Sở hữu những chiếc xe Rolls-Royce có giá trị lên đến hàng chục tỷ đồng, nhưng các đại gia này lại có điểm chung đáng buồn là cùng vướng vòng lao lý.
Bầu Kiên
Năm Nhâm Thìn 2012, hãng Rolls Royce đã quyết định sản xuất 33 chiếc xe đặc biệt với tên gọi mỹ miều Rolls-Royce Phantom Year of the Dragon, hay còn gọi tắt là Phantom Rồng, nhằm phục vụ các quốc gia Phương Đông như Trung Quốc, Việt Nam. Tại Việt Nam, có tới 4 người sở hữu chiếc Phantom Rồng và ông bầu Nguyễn Đức Kiên là 1 trong 4 đại gia đó.
Theo tính toán, để có mặt tại Việt Nam, mức giá Phantom Rồng mang biển số đuôi 88 của Bầu Kiên có giá lên tới 40 tỷ đồng. Sự xuất hiện của chiếc xe này trên sân vận động Hàng Đẫy trong trận đấu giữa Hà Nội và Thanh Hóa hồi giữa năm 2012 đã gây chú ý lớn trong dư luận lúc bấy giờ.
Tuy nhiên, chỉ 1 tháng sau khi Phantom Rồng xuất hiện trên sân Hàng Đẫy, Bầu Kiên bị bắt do những sai phạm trong lĩnh vực kinh doanh. Bầu Kiên bị tuyên án 30 năm tù trong phiên xét xử cuối năm 2014.
Dương Thị Bạch Diệp
Bà Dương Thị Bạch Diệp là Giám đốc Công ty bất động sản Diệp Bạch Dương. Đầu năm 2008, bà Diệp gây xôn xao khi nhập khẩu chính hãng chiếc Rolls-Royce Phantom màu lục với giá trị lên tới 2,3 triệu USD, trong đó giá gốc là 1 triệu USD và thuế, phí là 1,3 triệu USD.
Thời điểm bấy giờ, chiếc xe của bà Diệp là chiếc thứ 6 của Việt Nam và là chiếc xe đắt nhất. Điều quan trọng là, đây là chiếc xe đầu tiên do một người Việt Nam đặt hàng chính hãng từ Rolls-Royce Anh Quốc.
Cũng chính vì vậy, bên trong chiếc Phantom này có dòng chữ: “Custom Built for Diep Bach Duong”. Biển số của chiếc xe cũng thuộc hàng “siêu độc”: 77L-7777. Biển số này được gọi là “thất trùng thất”, bởi chữ L khi quay ngược lại cũng thành số 7.
Hồi đầu năm 2019, bà Bạch Diệp cùng nhiều cựu lãnh đạo TPHCM đã bị bắt. Bà bị cáo buộc lừa đảo liên quan ngân hàng Agribank, hoán đổi tài sản công tại Sở Văn Hóa.
Khải Silk
Năm 2007, một chiếc Rolls-Royce Phantom màu bạc xuất hiện, gây xôn xao giới mê xe tại Việt Nam. Chiếc xe này thuộc sở hữu của doanh nhân Hoàng Khải, ông chủ Tập đoàn Khải Silk và có giá bán lên tới 1 triệu USD, tương đương khoảng 16 tỷ đồng lúc bấy giờ.
10 năm sau khi đưa chiếc Phantom về Việt Nam, ông Hoàng Khải gặp biến cố lớn khi doanh nghiệp của ông bị phát hiện mua lụa từ các cửa hàng, hộ kinh doanh, doanh nghiệp khác trên thị trường về gắn nhãn Khaisilk Made in Vietnam để kinh doanh. Đáng chú ý, một số sản phẩm qua kiểm tra cho thấy hoàn toàn không có thành phần silk (lụa), khác so với thông tin công bố trên nhãn hàng hóa là “100% silk”.
Sự cố này đã khiến Tập đoàn Khaisilk lao đao. Các cửa hàng bán lụa đã đồng loạt đóng cửa. Ông Hoàng Khải rời bỏ vị trí người đại diện pháp luật của Khải Silk. Lâu đài TajmaSago và nhà hàng Cham Charm cũng đã đổi chủ sở hữu. Chiến Phantom màu bạc cũng chịu chung số phận khi hồi tháng 8/2018, một showroom tư nhân đã chào bán chiếc Phantom của ông Hoàng Khải với giá hơn 9 tỷ đồng.
Mới đây, tại cuộc họp báo Chính phủ cuối tháng 5/2019, Thứ trưởng Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Công an Hà Nội đã khởi tố vụ án Khải Silk và đang thực hiện các bước điều tra theo quy định của pháp luật hiện hành.
“Đại gia điếu cày” Lê Thanh Thản
Đại gia Lê Thanh Thản là chủ của Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 Điện Biên, nổi tiếng với chuỗi khách sạn Mường Thanh trên cả nước và rất nhiều khu chung cư giá rẻ tại Hà Nội.
Năm 2014, ông Thản gây xôn xao khi mua chiếc Rolls-Royce Mặt Trời Phương Đông độc nhất vô nhị. Đây là phiên bản đặc biệt của dòng xe siêu sang Rolls-Royce Phantom với đúng 1 chiếc được sản xuất trên toàn cầu. Theo một số tin đồn, số tiền mà “đại gia hút điếu cày” chi cho chiếc Rolls-Royce Phantom độc nhất Việt Nam lên đến 43 tỷ Đồng.
Những năm gần đây, chuyện kinh doanh của công ty ông Thản gặp nhiều sóng gió. Các tòa chung cư tại khu đô thị Xa La hay khu HH Linh Đàm nhiều lần xảy ra sự cố cháy nổ, gây thiệt hại nghiêm trọng.
Đến giữa năm 2017, Thanh tra Chính phủ đã ban hành kết luận chỉ ra hàng loạt vi phạm trong xây dựng của Tập đoàn Mường Thanh, tại các dự án như: Dự án khu nhà ở Xa La tại phường Phúc La (quận Hà Đông, TP Hà Nội) và dự án khu đô thị mới Kim Văn – Kim Lũ tại phường Đại Kim (quận Hoàng Mai, TP Hà Nội). Cuối năm 2018, Khách sạn Mường Thanh Khánh Hòa bị cắt ngọn 3 tầng do xây vượt giấy phép.
Mới đây, Công an TP Hà Nội đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can ông Lê Thanh Thản, Chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh để điều tra về hành vi lừa dối khách hàng. Ông Thản được tại ngoại, các quyết định tố tụng của CQĐT đã được Viện KSND TP Hà Nội phê chuẩn hôm 9/7.
Theo Công an TP Hà Nội, ông Thản bị khởi tố với tội danh “Lừa dối khách hàng” do liên quan đến vi phạm pháp luật tại dự án đầu tư xây dựng Tổ hợp chung cư cao cấp và thương mại Bemes (CT6), phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, TP Hà Nội.
Theo PV (Tổng hợp) – Trí Thức Trẻ