Họ Ngô ở Vọng Nguyệt, Tam Giang, Yên Phong, xứ Kinh Bắc, được mệnh danh là “ngũ đại liên trúng” tức là có 5 đời liên tiếp đỗ đại khoa (nếu tính cả chi thứ thì có đến 10 đời), với 5 đời phát tiến sĩ ở chi trưởng và 5 đời phát tiến sĩ ở chi thứ
Như trong kỳ trước có đề cập, gốc tích của họ Ngô xứ Kinh Bắc là sau vụ án Lệ Chi Viên, bà Ngô Thị Ngọc Dao là vợ vua Lê Thái Tông mất đi sự che chở và giúp đỡ của Nguyễn Trãi, bị phát khứ đi xa. Cụ Ngô Nguyên vốn có bà con với bà Ngô Thị Ngọc Dao phải lánh nạn về làng Vọng Nguyệt, được quan cả tên là Chu Đình Cần che dấu, giúp đỡ, sau lại gả con gái là Chu Thị Bột cho làm vợ.
Năm 1460, con trai của bà Ngô Thị Ngọc Dao là Lê Tư Thành lên ngôi vua hiệu là Lê Thánh Tông. Đến năm 1464 thì nhà vua minh oan cho Nguyễn Trãi, từ đó ông Ngô Nguyên trở về kinh thành mà không thấy trở lại nữa.
Tấm lòng nhân hậu cảm động trời đất
Ở quê nhà, bà Chu Thị Bột hay lam hay làm lại giỏi giang nên của cải trong nhà ngày càng nhiều, trở thành người giàu có trong vùng. Khi ấy vùng Kinh Bắc mất mùa, người dân đói khát, bà Chu Thị Bột đã cho phát chẩn lương thực cứu đói. Người dân Kinh Bắc kháo nhau tìm bà cụ để nhận thóc, nhờ đó người dân Kinh Bắc thoát được những ngày tháng khó khăn. Cũng từ đó người dân gọi bà Chu Thị Bột là “cụ thí thóc”.
Thế nhưng khi bà Chu Thị Bột bố thí hết của cải để cứu dân thì mất mùa vẫn liên tiếp xảy ra, lại cộng thêm dịch bệnh hoành hoành, nên bà lâm vào cảnh khó khăn vất vả, lâm bệnh nặng. Biết mình không qua khỏi, bà dặn con cháu rằng khi bà mất thì hãy chôn ở cánh đồng Hàn Phấn.
“Cụ thí thóc” mất vào ngày 17 tháng Giêng mà không còn một chút của cải nào để lại, điều duy nhất bà để lại là “đức” cho con cháu.
Con cháu nghe lời bà dặn, đến tối đưa bà đi an táng, đến cánh đồng Hán Phấn thì đột nhiên mưa to gió lớn, sấm chớp nổi lên đùng đoàng, dây thừng bị đứt khiến không thể chôn cất được. Thấy thế con cháu bảo nhau nên về đến sáng hôm sau quay lại chôn cất cho bà.
Sáng hôm sau con cháu trở lại thì thấy chỗ đặt thi hài bà hôm trước mối đã đùn cao thành đống mồ. Tất cả đều cho rằng đây là đất thiêng nên mới được “thiên táng”, nên mọi người cứ đắp tiếp thành mộ.
Sau này nhiều người cho rằng, chính vì được thiên táng nên bà Chu Thị Bột đã phù hộ cho con cháu họ Ngô được hiển vinh lâu dài trên đường học vấn.
Mộ bà Chu Thị Bột ở đầu làng Vọng Nguyệt.
Vua Lê khi nghe câu chuyện này đã phong cho bà bốn chữ vàng: “Phụ tiết tinh môn”. Còn người dân thì không ai quên được “cụ thí thóc” nên cứ đến ngày 17 tháng Giêng hàng năm người dân khắp vùng lại đến thăm ngôi mộ. Họ đến đây thắp hương, hát ca trù, và nghe kể câu chuyện về bà Chu Thị Bột năm xưa đã phân phát thóc và toàn bộ gia tài của mình để cứu đói cho dân…
Đến tận ngày nay ngôi mộ “thiên táng” vẫn còn di tích nguyên trạng. Năm 2008, họ Ngô đã xây lăng cho bà theo mẫu 8 phương 10 hướng 4 cửa chính ra vào.
Tiên tích đức hậu tầm long
Sau khi bà Chu Thị Bột mất, hai người con là Ngô Ngọc và Ngô Định còn nhỏ gặp cảnh khó khăn. Người cậu nhận nuôi Ngô Ngọc để giữ dòng trưởng, sau này đỗ khai khoa mở đầu cho “Ngũ đại liên trúng” của dòng họ mình, ngoài ra còn có 59 người đỗ tú tài. Còn Ngô Định thì được một người quê ở Nghệ An đang trong quân ngũ ở Kinh Bắc nhận nuôi, sau này đến sinh sống tại Lý Trai – Nghệ An (nay thuộc xã Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An) lập ra dòng thứ họ Ngô lệnh tộc ở đây và được gọi là họ Ngô Lý Trai.
Về câu chuyện phong thủy của dòng chính thì kỳ trước chúng ta đã đề cập. Còn dòng thứ thì sau 5 đời kể từ cụ tổ Ngô Nguyên, họ Ngô ở Nghệ An bắt đầu phát khoa bảng. Người đỗ khai khoa cho dòng họ Ngô Lý Trai là hai cha con cụ Ngô Trí Tri và Ngô Trí Hòa.
Đây là khoa thi duy nhất có hai cha con cùng đỗ đại khoa. Khi “vinh quy bái tổ”, nhà vua tặng cho hai cha con một bức trướng hồng có thêu mười chữ vàng là “Khoa danh thiên hạ hữu, phụ tử thế gian vô”, nghĩa là việc khoa bảng trong thiên hạ thì đều có, nhưng hai cha con cùng đỗ một khoa thì thế gian chưa từng.
Ảnh chụp tại Nhà thờ họ Ngô ở Nghệ An. (Ảnh từ baoxaydung.com.vn)
Sau đó dòng chi thứ cũng có 5 đời liền đỗ đại khoa và làm quan to trong triều. Dòng họ Ngô Lý Trai có truyền thống học hành, thi cử và đỗ đạt nổi danh cả nước, được vua Lê xếp vào dòng họ công thần, có 18 người đỗ đạt từ Tam trường trở lên, trong đó có 6 tiến sỹ là Ngô Trí Tri, Ngô Trí Hòa, Ngô Sỹ Vinh, Ngô Quang Tổ, Ngô Công Trạc và Ngô Hưng Giáo.
Phan Huy Chú trong cuốn “Lịch triều hiến chương loại chí” có nhận định về Ngô Trí Hòa như sau:
“Ông học vấn hơn người, chính thuật có thừa, trải khắp trong ngoài đối xử chỗ nào cũng vừa; công lao tiếng tăm rõ rệt. Lại là bậc danh thần của ba triều, cha con đồng khoa, phúc nhà lâu dài, càng là việc xưa nay ít thấy”.
Nhà thờ họ Ngô ở Nghệ An. (Ảnh từ baoxaydung.com.vn)
Bài học cho hậu thế
Từ câu chuyện trên đây người dân vùng Kinh Bắc lưu truyền bài ca dao như sau:
Một gốc trăm cành nẩy họ Ngô Chuyện bà thí thóc để muôn thu Mất mùa thương kẻ ăn rau cháo Làm phúc đến lúc dốc bịch bồ Hai chữ vinh hoa bia miệng dệt Năm đời liên trúng phấn son tô Còn trời còn đất còn non nước Thóc tổ còn nhiều chẳng phải lo.
Cổ nhân có câu “tiên tích đức, hậu tầm long”, tức trước tiên phải tích đức thì sau này mới “tầm long”. Vì thế nếu không tích đức thì dù cố công tìm kiếm cũng không có được đất tốt.
Nhiều dòng họ phát công danh do phong thủy, cũng là nhờ tổ tiên trước đây đã tích nhiều công đức. Người có nhiều đức thậm chí nếu không có duyên tìm được đất tốt, thì cũng sẽ được “thiên táng” vào đất tốt như câu chuyện về cụ Chu Thị Bột.