Nếu người nay coi trọng chữ Lợi thì người xưa coi trọng chữ Tín. Các thương nhân xưa đều dùng tín nghĩa kinh doanh, bỏ cái lợi trước mắt để giữ đức lâu dài.
Thương nhân Hàn Quốc xưa
Kể từ khi xem bộ phim dài tập “Thương gia Im Sang Ok”, tôi nhớ mãi không quên nhân vật chính, cũng là thương nhân nổi tiếng trong lịch sử của Hàn Quốc: Im Sang Ok (Lâm Thương Ốc). Triết lý của ông là: Kinh doanh không phải là vì để kiếm tiền mà là để kiếm tìm lòng người, không phải là để đắc được lợi nhuận mà là để đắc nhân tâm, khi đắc được nhân tâm tiền bạc sẽ tự nhiên đến.
Người làm kinh doanh không nên cầu lợi mà nên truy cầu nghĩa. Một thương nhân chân chính sẽ coi tài vật bình đẳng như nước, làm người công chính cương trực như chiếc cân.
Theo các tài liệu lịch sử, Im Sang Ok là thương nhân nổi tiếng Hàn Quốc những năm đầu thế kỷ 19. Thuở niên thiếu ông từng tu trong chùa, sau này mới bước vào giới kinh doanh. Trên thương trường ông nhiều lần bị hãm hại nhưng vẫn kiên trì theo chính phái. Dựa vào ý chí kiên cường và phương pháp kinh doanh linh hoạt, mỗi lần thất bại ông lại đứng dậy bước tiếp, cuối cùng trở thành bậc đại phú giàu có nhất Hàn Quốc.
Trong quá trình giao thương, Im Sang Ok luôn tích cực hành thiện, tế thế, thường xuyên phát lương thực cho dân chúng nghèo khổ. Cho dù người nhận cứu trợ có thân phận như thế nào, ông đều đối đãi với tất cả mọi người như nhau. Ông nổi tiếng với đức hạnh và tiết tháo cao thượng nên đã được triều đình phong làm mệnh quan tam phẩm. Tương truyền, trước khi qua đời ông đã đem tất cả đất đai và tài sản quyên tặng cho quốc gia, trong nhà chỉ để lại 20 đồng.
Bỏ quan trường làm thương nghiệp
Thời Minh Thanh cũng có một thương nhân nổi tiếng như Im Sang Ok, đó là Kiều Trí Dung. Trong quá trình kinh doanh, ông lấy tín nghĩa làm trọng nên đã đạt được thành công to lớn.
Kiều Trí Dung sinh năm Gia Tĩnh thứ 23 triều Minh (năm 1818) trong một gia đình thương nhân. Thuở nhỏ ông thích đọc sách, sau đỗ tú tài. Ông ôm chí khoa cử để bước chân lên con đường quan lộ, nhưng tiếc là mệnh Trời khó trái. Cha mẹ mất sớm, Kiều Trí Dung được anh trai cả một tay nuôi dưỡng, nhưng đến khi ông đỗ tú tài thì anh trai đột nhiên mắc bệnh qua đời. Không còn cách nào khác, Kiều Trí Dung phải gánh vác gánh nặng gia đình, đành bỏ dở con đường học hành để bắt đầu kiếm sống. Bởi thấm nhuần tư tưởng Nhân Nghĩa Lễ Trí Tín của Nho gia nên ông luôn giữ thành tín với người, lấy tín nghĩa làm trọng, mở ra con đường “dùng Nho gia để kinh doanh” của gia tộc họ Kiều.
Nhà họ Kiều ban đầu chỉ buôn bán tơ lụa và trà, tức là mua tơ lụa vùng Hồ Châu, Chiết Giang và trà núi Vũ Di từ phương Nam vận chuyển lên phương Bắc để bán. Khi đó ở phương Bắc có quân khởi nghĩa Niệp quân, ở phương Nam có quân khởi nghĩa Thái Bình, nên con đường tơ lụa và trà bị gián đoạn. Dựa vào dũng khí và trí tuệ hơn người, Kiều Trí Dung đã khai thông được cánh cửa kinh doanh, mở ra nhiều cơ hội lớn.
Đương thời ở Bình Dao Sơn Tây có một số “tiêu hiệu” (tương đương với ngân hàng ngày nay), nhưng các tiêu hiệu này lại không giao dịch với những thương nhân vừa và nhỏ. Kiều Trí Dung đã nhanh nhẹn nắm lấy thời cơ, mở liền hai tiêu hiệu là Đại Đức Thông và Đại Đức Phong. Dưới sự hoạch định hùng tài đại lược và đa mưu quyết đoán của Kiều Trí Dung, các phân chi tiêu hiệu của nhà họ Kiều đã mở ra khắp mọi đầu mối giao thông thủy bộ và các thành ấp thương mại toàn quốc. Khi Đại Đức Phong thành lập vào năm Quang Tự thứ 10 thì tiền vốn chỉ có 60.000 lạng bạc, nhưng mấy năm sau đã phát triển lên đến tài sản 350.000 lạng bạc. Kiều Trí Dung cũng trở thành đại thương nhân đương thời.
Nguyên nhân then chốt để tiêu hiệu nhà họ Kiều phát triển chính là đem lợi nhuận thu được để đầu tư làm vốn. Việc này trong các thương gia đương thời là rất hiếm thấy. Có người sau khi nghiên cứu đã đưa ra kết luận rằng, tiền vốn lưu động của nhà họ Kiều dao động từ 8 triệu đến 10 triệu lạng bạc, đó là chưa tính tiêu hiệu và bất động sản.
Ngoài ra Kiều Trí Dung còn phát triển Phục Thịnh Công – vốn là thương hiệu truyền thống của nhà họ Kiều ở Bao Đầu – trở thành mạng lưới thương nghiệp rộng lớn, từ đó làm chủ toàn bộ thị trường thương nghiệp tại Bao Đầu. Người Bao Đầu có câu nói: “Trước tiên có các cửa hiệu Phục Thịnh rồi sau mới có thành phố Bao Đầu”.
Cuối thời nhà Thanh, Kiều gia đã mở tiền trang, tiêu hiệu và cửa hàng lương thực ở trên 200 địa phương trên toàn quốc, tài sản lên tới hàng chục triệu lạng bạc.
Dùng Nho gia phát triển kinh doanh
Giống như Im Sang Ok, Kiều Trí Dung thành công là vì ông đặc biệt coi trọng chữ Đức. Bất kể là làm người, làm việc, dùng người, hay lập quy chế, Kiều Trí Dung đều coi trọng đạo đức. Bên ông lúc nào cũng có những cuốn sách kinh điển Nho gia như Tứ thư – Ngũ kinh và Sử ký. Quan niệm kinh doanh của ông là: “Nhất tín, nhị nghĩa, tam lợi”.
Thường ngày khi dạy bảo thuộc hạ, ông nhiều lần nhấn mạnh đạo lý: “Người bỏ mình lấy, lợi ít bán nhiều, giữ gìn chữ tín, không làm giả dối”. Tức là phải dùng chữ Tín để có được khách hàng, không được dùng thủ thuật lừa người, càng không được đặt chữ lợi lên hàng đầu, không được kiếm tiền trái với lương tâm. Ông hiểu rất rõ ràng rằng, chữ Tín là nền tảng của thương gia, là mạch sống của thương hiệu. Nhờ đó, thương hiệu và tiêu hiệu của nhà họ Kiều nhận được sự tin tưởng của quan phủ và dân chúng ngay cả trong tình thế rối ren nhất.
Một lần cửa hàng dầu Phục Thịnh vận chuyển lô dầu vừng đến Sơn Tây, nhân viên phụ trách bán hàng đã mưu lợi bằng cách trộn thêm hàng giả. Người quản lý phát hiện ra đã trách mắng nhân viên một trận và ra lệnh đổ hết chỗ dầu vừng đã bị trộn lẫn hàng giả kia đi, sau đó thay lại dầu vừng thật. Tuy nhà họ Kiều chịu tổn thất kinh tế nhất định, nhưng lại có được danh tiếng thành tín.
Con cháu đời sau nhà họ Kiều vẫn tiếp tục tinh thần tín nghĩa của Kiều Trí Dung. Những năm 30 thế kỷ 20 xảy ra cuộc đại chiến ở Trung Nguyên khiến kinh tế suy thoái, đồng tiền Tấn Sao bị mất giá, tỷ giá so với đồng tiền mới là 250.000:1. Nếu tiêu hiệu Đại Đức Thông nhà họ Kiều dùng tiền Tấn Sao chi trả thì hoàn toàn có thể lợi dụng chênh lệch giá mà kiếm khoản tiền lớn. Nhưng nhà họ Kiều vì giữ gìn danh dự và chữ Tín nên đã cương quyết thu nhận tiền Tấn Sao, chi trả bằng tiền mới, khiến tiền bạc trong dân chúng được tự do lưu thông. Cuối cùng tiêu hiệu Đại Đức Thông đã phải đóng cửa, nhưng tinh thần của Kiều gia được lưu truyền và ca tụng rộng khắp.
Vui thích làm việc thiện
Kiều Trí Dung là đại phú nhưng cũng là thương nhân vui thích làm việc thiện, trợ giúp người nghèo khi hoạn nạn. Ông không chỉ bỏ tiền cứu tế dân chúng những năm thiên tai mất mùa mà còn dốc sức giúp đỡ bất kỳ người nào có việc nhờ đến.
Năm Quang Tự thứ 3 thời nhà Thanh, vùng Sơn Tây gặp đại hạn, cuộc sống người dân vô cùng lao đao khốn khổ. Kiều Trí Dung mở kho cứu tế, hiến tặng 36.000 lạng bạc. Việc thiện của ông đã được ghi lại trong sách “Kỳ huyện chí”.
Mùa thu năm Quang Tự thứ 25 (năm 1899) miền Bắc đại hạn, vụ thu hoạch lương thực giảm quá nửa. Tình hình hạn hán kéo dài cho đến vụ gieo trồng mùa xuân năm Quang Tự thứ 26. Rất nhiều người dân đã bị chết đói, có người phải bán con, thảm cảnh không ai dám nhìn. Để cứu tế dân chúng bị thiên tai, Kiều Trí Dung yêu cầu thân nhân giảm thiểu chi tiêu, tất cả già trẻ lớn bé trong nhà đều phải tiết kiệm, trong vòng một năm không được may quần áo mới, không được ăn sơn hào hải vị. Mặt khác ông sắp xếp cứu tế cụ thể: Đối với người dân ở Kiều Gia Bảo, ông phát lương thực theo đầu người. Ngoài ra ở các phố lớn trong thôn, ông đều đặt nồi lớn cung cấp cháo cho những người đói ở nơi khác đến.
Kiều Trí Dung căn dặn những nhân viên phân phát lương thực: “Dùng đấu đong đầy một chút, chia lượng thực thiếu thì tôi sẽ bổ sung thêm cho. Nếu chia mà dôi dư ra thì tôi sẽ cho các anh nghỉ việc”. Ông lại dặn dò những nhân viên cung cấp cháo rằng: “Đừng nấu loãng, nấu đặc một chút”. Cháo phải đặc đến mức có thể dùng khăn bọc lại rồi mở ra mà cháo không tản ra, đặc đến mức bỏ vào trong bát, cắm đũa lên mà đũa không đổ. Người dân thấy thế đều hết lòng ca ngợi.
Hàng năm mỗi dịp Tết đến, các cửa hàng lương thực và dầu của nhà họ Kiều ở Bao Đầu đều được “trộn giả”, nghĩa là lấy gạo và mỳ thượng đẳng trộn vào gạo và mỳ phổ thông nhưng vẫn bán giá phổ thương cho người nghèo. Mục đích là để người nghèo có được lương thực ngon ăn Tết. Những người nghèo đều cảm ơn ân đức nhà họ Kiều.
Ngoài ra để giúp bà con làng xóm, vào mùa cày, nhà họ Kiều buộc 3 con trâu ở ngoài cổng. Nhà ai cày ruộng cần đến thì dắt đi, tối đem trả lại là được.
Thiện có thiện báo
Chính vì thiện hạnh của mình mà nhà họ Kiều đã tránh được rất nhiều tai nạn. Một lần là một nhóm thổ phỉ đến Kiều Gia Bảo hòng đánh cướp nhà họ Kiều, nhưng suốt mấy ngày trời vẫn không tìm được người trong thôn làm gián điệp. Hơn nữa tường lũy nhà họ Kiều canh gác nghiêm, còn có những hộ vệ trung thành canh giữ, nên nhóm thổ phỉ đành phải bỏ cuộc rút lui.
Thời liên quân 8 nước xâm chiếm Bắc Kinh, tổng đốc Sơn Tây cũng ra tay sát hại người phương Tây. Có 7 nữ tu sỹ người nước Ý từ Thái Nguyên chạy đến huyện Kỳ, được Kiều Trí Dung cứu. Đầu tiên ông cho họ ẩn nấp trong kho bạc, sau đó bí mật đưa đến Hà Bắc thoát hiểm. Sau này chính phủ nước Ý đã gửi quốc kỳ đến bày tỏ lòng cảm tạ.
Thời kháng chiến, quân Nhật tiến vào Sơn Tây, nhà họ Kiều lấy quốc kỳ Ý ra treo nên đã ngăn không cho quân Nhật xâm phạm quấy nhiễu, bởi vì lúc đó nước Ý và Nhật Bản cùng là “Phe Trục”.
Sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc cướp chính quyền, trong thời kỳ cách mạng văn hóa, người nhà họ Kiều ai nấy tan tác phân tán các nơi, nhà cửa bỏ không. Nhưng nhân dân trong vùng không ai nỡ đập phá một viên gạch nào trong sân Kiều gia, bởi không ai muốn chịu ác danh ‘vong ân bội nghĩa’. Đó chính là nguyên nhân vì sao hiện nay chúng ta thấy nhà cửa của Kiều gia vẫn hoàn hảo không sứt mẻ.
Gia quy nhà họ Kiều
Để con cháu đời sau đi theo con đường chính đạo, Kiều Trí Dung đã lập gia quy, quy định rằng: “Thứ nhất không được dùng ma túy. Thứ hai không được nạp thiếp. Thứ ba không được ngược đãi người làm và nô bộc. Thứ tư không được đánh bạc. Thứ năm không được quan hệ nam nữ bất chính. Thứ sáu không được say rượu”.
Ông còn mời thầy trả lương cao về nhà giáo dục con cái. Ông có 6 con trai, mỗi thế hệ sau đó đều là những bậc hiền tài. Đây cũng là nguyên nhân nhà họ Kiều trở thành danh gia vọng tộc liên tục 6 đời phú quý.
Năm Quang Tự thứ 33 (năm 1907), Kiều Trí Dung qua đời hưởng thọ 89 tuổi. Con cháu đời thứ 6 nhà họ Kiều có 11 sinh viên, 2 tiến sỹ, 1 thạc sỹ. Con cháu đời sau của ông hiện sống ở khắp nơi trên thế giới. Đây chính là minh chứng chân thực của câu: “Nhà tích thiện ắt có thừa phúc lành”.
Theo ĐKN