Christopher Boyce bán những tài liệu tuyệt mật của Mỹ cho Liên Xô bởi phản đối cuộc chiến phi nghĩa tại Việt Nam. Sau khi bị bắt giữ và vượt ngục, Boyce lại tiếp tục nổi tiếng khắp nước Mỹ với vai trò là thủ phạm của hơn chục vụ cướp ngân hàng khác nhau…
Christopher Boyce sinh ngày 16-2-1953 tại ngoại ô Los Angeles (California) trong gia đình một nhân viên Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI), thật ngẫu nhiên cũng là một cơ quan đảm trách nhiệm vụ phản gián hàng đầu của Washington.
Sau khi rời khỏi FBI, cha của Boyce chuyển sang phụ trách bộ phận an ninh tại tập đoàn hàng không vũ trụ McDonnell Douglas, chuyên về sản xuất các máy bay quân sự nổi tiếng như chiếc F-4 vào thời kỳ đó.
Sau khi tốt nghiệp phổ thông, Boyce từng gia nhập tới ba trường đại học rồi lại bỏ dở giữa chừng.
Người cha hết sức lo ngại đã phải gọi điện cho bạn cũ đang làm tại Công ty hàng không vũ trụ TRW Defense and Space Systems Group, một công ty tư nhân chuyên đảm nhiệm việc điều hành các vệ tinh gián điệp của Mỹ. Thế là ngay từ khi mới 21 tuổi, Boyce đã được TRW nhận làm thư ký.
Nhờ có sự nâng đỡ của cha cũng như khả năng nhanh nhạy của bản thân, Boyce đã thăng tiến khá nhanh trong công việc. Chỉ vài tháng sau khi vào TRW, Boyce đã trở thành một trong những quan chức điều hành tại “Black Vault”, một bộ phận đặc biệt lưu trữ những thông điệp mã hóa tuyệt mật của tình báo Mỹ cùng với các chìa khóa giải mã chúng.
Có cảm tưởng như vào thời điểm đó, Boyce dù còn rất trẻ nhưng đã có trong tay được mọi thứ: một công việc tại cơ quan uy tín, lương cao, đẹp trai, có tài năng và tương lai còn rất rộng mở… Nhưng số phận đã định hướng cuộc đời của Boyce theo một con đường hoàn toàn khác.
Chuyển biến tư tưởng
Thật ra ngay từ vài năm trước, nhận thức và tư tưởng của Boyce đã có những biến đổi lớn. Anh ta bắt đầu có thái độ bất mãn trước những chính sách của chính phủ Mỹ.
Những tin tức về cuộc chiến đang sa lầy tại Việt Nam được phát trên tivi hàng ngày cùng với vụ bê bối Watergate đã khiến cho Boyce nảy sinh mối nghi ngờ về cái gọi là “tự do và dân chủ kiểu Mỹ” và cảm thấy như mình đang bị mất phương hướng. Đó cũng chính là tâm lý chung của đa số thanh niên Mỹ trong phong trào phản chiến vào thời kỳ những năm 1960-1970.
Cũng như nhiều người dân Mỹ khác, Boyce rất phẫn nộ trước sự can thiệp quân sự của Mỹ tại Việt Nam. Theo anh ta, chính phủ nước này đã tiến hành một cuộc chiến tuyệt vọng và vô nghĩa dẫn đến cái chết của hàng chục ngàn binh lính Mỹ chỉ để chống đỡ cho cái chính quyền tham nhũng mục nát tại miền Nam Việt Nam.
Việc tiếp cận được với các tài liệu mật sau này còn giúp Boyce hiểu rõ hơn và cảm thấy ghê tởm trước vai trò của Mỹ trong cuộc đảo chính đẫm máu đối với chính quyền tổng thống Salvador Allende, một lãnh tụ được bầu một cách hoàn toàn dân chủ tại Chile.
Boyce còn nắm bắt rất rõ về các dự án thu thập thông tin tình báo bí mật có tên Rylite và Argus, trong đó tập trung vào việc giám sát và chụp ảnh các căn cứ quân sự và bệ phóng tên lửa của Liên Xô và Trung Quốc.
Theo đó, Mỹ đã ký một thỏa thuận với Australia để chia sẻ các thông tin mật về hoạt động của Liên Xô và Trung Quốc trong phạm vi xung quanh Australia. Boyce có được bằng chứng rõ ràng cho thấy, Washington đã không chia sẻ thông tin trong khuôn khổ các dự án trên với Austarlia.
Lý do để Mỹ giữ lại những thông tin này, theo Boyce được biết, chính là do một chính phủ thân chủ nghĩa xã hội đang nắm quyền tại Australia và Mỹ không muốn làm bất cứ gì để hỗ trợ cho chính quyền này.
Người đứng đầu chính phủ Australia khi đó là Gough Whitlam cũng không phải là nhân vật hợp gu với cộng đồng tình báo Mỹ. CIA còn lên kế hoạch cụ thể nhằm loại bỏ Thủ tướng Whitlam, sau khi ông này dự định cho đóng cửa các căn cứ quân sự của Mỹ tại Australia.
Kế hoạch này đã được tiến hành với sự giúp đỡ của viên tướng John Kerr, kẻ được đánh giá trong tài liệu mật là “người bạn lớn của nước Mỹ”. CIA khi đó đang tìm mọi cách xâm nhập vào các liên đoàn lao động đầy quyền lực của Australia. Hoạt động này vẫn được tiếp tục ngay cả sau khi Whitlam bị đổ và chính phủ bảo thủ của Malcolm Fraser lên nắm quyền.
Đây cũng là một lý do khiến Boyce cảm thấy bất bình trước chính sách hai mặt của chính quyền Mỹ đối với đồng minh. Dần dần trong nhận thức của Boyce, nguy cơ lớn nhất đối với hòa bình thế giới không phải là chủ nghĩa cộng sản như Washington vẫn tuyên truyền, mà trên thực tế lại chính là đất nước ruột thịt của anh ta.
Quyết định hành động
Cho dù rất bất bình với những chính sách của Mỹ, Boyce không hề gia nhập bất kỳ một nhóm hoạt động chống đối nào.
Anh ta chọn một cách phản đối thầm lặng đồng thời lại có thêm thu nhập về tài chính: tìm cách hợp tác với đối thủ chính của Mỹ là Liên Xô để bán thông tin mật cho nước này. Để thực hiện được ý định của mình, Boyce quyết định nhờ đến người bạn thân từ nhỏ Daulton Lee.
Cũng cần nói thêm, cho dù là một đôi bạn thân, nhưng nhiều sở thích và khả năng của Boyce và Lee lại có phần khác biệt khá nhiều.
Nếu như Boyce học giỏi và khá nhanh nhẹn, thì Lee lại không thích thú đến chuyện sách vở, chỉ say mê những công việc kỹ xảo thủ công của một thợ mộc. Do có tính cách và sở thích có phần hướng nội, anh ta luôn cảm thấy lạc lõng với những người xung quanh và cuối cùng phải tìm đến cần sa và cocain làm chỗ dựa cho cuộc sống.
Dần dần, Lee còn tham gia vào việc buôn bán ma túy và còn có biệt danh “Người tuyết – Snowman” trong giới mua bán và sử dụng ma túy. Boyce bàn với Lee về việc bán các thông tin mật khai thác từ Black Vault.
Theo đó, Lee sẽ đóng vai trò một người liên lạc qua việc tiếp cận với một đại sứ quán của Liên Xô ở nước ngoài. Lee cũng nhìn thấy ở đây một cơ hội kiếm tiền dễ dàng hơn buôn ma túy và đồng ý ngay.
Đầu tháng 4-1975, Daulton Lee xuất hiện tại Đại sứ quán Liên Xô ở Mexico City. Anh ta yêu cầu được gặp một quan chức quan trọng và tiết lộ đang có trong tay thông tin về các vệ tinh gián điệp mà người Nga quan tâm. Lee được giới thiệu sang gặp một nhân viên tình báo có tên Vasily Okana.
Sau khi kể mọi chuyện về Boyce, Lee trao cho Okana một phong bì, trong đó có một chiếc thẻ máy tính cùng với tờ giấy có dòng chữ: “Kèm trong phong bì này là một tấm thẻ máy tính lấy từ hệ thống mã hóa của NSA. Nếu muốn hợp tác, hãy báo cho người đưa tin”.
Ngoài những tấm thẻ chương trình máy tính, phong bì còn có một băng giấy đã được dùng trong các máy mật mã KG-13 và KW-7 của Mỹ. Sau khi kiểm tra những tài liệu này, Okana trao cho Lee một phong bì chứa 250 đô la và thông báo đồng ý hợp tác với Lee cùng với người bạn của anh ta. Ban đầu, Lee được qui định tên liên lạc là “Luis” và Boyce cũng có mật danh là “Falcon” (Chim cắt).
Về phần mình, Christopher Boyce vẫn tiếp tục thu thập thông tin mật cho tình báo Xôviết nhờ một chiếc máy ảnh nhỏ hiệu Minox. Anh ta thường giấu tài liệu vào trong túi xách.
Tuy không phải hoạt động với mục đích chính là tiền, trong gần hai năm cộng tác với tình báo Xôviết, Boyce đã kiếm được 20 ngàn đôla. Sau khi phía Liên Xô bày tỏ nguyện vọng muốn gặp trực tiếp người đã cung cấp thông tin cho họ, Boyce cùng với Lee còn có một chuyến đi Mexico với tư cách hai nhà du lịch thông thường.
Từ những năm 1960, CIA thường sử dụng các vệ tinh quân sự để liên lạc với các điệp viên của họ. Dần dần, công nghệ này đã trở nên lỗi thời. Các điệp viên chỉ có thể sử dụng hệ thống nếu chúng nằm trong phạm vi phủ sóng của vệ tinh, trong khi các cơ quan tình báo nước ngoài có thể nghe trộm được.
Đến đầu những năm 70, CIA đề xuất việc phát triển một vệ tinh có khả năng liên lạc thuận tiện trên toàn thế giới với các điệp viên. Một vài công ty hàng không vũ trụ hàng đầu đã được yêu cầu nghiên cứu và tham gia công trình này. Đây chính là nguyên nhân ra đời của dự án chế tạo vệ tinh tuyệt mật của CIA có tên “Pyramider”.
TRW đã giành được hợp đồng thiết kế của dự án Pyramider vào năm 1973. Kết quả là họ đã cho ra đời một vệ tinh lớn có hình dạng giống chiếc ô đang bay. Tất nhiên là những bức ảnh và thông tin cực kỳ quí giá về dự án Pyramider đã nhanh chóng được Boyce sao chép và tìm cách chuyển ngay đến tay các điệp viên Xôviết.
Bại lộ
Hoạt động hợp tác của cặp Boyce-Lee với tình báo Xôviết diễn ra rất suôn sẻ cho tới năm 1977. Vào đầu năm đó, Lee bị cảnh sát Mexico bắt giữ ngay gần khu vực lãnh sự quán Liên Xô vì bị nghi ngờ là tội phạm.
Khi đó, Lee trong lúc giả dạng một khách du lịch đang tản bộ đến gần đại sứ quán Liên Xô, đã lén vứt một mảnh giấy vào phía trong cổng trước khi cảnh sát Mexico ập tới. Họ nghi ngờ anh ta là thành viên một nhóm khủng bố chống chính phủ có âm mưu mờ ám. Ban đầu, Lee chỉ thừa nhận mình là khách du lịch thông thường đi ngang qua.
Khi không chịu nổi, Lee bèn bịa ra một câu chuyện khác: anh ta và người bạn là Christopher Boyce đang làm việc cho CIA, họ đang có nhiệm vụ cung cấp thông tin giả cho phía Liên Xô. Cuối cùng, các nhân viên FBI cũng được cử đến để xác minh thực chất của con người Lee.Kết quả khám người đã khiến cảnh sát Mexico phát hiện cuộn phim chụp có dấu tuyệt mật và họ đã giao cho phía Mỹ kiểm tra. Nhà chức trách còn phát hiện trong người Lee có tấm bưu thiếp chụp một giao lộ nơi có một viên cảnh sát Mexico vừa bị giết hại. Lee bị nghi ngờ là tên giết người và bị tra tấn suốt mấy ngày liền.
Sau khi liên hệ với CIA, Lầu Năm Góc và cả Nhà Trắng, FBI đã hiểu được vấn đề. Lee bị dẫn độ về Mỹ ngay sau đó. Boyce sau đó cũng bị bắt vào tháng giêng năm 1977. Sau vài ngày quanh co giấu diếm, anh ta đã đồng ý thú nhận tất cả. Boyce khai báo tỉ mỉ mọi thứ về hoạt động gián điệp của mình, về việc bán các thông tin bí mật cho người Nga.
Điệp viên thành… tướng cướp
Phiên tòa xét xử Boyce và Lee đã diễn ra suốt 5 tháng. Sở dĩ như vậy là do mật vụ Mỹ lo ngại quá trình điều tra sẽ buộc họ phải tiết lộ nhiều thông tin nhạy cảm. Vì nhiều lý do, đôi bạn này đã bị tách ra để xét xử riêng. Kết quả là Boyce phải nhận bản án 40 năm tù. Còn Lee lại phải chịu án chung thân do đã có nhiều tiền án trước đây liên quan đến buôn bán ma túy.
Đến ngày 21-1-1980, Christopher Boyce đã leo qua hàng rào nhà tù và tẩu thoát. Trong thời gian lẩn trốn, Boyce đã cặp kè cùng với người đàn bà có tên Gloria Ann White và kịp cùng với nhân vật này tổ chức… 16 vụ cướp nhà băng.
Boyce có ý định kiếm nhiều tiền để mua máy bay, học lái, sau đó bay tới Alaska để tìm cách hạ cánh xuống một hòn đảo nào đó thuộc Liên Xô.
Tuy nhiên anh ta đã không kịp thực hiện ý định này khi bị bắt lại sau 19 tháng sống tự do, bị xử thêm một số tội danh như vượt ngục, cướp nhà băng và sở hữu vũ khí trái phép. Tù nhân đặc biệt này được chuyển đến nhà tù Marion nổi tiếng là chắc chắn và an toàn nhất nước Mỹ.
Trong tù, Boyce đã nhận tham gia một buổi trả lời phỏng vấn truyền hình trong chương trình “60 Minutes” của Australia, trong đó anh ta vẫn lên án chính sách hiếu chiến của chính phủ Mỹ và cho biết không hề hối hận vì bán thông tin mật cho Liên Xô.
Boyce được chính thức trả tự do vào ngày 16-9-2002 sau hơn 25 năm ngồi tù. Còn người bạn Lee đã được phóng thích trước thời hạn vào năm 1998.
Câu chuyện về cặp bạn thân này được phía Mỹ tìm hiểu khá kỹ, viết thành sách và sau đó còn được chuyển thể lên màn ảnh với bộ phim “The Falcon and the Snowman” (Chim Ưng và Người Tuyết).
Năm 2013, Boyce tự mình xuất bản cuốn sách với tựa đề “American Sons: The Untold Story of the Falcon and the Snowman” (Những người con trai của nước Mỹ: Chuyện chưa kể về Chim ưng và Người tuyết) kể về cuộc đời sóng gió của mình.
Trong khi trả lời phỏng vấn về cuốn sách, Boyce đã công khai ủng hộ cho hành động của “người thổi còi” Edward Snowden về việc tiết lộ thông tin về các chương trình do thám của Mỹ.
PV (t/h)