Độ tuổi millennial là một thế hệ thông minh và hoài bão. Họ biết cảm thông, là những cá nhân đa dạng và háo hức tạo ra tác động xã hội. Nhưng có quá nhiều nỗi lo toan đang kéo họ lại.
Tess Brigham là nhà trị liệu tâm lý và huấn luyện viên đời sống làm việc tại San Francisco, Mỹ. Cô có 10 năm kinh nghiệm trong ngành và những năm gần đây, chuyên chăm sóc vấn đề tâm lý cho khách hàng trong độ tuổi millennial (sinh năm 1981 đến 1996). 90% bệnh nhân hiện tại tìm đến Brigham có tuổi từ 23 đến 38.
Brigham đưa ra một số phát hiện sau đây với CNBC, về khúc mắc tâm lý lớn nhất người trẻ tìm trị liệu đang gặp phải, cản trở họ thăng tiến:
Là một người thuộc thế hệ trước, tôi vẫn thường nghe ngần ấy định kiến về giới trẻ, rằng họ lười nhác, ăn sẵn, coi mình là trung tâm, phản ứng thái quá và thiếu hành trang. Nhưng sau thời gian nghiên cứu và hiểu giới này, càng lúc tôi càng thấy một thế hệ thông minh và hoài bão.
Họ biết cảm thông, là những cá nhân đa dạng và háo hức tạo ra tác động xã hội. Nhưng có quá nhiều nỗi lo toan đang kéo họ lại.
Lời phàn nàn lớn nhất của millennial
Vào một ngày bất kỳ, một cơ số millennial sẽ tới văn phòng tôi và giãi bày vấn đề thúc bách như: “Tôi lo lắng sẽ không bao giờ kiếm đủ tiền trước khi về hưu”, “Tôi thấy mình là một sự thất bại”, “Tôi không biết liệu tôi có sống đúng cách như một người lớn”.
Nhưng, câu than phiền thốt ra nhiều nhất là: “Tôi có quá nhiều lựa chọn và không quyết định nổi. Lỡ chọn sai thì sao?”.
Sự mệt nhọc với những quyết định đang tồn tại thực sự, đặc biệt ngày nay, khi con người được trang bị thừa thãi thông tin và dưới áp lực chồng chất phải thành công. Một số quyết định quan trọng phải thực hiện gồm: cưới ai, theo đuổi sự nghiệp gì, sống ở đâu, quản lý tiền bạc thế nào… và đi kèm là vô vàn phương án phải chọn.
Nhiều lựa chọn thoạt nghe có vẻ hấp dẫn, nhưng thực tế các nghiên cứu chỉ ra nó khiến chúng ta căng thẳng và choáng ngợp.
Với “Tuổi mới lớn” thời hiện đại – một khái niệm mà giáo sư tâm lý học Jeffrey Jensen Arnett đặt ra để tả “giai đoạn 18-25 tuổi khi nhiều hướng đi đều khả dĩ và tương lai còn ít được xác lập”, các quyết định bị trì hoãn dẫn đến rối loạn danh tính và mục đích sống.
Đối phó với ‘quá nhiều lựa chọn’ thế nào?
Trong cuốn sách Nghịch lý của sự lựa chọn: Tại sao nhiều lại hơn ít, tác giả tâm lý học Barry Schwartz đã đưa ra luận điểm càng có trong tay nhiều lựa chọn, chúng ta càng dễ hối tiếc quyết định về sau.
Schwartz cho rằng một trong ba điều tiềm năng xảy ra khi người trẻ được cho càng nhiều lựa chọn:
-Họ đưa ra những quyết định nghèo nàn
-Họ càng dễ bất mãn với quyết định
-Họ tê liệt và sau cùng chẳng quyết định gì hết
Sau đây là vài lời khuyên tôi thường đưa ra cho khách hàng millennial khổ sở với những chọn lựa:
Đầu tiên, hãy tìm hiểu cảm giác thực sự của mình là gì. Khi ép bản thân đào sâu cảm nhận, cảm xúc và hành vi, chúng ta nhận ra điều gì đang quấy nhiễu ta và ta muốn gì. Câu hỏi sẽ giúp bạn gồm: Bạn cảm thấy sao về tình trạng hiện tại? và, điều gì bạn muốn thay đổi?.
Tiếp theo, động não xem có những lựa chọn nào và hệ quả kèm theo là gì. Chẳng hạn, nhảy việc sẽ ảnh hưởng tới thu nhập, trạng thái cuộc sống, nghĩa vụ công việc hoặc đơn giản, việc đi lại. Có thể bạn phải chăm sóc thành viên gia đình bị bệnh và không thể chọn một công việc đòi hỏi cao.
Hãy xác định thứ có thể kiểm soát. Mạo hiểm ổn thôi, nhưng bạn cũng cần tránh những lựa chọn dẫn tới kết quả mình ít tác động được gì. Một khi tìm ra điều gì có và không thể chi phối, bạn sẽ cho mình quãng thời gian dễ chịu hơn với danh sách lựa chọn đã rút ngắn.
Giờ đến lúc quyết định. Đừng vội vàng, cũng đừng nấn ná quá. Bạn có thể trao đổi với ai đó từ một góc nhìn khác, những cũng cần thận trọng với lời khuyên không có cơ sở. Một khi đã quyết định, cũng là lúc bắt tay lên kế hoạch cho trường hợp mọi thứ diễn ra lệch dự tính.
Tôi thường nói với bệnh nhân rằng việc lo lắng hoặc cảm thấy bất định không sao hết, chừng nào không để chúng nhấn chìm bạn. Con đường “đúng” duy nhất là con đường trước hết chính bạn cảm thấy đúng với mình. Việc nhận lời đề nghị công việc mới rồi phát hiện ra không phù hợp văn hóa doanh nghiệp, hoặc nhiều trọng trách hơn được sẵn sàng xử lý, là chuyện vẫn thường diễn ra.
Bạn sẽ không bao giờ có mọi thứ ăn khớp ngay lần đầu, nhưng khi dám mắc lỗi và chấp nhận rằng mình mắc lỗi, bạn sẽ thông minh, sáng dạ và tự tin hơn với quyết định trong tương lai
Theo CNBC