Trưởng Ban Nội chính Trung ương khẳng định xử lý tham nhũng còn tiếp tục làm nghiêm và “lò vẫn cháy, củi tươi cũng cháy, củi ướt cũng cháy”.
Ông Phan Đình Trạc , Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương vừa có buổi tiếp xúc cử tri xã Nghĩa Bình, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An sau kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV.
Tại buổi tiếp xúc, các cử tri đã phản ánh nhiều nội dung đến các đại biểu, bày tỏ sự vui mừng, phấn khởi với công tác phòng, chống tham nhũng thời gian vừa qua được thực hiện mạnh mẽ; nhiều vụ án tham nhũng lớn được đưa ra xét xử nghiêm minh. Tuy nhiên, cử tri cho rằng để đáp ứng nguyện vọng nhân dân, nhất là công tác thu hồi tài sản tham nhũng thì công tác phòng, chống tham nhũng cần được đẩy mạnh hơn nữa.
Nói về công tác phòng, chống tham nhũng, ông Phan Đình Trạc khẳng định nguyên tắc: Những cán bộ bị kỷ luật về Đảng không có nghĩa là loại trừ xử lý về hình sự. Vi phạm kỷ luật Đảng thì xử lý kỷ luật theo quy định của Đảng. Vi phạm quy định của Nhà nước thì xử lý theo quy định của Nhà nước.
“Các vi phạm ấy đến mức phải xử lý hình sự thì phải xử lý hình sự. Kỷ luật Đảng phải đi trước và tạo điều kiện, tạo thuận lợi cho cơ quan điều tra đi sau xử lý tiếp”, ông Trạc nói.
Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc cho biết thêm, trong các vụ án, vụ việc Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, hiện nay đã xét xử sơ thẩm 54 vụ, 676 bị cáo, trong đó 10 người với 11 mức án tử hình, có người liên quan 2 vụ với 2 án tử hình; 21 người với 22 án chung thân, 9 người tù 30 năm; 19 người tù 20 năm; 574 người tù từ 12 tháng đến dưới 20 năm…
Dẫn chứng việc xử lý nghiêm minh với các vụ án tham nhũng, ông Trưởng Ban Nội chính Trung ương khẳng định, còn tiếp tục làm nghiêm nữa, lò vẫn cháy, củi tươi cũng cháy, củi ướt cũng cháy, chứ không chỉ củi khô.
Trước đó, ngày 21/5, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng đã tổ chức cuộc họp để thảo luận, cho ý kiến đối với một số vụ án, vụ việc nghiêm trọng, phức tạp và được dư luận xã hội quan tâm.
Tại cuộc họp, Thường trực Ban chỉ đạo đề nghị các cấp ủy, tổ chức Đảng tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng; hoàn thành đúng tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án; xác minh, xử lý các vụ việc theo kế hoạch.
Trong đó, tập trung điều tra, truy tố, đưa ra xét xử sơ thẩm 8 vụ án nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm trong năm 2019, gồm: vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, thiếu trách nhiệm gây gậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Bảo hiểm xã hội Việt Nam; vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng đất đai, Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Công ty Hải Thành;
vụ án “Vi phạm quy định về quản lý đất đai, vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Đà Nẵng; vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Tổng công ty bia rượu nước giải khát (Sabeco); vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí” liên quan đến dự án tại số 8-12 Lê Duẩn, quận 1, TP. HCM.
vụ án “Nhận hối lộ, đưa hối lộ, vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tổng công ty viễn thông Mobifone; vụ án “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty Cổ phần hóa dầu và nhiên liệu sinh học dầu khí (PVB) Phú Thọ; vụ án “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng” xảy ra tại Ngân hàng Phương Nam.
Theo Trần Lộc – VTC News