Đó là nhận xét thẳng thắn của người giàu nhất thế giới Jeff Bezos. Ông bảo: “Hãy mạo hiểm. Bạn phải sẵn sàng mạo hiểm. Đối với người khởi nghiệp, thành công không dành cho người theo đuổi “chủ nghĩa an toàn”
Sẵn sàng đón nhận những rủi ro và thất bại lớn
Nhà sáng lập và CEO của Amazon có một thông điệp dành cho người khởi nghiệp: hãy sẵn sàng đón nhận những rủi ro và thất bại lớn.
Bezos đã phát biểu thông điệp này tại hội nghị Amazon’s re:Mars ở Las Vegas, sau khi được hỏi về khuyên dành cho những ai đang xem xét bắt đầu sự nghiệp của riêng mình.
“Hãy mạo hiểm. Bạn phải sẵn sàng mạo hiểm. Nếu bạn có một ý tưởng kinh doanh mà không có rủi ro, nó có thể đã được thực hiện rồi”, ông nói, theo một bản ghi chép của Amazon. “Bạn phải có thứ gì đó không vận hành. Trên nhiều phương diện, nó sẽ là một sự thử nghiệm”.
Ông nói rằng sẽ có nhiều thử nghiệm như vậy thất bại, nhưng những “thất bại lớn” là một phần quan trọng của hành trình đến với thành công.
“Chúng tôi luôn chấp nhận rủi ro, chúng tôi nói về thất bại”, Bezos chia sẻ. “Chúng tôi cần những thất bại lớn để thúc đẩy sự thay đổi. Nếu không, bạn sẽ không đủ linh hoạt. Bạn thực sự nên xoay sở tích cực, và bạn có thể sẽ thất bại, nhưng điều đó là không sao cả.”
Bezos thành lập Amazon vào năm 1995 chỉ với 10 nhân viên. Kể từ đó ông đã biến nó trở thành một trong những công ty đại chúng có giá trị nhất thế giới, với vốn hóa thị trường gần 860 tỷ USD.
Ông cho rằng ngoài chấp nhận rủi ro và thất bại, các doanh nhân cũng phải đam mê. “Bạn sẽ phải cạnh tranh với những người đam mê,”
Trên hết, Bezos nói, các doanh nhân nên bị “ám ảnh khách hàng”. “Điều quan trọng nhất là bị ám ảnh bởi khách hàng. Đừng làm họ hài lòng, hãy làm họ hoàn toàn thích thú”.
Từ trái đắng đến quả ngọt
Một trong những câu trích dẫn yêu thích của tôi là: “Không quan trọng bạn đi chậm thế nào, quan trọng là bạn không bỏ cuộc”.
Câu chuyện về chủ nhân của câu nói này cũng là một nguồn cảm hứng bất tận cho những ai đang đắn đo về năng lực và hoài bão của bản thân:
22 tuổi – kinh doanh THẤT BẠI.
23 tuổi – THẤT BẠI trong bầu cử nghị sĩ bang.
24 tuổi – lại THẤT BẠI lần nữa trong kinh doanh.
25 tuổi – TRÚNG CỬ nghị sĩ bang.
29 tuổi – THẤT BẠI bầu cử thống đốc bang.
31 tuổi – THẤT BẠI bầu cử thống đốc bang lần 2.
34 tuổi – THẤT BẠI bầu cử nghị sĩ quốc hội.
37 tuổi – TRÚNG CỬ nghị sĩ quốc hội.
39 tuổi – THẤT BẠI bầu cử nghị sĩ quốc hội khóa tiếp theo.
46 tuổi – THẤT BẠI bầu cử vào thượng nghị viện.
47 tuổi – THẤT BẠI bầu cử phó tổng thống.
49 tuổi – THẤT BẠI bầu cử vào thượng nghị viện lần 2.
51 tuổi – TRÚNG CỬ Tổng thống Mỹ.
Người đó chính là Abraham Lincoln, một trong những tổng thống vĩ đại nhất trong lịch sử nước Mỹ.
Con đường thành công của Lincoln chưa bao giờ là dễ dàng cả. Thất bại mà ông từng nếm trải nhiều hơn nhiều so với những thuận lợi. Tuy nhiên, thay vì bỏ cuộc, Lincoln lại nỗ lực và kiên định với sự lựa chọn của mình, mặc cho bản phải trải qua thất bại này đến mất mát khác.
Lại nói về rủi ro, câu chuyện về ông vua cafe Việt – Đặng Lê Nguyên Vũ, luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho người trẻ nuôi dưỡng ước mơ khởi nghiệp. Từ một người thanh niên tràn đầy nhiệt huyết và đam mê với cafe, ông Vũ thành lập Hãng cafe Trung Nguyên tại thành phố Buôn Mê Thuột vào năm 1996. Với số vốn chỉ là chiếc xe đạp cọc cạch, cùng với một cửa hàng cafe chỉ hơn chục mét vuông ở cái thời điểm mà việc làm này bị không ít người mỉa mai và chê cười, Trung Nguyên vẫn cứ ra đời và phát triển.
Thử hỏi, “Hãng cafe Trung Nguyên” ngày ấy có đứng trước muôn vàn khó khăn và rủi ro không? Nếu lúc ấy thất bại, ông Vũ sẽ còn lại gì, khi mà gần như tất cả vốn liếng đã được ông đặt niềm tin vào Trung Nguyên? Có lẽ chúng ta đều đã hình dung ra được câu trả lời. Nhưng sau tất cả, nước đi có phần mạo hiểm và táo bạo của ông đã thành công. Bằng khát vọng lớn, tầm nhìn hơn người và niềm đam mê, nhiệt huyết bất tận mà Đặng Lê Nguyên Vũ đã vượt qua hết những rủi ro đó. Trung Nguyên không chỉ lớn mạnh thành tập đoàn cafe số 1 Việt Nam, mà còn đưa tên tuổi cafe Việt vươn tầm thế giới và là đại sứ truyền cảm hứng về khởi nghiệp, tinh thần kinh doanh của thế hệ trẻ.
Xung quanh chúng ta có rất nhiều người tài giỏi. Và có thể bạn cũng là một trong số đó. Nhưng tại sao chỉ số ít trong đó là thành công? Những Jeff Bezos, Abraham Lincoln hay Đặng Lê Nguyên Vũ đều có thừa tài năng, niềm đam mê, tầm nhìn; đặc biệt hơn cả là họ biết chấp nhận rủi ro và thất bại như một phần không thể thiếu trong quá trình vươn đến đỉnh cao của sự nghiệp. Chỉ khi hội tụ đủ những yếu tố đó, những dự định của bạn mới được hiện thực hóa.
Thành công không dành cho người theo đuổi “chủ nghĩa an toàn”
Đã bao giờ bạn ấp ủ một dự định lớn như khởi nghiệp, phát triển một dự án tầm cỡ hay như nhảy việc, từ bỏ công việc không mấy thoải mái mà cũng không mai đến những cơ hội. Chắc chắn phải nhiều hơn một lần bạn có suy nghĩ như thế. Nhưng số lần thực hiện thì còn tùy thuộc vào cá tính của con người bạn. Nếu không chấp nhận rủi ro, thất bại, đánh đổi, thì mọi kế hoạch dù có được lập trình hoàn hảo đến đâu, nó vẫn chỉ là ảo tưởng.
Trong kinh tế học, có hai nguyên lý rất thú vị và nổi tiếng là “đánh đổi” và “chi phí cơ hội”. Điều đó có nghĩa là để đạt được một mục tiêu nào đó, con người phải từ bỏ một mục tiêu khác và “chi phí cơ hội” chính là cái giá của việc đánh đổi đó. Chỉ vậy thôi, chúng ta cũng hiểu được rằng quá trình quyết định luôn là những tính toán, mà ở đó, người ta phải sẵn sàng mạo hiểm và chấp nhận cái giá phải trả, dù là đắt hay rẻ.
Thành công không chắc là dành cho người tài giỏi nhất hay người có máu liều nhất. Nhưng chắc chắn một điều rằng, thành công không bao giờ dành cho người theo đuổi “chủ nghĩa an toàn”. Từ chủ nghĩa an toàn, sức ỳ và sự do dự, hèn nhát, sợ hãi sẽ nảy sinh và phát triển đến nỗi người sáng suốt nhất cũng bị nó chi phối. Vậy nên, thay vì theo chủ nghĩa an toàn, người trẻ nên biết dấn thân nhiều hơn, thử nghiệm và quyết đoán hơn với ước mơ, khát khao của chính mình.
Trong công việc hay cuộc sống, thành công và hạnh phúc chưa bao giờ là dễ dàng với tới. Bởi đơn giản, hai thứ này là tổng hòa của rất nhiều yếu tố, trong đó luôn có sự nỗ lực, kiên trì, đầu tư và mạo hiểm với rủi ro cũng như thất bại. Từ bỏ “chủ nghĩa an toàn” và bắt đầu thử nghiệm, dù cho có thất bại, thành công nhất định sẽ mỉm cười với người biết quyết đoán.
Theo Quang Điệp – Trí thức trẻ