Doanh nhân Lê Đăng Khoa cũng cho rằng bí quyết để anh “đứng” được trên thương trường, trước hết là không nghĩ mình đang khởi nghiệp.
Có kinh nghiệm khởi nghiệp từ rất sớm và hiện là shark đầu tư, quản lý khoảng hơn 20 dự án khác nhau, doanh nhân Lê Đăng Khoa cho rằng bí quyết để anh “đứng” được trên thương trường, trước hết là không nghĩ mình đang khởi nghiệp.
Lê Đăng Khoa sinh năm 1983, là một trong những doanh nhân trẻ rút ngắn rất nhanh khoảng cách từ start-up đến một doanh chủ trưởng thành và hơn thế, còn là một Shark Tan quyền lực với các quyết định đầu tư “nhìn đâu cũng thấy ra tiền”.
Thực tế, với thế mạnh của một người được học hành bài bản và quan sát công việc kinh doanh của gia đình, đặc biệt nhanh nhạy với nhu cầu thị trường dành cho giới trẻ hoặc tầng lớp trung lưu, Khoa đã sớm có định hướng “đánh” vào các mũi hoạt động kinh doanh, dịch vụ, cung cấp sản phẩm cho đối tượng này – theo những tiêu chí chung là: Làm chất lượng, phục vụ đông số lượng.
Với một loạt các dự án đầu tư liên tiếp, Khoa hiện tại là ông bầu đội bóng rổ Danang Dragons, CEO công ty TNHH phân bón Ba Lá Xanh, đồng sáng lập 38 degree Flower Market Tea house & 38 degree Flower, CEO Làng du lịch sinh thái Tre Việt…
Trong đó, thú vị và ấn tượng nhất có lẽ dự án đầu tư hoa với một chuỗi cửa hàng hoa mini được mở bằng “tốc độ ánh sáng” được mở tập trung ở các đô thị lớn, đặc biệt ở Tp HCM. Đến nay, chuỗi cửa hàng hoa mà Shark Khoa đầu tư đã lên tới hàng chục cửa hàng. Cùng với đó, Làng du lịch Sinh thái Bamboo là một trong những địa chỉ hầu như luôn nằm đầu danh sách các điểm chơi, nghỉ dưỡng, hội hè bạn bè gia đình…với cự li gần trung tâm vào các dịp lễ, cuối tuần của các gia đình, giới trẻ tại TPHCM.
Phải sớm bước qua tâm thế Start-up
– Trong một sự kiện Khởi nghiệp dành cho sinh viên đại học Khoa học Xã hội Nhân văn tại TP HCM, Khoa có chia sẻ rằng không bao giờ muốn xác định mình đang khởi nghiệp. Và chỉ có như vậy các start up mới tiến Tại sao Khoa có triết lý này?
Rất nhiều người hiểu lầm rằng Khoa mới chỉ là một thiếu gia đang khởi nghiệp, chứ không phải là một nhà đầu tư. Bản thân nhiều bạn trẻ start – up mà Khoa gặp, cũng luôn nghĩ mình đang khởi nghiệp, tức là nghĩ mình đang ở giai đoạn bắt đầu, có thể liều lĩnh, có thể phiêu lưu, có thể hỏng xóa đi làm lại… Hay cũng có thể chờ đợi sự nhân nhượng của đối thủ của cạnh tranh, của đàn anh doanh nghiệp đi trước, sự nương nhẹ của người tiêu dùng, sự hỗ trợ của chính sách.
– Thực sự tôi vẫn chưa hiểu lắm. Lẽ ra phải ý thức mình khởi nghiệp để phải cố gắng, nỗ lực, thận trọng…?
Bản thân Khoa từng học ngành tâm lý, đối với Khoa đây là vũ khí lợi hại của người làm kinh doanh. Xét trong lĩnh vực kinh doanh, nếu muốn thành công mà chỉ dựa vào đam mê thì chưa đủ. Đam mê sẽ cho mình động lực để làm việc nhưng điều cốt lõi là chúng ta cần đối tác chiến lược để hỗ trợ những kỹ năng kinh doanh cho mình. Trong kinh doanh cũng cần đến những cái đầu thực tế, phải tạo ra được“cái xã hội cần” chứ không phải làm “cái mình thích”. Xã hội bây giờ thay đổi rất nhanh nên người làm kinh doanh cũng cần bám theo nhu cầu của xã hội, tạo ra giá trị thông qua những sản phẩm, dịch vụ khác biệt. Như vậy doanh nghiệp mới phát triển bền vững. Mà một khi đã ý thức được tất cả những điều đó, có nghĩa là doanh nhân đã sẵn sàng với sự cọ xát, thậm chí trả giá, đã thực sự xác định “thương trường là chiến trường”, “bước qua” start-up.
– Vậy nếu nói về mình, những ưu điểm nào đã giúp bạn nhanh chóng bước qua giai đoạn khởi đầu?
Quyết liệt, kiên nhẫn và lắng nghe. Đây chính là 3 tính cách chính làm nên thành công của Khoa bây giờ. Trước kia, Khoa là người chỉ thích nói, không thích lắng nghe. Khi mình không đủ tự tin thì thường rất thích thể hiện cho người khác là mình giỏi nên cứ cố nói. Nhưng sau này Khoa tập lắng nghe nhiều hơn để có thể thấu hiểu người khác hơn, và từ đó có thể kết nối, làm việc với họ dễ dàng hơn.
Thương trường Không có chiến thắng cuối cùng
– Khoa có thể nói đôi chút về thành quả từ khởi nghiệp để đi đến một nhà đầu tư lớn?
Khoa luôn mặc định thương trường thì không có chiến thắng cuối cùng. Hôm nay chúng ta đạt được kết quả này thì phải đương đầu với thử thách khác. Với Khoa, ý nghĩa cuộc đời hay thành công của họ đến từ những giá trị mà mỗi người có thể mang lại cho xã hội chứ không đơn giản chỉ là những thứ mà chúng ta kiếm được.
Giá trị của tôi được thể hiện như một người trung gian, “một cầu nối” giữa những đối tượng có điều kiện, muốn giúp đỡ người khác, với những người không có điều kiện, đang cần sự giúp đỡ, để từ đó tạo ra những giá trị tích cực cho cả đôi bên và cho xã hội. Thành thật là để nói về thành quả của mình với Khoa quá khó!
– Vậy Khoa có thể nói về một ngày làm việc của mình?
Trước hết, Khoa muốn hỏi lại là với các bạn trẻ đang ấp ủ khởi nghiệp, các bạn có quan tâm đến thể dục thể thao không? Nói ra có thể các bạn không tin, Khoa đặc biệt đầu tư cho sức khỏe. Không có sức khỏe thì chúng ta không thể “chạy” đường dài được. Tập thể thao đều đặn và ngủ đủ giấc (ít nhất 7-8 tiếng/ ngày) là một trong những thói quen hàng ngày của Khoa. Mỗi ngày, Khoa thường dậy vào lúc 7h30 rồi đi ăn sáng, uống café. Khoa lên công ty lúc 9h và làm việc đến 1h, sau đó ăn trưa rất nhẹ hoặc có khi không ăn rồi đi tập gym đến 4h chiều. Từ 4h30 đến 9h tối thì tôi về lại công ty làm việc hoặc đi gặp khách hàng, đối tác, tham gia các cuộc giao lưu nói chuyện với các bạn trẻ.v.v…
– Có vẻ như công việc điều hành 20 dự án của Khoa khá… nhàn hạ?
Ông chủ tập đoàn Alibaba, Jack Ma có khuyên các bạn trẻ làm 12 tiếng một ngày… Khoa nghĩ, tùy theo mỗi độ tuổi thì người ta sẽ có cách làm việc khác nhau. Những năm 18-25 tuổi, Khoa cũng tập trung làm việc cật lực để xây dựng sự nghiệp và ngủ thì chỉ chừng 2-3 tiếng/ ngày. Nhưng ở độ tuổi như bây giờ, nếu Khoa thức thâu đêm sẽ rất dễ bị mất năng lượng và phải cần 3-4 ngày mới lấy lại được cân bằng. Thêm vào đó, khi đã có nền tảng sự nghiệp và không còn phải gồng hết sức mình và làm việc điên cuồng với bất cứ giá nào để được thấy công ty/ dự án đứng vững, Khoa cũng muốn dành chút thời gian để có sự cân bằng cho tâm trí. Đó cũng là cách “re-charge” bản thân mình tốt nhất, cho những cuộc chiến mới trong kinh doanh.
– 20 dự án, đến nay Khoa đã có những dự án nào qua giai đoạn đầu tư, chỉ thu lãi thuần?
Tất cả các dự án Khoa đầu tư đều đang vận hành và tăng trưởng rất tốt, vì như Khoa đã nói trong thương trình thì không có chuyện khởi nghiệp, các bạn phải xác định kinh doanh là phải có lợi nhuận. Tuy nhiên, lợi nhuận trong từng giai đoạn sẽ rất khác nhau. Trong số các dự án mà Khoa triển khai, có những dự án đang bắt đầu bước ra thế giới với những khách hàng tại các thị trường khó tính như công ty thiết kế đã có các bản vẽ cho khách hàng tại Mỹ, công ty công nghệ sũng sẽ có văn phòng chính thức tại quốc gia này…
– Khoa có kế hoạch hay đích nhắm đầu tư kế tiếp? Dàn trải với nhiều hạng mục, làm thế nào để Khoa chia sẻ và sát cánh được hết cùng các start- up sáng lập?
Chính mỗi bạn trẻ đứng đầu dự án phải là người hoạch định kế hoạch trước Khoa chỉ đóng vai trò là cố vấn, định hướng hoặc giải quyết các vấn đề mà các bạn gặp phải. Đó cũng là lý do để trong mỗi tuần, Khoa đều dành một ngày gọi là “đào tạo” cho tất các thành viên trong hệ sinh thái của mình. Khi ngồi cùng nhau, cùng đưa ra một vấn đề, các bạn sẽ cùng nhau chia sẻ các kỹ năng cần thiết cho các hoạt động từ vận hành, quản trị, giải quyết tình huống… trong một doanh nghiệp.
– Khoa nhìn nhận như thế nào về xu hướng khởi nghiệp tại Việt Nam hiện nay? Câu hỏi muôn thuở là tại sao dự án thì nhiều nhưng tỷ lệ thành công và trở thành doanh nghiệp thực sự đứng được sau vài năm thì khá thấp?
Hoạt động khởi nghiệp thì không cần phải bàn nhiều và cũng không cần nhiều số liệu thì chúng ta vẫn dễ dàng cảm nhận được tinh thần khởi sự kinh doanh của các bản trẻ. Riêng năm nay, Khoa cũng đã có mặt và chia sẻ tinh thần này với sinh viên của 15 trường Đại học, có những trường với các khối ngành chúng ta nghĩ chưa hoặc quen nhiều, không có nhiều lợi thế khởi nghiệp như Khoa học xã hội và nhân văn thì chính nơi đây phong trào và hoạt động khởi nghiệp diễ ra quá mạnh. Chỉ cần định hướng và chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn, các bạn ấy hòan toàn có thể dẫn lối đến thành công và đạt các kết quả như mong đợi. Như vậy, yếu tố tiên quyết vẫn là “định hướng đúng và cách làm đúng”. Muốn đúng thì cần trải nghiệm. Khoa vẫn nghĩ các bạn cần cọ xát thật nhiều trước khi vận hành một dự án cho riêng mình, điều này sẽ giúp các bạn vừa hiểu về quá trình thực tiễn vừa va chạm thực tế và khi đó khởi sự sẽ giảm bớt những điều không mong muốn…
– Xin cảm ơn!
Theo DĐDN