Điều này quan trọng tới mức tỷ phú Richard Branson cũng phải hối hận vì đã không làm, trong khi nhiều người lại xem thường, cho rằng nó chỉ là việc vô bổ.
Muốn thành công, có chiến lược tốt hay quen biết nhiều người vẫn chưa đủ. Vấn đề là phải dám mơ lớn. Biết ước mơ sẽ thúc đẩy sự đổi mới và sáng tạo. Nó truyền cảm hứng để mọi người sẵn sàng khám phá những điều tưởng chừng như không thể. Nó giúp con người đặt chân lên mặt trăng, sáng tạo các loại xe tự lái. Những người biết mơ ước có thể làm gần như bất cứ điều gì, nhiều đến mức ngay cả tỷ phú Richard Branson cũng ước giá như ông đã biết mơ ước nhiều hơn.
“Đôi khi tôi tự hỏi, sẽ ra sao nếu tất cả là một giấc mơ? Điều này khiến tôi rất hứng thú”, Branson nói. “Tôi ước gì mình có thể quay ngược thời gian để thay đổi cuộc sống và dám mơ lớn”. Nếu đến một người có gần như tất cả trong tay còn muốn mình biết ước mơ nhiều hơn, tại sao bạn lại không thử? Lần cuối cùng bạn cho phép bản thân được tự do khám phá thế giới là khi nào?
Để vươn xa hơn và thành công trong cuộc sống, hãy dám mơ lớn và làm theo những điều dưới đây.
Đừng ngại mơ lớn
Tất cả những doanh nhân thành đạt đều hiểu được tầm quan trọng của việc biết ước mơ. Họ biết rằng, không thể lấy kết quả ra để làm thước đo cho giấc mơ. Mơ ước sẽ truyền cho bạn cảm hứng, dạy bạn những bài học giá trị, giúp bạn nghĩ ra nhiều ý tưởng tuyệt vời hơn. Vì thế, đừng ngại mơ ước, đừng sợ mọi người sẽ đánh giá bạn là kẻ mơ mộng, không đủ nghiêm túc. “Đừng phản bội lại mơ ước của mình chỉ vì muốn hòa nhập với người khác”, Branson nói. “Những kẻ mộng mơ sẽ khiến thế giới trở nên tiến bộ hơn.”
Đừng tự trách móc bản thân
Khi mới bắt đầu công việc huấn luyện viên kinh doanh cách đây 15 năm, tôi nhớ rằng mình đã mất 6 tháng để nhận ra rằng: Trí tuệ của một doanh nhân là vừa là thứ vũ khí tuyệt vời nhất, vừa là thách thức lớn nhất của anh ta. “Đừng tự trách móc bản thân” Branson khuyên. “Hãy mở to đôi mắt của bạn để nhìn thế giới bằng tất cả niềm hứng khởi. Hãy tin rằng bạn còn mạnh mẽ hơn mọi vấn đề phía trước mặt bạn và dám mơ lớn.”
Nếu bạn cảm thấy nghi ngờ bản thân, hãy nhớ lại những thành công trong quá khứ. Hãy dùng mọi giải thưởng, thành tựu mà bạn đã từng đạt được ra để khích lệ, động viên bản thân mình. Điều này sẽ lập trình lại bộ não, giúp bạn có một tư duy tích cực hơn.
Cho phép bản thân thả lỏng tâm trí
Khác với những gì được viết trong các cuốn sách self-help, việc thả lỏng tâm trí sẽ sẽ giúp bạn trở nên cởi mở và sáng tạo hơn. Cứ để cho tâm trí mình được nghỉ ngơi, bạn có thể sẽ khám phá ra những điều mà từ trước tới nay mình chưa ai từng hay biết.
Hãy biết sợ, vì đó là dấu hiệu tốt
Tỷ phú Richard Branson từng có một câu nói khá nổi tiếng: “Nếu những giấc mơ đó không khiến bạn sợ hãi, đó là vì chúng quá nhỏ bé“. Đã gọi là ước mơ, nhất định bạn sẽ phải đối mặt với những rủi ro nhất định. Branson tin rằng những người dám mơ lớn sẽ có đôi chút sợ hãi trước khó khăn, nhưng không vì thế mà họ bỏ cuộc. Kể cả khi họ gặp phải những rủi ro về thất bại, tiền bạc, chỉ trích hay đánh mất hy vọng. Nếu bạn không dám liều, giấc mơ sẽ mãi chỉ là giấc mơ.
Đây chính là lúc bạn cần xây dựng cho mình một chiến lược khôn ngoan. Nếu gặp khó khăn với việc này, hãy nhờ cậy tới sự giúp đỡ của mọi người. Một giấc mơ vĩ đại sẽ cần sự hợp tác của nhiều người, vì thế hãy để mọi người giúp đỡ bạn. Muốn biến giấc mơ của mình thành hiện thực, hãy chia nhỏ mục tiêu của mình ra thành các bước thích hợp với khả năng của bạn và hoàn thành từng thứ một.
Hình dung ra ước mơ để biến nó thành hiện thực
Khi hình dung ra ước mơ của mình, bạn sẽ có thêm động lực, tăng cường sự tự tin, cải thiện hiệu suất làm việc của mình và chuẩn bị tinh thần để thành công. Đừng nghĩ đây là một việc làm vô bổ. Hãy thử tưởng tượng rằng giấc mơ của bạn đã trở thành hiện thực. Hãy dùng mọi giác quan có thể để cảm nhận từng chi tiết: mùi không khí, bộ quần áo bạn mặc, khung cảnh xung quanh, âm thanh bạn nghe thấy, và quan trọng hơn cả, cảm xúc của bạn khi đạt được giấc mơ ấy.
Cuối cùng, đây là bước quan trọng nhất mà bạn cần làm: Hãy mở lịch ra và lên kế hoạch cho giấc mơ của mình. Nếu không, bạn sẽ chẳng bao giờ thực hiện. Dù là 5 phút, 1 tiếng, 1 ngày hay toàn bộ kỳ nghỉ, hãy thực hiện điều này bằng mọi giá.
Ngọc Hà – Theo Trí thức trẻ/Inc