Nhiều người theo dõi tình hình Venezuela rất ngạc nhiên khi “Chiến dịch Tự do” mà Juan Guaido tổ chức lại bị chính quyền của TT Maduro dễ dàng đập tan “trong một nốt nhạc” và rồi chìm trong im lặng
Ngạc nhiên vì Guaido tuyên bố đây là chiến dịch được huy động một cuộc biểu tình lớn nhất trong lịch sử Venezuela, được coi như là “mở đầu giai đoạn kết thúc chế độ Maduro”, một chiến dịch có tính chất “đảo chính quân sự”, một chiến dịch mà Guaido không cần bí mật ngày giờ triển khai… cho thấy Guaido đã nắm chắc phần thắng trong tay 200%.
Rõ ràng, xác định của Guaido về thời điểm là chín muồi, về lực lượng là đầy đủ tức là “lượng và thời cơ đã đủ để kích hoạt thay đổi chất”. Điều đó cho thấy sự chuẩn bị của Guaido không phải là đơn giản mà rất kỹ càng với một sự tự tin cao độ về chiến thắng…
Tuy nhiên, thật đáng tiếc, Guaido đã sai cả thời điểm và sai cả việc đánh giá về “lượng” cho nên, cuộc đảo chính “xì hơi nhanh hơn một quả bóng bị kim chọc thủng”. Cuộc đảo chính quân sự của Guaido chỉ giống như một cú sút từ xa lại thiếu lực, nói theo ngôn ngữ bóng đá.
Cuộc đảo chính bị thất bại một cách thảm hại. Các nhà chức trách Mỹ, báo chí đang phân tích mổ xẽ nguyên nhân thất bại. Chúng ta cũng làm thế nhưng khách quan hơn…
Trước hết, thất bại hay thắng lợi của Maduro hoặc của Guaido luôn gắn liền với kẻ đứng sau: Nga (và Cu Ba) – Maduro; Mỹ – Guaido. Do đó, khi ta bình luận sự thất bại, thắng lợi, không thể không nói đến cuộc chiến địa chính trị Nga, Mỹ tại Venezuela và có thể trên thế giới…
- Sai lầm về thời điểm
Mỹ và Guaido đã đánh giá sai hoặc quen bỏ ngoài tai lời Nga nói. Nga-Putin nói rằng, Moscow quyết không sẽ không để Venezuela lặp lại tình thế Syria. Điều này có nghĩa là gì?
Thứ nhất, nó thể hiện tư tưởng, phương châm tác chiến của Nga tại Venezuela: Chiếm lĩnh trước trận địa, giành tuyệt đối ưu thế tác chiến, sẵn sàng nghênh chiến… trong khi với Mỹ thì “mọi phương án lựa chọn của Mỹ đang còn trên bàn”.
Việc Nga công khai đưa viên tướng Phó tư lệnh – Tham mưu trưởng Lục quân Nga sang Venezuela cùng 99 quân nhân vừa qua là một tin nhắn cho Mỹ, rằng, Nga đã chuẩn bị đủ lực lượng mặt đất và hàng không, thiết lập thế trận cho đòn tấn công của Mỹ nếu xảy ra.
Do đó, Mỹ can thiệp trực tiếp bằng quân sự để hỗ trợ cho “Chiến dịch Tự do” là không thể. Chẳng có gì ngạc nhiên khi Pompeo và Bolton thúc giục TT Trump động binh nhưng Lầu Năm Góc không chấp nhận. Hơn ai hết, các nhà quân sự chuyên nghiệp Mỹ hiểu hơn 2 chính trị gia hiếu chiến…
Thứ hai, khi Nga đã công khai đưa 100 quân nhân và 35 tấn trang bị đáp xuống Venezuela thì có nghĩa là thế trận tại Venezuela đã được Nga triển khai xong rồi. Điều này cho phép Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố rất mạnh miệng mà ta đã nghe… là vậy.
Chính vì thế, triển khai “Chiến dịch Tự do” trong thời điểm này là sai lầm. Sai lầm lớn về chiến thuật…
Chẳng hạn, điều ngạc nhiên là trong khi cuộc biểu tình đang triển khai thì không một điểm nào thuộc quân đội Venezuela bị tấn công, phá hoại… Bên ngoài điểm nóng (trước cửa căn cứ không quân La Carlota) vẫn yên tĩnh…
Hai câu hỏi mở ra là (1): Mọi khi vào thời điểm này thì lực lượng đặc biệt của Mỹ đều xuất hiện để hỗ trợ cho các cuộc cách mạng màu, nhưng tại Venezuela thì họ không xuất hiện? và (2). Tại sao 5.000 quân đánh thuê của “Hoàng tử Eric” không xuất hiện?
Tôi không tin là lực lượng đặc biệt Mỹ không có nhiệm vụ tại Venezuela mà chắc chắn nhiệm vụ của họ đối đầu với nhiệm vụ của lính đặc biệt Nga còn gọi là “người lịch sự Nga” đã có mặt, triển khai bố trí sẵn tại đây.
Chính vì thế, việc không có hoạt động hay hoạt động hạn chế của lính đặc biệt Mỹ để hỗ trợ cho Guaido từ bên ngoài là logic của vấn đề.
Tâm điểm của cuộc đảo chính là tại cứ căn cứ không quân La Carlota cách phủ tổng thống 6 dặm. Tại đây Guaido có sau lưng chừng 30 binh sỹ tuyên bố, hô hào đảo chính lật đổ TT Maduro, nhưng không thể chiếm được La Carlota.
Tại sao cần phải chiếm La Carlota? Đơn giản là để dành chỗ cho cuộc đổ bộ của 5.000 lính đánh thuê của “Hoàng tử Eric”? Với 5.000 lính đánh thuê xuất hiện tại cách phủ tổng thống 6 dặm cùng với quân đội Venezuela đổi bên, dân biểu tình tràn ngập… thì TT Maduro đầu hàng là chắc chắn.
Rốt cuộc thế nào? Lực lượng quân sự bên ngoài không xuất hiện để hỗ trợ, dân biểu tình chủ yếu là dân nhà giàu với số lượng lèo tèo, lại bị Cảnh vệ quốc gia chơi rắn và sẵn sàng nổ súng… nên xẹp hơn quả bóng bay bị kim chọc thủng.
Như vậy, trong một tình thế như trên thì Guaido và các thế lực đứng sau có nên tổ chức một cuộc đảo chính quân sự hay không?
Cuối cùng là thời điểm để phát hiện ra sai lầm đó cũng đã quá muộn. Tờ báo Mỹ WP đã chỉ ra là sai lầm “ngoạn mục” chỉ “phát hiện ra khi cuộc đảo chính đang đi ngang qua”. Nghĩa là khi phát hiện ra không có đủ lực lượng hỗ trợ thì đã quá muộn. Cuộc đảo chính không cần đánh đã tan.
- Guaido chủ quan hay bị sập bẫy?
Chiến dịch Tự do mang tính chất là một cuộc đảo chính quân sự theo công thức Lực lượng biểu tình + quân đội trong nước + lực lượng quân sự bên ngoài. Cơ sở nào mà Guaido cho rằng “Chiến dịch Tự do” là mở đầu cho giai đoạn cuối kết thúc chế độ Maduro?
Về chính trị, Phó Tổng thống Mike Pence nói rằng Mỹ ủng hộ Guaido và những người đã xuống đường biểu tình phản đối TT Maduro; Ngoại trưởng Mike Pompeo thì khịt mũi, còn John Bolton thì sao?
John Bolton, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ là người hung hăng nhất, tại một cuộc họp báo được tổ chức khẩn cấp, ông đã đưa ra tuyên bố nảy lửa:
“Mỹ muốn thay đổi quyền lực ở Venezuela càng sớm càng tốt”, “Mỹ xem xét tất cả các lựa chọn ở Venezuela”, rằng, “Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Chánh án Tòa án Tối cao Venezuela, Chỉ huy lực lượng bảo vệ Tổng thống, tất cả đều đồng ý rằng Maduro nên rời đi…”
Về quân sự, Thiếu tướng Van McCarthy của Mỹ đã đến Bogota, Thủ đô của Colombia để phân tích tình hình… và trong khi đó lính đánh thuê của Hoàng tử Eric cũng đã sẵn sàng can thiệp khi cơ hội bạo loạn nổ ra… còn lính đặc biệt Mỹ có xuất hiện hay không thì chỉ có “người lịch sự” Nga biết.
Từ bên trong, quân đội, an ninh Venezuela sẽ chuyển bên sau khi 3 người chủ chốt của chính quyền Maduro là Bộ trưởng BQP, Chánh án Tòa án và Chỉ huy trưởng lực lượng bảo vệ Tổng thống đã đồng ý phản bội Maduro… 15 điểm Guaido đưa ra dường như đều được các quan chức Maduro chấp nhận…
Mặt khác, nhân vật nổi tiếng và có uy tín nhất trong phe đối lập là cựu Bộ trưởng BQP Leopoldo Lopez được giải thoát.
Thật không may, Mỹ và Guaido đã “đánh cờ một mình” và Guaido thì chắc mẫm chiến thắng chỉ trong một nốt nhạc…
Nhưng khi đứng cách cầu vượt trước căn cứ không quân La Carlota 500m, sau lưng chừng 30 binh sỹ, hô hào, tuyên bố xong thì có sự im lặng đến đáng sợ. Có điều gì đó không ổn…
Không có hàng ngàn người biểu tình xông lên chiếm dinh Tổng thống, không có lính đặc biệt Mỹ đổ bộ gần đó, không có dấu hiệu 5.000 lính đánh thuê đổ bộ xuống La Carlota. Guaido chỉ thấy lực lượng Cảnh vệ quốc gia chơi rắn, họ dùng hơi cay đàn áp và tuyên bố sẵn sàng nổ súng…
Đau nhất của sự thảm hại này là khi Mỹ và Guaido biết bị lừa thì đã quá muộn. Trong khi bên trong không có nội ứng, ngoài không thể can thiệp, cho nên dù Bolton trực tiếp ở đó cũng bó tay huống chi Guaido chỉ là con rối.
Thất bại là rõ ràng rồi nhưng vì chủ quan hay vì sập bẫy đối phương?
Quy mô, mục tiêu, tính chất quan trọng của “chiến dịch Tự do” không phải là trò đùa, nó được lên kế hoạch, tổ chức thực hiện không thể bởi Guaido mà bởi 3 đạo diễn chính của Mỹ là Bolton, Pompeo và Abram – đặc phái viên của Mỹ về Venezuela và sự “theo dõi từng ngày của TT Donald Trump”.
Nhiều người đã biết trước cả tuần Chiến dịch Tự do này của Guaido thì cố nhiên Bộ tham mưu của Maduro cũng thừa biết. Đáng tiếc, đó không phải là nước cờ mà khiến cho Nga-Maduro biết vẫn thúc thủ. Nga – Maduro đã dạy cho Mỹ – Guaido một bài học đau đớn về chủ quan, ngạo mạn như thế nào…
theo Trí Thức Trẻ