(6.4.2019) Trong cuộc sống, chúng ta luôn tìm kiếm và hướng đến những điều tốt đẹp… nhưng điều quan trọng là bạn phải biết phân bổ công việc với quỹ thời gian hữu hạn. Bạn không thể một lúc đồng thời làm tất cả mọi việc.
Bạn đang có rất nhiều dự định, mục tiêu và mơ ước. Bạn mong muốn tích lũy nhiều kinh nghiệm hơn nữa, kiếm được nhiều tiền hơn nữa. Cố gắng nâng cao kỹ năng hay cải thiện các mối quan hệ để đạt được chất lượng cuộc sống tốt hơn?
Những điều này hoàn toàn dễ hiểu, nhưng quỹ thời gian là có hạn, nên nếu bạn phân tâm vào quá nhiều việc một lúc, mức độ tập trung vào từng việc không cao, thì để tối đa hóa hiệu quả công việc là điều không thể. Ngược lại, hiệu quả công việc sẽ cao nếu bạn chỉ tập trung làm từng việc một.
Thành công nối tiếp thành công
Nếu bạn tập trung thời gian và sức lực để làm từng việc một, chắc chắn bạn sẽ thành công. Tôi phát hiện ra nguyên tắc này là vào thời trung học. Trong một lần kiểm tra cuối kỳ, tôi quyết định mỗi lúc chỉ học một môn, và chỉ khi nắm chắc toàn bộ nội dung của môn học đó, tôi mới học sang môn khác.
Tôi quyết định mỗi lúc chỉ học một môn
Hầu hết các bạn học của tôi thường ôn nhiều môn trong một ngày, nhưng tôi không hề thích phương pháp này bởi nó quá phân tán. Thay vào đó, tôi thấy mình học nhanh hơn nhiều nếu tôi dành ra vài ngày để nghiền ngẫm chỉ một môn học.
Nếu đang làm một dự án thì tôi sẽ không nhận thêm bất kỳ một dự án lớn nào nữa. Nếu tôi đang viết một chuyên mục mới cho blog cá nhân thì tôi sẽ không viết sách trong thời điểm đó. Với phương pháp này, tôi hoàn thành mọi thứ nhanh hơn và tốt hơn. Nhờ việc chỉ làm mỗi lúc một việc mà kết quả công việc của tôi tốt hơn rất nhiều.
Gary keller và Jay Papasan, tác giả của “The One Thing” (Một Điều Thôi), một cuốn sách hay có cùng quan điểm, đã chỉ ra rằng:
“Tôi sẽ có được thành công vang dội khi tôi thực sự dồn hết sức tập trung vào một thứ, và với tôi, mức độ tập trung vào công việc quyết định mức độ thành công.”
Bạn có đang kiêm nhiệm hay đang tập trung vào nhiều thứ cùng một lúc? Vậy nguy cơ bạn thất bại hoặc không đạt được kết quả tốt nhất là rất cao.
Lý do rất đơn giản: đa số chúng ta đều nghĩ rằng thành công sẽ đến cùng một lúc nhưng thực tế lại hoàn toàn khác. Keller và Papasan đã nói rất rõ: “Thành công đến một cách tuần tự, không phải đến đồng thời”.
Mọi thứ được tích góp dần dần. Bạn học xong một kỹ năng rồi sau đó học thêm một kỹ năng nữa. Bạn hoàn thành xong một dự án rồi sau đó hoàn thành thêm một dự án khác. Qua thời gian, những thành công nhỏ tích góp lại và trở thành một thành tựu lớn.
Hầu hết số tiền chúng ta kiếm được sẽ tăng dần theo thời gian.
Điều này đặc biệt đúng đối với vấn đề tiền bạc. Hầu hết số tiền chúng ta kiếm được sẽ tăng dần theo thời gian. Chỉ rất ít người là kiếm được khoản tiền rất lớn trong một thời gian ngắn. Hãy quên Conor McGregors (võ sĩ Ireland nổi tiếng thế giới) và Evan Spiegels (CEO của Snapchat) đi vì họ là những trường hợp đặc biệt may mắn.
Bạn không cần phải có tài năng hay kỹ năng đặc biệt để đạt được thành công trong cuộc sống. Nếu bạn chọn hướng đi lâu dài, từng bước chinh phục các mục tiêu và dần dần tích góp tài sản cá nhân thì cuộc sống về sau của bạn sẽ không kém phần tốt đẹp.
Phương pháp này rất đơn giản nhưng vô cùng hiệu quả. Chỉ những ai không đủ kiên nhẫn để áp dụng nó mỗi ngày thì mới không đồng tình mà thôi.
Một trong những bậc tiền bối của tôi đã sở hữu hàng chục bất động sản, có trị giá vài triệu đô. Ông ấy đã ngoài 60 và có trong tay khối gia tài đó bằng cách áp dụng phương pháp trên. Bạn thấy đấy, cái gì cũng cần phải có thời gian. Khi bạn kiên nhẫn tích lũy mọi thứ dần dần theo thời gian, bạn sẽ có thể đạt được kết quả tốt nhất.
Đây không phải điều gì phi thường. Ai cũng có thể tiết kiệm tiền, nâng cao kỹ năng và tạo ra của cải. Tất nhiên tôi không nói đến việc bạn sẽ giành được huy chương vàng tại Olympics 2020 hay trở thành Zuckerberg tiếp theo.
Tác dụng của sự tích lũy lâu dài
Warren Buffett là một ví dụ điển hình cho sự tích lũy lâu dài. Chúng ta hãy xem cách ông tích lũy tài sản theo qua biểu đồ dưới đây:
Đừng nhìn vào con số (hay cột x), mà hãy quan tâm đến sự tăng trưởng của khối tài sản.
Ở độ tuổi từ 32-44, tài sản ròng của Buffett tăng 1.257%. Đây quả là một sự tăng trưởng ngoạn mục chỉ trong 12 năm. Đặc biệt, nếu bạn để ý sẽ thấy ông mất rất nhiều tiền khi ở tuổi 40. Nhưng đó không phải vấn đề chính mà tôi muốn nhấn mạnh ở đây.
Hãy nhìn vào khoảng thời gian từ năm Buffett 44-56 tuổi, bạn sẽ thấy tài sản của ông ấy tăng một cách khó tin 7.268% vào cùng khoảng thời gian như trên (12 năm). Đây là tài sản ròng của ông ấy và tất nhiên luôn hàm chứa yếu tố may mắn trong quá trình đạt được những con số này.
Ngoài ra, phần lớn tài sản ròng của ông dựa trên giá cổ phiếu, nghĩa là một phần lớn tài sản của ông có thể biến mất sau một đêm. Tuy nhiên, điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây là chỉ số tăng trưởng tài sản của ông qua thời gian.
Một điều đáng lưu ý nữa: Buffett chỉ bắt đầu sở hữu 99% tài sản ròng khi ông đã bước sang tuổi 50. Điều này giúp chúng ta, những người ở độ tuổi thanh niên, trung niên (bao gồm cả tôi) hay kêu ca về sự thăng tiến chậm chạp trong sự nghiệp, có động lực để tuần tự tiến từng bước để đi đến thành công.
Tuy nhiên, bạn nên cẩn trọng vì trên internet có rất nhiều kẻ lừa đảo nói rằng có thể dễ dàng thành công như Warren Buffett. Rất nhiều người sẽ cố lừa phỉnh để khiến bạn tin rằng đầu tư vào thị trường chứng khoán chắc chắn sẽ giúp bạn giàu lên nhanh chóng. Mục đích của họ là thuyết phục bạn mua khóa học làm giàu của họ.
Cuộc sống không vận hành theo cách như vậy. Cá nhân tôi không thích chứng khoán và tôi khuyên những ai không rành về lĩnh vực này hãy tránh xa phố Wall ra.
Điều này không chỉ đúng với tiền bạc mà nó còn đúng với các lĩnh vực khác trong cuộc sống như kỹ năng, sức khỏe và trong các mối quan hệ.
Bạn không thể có được một cơ thể cường tráng chỉ trong một ngày, một tháng hay một năm, thực tế là bạn phải nỗ lực vài năm để có được nó. Ngay cả khi bạn làm việc một cách khoa học nhất, thì cũng không hề có đường tắt. Ví như các vận động viên xe đạp dưới 28 tuổi hiếm khi giành chiến thắng trong các cuộc thi lớn như Tour The France. Bởi lẽ phải mất nhiều năm trời để rèn luyện sức khỏe, sức dẻo dai và hệ thống tư duy – những yếu tố cần có để giành chiến thắng.
Nếu muốn thấy được tác dụng của việc tích lũy thì ở mỗi thời điểm, bạn hãy dành hết sự tập trung của mình vào một thứ mà thôi (áp dụng cho tất cả mọi khía cạnh trong cuộc sống) và hãy luôn cố gắng nhìn xa trông rộng.
Cuối cùng, thành công sẽ đến nếu bạn kiên trì làm theo phương pháp này. Bạn phân vân rằng thành công sẽ đến ngay ngày mai hay phải 20 năm nữa? Đừng lo, vấn đề quan trọng là: nó sẽ đến.