Liền một lúc có hơn 2 doanh nghiệp cùng kiện chính quyền thành phố Đà Nẵng cho thấy cả tốt lẫn xấu, cả vui và buồn…
Một nghiên cứu khá quy mô của VCCI đã chỉ ra: “Bốn lý do doanh nghiệp không khởi kiện ra toà được thống kê gồm: thời gian quá dài, chi phí cao, tình trạng “chạy án” phổ biến và trình độ, năng lực của cán bộ thấp”.
Cũng theo một lượng hóa từ chỉ số PCI cho thấy nếu năm 2013, có đến 60% doanh nghiệp được hỏi cho biết họ sẵn sàng khởi kiện ra tòa nếu có tranh chấp với đối tác; đến năm 2017 con số giảm xuống còn 36%!
Tình hình tranh chấp ích lợi trong cộng đồng doanh nghiệp với đối tác có chiều hướng “giảm minh bạch, công khai” hoàn toàn tương thích với 4 lý do mà VCCI nêu ra.
Khá bất ngờ khi Sơn La, Lào Cai, Bến Tre là những địa phương mà doanh nghiệp ở đó “có hứng thú” khởi kiện đối tác ra tòa khi có mâu thuẫn…
Doanh nghiệp kiện doanh nghiệp hoàn toàn khác với doanh nghiệp kiện chính quyền, bởi vì mối quan hệ giữa doanh nghiệp và chính quyền rất “mênh mông bát ngát”.

Nếu mọi thứ thuận lợi, doanh nghiệp và chính quyền là những người đồng hành không thể thiếu nhau; nhưng nếu xảy ra trục trặc – hai thực thể này rất dễ đẩy nhau vào thù địch.
Ở đó, ta thấy nhiều vùng tối chưa được gọi tên, nếu những cái bắt tay dưới gầm bàn xảy ra, có thể hại người dân đến tột cùng, dẫn chứng quá nhiều trên mặt báo; tệ tham nhũng, làm thất thoát công sản, biến chất cán bộ, dung dưỡng cho doanh nghiệp tung tác cũng có. Đại án Vũ “nhôm” là ví dụ điển hình.
“Kiện chính quyền” đó là khái niệm có vẻ lạ lùng ở Việt Nam, chưa có một khảo sát nào cụ thể với người dân – nhưng người ta luôn có cảm giác “khó thắng” vì chẳng khác nào “con kiến kiện củ khoai”.
Soi vào thực tế, đó là lo lắng có thật, nó mang tên “thời gian, chi phí, quyền lực, hiểu biết luật pháp…”. Doanh nghiệp – như một tổ chức có tư cách pháp nhân, có tiềm lực còn e ngại kiện chính quyền thì người dân không tấc sắt lấy gì kiện?
Quả thật, quá hiếm hoi trường hợp cá nhân đơn lẻ dám đâm đơn kiện chính quyền và giành chiến thắng, trong khi để tìm cái chưa đúng của chính quyền không khó. Vì sao?
Đà Nẵng dù được mệnh danh là “thành phố đáng sống” nhưng không còn được nhắc đến như một biểu tượng của minh bạch, công khai, cùng một lúc có nhiều doanh nghiệp khởi kiện chính quyền thành phố.
Vụ Vipico và Thép Dana – Ý quá nổi tiếng – hai doanh nghiệp này đã khởi kiện UBND thành phố Đà Nẵng ra tòa án. Thắng, thua chưa biết trước nhưng nó cho thấy nhiều vấn đề, cả tốt lẫn không tốt.

Xét ở góc độ nghiêm minh của luật pháp, khi “tòa án hoạt động hết công suất” là điều đáng mừng! Mừng là bởi, vì có nhiều vụ việc được giải quyết bằng pháp luật cho thấy chính sách đã đi vào cuộc sống, bớt “luật rừng”.
Nó còn hiện thực hóa cái gọi là “sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật”, đó cũng là con đường tốt nhất để hạn chế oan sai, trả công lý về đúng chỗ.
Nhưng mặt trái của nó còn là một chỉ dấu cho thấy sự rạn vỡ của mối quan hệ giữa doanh nghiệp và chính quyền. Sự đổ vỡ này cho thấy hai điều, cơ quan hành pháp chưa thực hiện luật pháp một cách đầy đủ vô tư nhất; doanh nghiệp cảm nhận “ngột ngạt” trong môi trường kinh doanh có vấn đề.
Dở lại hàng chục bộ Luật, hàng ngàn điều Luật, nhất là pháp luật về kinh doanh, không một chữ nào cho thấy “o ép doanh nghiệp, ngăn chặn lợi ích của họ” cũng không thấy văn bản nào bắt buộc doanh nghiệp phải “ở bầu, ở ống” với cơ quan hữu quan!
Song, thực tế diễn ra không ít sự việc như vậy. Phải chăng, do doanh nghiệp coi thường luật pháp hay cơ quan chức năng không làm đúng chức năng của mình?
Vipico từng đấu thầu và trúng lô đất “vàng” ở Đà Nẵng, họ – tuy nhiều lần nhưng đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính, kể cả chấp hành án phạt. Nhưng Đà Nẵng nhất quyết thu hồi kết quả trúng thầu, đẩy doanh nghiệp vào khó khăn.
Ở đây có mấy điều, việc lựa chọn trao “vàng” là do chính quyền, nhưng nếu doanh nghiệp gặp khó khăn vẫn có thể “đánh khẽ” miễn không phương hại trầm trọng đến ai. Bởi thế Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mới dùng cụm từ “Chính phủ kiến tạo”, đó là một thuật ngữ bao hàm cả “giúp đỡ, đồng hành, cảm thông, chia sẻ, tạo dựng…”
Chính quyền không phải thánh, đó là những tổ chức có tư cách pháp nhân, chịu trách nhiệm như nhau trước pháp luật, chứ không phải nắm luật, thi hành luật là nghiễm nhiên “nằm ngoài pháp luật”.
Trong trường hợp này, cơ quan tư pháp (tòa án, viện kiểm sát) đóng vai trò then chốt, họ nên “thổi còi” chứ đừng “đá bóng”…
Gần đây Đà Nẵng xảy ra nhiều vụ việc “mất mặt”, nhất là chuyện đất đai ven biển, không biết đó là cái ung lâu ngày giờ mới phát tác hay là hệ quả mới của do “những cái mới” gây ra?
Quả thật, như ông bà ta nói “tương kính như tân”. Doanh nghiệp và chính quyền cũng vậy, mới gặp nhau đon đả mời chào, ở với nhau ít lâu sinh cãi vả, từ mặt nhau. Là sao?
Trương Khắc Trà