẽ cần tới nguyên một buổi hội thảo khác. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là Trung Quốc vừa quấy phá hoạt động khoan dầu của Rosneft trên biển Việt Nam lại vừa có cuộc tuần tra chung bằng máy bay tầm xa với Nga ở khu vực biển Hoa Đông.”
Theo Tạp chí Năng lượng Việt Nam, Rosneft là công ty khai thác và lọc dầu hàng đầu của Nga hiện diện tại Việt Nam với 2 công ty con.
Trong cuộc họp báo ngày 25/7, trả lời câu hỏi của phóng viên, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định, lô dầu khí 0601 mà Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Rosneft của Nga phối hợp khai thác hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Việt Nam.
Đánh giá về quan điểm của Nga trong vấn đề Biển Đông, ông Poling cho rằng: “Dường như Moskva không muốn bao gồm vấn đề Biển Đông trong mối quan hệ hợp tác với Trung Quốc ở vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương. Quan điểm của Nga đối với vấn đề Biển Đông rất phức tạp.”
Chuyên gia này cũng cho rằng “Nga rất trân trọng mối quan hệ với Việt Nam” và “Có thể trong những vấn đề khác Nga sẽ ủng hộ Trung Quốc, nhưng riêng Biển Đông thì Nga sẽ đứng ngoài cuộc trong một khoảng thời gian dài”.
Ngày 24/7, Chương trình Đông Nam Á và Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) đã tổ chức Hội thảo Biển Đông thường niên lần thứ 9 tại trụ sở của CSIS, thủ đô Washington DC của Mỹ.
Hội thảo Biển Đông thường niên năm nay gồm các phiên thảo luận Diễn biến tình hình hiện nay trên Biển Đông; Lịch sử và nghiên cứu lịch sử về những tranh chấp trên Biển Đông; và Cách thức để quản lý tranh chấp tại Biển Đông và những lợi ích quốc tế liên quan đến Biển Đông.
Hội thảo thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia, học giả hàng đầu của các viện nghiên cứu lớn từ Mỹ và các nước Indonesia, Philippines, Australia, Trung Quốc, Malaysia và Việt Nam, như chuyên gia Evan Laksmana thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược của Jakarta; Giám đốc AMTI Gregory B.Poling; Giáo sư Stein Tonnesson từ Viện nghiên cứu Hòa Bình Oslo (PRIO); chuyên gia Bill Hayton thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế Hoàng gia Anh; và Trợ lý Giáo sư Lan Nguyen từ trường Đại học Luật Utrencht…
Báo điện tử Chính phủ
theo Trí Thức Trẻ