Trên sân khấu Google Day X, CEO Adtop và Bigbom là Nguyễn Văn Vững kể về 10 năm khởi nghiệp của mình, từ cảnh đi xin 1000, 2000 để mua mẩu bánh mì bỏ bụng cho đến khi có công ty doanh thu triệu USD.
‘Khởi nghiệp tuổi 20, ôm cục nợ 100 triệu, bố mẹ phải lên Hà Nội trả nợ hộ’
Câu chuyện khởi nghiệp của chàng trai Thái Bình Nguyễn Văn Vững được quay ngược thời gian trở lại năm 2007 – thời điểm xu hướng Internet tại Việt Nam bắt đầu bùng nổ. Đây cũng là lúc mà nhiều startup, sau này đã trở thành những tên tuổi lớn của giới khởi nghiệp trong nước (Vatgia, VNG, VCCorp…).
“Lúc đó, có một ý tưởng là milliondollarhomepage.com, bán các điểm ảnh trên website, cứ 1 pixel giá 1 USD. Từ ý tưởng đó, tụi mình muốn làm một trang thương mại điện tử có rất nhiều các gian hàng trên một website, các khách hàng sẽ đăng ký để được sở hữu một gian hàng” – Vững kể lại.
Đối với riêng Vững, chàng trai trẻ lúc đó chọn khởi nghiệp ngay từ lúc đi học là việc buộc phải làm bởi anh cần tiền để phụ giúp gia đình, nơi có mẹ anh đã mắc bệnh tim từ 2 năm trước khi anh học Đại học. “Khát khao của mình lúc đó chỉ là đi làm thêm, khởi nghiệp để kiếm tiền phụ giúp gia đình” – Anh chia sẻ.
Với tất cả những hoài bão của tuổi trẻ, 3 người bạn triển khai ý tưởng trên và lập nên website mang tên ‘tonvinhthuonghieu.com’. Thời điểm đó, chàng trai đến từ Thái Bình mới kết thúc năm học đầu tiên tại Đại Học Mỏ – Địa chất.
Vững và 2 người bạn đã đổ dồn tất cả số tiền mình có, thậm chí là đi vay mượn, cầm tài sản để có tiền đầu tư vào dự án. Mặc dù có thừa sự nhiệt huyết và đam mê, nhưng do thiếu kinh nghiệm, kiến thức về kinh doanh mà dự án của Vững và các bạn đã dần đi vào bế tắc.
Anh kể lại: “6 tháng sau là bắt đầu thấy dấu hiệu không khả quan, dự án có thể ‘fail’. Chúng mình cố gắng thêm 6 tháng nữa và thời điểm 1 năm sau khi bắt đầu thì chính thức thất bại. ‘Thành quả’ lớn nhất ngay đầu đời chính là việc mình đã phải ôm một cục nợ to”
Con số mà Nguyễn Văn Vững nợ lúc đó lên đến 100 triệu đồng. Với một cậu sinh viên năm hai ở tỉnh lẻ lên Hà Nội đi học, đây là con số đủ lớn để sự tin tưởng, niềm tự hào của những người thân đặt lên anh bỗng chốc chuyển thành nỗi thất vọng tràn trề.
Anh chia sẻ rằng lúc đó mình cũng không thể trả nổi ngay món nợ lớn và bố mẹ ở quê phải ‘khăn gói’ lên Hà Nội tới 3, 4 lần để trả hộ. Thế nhưng, thời điểm mà mọi cánh cửa niềm tin đóng sập với Vững chỉ đến sau đó vào khoảng năm 2009, khi việc anh nghỉ học tại Đại học Mỏ – Địa chất bị vỡ lở. “Mọi thứ sụp đổ hoàn toàn khi mọi người chính thức biết mình quyết định nghỉ học mà giấu gia đình” – Vững nói.
Nguyên nhân cũng từ khoản nợ lớn ngay thời điểm đầu đời nói trên. Vững kể lại rằng bố mẹ anh biết chuyện do một lần chủ nợ ngoài Hà Nội gọi điện về nhà báo cho gia đình: “Lúc vay nợ, mình cầm thẻ sinh viên, khai báo thông tin gia đình và số điện thoại bố hoặc mẹ. Chủ nợ đó đã gọi điện về báo chứ không phải mình thú nhận chuyện nghỉ học”.
Với hàng loạt cú sốc xảy ra, bố mẹ Vững bắt anh trở về quê ngay lập tức. Đam mê khởi nghiệp của chàng trai 22 tuổi đóng sập lại, ngay thời điểm nó đang bùng cháy dữ dội nhất.
Từ cảnh ‘xin 1000 để mua bánh mì’ tới công ty triệu USD và ước mơ đưa quảng cáo Việt Nam ra quốc tế
Đối với những người đam mê khởi nghiệp, rồi sẽ có một lúc nào đó họ ép mình trở lại con đường đã chọn. Nguyễn Văn Vững kể lại thời điểm mình quyết định trở lại mảnh đất thủ đô để tìm cơ hội mới: “Bố mẹ bắt mình về quê được khoảng 2 tháng thì mình nghĩ chẳng lẽ cuộc đời kết thúc ở chính cái quê này. Mình quyết định không thể dừng lại ở đây và phải tìm cơ hội để lên Hà Nội”.
Đến đầu năm 2010, với món nợ lớn vẫn đang treo lơ lửng, Vững quyết tâm lên Hà Nội để tìm việc. Ở thời điểm đầu khi chưa có việc, không có tiền, không có nhiều mối quan hệ trên thành phố, chàng trai trẻ kể về tình cảnh khó tin mình đã buộc phải đánh đổi giữa lòng tự trọng và khả năng mình có thể mưu sinh tồn tại.
“Đó là thời điểm khó khăn nhất trong cuộc đời của mình. Có những lúc mình ở ngoài Hà Nội lang thang một tuần trời mà không có một nghìn nào, đói không dám mở miệng ra xin ăn.Nhưng thực sự lúc đói cồn cào và mình phải lựa chọn hoặc là ngất ở đó, hoặc là bỏ qua tự trọng để xin 1,2 nghìn đồng mua một mẩu bánh mì rất nhỏ. Khi đó, mình đã quyết định hy sinh lòng tự trọng” – Nguyễn Văn Vững ngậm ngùi kể lại.
Dần dần, sự kiên trì của Vững mang lại thành quả. Anh được nhận làm ở vị trí kinh doanh cho một công ty bán website. Tuy nhiên, với mục tiêu tìm đòn bẩy để vào Thành phố Hồ Chí Minh, anh chuyển sang làm việc tại một công ty quảng cáo trực tuyến lớn trong top 5 thị trường thời điểm đó.
Được chuyển công tác vào Sài Gòn, Vững chỉ chịu được cảnh làm thuê được 8 tháng. Đam mê khởi nghiệp dần trở lại nhưng cũng đồng thời gợi lại thất bại đau đớn và món nợ lớn mà cho đến lúc đó anh vẫn chưa trả xong. Quá trình cân đong đo đếm được diễn ra trong 2 tháng, với hai kịch bản được vẽ ra là nghỉ việc để xây dựng sự nghiệp riêng theo ước mơ của mình, hoặc tiếp tục làm để có một mức lương ổn định sống qua ngày.
“Mình quyết định trước sau gì cũng phải làm nên lúc đó tự tạo động lực cho mình. Mình chấp nhận kể cả ăn mì tôm nửa năm, một năm cũng không sao, miễn sao mình thực hiện được ước mơ của mình” – Vững nhắc lại về quyết định khó khăn.
Năm 2011, Nguyễn Văn Vững quyết đình rời chức Phó Giám đốc ở công ty cũ và khởi nghiệp lần 2 với Adtop (Top Online Advertising) – một agency quảng cáo trực tuyến. Theo Vững thì Adtop giờ đã trở thành cái tên quen thuộc và đang đạt mức doanh thu nhiều triệu USD/năm – một con số tương đối lớn, đủ để biến công ty này thành một agency lớn trong ngành quảng cáo Việt Nam. Những khách hàng mua quảng cáo của Adtop cũng là những công ty hàng đầu như Lazada, VTC, VNG, Ngân hàng Bản Việt…
Điều đáng nói hơn là niềm tin của Vững về việc mang công nghệ quảng cáo Việt Nam đi ‘đánh xứ người’. Sản phẩm Bigbom – mạng lưới quảng cáo đầu tiên sử dụng công nghệ Blockchain, do chính người Việt tạo ra, giúp các nhà quảng cáo tối ưu hóa chiến dịch của mình – mà Adtop đã thai nghén từ lâu sẽ được mang ra thế giới chỉ trong tương lai gần. Theo chia sẻ, Vững sắp thành lập công ty Bigbom với tầm nhìn đầy tham vọng tại Singapore.
Đừng vay nợ ảnh hưởng đến gia đình, cũng đừng bỏ học chỉ để khởi nghiệp theo phong trào!
Trong hơn 30 phút kể về câu chuyện có thật của mình, Nguyễn Văn Vững làm những khán giả ngồi nghe, trong đó có cả những sinh viên, lặng người vì những hình ảnh chẳng hề ‘màu hồng’ về cuộc đời khởi nghiệp.
Nhưng cũng chính vì thế, người đã trải qua những khó khăn chẳng ai tin nổi để đứng trên sân khấu, nói về công ty triệu USD và một giấc mơ quốc tế, có lẽ hoàn toàn xứng đáng với danh hiệu ‘startup man’. Đưa ra lời khuyên cho những bạn trẻ hãy còn là sinh viên và đang ‘máu’ khởi nghiệp, vị diễn giả của Google Day X nhìn lại thất bại của mình và nói về 2 điều.
Thứ nhất, “muốn làm gì thì cứ làm, không phải sợ, tuy nhiên làm gì cũng nên cẩn trọng, đừng vay nợ, đừng làm ảnh hưởng bất cứ điều gì đến gia đình, bố mẹ”. Niềm tin dành cho một bạn trẻ vẫn còn đi học sẽ rất dễ bị lung lay nếu như cảnh bố mẹ bạn ấy phải lặn lội từ quê lên chỉ để trả nợ xảy ra.
Chỉ bỏ học để khởi nghiệp chỉ khi thấy rằng con đường sự nghiệp riêng của mình, với việc không cần bằng cấp, là điều chắc chắn!
Thứ hai là “tuyệt đối không bỏ học giữa chừng để khởi nghiệp trong trường hợp chưa chắc chắn rằng con đường khởi nghiệp mình đi là đúng hay không“. “Dù nó không có nhiều giá trị trong việc đánh giá một con người nhưng dù sao thì tấm bằng, với nhiều người, vẫn là thứ giúp người ta bước vào đời và có một công việc dễ dàng hơn” – Vững nói.
Nói thêm về thất bại của tonvinhthuonghieu.com, Vững cũng cho rằng bên cạnh đội ngũ thiếu kinh nghiệm thì một lý do thất bại của dự án là tính thời điểm. “Lúc đó, nhu cầu Internet quá mới mẻ, đã phần các hình thức quảng cáo vẫn là truyền thống như phát tờ rơi. Quảng cáo trên Internet khá là xa vời và không nhiều người quan tâm đến” – Vững nói.
Theo Vũ Hán – Trí thức trẻ