Như một sự tiếp nối những nỗ lực ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc, Chính phủ vừa tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc phổ biến chỉ thị của Thủ tướng về vấn đề này
Nạn ‘tham nhũng vặt’ rải rác khắp nơi
Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng Trương Hoà Bình cho biết, thời gian qua, việc phòng chống tham nhũng có bước tiến rõ rệt, nhiều vụ án lớn bị phát hiện và xử lý. Nhưng tình trạng ‘tham nhũng vặt’ vẫn còn nhức nhối, gây bức xúc và làm xói mòn niềm tin của người dân.
“Có người nói đa số cán bộ làm việc tốt, có trách nhiệm, chỉ một bộ phận hư hỏng gây ra tình trạng nhũng nhiễu. Nhưng tôi thấy bộ phận này lại không nhỏ, rải rác khắp nơi, ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề, địa phương”, Phó thủ tướng nêu.
Phó Thủ tướng cũng đặt vấn đề về việc bôi trơn rồi nhưng vẫn không được xử lý. Tức, người dân và doanh nghiệp phải đưa phong bì lót tay trước thì mới được giải quyết công việc nhưng có người đưa rồi, xin rồi, nhận rồi lại vẫn không làm, liệu có phải là “do bôi trơn chưa đủ hoặc cán bộ biết vi phạm pháp luật nhưng vẫn nhận tiền lót tay mà không giải quyết”.
Theo đó, Phó thủ tướng đã gửi lời kêu gọi toàn xã hội cùng phát động phong trào lên án hành vi đưa hối lộ và nhận hối lộ bởi theo ông, “có dân thì tham nhũng lớn cũng diệt được, thiếu dân thì tham nhũng vặt cũng dẹp không xong”.
“Các trường hợp vi phạm đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ xử lý hình sự chứ không xử lý hành chính”, ông nhấn mạnh.
Phó thủ tướng đề nghị đến năm 2030 phải giảm lượng công chức có hành vi nhũng nhiễu xuống 10% (hiện là 30%). Đồng thời giảm cho được tỉ lệ công chức có hành vi tham nhũng trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân xuống 5% (hiện là 20%).
Tại hội nghị, bà Nguyễn Thanh Hải – trưởng Ban dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng góp ý rằng nếu muốn đạt được mục tiêu mà phó thủ tướng đề ra thì phải chống tham nhũng ngay trong đội ngũ phòng chống tham nhũng và dẫn chứng về việc thanh tra Bộ Xây dựng bị bắt vì nghi nhận hối lộ tại Vĩnh Phúc khiến người dân hoang mang.
Ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) dẫn số liệu khảo sát cho hay, cứ 10 doanh nghiệp thì có hơn 5 doanh nghiệp phải trả chi phí không chính thức, 6 doanh nghiệp bị nhũng nhiễu.
“Một trong những nguyên nhân khiến ‘tham nhũng vặt’ phổ biến là nhiều quy định pháp luật còn chung chung, dẫn đến cách hiểu khác nhau gây ra kẽ hở cho cán bộ nhũng nhiễu” – Ông Lộc cho biết.
Cán bộ, đảng viên – Nguyên nhân của mọi nguyên nhân đã bị bỏ quên
Không ai có thể phủ nhận những thành quả chống tham nhũng do Đảng phát động trong thời gian qua. Nhưng nếu nhìn thật kỹ, tất cả vẫn chỉ là phần ngọn. Phần gốc của vấn đề: Cán bộ – Nguyên nhân của mọi nguyên nhân dường như đã bị bỏ quên.
Chắc hẳn không ít người, khi đọc tới đây sẽ phản ứng, thậm chí phản ứng gay gắt. Cán bộ, với gần như tất cả là đảng viên, từ thủa “chập chững bước chân vào Đảng” đã phải làu thông “kinh sử” Đảng, phải được học tập, rèn luyện, thử thách; phải “sạch không tỳ vết” mới được trở thành Đối tượng Đảng, rồi đảng viên dự bị, đảng viên chính thức. Khi đã trở thành người của Đảng, bắt đầu là một quá trình định kỳ sinh hoạt Đảng, rồi học nghị quyết của Đảng, rồi các chương trình sinh hoạt “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”…. Có thể nói, đó là một quá trình thường xuyên, liên tục đảng viên được Đảng dạy dỗ để làm một người cán bộ, một đảng viên tử tế. Bởi vậy, nhận xét “bị bỏ quên” là hoàn toàn không đúng. Nếu biết thêm rằng, ngay trong cương lĩnh của mình mà mọi đảng viên đều phải thuộc nằm lòng, Đảng đã ghi rõ: “Đảng không có lợi ích nào khác ngoài việc phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”, thì nhận xét kể trên rõ ràng là hoàn toàn sai trái.
Vâng, thoạt nghe, không ai có thể cãi. Nhưng, xin hãy nhìn vào những ngôi trường, những lớp học, không chỉ của riêng chúng ta mà của toàn nhân loại. Cùng được dạy dỗ như nhau nhưng tại sao có người thành nhân nhưng lại có kẻ thành kẻ cướp?. Kẻ thành nhân dĩ nhiên được trọng dụng và người thành kẻ cướp phải được nhà tù chiếu cố. Đây chính là điều mà chúng tôi muốn nói.
Có một câu chuyện xẩy ra chưa lâu, khoảng 10 năm trước, liên quan tới một vị nguyên là Bí thư tỉnh ủy Đồng Tháp. Chuyện rằng, thời vị này làm bí thư, bởi liên quan tới việc chính quyền lấy đất bãi bồi của dân chia cho cán bộ, trong đó có cả nhà mình, ông bị kỷ luật cảnh cáo. Cảnh cáo vậy thôi, một thời gian khá lâu sau, ông vẫn là Bí thư tỉnh ủy, vẫn đăng đàn dạy người khác làm cán bộ. Và oái oăm thay, ông vẫn đều đều ký giấy chứng nhận cho đảng viên thuộc Đảng bộ mình là đã hoàn thành xuất sắc chương trình sinh hoạt “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Ít lâu sau, người ta thấy ông được điều động về làm Phó trưởng ban Ban chỉ đạo Tây Nam bộ. Một nhân cách như thế, làm người còn chưa đủ, hỏi làm sao chỉ đạo? Và hơn hết, với những điều như thế, hỏi sao cán bộ không nhìn vào để tiếp tục nhũng nhiễu dân.
Câu chuyện vừa kể không phải là cá biệt nếu như không muốn nói là phổ biến trong nhiều năm qua. Phó giám đốc Sở này bị kỷ luật chuyển sang Sở khác, Phó bí thư thành ủy làm bậy bị cảnh cáo được chuyển về làm Phó ban nghiên cứu lịch sử Đảng bộ, cán bộ hải quan vòi tiền doanh nghiệp được…rút kinh nghiệm sâu sắc….. Và tất nhiên họ vẫn là đảng viên, vẫn là cán bộ, vẫn làm lãnh đạo. Bao nhiêu năm được học tập, rèn luyện dưới ngọn cờ của Đảng, từ một người “sạch không tỳ vết” để được kết nạp vào Đảng, họ đã trở thành…như vậy. Tất cả trở thành một nỗi buồn đến…ngao ngán trong mắt người dân
Vẫn biết, Đảng có kỷ luật của Đảng và không thể cứ bị kỷ luật thì khai trừ khỏi Đảng. Không sai, nhưng vẫn hoàn toàn chưa ổn. Nếu Đảng chỉ là một Đảng bình thường như nhiều đảng khác trên thế giới, nếu để được làm cán bộ, đảng viên không phải là điều kiện tiên quyết thì…thôi, việc ai người ấy lo. Nhưng với thực tế như hiện tại, việc của Đảng không còn của riêng Đảng nữa. Đúng như Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình vừa nói: “có dân thì tham nhũng lớn cũng diệt được, thiếu dân thì tham nhũng vặt cũng dẹp không xong”.
Có dân, đúng vậy, phải có dân trong mọi việc. Và việc lớn nhất người dân mong mỏi là, nếu không được tử tế hơn thì mọi đảng viên vẫn phải giữ được “sạch không tỳ vết” như khi họ mới “chập chững bước chân vào Đảng”. Còn như hiện tại, “một bộ phận không nhỏ” Đảng viên có thâm niên không “tử tế” hơn Đảng viên dự bị, mọi lời kêu gọi chống nhũng nhiễu đều vô nghĩa.
Phan Đăng