Không dám bước vì sợ gãy chân, nhưng vì sợ gãy chân mà không dám bước thì chẳng khác nào chân đã gãy: Biết “ngã về phía trước”, bạn mới làm nên đại nghiệp
“Ngã về phía trước” là gì? Nam diễn viên nổi tiếng Will Smith từng nhắc đến cụm từ này trong một đoạn video viral trên Instagram “Bạn phải dám liều mình, bạn phải vươn tới giới hạn xa nhất của bản thân. Bạn phải sống như thể ngày mai mình sẽ thất bại. Thực ra, thất bại sẽ giúp bạn nhận ra đâu là lĩnh vực mình còn yếu kém. Vì thế, hãy vấp ngã từ sớm, vấp ngã thường xuyên, và ngã về phía trước.”
Ngã về phía trước là biết tận dụng những sai lầm của mình và đánh giá thực tiễn những rủi ro đi kèm. Đó chính là khả năng sống với mặt bất lợi, kiểm soát cảm xúc và thử nghiệm những điều mới mẻ của bạn. Khi chúng ta ngã về phía trước, chúng ta cần nhìn lại để tìm ra lý do thất bại của mình, cũng như hiểu rằng, đó là một phần của quá trình vươn tới thành công.
Thất bại quả thực là một điều đáng sợ. Bạn không dám bước vì sợ gãy chân, nhưng vì sợ gãy chân mà không dám bước thì chẳng khác nào chân đã gãy. Vì thế, hãy cứ liều mình chấp nhận thách thức và khi thất bại, hãy dũng cảm đối diện với nó để tiến lên.
Trước tiên, chúng ta cần phải hiểu tại sao mình lại hay thất bại đến vậy.
- Dễ bị xao lãng
Sự xao lãng có ở khắp mọi nơi. Chúng có thể khiến ta quên đi mục tiêu hay đích đến của mình. Sự thực là, chúng ta luôn kiểm soát được một vài khía cạnh trong cuộc sống của mình, vì thế hãy chọn lọc và ưu tiên những nhiệm vụ, công việc phù hợp với mục tiêu bạn đã đặt ra.
Ta chỉ có thể đưa ra được chiến lược khi biết mình giỏi nhất ở khía cạnh nào. Hãy thử mọi lĩnh vực và xem đâu là nơi chúng ta ít bị xao lãng nhất. Nhờ đó, bạn có thể quản lý thời gian của mình tốt hơn, cũng như tiến gần hơn đến thành công và hạnh phúc.
- Thiếu niềm tin vào bản thân
Mỗi người lại có một kiểu thiếu niềm tin vào bản thân khác nhau. Bởi lẽ, sự tự tin của chúng ta còn phụ thuộc vào kinh nghiệm sống, hoàn cảnh quá khứ, gien, văn hóa,… Sự thật là, chúng ta không thể thay đổi những trải nghiệm mà quá khứ mang đến cho ta. Tuy nhiên, ta hoàn toàn có thể thay đổi tư duy để trở nên tự tin hơn vào bản thân. Để trở nên tự tin hơn, bạn cần hiểu rõ hơn về bản thân mình. Bạn có thể làm điều này bằng cách chăm sóc cơ thể thật tốt và thấu hiểu những cảm xúc của mình.
- Nỗi sợ thất bại
Thất bại thường tạo ra sự sợ hãi. Khi sợ thất bại, chúng ta đang cho phép bản thân ngừng làm những việc giúp ta đạt được mục tiêu, giúp ta tiến về phía trước và mở ra những cơ hội tưởng chừng như không khả thi. Chúng ta cần có đủ niềm tin vào bản thân, thay đổi tư duy từ “chưa đủ tốt” thành “hơn cả tốt”. Nếu không thể thoát khỏi những suy nghĩ tiêu cực này, hãy tranh thủ tiếp xúc với những người lạc quan có tư duy tích cực xung quanh bạn.
- Trì hoãn
Căn bệnh trì hoãn là nguyên nhân phổ biến dẫn tới thất bại. Chúng ta luôn có thói quen trì hoãn công việc nhằm để dành cho lần sau. Nó chẳng khác nào bạn bỏ cuộc để cảm thấy thoải mái hơn. Chúng ta luôn cố gắng tránh xa những cảm xúc tiêu cực và công việc áp lực, và đây chính là những thứ chúng ta hay trì hoãn nhất. Muốn từ bỏ thói quen xấu xí này, việc đầu tiên bạn phải làm là thừa nhận mình đã trì hoãn.
Sau đó, chúng ta phải hiểu tại sao chúng ta lại trì hoãn và đưa ra những chiến lược phù hợp để tránh lặp lại điều này. Đôi khi, chúng ta còn không biết mình đang trì hoãn và điều này ngăn cản chúng ta vận dụng hết tiềm năng của mình. Vì thế, bạn cần hiểu rõ thói quen này và đưa ra những thay đổi tích cực để “ngã về phía trước”.
Khi chúng ta đã biết rõ nguyên nhân thất bại cũng là lúc chúng ta thực hiện 3 điều sau đây để “ngã về phía trước”.
- Chấp nhận rủi ro
Khi chấp nhận rủi ro, chúng ta thường đánh giá quá cao khả năng mọi chuyện đổ bể. Chúng ta thường hay phóng đại mọi chuyện trong trí tưởng tượng của mình, và kết quả là, điều này khiến ta đánh giá sai kết quả tình huống. Sự thực là, mọi thứ thường tốt hơn những gì chúng ta tưởng tượng. Để chấp nhận rủi ro, bạn không nên sợ thất bại.
- Hiểu rằng thất bại cũng là một loại động lực
Điều này có vẻ khôi hài, nhưng hãy cảm thấy hạnh phúc khi bạn thất bại. Chúng ta thường được dạy rằng, thất bại là do chúng ta tính toán sai, quyết định sai, không đủ may mắn để cải thiện cuộc đời mình. Tuy nhiên, thực ra thất bại sẽ làm ta mạnh mẽ và dũng cảm hơn. Đó là dấu hiệu của sự tiến bộ, vì vậy, ta cần nhìn nhận thất bại như một sự trưởng thành. Nếu không phạm sai lầm, ta sẽ không biết mình có thể đi đến đâu. Hãy dùng thất bại để làm bàn đạp tiến về phía trước.
- Kiên trì bền bỉ
Kiên trì là khả năng đứng dậy từ thất bại. Khả năng thành công của bạn sẽ dựa vào sự kiên định và bền bỉ của bạn. Mỗi khi thất bại, bạn sẽ có hai lựa chọn: ngồi gặm nhấm sự thất bại đó hoặc lấy đó làm động lực để trở nên mạnh mẽ. Kiên trì đòi hỏi bạn phải có mục tiêu, đam mê và kiên nhẫn. Quan trọng là, bạn phải tự học hỏi từ thất bại của mình và không được phép so sánh thất bại của mình với người khác.
Hãy tưởng tượng như thế này. Bạn đang nâng tạ ở phòng gym, và huấn luyện viên cứ hét lên: “Thêm nữa nào!” Huấn luyện viên muốn ta thành công, nhưng đồng thời cũng muốn chúng ta thất bại. Họ muốn đẩy chúng ta vào trạng thái khó chịu tới mức các cơ bắp mỏi mệt rã rời. Tại sao ư? Bởi vì khi bạn thách thức cơ thể mình bằng cách bắt nó luyện tập ở cường độ không quen, nó sẽ phản ứng lại bằng cách phát triển thêm cơ bắp. Đó cũng chính là cách ta học để trở nên thoải mái từ những điều không thoải mái. Nguyên tắc này không chỉ áp dụng trong thể thao mà còn được vận dụng để cải thiện tinh thần của chúng ta. Nhờ đó, chúng ta sẽ biết “ngã về phía trước” để đạt tới thành công mà mình mơ ước.
Ngọc Hà – Theo Trí thức trẻ/Addicted2success