Và đây là câu trả lời của CEO Navigos Search: Đi học không được chất vấn giáo viên, ra trường lại chủ yếu gia công, đừng hỏi vì sao nhân lực công nghệ Việt Nam thiếu sáng tạo
Trẻ, thông minh, năng động là những cụm từ được nhiều chuyên gia đồng ý khi đề cập đến lợi thế của nguồn nhân lực công nghệ thông tin Việt Nam hiện nay. Nhưng bên cạnh những mỹ từ đó, nhân sự Việt Nam còn nhiều mặt yếu kém không thể phủ nhận, đặc biệt là sự thiếu sáng tạo.
Nhiều năm làm việc tại Navigos Search, một trong những thương hiệu tuyển dụng đứng đầu thị trường hiện nay đã cho CEO Nguyễn Phương Mai cái nhìn toàn diện về nguồn nhân lực Việt nói chung cũng như nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghệ thông tin nói riêng.
“Tôi cho rằng, bên cạnh tất cả những mỹ từ miêu tả về nhân lực ICT Việt Nam, thì trong nhiều năm làm việc tại Navigos, làm việc với Vietnamwork, chúng tôi cũng nhận thấy một số yếu điểm có thể cải thiện được như kỹ năng mềm, tư duy kinh doanh, cách nhìn nhận môi trường xung quanh,…Nhưng một trong những điểm quan trọng mà khách hàng phản hồi với chúng tôi là nhân lực ICT Việt Nam rất thiếu sáng tạo“, Giám đốc điều hành Navigos Search nhận định.
Bà lý giải tính thiếu sáng tạo này xuất phát từ hệ thống giáo dục, khi học sinh không được xây dựng tư duy chất vấn, phản biện ngay từ những ngày đầu bước chân vào môi trường học tập.
“Nhìn vào hệ thống giáo dục có thể thấy, ngay từ lớp 1 các em đã không thể lên tiếng, không thể chia sẻ vì việc chất vấn, đặt câu hỏi cho giáo viên được cho là không tốt. Những em có suy nghĩ khác biệt, không tuân thủ xu hướng chung được cho là không ổn, là những người kỳ quặc”.
“Đến khi các em lớn lên đi học đại học, có thể thấy rất khó để thi vào các trường đại học nhưng tốt nghiệp lại dễ. Tôi có cơ hội làm việc với nhiều sinh viên và được các em chia sẻ rằng, các em cũng không quan tâm đến việc làm luận án chỉ cắt dán là xong thôi“.
Kết quả là khi gia nhập thị trường lao động, có cơ hội lên cấp cao hơn thì nguồn nhân lực Việt lại thiếu kỹ năng, phẩm chất, đặc biệt là sức sáng tạo cần có để ngồi ở vị trí lãnh đạo, theo như bà Mai nhận định.
“Trong công việc hằng ngày của tôi ở Navigos, có nhiều lần tôi cảm thấy rất thương, rất tiếc vì nhiều vị trí, các startup, sau khi nhận vốn từ phía nhà đầu tư, cần nhân lực Việt Nam có kinh nghiệm, có kỹ năng mềm để nâng tầm hoạt động nhưng tìm kiếm rất khó. Tất nhiên cũng có nhưng cam kết của ứng viên lại không dài hạn, đó là điểm yếu mà ứng viên Việt Nam còn thiếu”, CEO Navigos thừa nhận.
Tương tự bà Nguyễn Phương Mai, ông Nguyễn Văn Quang Huy, đồng sáng lập Holistics Software cũng đồng tình rằng nhân lực công nghệ ở Việt Nam còn nhiều điểm yếu. Tuy nhiên từ kinh nghiệm làm việc ở các công ty nước ngoài như Singapore, Mỹ, Châu Âu,…ông Huy cho rằng muốn biết nguyên nhân phía sau, cần hiểu lịch sử ngành công nghệ Việt Nam.
Ông chỉ ra rằng khác với Sillicon Valley, phần lớn các công ty Việt Nam đi lên từ gia công phần mềm-outsourcing. Trong vòng 20 năm qua, lĩnh vực outsourcing phát triển kéo theo sự gia tăng không ngừng của nhân lực trong mảng này.
“Chúng ta đã đào tạo để đội ngũ nhân lực làm tốt công việc outsourcing trong thời gian ngắn. Ví dụ một sinh viên tốt nghiệp xong được tuyển vào công ty, đào tạo qua vài khóa tập huấn là có thể làm việc tương đối tốt. Nhưng vấn đề với outsoucing là mô hình kinh doanh như vậy không khác gì một mô hình công ty chế biến, nghĩa là chúng ta chỉ gia công 1 phần sản phẩm chứ không có cơ hội được thấy toàn bộ bức tranh tổng thể”.
Vì lý do này, ông Huy cho rằng đang có sự khác biệt giữa những những gì sinh viên được đào tạo tại trường và thực tế diễn ra khi họ bước chân vào thị trường lao động.
Các trường đại học vốn tập trung vào STEM, Science, Technology, Engineering và Mathematics-các môn Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học, PV) trong khi ra trường sinh viên chủ yếu làm outsourcing. Như vậy dù có làm việc tốt, sau 1-2 năm, nguồn nhân lực này cũng chỉ đủ kỹ năng làm trong mảng riêng chứ không thể tham gia vào phát triển sản phẩm ở startup.
“Tôi nghĩ rằng đây là khoảng trống rất lớn giữa lượng kỹ sư phần mềm và số lượng những người có khả năng phát triển sản phẩm, trong khi người phát triển sản phẩm mới là người các startup đang cần”, ông Huy cho hay.
Theo Nhật Anh – Trí thức trẻ