Do Thái là một dân tộc thông minh nhất và kinh doanh giỏi hơn tất cả. Lời khuyên của doanh nhân Do Thái chắc chắn sẽ có ích cho không ít người, đặc biệt là những người làm kinh doanh, gặp gỡ khách hàng nhiều.
Bạn đến dự một cuộc hội họp với khách hàng, đồng nghiệp hoặc người bán hàng. Bạn đi vào văn phòng của họ, và họ hỏi bạn: “Anh/chị có muốn uống gì không?” Bạn sẽ trả lời “Có” hay “Không”?
Đây là ví dụ về một tình huống chúng ta gặp nhiều lần trong đời nhưng chưa bao giờ dành thời gian để nghĩ xem nên trả lời như thế nào.
Về khía cạnh kinh doanh, marketing và thậm chí là quan hệ giữa người với người, ta nên làm gì trong tình huống nói trên? Các nghiên cứu chỉ ra rằng trong trường hợp này, đa số mọi người đề trả lời “Không”, nhưng chẳng phải vì họ không khát. Sau đây là một số câu trả lời người ta đưa ra để lý giải tại sao họ từ chối một đề nghị như thế:
“Tôi không cảm thấy thoải mái khi được phục vụ”.
“Tôi muốn tập trung làm việc hiệu quả thay vì phí thời gian nhấm nháp cà phê và nói chuyện phiếm”.
“Việc nhận lời mời đó sẽ tự động khiến tôi rơi vào vị trí “kèo dưới” trong mắt người khác – vì tôi đang cần một điều gì đó ở họ”.
Và còn nhiều câu trả lời tương tự nữa.
Tuy nhiên, theo nội dung cuốn sách Nghệ thuật bán hàng của người Do Thái, câu trả lời của bạn trong tình huống này nên là “Có”!
Bạn nên đồng ý uống thứ gì đó khi được mời – hành động đó sẽ lịch sự hơn, giúp bạn có cơ hội trò chuyện với đối phương, đồng thời giúp đối phương quen với việc làm điều gì đó cho bạn. Hơn nữa, khi đó bạn sẽ không bị khát và có thể giúp bản thân tươi tỉnh hơn, từ đó, bạn có thể có được phong độ tốt nhất trong suốt cuộc gặp.
Người ta luôn suy nghĩ ở tầm “vĩ mô” về chuyện thuyết phục và mua bán, nhưng hoạt động giao tiếp giữa người với người thành công hay thất bại thường là chỉ vì những chuyện cỏn con. Chẳng hạn, đừng từ chối một người xa lạ vừa mới mời bạn một thứ gì đó…
Phản ứng của bạn hoặc ý nghĩa của hành động bạn thể hiện không phải lúc nào cũng rõ ràng, đôi khi nó bị hiểu thế nào là do tiềm thức của đối phương.
Vậy, bạn đã trả lời “Có”, và giờ chúng ta chuyển sang câu hỏi khác. Nóng hay lạnh?
Nghĩa là, một thức uống nóng (cà phê, trà) hay thức uống lạnh (nước lọc, nước ép)? Nghiên cứu cho thấy hầu hết những người đã trả lời “Có” trong câu hỏi trên sẽ chọn thức uống lạnh (thường là một ly nước lọc). Thế nhưng, câu trả lời nên là thức uống nóng! Tại sao?
Vì khi chọn đồ uống nóng, bạn đã tự “mua” cho mình ít nhất mười lăm phút nói chuyện với người đó, trong khi chờ cà phê nguội hơn và tới khi bạn uống hết ly cà phê đó.
Nếu ai đó mời bạn một thức uống nóng, và bạn nói: “Không, cảm ơn, cho tôi một ly nước lọc là được rồi” thì thực chất bạn đang (vô tình) cắt ngắn cuộc gặp của mình!
Nhân tiện, hãy lưu ý, khi bạn đi đến một cuộc hẹn với ai đó thiếu kiên nhẫn hoặc muốn cuộc gặp thật ngắn gọn, bạn thậm chí sẽ chẳng được mời thức uống, và trong trường hợp cực đoan thì có khi bạn còn không được mời ngồi nữa!
Vậy nên, để đảm bảo có một cuộc gặp ý nghĩa và chất lượng, bạn nên nhận lời khi được mời uống thứ gì đó, chọn thức uống nóng, và (quan trọng nhất), bạn nên mời đối phương cùng uống với mình!
Điều này sẽ thể hiện cho người đó thấy rằng bạn quan tâm đến phúc lợi của họ, và điều đó sẽ củng cố lòng tin và sự tương tác giữa hai người.
Đây là những chi tiết nhỏ nhưng có thể mang lại kết quả tuyệt vời. Do đó, lần sau, khi được hỏi: “Anh/chị có muốn uống gì không?”, thì hãy nhớ câu trả lời lý tưởng nên là: “Vâng, cảm ơn. Vui lòng cho tôi thức uống nóng, và hy vọng anh/chị sẽ uống cùng tôi…”
* Nội dung lược trích trong cuốn: Nghệ thuật bán hàng của người Do Thái
Nghệ thuật bán hàng của người Do Thái do Công ty First News – Trí Việt giữ bản quyền xuất bản và phát hành ấn bản tiếng Việt trên toàn thế giới.
Đây là những bí quyết marketing và thương thuyết sáng tạo mà diễn giả, “Tiến sĩ Thuyết Phục” Yaniv Zaid đã tích lũy sau nhiều năm nghiên cứu về chủ đề thành công cũng như hoạt động trên thương trường.
Qua những mẩu chuyện nhỏ và nhiều ví dụ thực tế trong quyển sách này, bạn đọc sẽ lần lượt tìm được câu trả lời cho những câu hỏi mà một chuyên gia marketing, một nhân viên bán hàng hay bất kỳ ai muốn nâng cao kỹ năng thương thuyết đều có thể quan tâm.
Sâu sắc nhưng không giáo điều, hiệu quả mà vô cùng đơn giản và dễ hiểu chính là điểm khác biệt của quyển sách Nghệ thuật bán hàng của người Do Thái của tác giả Yaniv Zaid.
Theo Nhịp sống kinh tế