Có lẽ, nỗi phiền muộn của Leonardo đã còn lại mãi mãi, trong ánh mắt u hoài của Mona Lisa hay những trang sổ tay chất chứa bao nỗi niềm và một câu ghi chú: “Trong khi ta nghĩ rằng mình đang học cách sống, ta chỉ đang học cách chết đi!”
Lần đầu tiên ngắm Mona Lisa, bức hoạ được coi đẹp nhất thế giới, tôi đã không thấy đẹp. Tôi thích Thiếu nữ đeo hoa tai ngọc trai, bức hoạ về cô gái với ánh mắt mê đắm hơn.
Lần đầu tiên biết Leonardo da Vinci, người hoạ sĩ lừng danh, tôi đã không tò mò. Tôi tò mò về Van Gogh, danh hoạ với những bức hoạ ám ảnh và cuộc đời bi kịch hơn.
Cho đến một ngày, tôi mới nhận ra không phải tự nhiên lịch sử ghi nhận Leonardo da Vinci. Đó là một buổi chiều, sau nhiều ngày tìm hiểu về Leonardo, trên nhiều lĩnh vực, tôi đã lặng lẽ mỉm cười như thể tìm ra một kho báu vừa tuyệt mỹ vừa quý giá trong đời…
Khi người thầy buông cọ vẽ
Câu chuyện đặc biệt của Leonardo có lẽ được bắt đầu ngay từ cách ông được sinh ra.
Là kết quả của mối quan hệ ngoài giá thú giữa vị chưởng khế tiếng tăm Ser Piero và cô thôn nữ vô danh Caterina Lippi trong một lần Ser Piero về thăm Vinci. Ngay từ trong bụng mẹ, Leonardo đã mang số phận của một kẻ ngoài cuộc.
Là thành viên của một gia đình trung lưu, nhưng Leonardo lại tách biệt khỏi nó; Có cả hai gia đình riêng của cha và mẹ, nhưng chàng trai trẻ lại gắn bó nhiều nhất với ông nội Antonio, vợ ông cùng người chú Francesco; Là con của một vị chưởng khế tiếng tăm, nhưng điều luật xã hội vào thời điểm đó lại không cho phép một đứa con ngoài giá thú nối nghiệp cha; Leonardo đồng thời cũng không được học hành nghiêm chỉnh mà chủ yếu tự học và mày mò nghiên cứu; Trong cả vấn đề thừa kế, Leonardo cũng không có đặc quyền. Tên gọi nổi tiếng của ông “Leonardo da Vinci” trong tiếng Ý thực ra có nghĩa là Leonardo, đến từ Vinci (nơi sinh của ông) chứ không phải là họ Ser Piero của cha ông.
Nhưng điều gì đã khiến một đứa trẻ với những khởi đầu bất lợi trở thành hoạ sĩ, nhà điêu khắc, kiến trúc sư, nhạc sĩ, bác sĩ, kỹ sư, nhà giải phẫu, nhà sáng tạo và nhà triết học mà trong hầu hết lĩnh vực, Leonardo đều để lại thành tựu vĩ đại, thậm chí có những ý tưởng của ông còn đi trước thời đại hàng trăm năm?
Đầu tiên có thể kể ra chính vì địa vị của một đứa con ngoài giá thú tưởng là bất lợi nhưng lại là một điều may mắn với Leonardo. Ông có thể cùng lúc tận hưởng những năng lực bẩm sinh kế thừa từ gia đình, đồng thời tự do theo đuổi niềm đam mê sáng tạo. Nếu là một chưởng khế, có thể Leonardo sẽ là một chưởng khế tồi vì với bản năng của một nghệ sĩ, ông sẽ dễ cảm thấy nhàm chán và mất tập trung. Hơn nữa, việc không được theo học nghiêm chỉnh qua trường lớp giúp Leonardo tự mày mò thử nghiệm và không bị đóng khung trong những lý thuyết và công thức đã cố định qua nhiều thế kỷ.
Những nền tảng này đã giúp một đứa trẻ như Leonardo phát huy ham muốn học hỏi, trí tò mò mãnh liệt và khả năng quan sát sắc bén của mình trước những điều kỳ thú trong cuộc sống. Leonardo say sưa nghiên cứu các hình khối và bóng hình, đặc biệt các chuyển động, từ cái đập cánh đến những cảm xúc thoáng qua trên gương mặt… Là một thiếu niên với trí tò mò không gì ngăn nổi cộng trái tim sẵn sàng kinh ngạc trước tất cả mọi điều kỳ thú trên đời, Leonardo thậm chí sẵn sàng vượt qua sợ hãi để tìm hiểu những điều kỳ diệu, như khi Leonardo dù mới chỉ là một cậu bé nhưng vẫn sẵn sàng tiến vào hang tối mà không hề biết trong hang đang ẩn chứa những gì.
Một minh chứng khác thể hiện về bản năng tò mò vô song của Leonardo mà như học giả Kenneth Clark từng gọi “người đàn ông tò mò nhất trong lịch sử” chính là 7.200 trang sổ tay của ông, dù chỉ là một phần sót lại của những ghi chép của ông. Rõ ràng, với một người mà công việc “mô tả cái lưỡi của một con chim gõ kiến” được coi là một trong danh sách những việc cần làm, chắc chắn người đó sẽ có cả trí tò mò lẫn sự sắc sảo nhạy bén thiên phú.
Và với hành trình đi mãi không ngừng nghỉ, không thôi hết kinh ngạc cuộc sống ấy, Leonardo đã “tìm ra lời giải” cho những tìm kiếm của mình!
Một yếu tố không thể không nhắc đến đóng góp vào sự phát triển của Leonardo chính là không gian và thời gian nước Ý giai đoạn thế kỷ XV. Đây có thể coi là thời điểm và môi trường tuyệt vời để những tài năng như Leonardo được phát huy. Đó là những năm tháng nước Ý không có chiến tranh, người dân có điều kiện nâng cao trình độ học thức, khả năng tài chính và chất lượng cuộc sống. Thời điểm đó, người Thổ Ottoman sắp chiếm được Constaninople khiến các học giả ồ ạt nhập cư vào Ý, đem theo kho tàng trí thức từ các bản thảo cổ đại của Euclid, Plato và Aristotle. Sinh cùng năm với Leonardo có Christopher Columbus và Amergio Vespucci, hơn hai thập kỷ sau sẽ còn một nhân vật kiệt xuất nữa là Michelangelo. Tất cả những thành tựu này đủ cho thấy giai đoạn và không gian lịch sử này đã trở thành cái nôi của nghệ thuật và chủ nghĩa nhân văn Phục hưng như thế nào.
Một chi tiết góp phần quan trọng không nhỏ trong việc tạo tiền đề cho hoạ sĩ thiên tài sau này chính là sự quan tâm của Ser Piero. Nhận thấy con trai “vẽ và nặn tượng luôn tay, theo đuổi trí tưởng tượng một cách say sưa hơn nhiều so với bất kỳ đứa trẻ nào khác”, Piero đã mang một số bức vẽ của Leonardo tới cho Verrocchio, hoạ sĩ đại tài kiêm kỹ sư lúc ấy – đồng thời là khách hàng, bạn tốt của ông và hỏi liệu Verrocchio có cho rằng học vẽ sẽ tốt cho Leonardo hay không. Khi ấy, Verrocchio đã vô cùng “kinh ngạc” trước tài năng của cậu bé 14 tuổi và đã chấp nhận cho Leonardo tới học việc tại xưởng của ông – một trong những xưởng nghệ thuật xuất sắc nhất thành Florence thời bấy giờ.
Chỉ sau một thời gian rất ngắn theo học, Leonardo không chỉ bắt kịp mà thậm chí đã vượt xa người thầy của mình. Những năm 1470 chính là thời kỳ đỉnh cao trong hợp tác giữa Leonardo và Verrocchio với việc hoàn thiện bức hoạ Lễ rửa tội Chúa, ghi lại cảnh Thánh John Tẩy giả dội nước lên người Chúa Jesus bên dòng sông Jordan trong khi hai thiên thần đang quỳ gối chứng kiến.
Những phân tích sau này đã chỉ ra tài năng vượt trội của Leonardo dù chỉ mới bắt đầu học vẽ một thời gian ngắn: Nếu thiên thần quỳ phía bên trong của Verrocchio có vẻ đờ đẫn, gương mặt buồn tẻ và biểu cảm duy nhất dường như là cảm giác ngạc nhiên khi tình cờ nhận ra một thiên thần khác thì thiên thần quỳ phía ngoài của Leonardo lại vô cùng sinh động với những lọn tóc quăn nhẹ nhàng hoà vào nhau và hoà vào gương mặt một cách ấn tượng.
Kenneth Clark viết: “Dường như cậu đang kinh ngạc nhìn người bạn đồng hành như thể đó là người khách lạ đến từ một thế giới khác, và thực tế thì đúng là thiên thần của Leonardo thuộc về một thế giới tưởng tượng mà Verrocchio chưa bao giờ xâm nhập được”. Nỗi kinh ngạc của Verrocchio lớn tới mức khi ngắm nhìn bức vẽ của mình và người học trò, ông đã quyết định “sẽ không bao giờ động tới bút vẽ nữa”.
Hành động của người thầy – ở thời điểm Leonardo mới 18 tuổi, có phải chính là dự cảm về một thiên tài xuất chúng về sau?
Mona Lisa
Leonardo có nhiều tác phẩm để đời, nhưng để nhắc về một bức họa duy nhất, không thể không nhắc đến Mona Lisa.
Có nhiều điểm ở Mona Lisa khiến nó trở thành một trong những bức họa độc nhất vô nhị. Điều đầu tiên chính là câu chuyện về quá trình sáng tác của tác phẩm. Leonardo bắt đầu đặt bút vẽ Mona Lisa vào năm 1503, khi quay trở về Florence. Nhưng đến khi quay lại Milan vào năm 1506, ông vẫn chưa hoàn thành xong tác phẩm. Trên thực tế, ông đã mang nó theo mình và tiếp tục vẽ trong suốt quãng thời gian ở Milan lần thứ hai và sau đó là ba năm tại Rome. Ông còn mang nó sang Pháp trong hành trình cuối cùng của cuộc đời, thêm những nét bút tinh tế cùng nhiều lớp ánh sáng trong suốt trong gần một năm cuối đời, năm 1517. Và cuối cùng nó đã ở lại đó, trong xưởng vẽ của Leonardo khi ông trút hơi thở cuối cùng.
Bức vẽ ban đầu là chân dung người vợ trẻ của một thương nhân, nhưng sau này với tài năng của Leonardo đã trở thành cuộc hành trình tìm kiếm sự lột tả những phức tạp trong cảm xúc của con người, khiến nó luôn ám ảnh vì nụ cười bí ẩn thoáng qua. Nhiều người nhận xét Mona Lisa còn biểu trưng cho cuộc tìm kiếm dấu gạch nối giữa bản chất con người và vũ trụ: Hình ảnh người đàn bà ngồi bên khung cửa và hình ảnh của tự nhiên như đã hòa quyện vào nhau thành một.
“Hiệu ứng Mona Lisa” – hiệu ứng khi người xem có cảm giác đôi mắt của nhân vật như đang dõi theo người xem cũng là một điểm đặc biệt khác của bức họa. Có nhiều bức chân dung, gồm cả bức Người đẹp đội ferronniere trước đây của Leonardo mà đôi mắt của nhân vật dường như cũng chuyển động khi người xem di chuyển: Khi đứng trước mặt, nhân vật trong tranh sẽ nhìn thẳng vào bạn; Khi di chuyển từ bên nọ sang bên kia, ánh mắt vẫn dường như hướng về phía bạn.
Hiện tượng khoa học được nhiều chuyên gia giải thích có thể kể đến việc trong thế giới thực và không gian ba chiều, bóng và ánh sáng trên gương mặt thay đổi khi điểm nhìn của chúng ta thay đổi, nhưng với bức chân dung trên mặt phẳng hai chiều thì không phải như vậy. Kết quả là, chúng ta luôn thu vào tâm trí hình ảnh đôi mắt nhìn thẳng ra ngoài như thể nó đang nhìn về chúng ta, ngay cả khi ta không đứng đối diện với bức tranh. Kỹ thuật sử dụng bóng và ánh sáng điêu luyện đã giúp Leonardo làm cho hiện tượng này nổi bật trong bức Mona Lisa.
Yếu tố bí ẩn và lôi cuốn nhất, hao tổn nhiều bút mực nhất của lịch sử về Mona Lisa tất nhiên chính là nụ cười của nàng: Nụ cười của Lisa bí ẩn lạ lùng. Ngắm nhìn hồi lâu ta sẽ thấy nó loé lên. Di chuyển mắt, nụ cười nàng dường như biến đổi. Bí ẩn lại càng nhân lên. Khi ta quay đi, nụ cười ấy in vào tâm trí như ám ảnh. Người ta nói cho đến ngày nay chưa ai có thể sao chép được nụ cười trong bức tranh này. Cái tài tình của Leonardo là đã vẽ nên cái biểu hiệu bên ngoài của cảm xúc bên trong. Nhưng với Mona Lisa ông còn thể hiện một điều quan trọng hơn: rằng chúng ta không bao giờ có thể biết được đầy đủ cảm xúc thực sự từ những biểu hiện bên ngoài. Cảm xúc của người khác là thứ luôn hư ảo mờ nhoà, luôn luôn là một bức màn bí ẩn.
Vasari viết, “Trong tác phẩm này của Leonardo, có một nụ cười quá hấp dẫn như thể của thánh thần chứ không phải của con người”. Thậm chí ông còn kể câu chuyện về cách Leonardo giữ cho nàng Lisa thật mỉm cười trong suốt quá trình làm mẫu cho ông: “Trong khi vẽ chân dung nàng, ông thuê người diễn kịch và ca hát cho nàng nghe, những anh hề để mua vui cho nàng, xua tan đi nỗi sầu muộn mà hết hoạ sĩ này đến hoạ sĩ khác đã nối tiếp nhau đưa vào tranh chân dung của họ”.
Đứng trước Mona Lisa, những cuộc tranh luận lịch sử về nguồn cội đơn đặt hàng này sẽ chìm vào quên lãng. Bởi Leonardo đã vẽ nó trong suốt gần mười sáu năm cuối đời, nó đã không chỉ là một bức chân dung của một cá nhân nào đó. Nó đã trở thành sản phẩm của đại chúng, thành kết tinh của hiểu biết sâu sắc được tích tụ quan thời gian về những biểu hiện bên ngoài của sự sống bên trong và về mối liên kết giữa loài người chúng ta và vũ trụ. Giống như Người Vitruvius đứng trong hình vuông của đất và hình tròn của trời, hình ảnh Lisa ngồi ở ban công nhà nàng, trên nền liên đại địa chất cổ xưa, chính là tri nhận sâu sắc nhất của Leonardo về ý nghĩa khi được làm một con người.
Mona Lisa đã trở thành bức hoạ nổi tiếng nhất thế giới không phải do tình cờ hay những lời tán dương truyền miệng mà bởi ở đó người xem có thể kết nối cảm xúc với nàng. Kỳ diệu nhất là, dường như nàng cũng cảm nhận thấy- một cách có ý thức – sự hiện diện của cả chúng ta lẫn bản thân nàng. Đó là điều khiến nàng luôn sống động, sống động nhất trong bất cứ bức chân dung nào từng được vẽ ra. Như Vasari nói, “nó được vẽ theo cách khiến những người nghệ sĩ can đảm nhất cũng phải run rẩy mềm lòng”. Còn Kenneth Clark thì nhận xét: “Trí tò mò không biên giới, những tìm tòi không ngơi nghỉ từ đối tượng này sang đối tượng khác cùng hoà quyện trong một tác phẩm duy nhất. Khoa học, kỹ thuật, hội hoạ, nỗi ám ảnh về thiên nhiên, hiểu biết sâu sắc về tâm lý học, tất cả đều tuôn trào trên đó, cân bằng một cách hoàn hảo tới mức ban đầu ta khó lòng nhận ra”.
Nhưng nếu thế giới chỉ biết Leonardo bởi tài năng hội họa, liệu có đúng? Tôi nghĩ là có, ông là một trong những họa sĩ tài năng nhất lịch sử. Nhưng sẽ là chưa đủ nếu ta chưa biết rằng, bên cạnh là một họa sĩ xuất chúng, Leonardo là một thiên tài toàn năng trong hàng loạt lĩnh vực như điêu khắc, giải phẫu, quang học, quân sự… Những ý tưởng của ông về máy bay trực thăng, xe tăng, dù nhảy, sự sử dụng hội tụ năng lượng mặt trời, máy tính, sơ thảo lý thuyết kiến tạo địa hình, tàu đáy kép… là những ý tưởng vượt trước thời đại của mình, có những ý tưởng vượt tới hàng trăm năm. Leonardo cũng có đóng góp rất lớn vào kiến thức và sự hiểu biết trong giải phẫu học, thiên văn học, xây dựng dân dụng, quang học và nghiên cứu thủy lực. Nhiều nghiên cứu của ông trong các lĩnh vực khác nhau đồng thời góp phần tạo nên những hiệu ứng đặc biệt trong các tác phẩm mang dấu ấn riêng mà chỉ Leonardo sở hữu.
Như vẫn luôn là vậy với Leonardo, trong nghệ thuật và trong cuộc đời ông, cả lúc ông sinh ra lẫn khi qua đời, vẫn luôn có một tấm màn bí ẩn. Có gì đó thật đẹp khi ta dành lại một chút cho trí tưởng tượng của riêng mình. Leonardo biết rằng những viền nét của thực tế chắc chắn mờ nhoà, nó luôn để lại một chút gì đó không chắc chắn mà chúng ta nên nắm bắt lấy. Cách tốt nhất để ta tiếp cận cuộc đời ông chính là dùng cách mà ông đã tiếp cận thế giới: đầy tò mò và ngưỡng vọng những điều kỳ diệu vô biên.
Và Leonardo, sao phiền muộn thế?
Là một thiên tài đứng trên đỉnh cao, được trọng vọng, vây quanh mình là người tình, người hâm mộ, gia nhân… nhưng không hiểu sao tôi lại thoáng cảm thấy, Leonardo rất bơ vơ.
Có lẽ, cảm giác cô đơn và bơ vơ đã hằn sâu trong trái tim ông, từ ngay những năm tháng ấu thơ, khi Leonardo đã không có một nơi chốn thực sự để thuộc về, không có được tình yêu thương đủ đầy từ gia đình; hay những năm tháng trưởng thành, khi hành trình tìm kiếm câu trả lời về bản thân mình, về thế giới luôn khiến ông trăn trở.
Về bản thân, xu hướng tình dục đồng tính luyến ái của Leonardo từng là chủ đề khiến ông bị châm biếm thậm chí bị buộc tội, trong bối cảnh thế kỷ XV còn nhiều định kiến. Xu hướng này thể hiện trong mối quan hệ thân mật của ông với những học trò như Salai và Melzi hay thực tế Leonardo không có quan hệ gần gũi với phụ nữ, ngoại trừ tình bạn của ông với hai chị em nhà Este, Beatrice và Isabella. Nhưng ngay cả những người thân cận nhất, yêu thương ông nhất như Salai và Melzi, liệu có ai có thể hiểu, thông cảm và chia sẻ được với ông? Hoặc làm sao một ai có thể làm được điều ấy khi tư tưởng của Leonardo đã vượt xa thời đại mình hàng trăm năm? Bởi chính Leonardo từng viết trong sổ tay: “Ta chẳng có lấy một người bạn”.
Leonardo cũng từng để lại lời bình luận cay đắng trên một trang sổ tay: “Khi ta vẽ con trẻ Jesus thì các ngươi bỏ tù ta, còn giờ nếu ta thể hiện Chúa khi đã trưởng thành thì các ngươi sẽ còn làm điều tồi tệ gì với ta nữa đây?”. Bất giác, sao ta thấy một Leonardo cô đơn với cảm giác như bị bỏ rơi giữa thế giới mà ông yêu thiết tha… Khi nghĩ về cảnh Leonardo với đam mê thả tự do cho những chú chim, một lần nữa tôi tự hỏi có phải ông nhìn thấy trong cuộc đời của những sinh vật biết bay tội nghiệp kia, cuộc đời của chính mình, khao khát tự do, nhưng luôn bị kìm lại bởi những rào cản cả hữu và vô hình.
Trong nhiều giai đoạn của cuộc đời, Leonardo đảm nhận công việc nghệ sĩ giải trí của triều đình. Nhưng cũng chính trong những giai đoạn này, ta có thể thoáng thấy nỗi giày vò tâm can của một người nghệ sĩ thực thụ, nhưng phải trú mình trong vỏ bọc của một kẻ mua vui cho thiên hạ. Cả cuộc đời của Leonardo, tôi nghĩ ông đã đau đáu mãi với câu hỏi từ thiếu thời: “Nói ta nghe, nói ta nghe ngươi đã làm được những gì?”.
Đến tuổi 67, Leonardo qua đời yên bình trong lâu đài Clos Luce- lâu đài mà 2 năm cuối đời, ông đã chuyển đến theo lời mời của Vua Francois I của Pháp. Nhưng có lẽ, nỗi phiền muộn của ông đã còn lại mãi mãi, trong ánh mắt u hoài của Mona Lisa hay những trang sổ tay chất chứa bao nỗi niềm. Trong tất cả những ghi chú ấy, có một câu của Leonardo mà ta có thể sẽ đau lòng khi đọc đến:
“Trong khi ta nghĩ rằng mình đang học cách sống, ta chỉ đang học cách chết đi!”
Nhưng có một điều Leonardo đã không hề hay biết. Ở điểm kết thúc cuộc sống của ông, hàng trăm năm nay có một thứ đã bắt đầu: Hành trình không ngừng nghỉ những người kinh ngạc và yêu mến trước di sản Leonardo để lại, thứ mà tôi (có thể chỉ là một cá nhân nhỏ bé trong hàng triệu trái tim hướng về ông) đã thấy: một kho báu vừa tuyệt mỹ, vừa quý giá trong đời.
Theo Đàm Linh – Trí thức trẻ