Sự thành công của Arden đi lên từ rất nhiều thất bại, từ kiên trì theo đuổi ước mơ và nỗ lực không bao giờ bỏ cuộc.
Elizabeth Arden tên thật là Florence Nightingale Graham. Sau khi bỏ học y tá,công việc kinh doanh đầu tiên của bà thất bại. Không bỏ cuộc, Elizabeth đã vay 6.000 USD để thành lập công ty làm đẹp tiếp theo của mình, Elizabeth Arden, Inc.
Elizabeth Arden đã tạo ra sản phẩm huyền thoại Eight Hour Cream. Bà cũng chính là người sáng tạo ra các sản phẩm trang điểm phấn mắt, má, mascara và lần đầu tiên ra mắt các sản phẩm này tại thị trường Mỹ. Thể hiện tham vọng của mình, Arden đã không ngần ngại tuyên bố “Chỉ có ba thương hiệu Mỹ được khắp thế giới biết đến là: máy may Singer, Coca-Cola và Elizabeth Arden”.
“Tôi muốn trở thành người phụ nữ nhỏ bé giàu nhất thế giới”
Đó là mong ước và tham vọng của Arden thời thơ ấu. Bà không biết mình sẽ làm gì để biến giấc mơ thành hiện thực, nhưng điều này không làm giảm bớt quyết tâm của bà. Nhiều năm sau, bà trở thành nữ doanh nhân nổi tiếng thế giới Elizabeth Arden, dùng chính danh xưng này làm tên mới cho công ty. Sự thành công của Arden đi lên từ rất nhiều thất bại, từ kiên trì theo đuổi ước mơ và nỗ lực không bao giờ bỏ cuộc.
Con đường khởi nghiệp của bà ngay từ đầu đã rất khó khăn và chông gai. Bà đã quyết định bỏ ngang việc học tập tại trường điều dưỡng ở Toronto, Canada khi thấy mình sợ công việc làm y tá và không hề yêu thích nó. Bà làm việc ở nhiều vị trí và công việc khác nhau, từ một nhân viên tiếp tân, sau đó là giao dịch viên trong một ngân hàng, thư ký bất động sản, nhân viên lễ tân cho một nha sĩ. Mặc dù làm việc rất chăm chỉ nhưng bà vẫn cảm thấy mình không đi đến đâu. Sau một thời gian, bà quyết định chuyển đến New York. Florence cho rằng, New York sẽ đem đến cho bà nhiều cơ hội làm việc hơn.
Ý tưởng kinh doanh làm kem làm đẹp đã đến khi bà còn học ở trường điều dưỡng. Bà đã rất hào hứng với ý tưởng tạo ra một sản phẩm kem, nhưng với mục đích chăm sóc da. Bà nhìn thấy trước những loại kem trị bỏng và thuốc mỡ không chỉ đơn thuần là thuốc mà còn có tiềm năng trở thành các loại kem dưỡng da. Bà bắt đầu thí nghiệm tại chính căn bếp ở nhà, thử qua nhiều thành phần khác nhau và không ngừng tìm kiếm công thức cho một loại kem hoàn hảo.
Những nỗ lực của bà để phát triển công thức làm đẹp của riêng mình đã không mang lại bất kỳ may mắn nào trong giai đoạn ban đầu. Cha bà khuyên nên từ bỏ và lập gia đình như những phụ nữ trẻ khác ở đầu thập niên 1900. Tuy nhiên, Florence quyết tâm theo đuổi giấc mơ của mình kể cả khi chuyển đến New York để lập nghiệp.
Sau khi đến New York, Florence nhanh chóng tìm được một công việc thu ngân dù được trả mức lương rất thấp tại một tiệm chăm sóc da của Eleanor Adair, bậc thầy trong giới làm đẹp thời bấy giờ. Bà vẫn đang chờ đợi cơ hội của mình. Sau một thời gian, Florence xin Adair đào tạo mình thực hiện các phương pháp điều trị da. Nhờ sự ham học hỏi và tài năng thiên bẩm, Florence đã sớm vượt xa bà Adair. Bà dần có chỗ đứng và uy tín trong lòng khách hàng. Lúc này, ước mơ của bà đã không còn chỉ là bán một loại kem làm đẹp mà còn mở một thẩm mỹ viện của riêng mình.
Năm 1910, Florence hợp tác cùng người bạn Elizabeth Hubbard mở spa đầu tiên ở Fifth Avenue, New York, có tên “Mrs. Elizabeth Arden”. Để làm nổi bật salon của mình, Elizabeth Arden đã cho sơn đỏ cánh cửa của salon và chính cánh cửa ấy đã trở thành một hình ảnh huyền thoại, biểu tượng cho sắc đẹp và cũng là logo của thương hiệu Elizabeth Arden cho đến ngày nay. Nghĩ rằng tên riêng của mình, Florence Nightingale Graham, không phù hợp với ngành kinh doanh làm đẹp, Florence lúc đó đã ấp ủ về hình mẫu một nữ doanh nhân thành đạt. Và bà quyết định đặt lại tên cho bản thân lẫn tên doanh nghiệp đầu tiên của mình – chính là “Elizabeth Arden”. Cái tên thể hiện sự tinh tế và nhiều hơn đó chính là giúp bà thật sự tự tin với vai trò mới – một nữ doanh nhân.
Mặc dù sự hợp tác nhanh chóng tan rã nhưng Florence vẫn kiên trì tiếp tục.
Lúc này, Elizabeth đã có được sự hiểu biết và kỹ năng cần thiết để tạo ra sản phẩm của riêng mình. Thậm chí quan trọng hơn, bà đã có một trực giác về cách mà thẩm mỹ viện trong mơ của mình trông như thế nào, và làm thế nào để các phương pháp làm đẹp của bà trở nên “sang trọng, xa xỉ”, để khách hàng mong đợi đến cuộc hẹn tiếp theo.
Sau này, khi Elizabeth Arden đã trở thành một thương hiệu kinh doanh sắc đẹp nổi tiếng, bà tiếp tục thuyết phục các nhà khoa học để phát triển các công thức mỹ phẩm cho doanh nghiệp của mình. Những sản phẩm dịch vụ của bà đã vượt qua các đối thủ cạnh tranh không chỉ ở Mỹ mà còn vươn tầm thế giới. Được đánh giá là một doanh nhân cừ khôi, có đầu óc kinh doanh và tận tâm với công việc, ngay cả trong giai đoạn Đại khủng hoảng, công ty của bà vẫn ăn nên làm ra. Trong suốt thập niên 1930, hãng đạt doanh thu 4 triệu USD Mỹ/năm. Thậm chí, bà vẫn miệt mài điều hành công việc kinh doanh cho đến khi qua đời vào năm 1966 ở tuổi 87.
Những khách hàng nổi tiếng nhất của Elizabeth Arden phải kể đến Nữ hoàng Elizabeth II, Marilyn Monroe, Jacqueline Kennedy, Marlene Dietrich, Joan Crawford và Mamie Eisenhower.
Trang Trang –Theo Trí thức trẻ